Nhật Bản: Làn sóng phản đối nhà hàng không tuyển nữ phục vụ đeo kính

Chủ Nhật, 18/10/2020, 09:50
Đối với những người có vấn đề thị lực, kính là một vật dụng thiết yếu. Mặc dù vậy, các công ty Nhật Bản vẫn tìm lý do để hạn chế phụ nữ sử dụng nó khi làm việc như mất an toàn lao động, tạo cảm giác lạnh lùng cho khách hàng...

Tuy nhiên, lý do chính khiến cho cộng đồng mạng “dậy sóng” thời gian gần đây là các nhà hàng Nhật Bản cho rằng kính cận không phù hợp với trang phục kimono.

Ở các quán cà phê, khách phải trả tiền để được chụp ảnh cùng nhân viên.

Thiếu tôn trọng người mắt kém?

Không ít nhà hàng ở xứ sở hoa anh đào cấm nhân viên, đặc biệt là nữ, đeo kính cận với lý lẽ họ có thể làm rơi vào đồ ăn của thực khách hoặc tạo ra ánh nhìn thiếu tôn trọng. Trong thời gian đồng hành cùng #KuToo - chiến dịch chống lại đạo luật bắt buộc phụ nữ Nhật Bản đi giày cao gót, nhà báo Ikuko Takeshita của tờ Business Insider nhận được nhiều phản hồi khác về việc bị cấm sử dụng kính cận khi đi làm, đặc biệt đối với nhân viên nữ.

Tài khoản Twitter @wine_kimono cho biết cô đã làm việc tại nhiều nhà hàng mà nhân viên phải mặc đồng phục là kimono. Mặc dù trang phục truyền thống khiến việc di chuyển khó khăn khi làm phục vụ bàn, điều đó không làm cô bận tâm. Với cô, quy định không được đeo kính mới là điều khó chịu nhất.

Trên thực tế, nhiều nhà hàng cảm thấy đeo kính với kimono là sự cẩu thả trong việc lựa chọn trang phục hay cách ăn mặc thiếu tôn trọng người nhìn. Sau khi những chia sẻ trên lan truyền trong cộng đồng mạng, làn sóng phản đối quy định về trang phục nói chung và kính cận nói riêng của các nhà hàng xứ sở hoa anh đào xuất hiện.

Nhiều người cho rằng chủ nhà hàng đang quá coi trọng hình thức bên ngoài của các nhân viên nữ thay vì năng lực và kinh nghiệm của họ. Đồng thời, vấn đề này thể hiện việc phân biệt đối xử đối với phái nữ tại nơi làm việc trong xã hội.

Cấm chụp hình

Mặc dù người Nhật rất yêu thích nhiếp ảnh, đến mức mọi bức tranh biếm họa của họ đều có kính hoặc máy ảnh, nhưng thực tế họ rất quan tâm đến quyền riêng tư và hình ảnh cá nhân. Khách du lịch nước người đến Nhật thường rỉ tai nhau một số quy tắc chụp ảnh, quay phim, nhằm tránh rắc rối không đáng có xảy ra.

Khi đi ăn ở nhà hàng tại Nhật Bản, bên cạnh các nghi thức và cách cư xử trên bàn ăn, du khách nên tìm hiểu thêm một số quy tắc về việc quay phim, chụp ảnh tại đây. Điều này cho thấy bạn đang tôn trọng các món ăn được phục vụ cũng như nhân viên và thực khách khác. Bàn ăn Nhật Bản được trình bày rất đẹp mắt. Vì vậy, du khách có thể thoải mái chụp lại bàn thức ăn phong phú của mình nếu không nhận thấy dấu hiệu cấm chụp ảnh xung quanh.

Nhiều người Nhật cũng chụp ảnh bữa ăn của họ, do đó du khách cũng không phải cảm thấy khó xử khi làm điều này. Tuy nhiên, điều quan trọng cần chú ý là du khách chỉ nên chụp ảnh đồ ăn chứ không phải các khách hàng khác, nội thất cửa hàng hoặc nhân viên.

Trên thực tế, không có luật cấm việc chụp ảnh người dân ở những nơi công cộng Nhật Bản. Tuy nhiên, họ có khá nhiều quy tắc nghiêm ngặt liên quan đến ảnh và video. Để tránh các vấn đề không hay có thể xảy ra, du khách nên tôn trọng các quy tắc này, xin phép trước khi muốn chụp người khác hay đồ ăn, không gian quán ăn của họ.

Văn Hùng (Theo QZ)
.
.