Tháo gỡ vướng mắc đăng ký thường trú cho người di cư tự do:

Nhân văn, bảo đảm quản lý nhà nước

Thứ Hai, 09/11/2020, 08:31
Hiện nay, cả nước có khoảng 60 nghìn hộ dân di cư tự do với hơn 200 nghìn nhân khẩu, đa số từ các tỉnh miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên. Di cư tự do đã gây nên nhiều hệ lụy nghiêm trọng, đe dọa tới môi trường, đói nghèo, an sinh xã hội của khu vực này. Đặc biệt, trong số này, có hàng chục nghìn hộ dân sinh sống đã lâu nhưng không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân hay bất cứ giấy tờ tùy thân gì, cũng không đăng ký tạm trú, tạm vắng, dẫn đến chính quyền không quản lý được. Bản thân họ cũng chịu nhiều thiệt thòi.

Từng là Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an rất trăn trở về vấn đề này, nhiều lần bàn với các cơ quan chức năng của các tỉnh Tây Nguyên để giải quyết nhưng do vướng quy định nên chưa thể đăng ký thường trú cho họ được. Chính vì vậy, khi sửa đổi Luật Cư trú lần này, Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo đã có những nội dung giúp những người di cư tự do có nơi thường trú để được hưởng quyền lợi của mình.

Đại tướng Tô Lâm, ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an. Ảnh: Quang Phúc.

Những “điểm nóng” di dân tự do

Thôn 14, xã Cư KBang, là một trong những điểm nóng về dân di cư tự do của huyện Ea Súp (Đắk Lắk) bởi các hộ dân ở đây đều di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. Xã được thành lập từ năm 1998 chỉ với 400 hộ dân với khoảng 1.800 nhân khẩu, đến nay đã tăng lên gần 2.500 hộ với khoảng 12 nghìn nhân khẩu. Nhiều gia đình ở đây đã bỏ quê hương đi vài ba chục năm nên không có bất cứ thứ giấy tờ gì.

Ông Ngô Văn Tin - một trong những hộ dân di cư tự do cho biết, gia đình mới chuyển từ xã Cư Pui, huyện Krông Bông sang đây được khoảng 1 năm. Cả nhà có 6 người, di cư từ Cao Bằng vào huyện Krông Bông được 10 năm nhưng không đủ đất sản xuất, đi làm thuê không đủ ăn cho nên phải tiếp tục tìm cơ hội mới.

Anh Lò Văn Thái ở cùng thôn cũng cho biết, quê nhà ở huyện Ba Bể (Bắc Kạn), do cuộc sống khó khăn, một lần anh theo người quen vào huyện MĐrắc (Đắk Lắk làm thuê, rồi sau đó trở về đưa cả gia đình vào ở nhờ nhà người quen. Vào rừng phát dọn được một khoảnh đất dựng nhà, ở được 3 năm thì bị giải tỏa nên đưa gia đình sang đây sinh sống. Anh dựng tạm túp lều ven rừng rồi đi làm thuê nuôi vợ con, chứ không có tiền mua đất. Anh hy vọng sau này xã sẽ di dời vào vùng dự án để ổn định cuộc sống lâu dài.

Còn ở tiểu khu 179, thuộc xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, Lâm Đồng - nơi cách trung tâm xã khoảng 70 km, giáp ranh với hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông cũng là một trong những điểm nóng về di cư tự do. Tiểu khu 179 thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn Sê-rê-pốk, dọc hai bên tuyến trước kia là những cánh rừng ngút ngàn nhưng giờ đã bị tàn phá...

Cách đây gần 20 năm, một số hộ đồng bào dân tộc Mông từ các tỉnh phía Bắc bắt đầu di cư tự do vào khu vực này. Sau đó, tỉnh Lâm Đồng tổ chức di dời họ về định cư tại thôn 5, xã Rô Men, huyện Đam Rông. Nhưng, sau một thời gian, một số hộ lại trở về nơi cũ, tiếp tục phá rừng làm rẫy. Đến nay,  tiểu khu đã lên tới gần trăm hộ, khoảng 600 nhân khẩu.

“Bản” mới của người Mông, ngoài những hộ dân đã vào từ những năm đầu thành lập huyện Đam Rông, có đất sản xuất, nhà cửa khá ổn định, còn rất nhiều hộ mới đến, gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Do ở trong rừng phòng hộ nên người dân không thể đăng ký thường trú được vì đây là nơi ở không hợp pháp. Vì vậy, việc học hành của con cái vô cùng khó khăn, ốm đau bệnh tật cũng không có điều kiện chữa trị vì quá xa trung tâm, lại không có bảo hiểm y tế...

Thôn Ea Lang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông (Đắk Lắk) thì được ví là “làng siêu đẻ” bởi mỗi cặp vợ chồng có 5-7 người con. Thôn chỉ có hơn 140 hộ nhưng có gần 900 nhân khẩu, vị chi bình quân mỗi hộ ở Ea Lang có 6,5 nhân khẩu. Tảo hôn, đông con đã khiến gia tăng tình trạng thất học, nghèo đói khó thay đổi. Chị Lò Thị Mí cho biết, lấy chồng từ năm 15 tuổi, hiện nay 25 tuổi, chị đã có 5 đứa con, tất cả đều đẻ ở nhà vì không có tiền đi trạm xá, cũng không có giấy tờ cho con đi học, không biết bảo hiểm y tế là gì.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, di dân tự do đã làm phát sinh tranh chấp đất đai, ồ ạt phá rừng để lấy đất sản xuất, khiếu kiện kéo dài và phát sinh nhiều vấn đề buộc chính quyền địa phương phải giải quyết như y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng...

Người dân di cư tự do phải chịu nhiều thiệt thòi. Từ chuyện chăm sóc y tế đến giáo dục và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Rất nhiều trường hợp người dân thuộc diện di cư tự do gặp khó khăn chính quyền muốn giúp đỡ nhưng họ không có sổ hộ khẩu, là điều kiện bắt buộc để được hưởng các chính sách an sinh xã hội theo quy định...

Lớp học dành cho con em các hộ dân di cư tự do.

Sửa Luật để  giúp dân ổn định cuộc sống

Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội về dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã chia sẻ trăn trở của ông về việc quản lý cư trú cho đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ phía Bắc vào Tây Nguyên.

“Nhiều gia đình đã đi vài ba chục năm, họ không có bất cứ giấy tờ gì, cũng không có chỗ ở hợp pháp vì chủ yếu là phá rừng làm rẫy nên không thể đăng ký tạm trú, thường trú. Bà con lại thường ở nhiều nơi, từ điểm này sang điểm khác. Đi đến đâu, bà con phát nương làm rẫy đến đó, rừng bị phá, con em sinh ra không có hộ khẩu, không được chăm lo đến nơi đến chốn về giáo dục, y tế...”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Chính vì vậy, trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi), Bộ Công an đã tạo điều kiện cho số dân cư này theo hướng, nếu không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại mà người đó đang sinh sống; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống.

Người không có nơi thường trú, không có nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại để đăng ký quản lý. Như vậy, với quy định này, thì không cần giấy tờ gốc, không có chỗ ở hợp pháp, người dân di cư tự do vẫn được đăng ký thường trú, tạm trú, giúp họ ổn định cuộc sống, được quan tâm chăm lo, giáo dục, y tế.

Phát biểu về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) khẳng định đây là một nội dung hết sức quan trọng trong phạm vi điều chỉnh cơ bản của Luật Cư trú. Đại biểu bày tỏ cảm ơn các cơ quan chức năng đã tiếp thu, chỉnh lý dự án luật về quy định quản lý cư trú đối với những người di cư tự phát, với hàng chục nghìn hộ dân di cư tự phát chưa được đăng ký hộ khẩu đang từng ngày mong chờ sự đổi thay về quản lý cư trú của dự án luật lần này để họ được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật.

Đại biểu tha thiết đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn trong dự thảo luật lần này về trường hợp các hộ dân di cư tự phát đang định canh, định cư ổn định tại những khu vực trong quy hoạch đã được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì coi đó là chỗ ở hợp pháp để đăng ký cư trú theo luật quy định. Đại biểu Nguyễn Tạo cũng khẳng định vấn đề này đã được Bộ trưởng Tô Lâm rất quan tâm cùng với các cấp chính quyền các tỉnh Tây Nguyên tháo gỡ vướng mắc.

Một điểm di dân tự do được chính quyền địa phương bố trí nơi ở.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội Hoàng Thanh Tùng, trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm ổn định đời sống, trong đó có việc đăng ký cư trú đối với những người dân di cư tự do. Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/2020/NQ-CP ngày 1-3-2020 về ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường; theo đó, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do, hoàn thành công tác bố trí toàn bộ số hộ dân đã di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch, hoàn thành việc đăng ký hộ tịch, cư trú cho các hộ dân di cư tự do đủ điều kiện theo quy định.

Biết tin Quốc hội đang bàn về Luật Cư trú, sẽ đăng ký thường trú cho những người dân từ phía Bắc vào Tây Nguyên mất hết giấy tờ như mình, chị Lò Thị Mai (ở khu 271, nằm trên địa bàn xã Cư Mlan, Ea Súp, Đắk Lắk) vui mừng không kể xiết, vì gia đình chị rời quê đến đây đã hơn 20 năm nhưng không được chế độ gì của Nhà nước vì không có giấy tờ lại nằm trong lõi rừng. “Từ khi Nhà nước quy hoạch khu dân cư, xây nhà cho ở, chúng tôi mừng lắm vì có nhà cửa cao ráo, ổn định, sạch sẽ, các cháu cũng được đi học. Tuy nhiên, hộ khẩu thì chưa làm được vì không có giấy tờ gì. Nếu được đăng ký thường trú, chúng tôi sẽ có bảo hiểm y tế, mẹ tôi hơn 80 tuổi được trợ cấp”.

Niềm vui của chị Mai cũng là niềm vui chung của hàng vạn hộ dân từ miền núi phía Bắc vào Tây Nguyên. Bởi, chỉ ít ngày nữa thôi, khi Luật Cư trú được thông qua và có hiệu lực, họ sẽ thực sự trở thành công dân hợp pháp với đầy đủ giấy tờ, quyền lợi trong tay...

Điều 19. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú

1. Nơi cư trú của người không có chỗ ở hợp pháp hoặc có chỗ ở hợp pháp nhưng không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại mà người đó đang sinh sống; trường hợp không có chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, không có nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại để đăng ký quản lý.

2. Cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm hướng dẫn việc khai báo thông tin về cư trú theo các trường hợp thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú.

 3. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này chưa có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin; trường hợp phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không quá 60 ngày.

4. Trường hợp người quy định tại khoản 1 Điều này đã có thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận thông tin khai báo, cơ quan đăng ký cư trú tiến hành kiểm tra, xác minh thông tin. 

5. Sau khi kiểm tra, xác minh, cơ quan đăng ký cư trú cập nhật thông tin của công dân về nơi ở hiện tại và các thông tin khác vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đã khai báo về việc đã cập nhật thông tin.

6. Trường hợp có thay đổi thông tin về cư trú thì công dân phải khai báo lại với cơ quan đăng ký cư trú để rà soát, điều chỉnh thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú; khi đủ điều kiện theo quy định của Luật này thì phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.

Phương Thủy
.
.