Nhật Bản gặp khó khăn trong dẫn dắt RCEP

Thứ Tư, 22/04/2020, 18:53
Covid-19 hoành hành đã làm cản trở tiến trình đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Nhật Bản có thể sẽ buộc phải từ bỏ mục tiêu hoàn tất hiệp định này trong năm nay do sự phản đối ở trong nước.

Không thể mắc thêm sai lầm

Nhiều khả năng Nhật Bản sẽ đặt ưu tiên hàng đầu cho việc vực dậy nền kinh tế vốn đang chịu cú sốc do dịch bệnh gây ra trong thời gian dài. Điều này sẽ khiến Thủ tướng Shinzo Abe gặp nhiều khó khăn để thúc đẩy các hiệp định tự do thương mại, bao gồm RCEP.

Đại dịch COVID-19 có nguy cơ làm gia tăng áp lực giảm phát đối với nền kinh tế Nhật Bản vốn đang trên bờ vực suy thoái, khi các biện pháp giãn cách xã hội buộc người dân phải ở nhà và chi tiêu ít hơn.

Ông Hiroshi Ugai, chuyên gia kinh tế trưởng của Công ty JPMorgan Securities Japan, cho rằng dù các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm vẫn giữ giá, song nhìn chung Nhật Bản ngày càng có nguy cơ quay trở lại tình trạng giảm phát. Chuyên gia này cảnh báo giá một loạt hàng hóa sẽ bắt đầu giảm xuống vào mùa thu này, đồng thời dự đoán kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng âm 4% trong năm nay.

Khảo sát Nowcast cho thấy trong khoảng thời gian từ ngày 16 đến 31-3, chỉ số chi tiêu tiêu dùng cho khách sạn và công viên giải trí đã giảm lần lượt gần 10% và 28%, trong khi hạng mục vé máy bay giảm 14% và chi tiêu cho vé tàu ghi nhận mức giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều lĩnh vực đã bị ảnh hưởng bởi quyết định của chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với nhiều thành phố lớn, trong đó có thủ đô Tokyo. Tuyên bố này kêu gọi người dân ở nhà, nhiều cơ sở kinh doanh ngừng hoạt động và các nhà hàng đóng cửa sớm.

Bên cạnh đó, Nhật Bản vẫn đang chứng khiến làn sóng phá sản doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ. Nếu dịch bệnh kéo dài, tình trạng này có thể sẽ còn gia tăng và cuốn theo nhiều việc làm. Giới phân tích cho rằng điều này sẽ làm giảm sức chi tiêu của các hộ gia đình, từ đó gây áp lực giảm giá.

Trong khi đó, việc mở rộng tự do thương mại chắc chắn sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của một số lĩnh vực tại Nhật Bản như nông nghiệp do việc xóa bỏ hoặc giảm thuế quan sẽ làm cho các sản phẩm giá rẻ từ nhiều nước khác tràn ngập thị trường trong nước. Việc vực dậy nền kinh tế vốn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự lây lan dịch của dịch bệnh sẽ mất nhiều thời gian và khi đó, Thủ tướng Abe không thể mắc thêm bất kỳ sai lầm nào mặc dù ông muốn để lại di sản cá nhân về vấn đề thương mại tự do.

Giờ đây ông Abe phải tỏ ra thận trọng hơn với RCEP.

Yếu tố ảnh hưởng từ Trung Quốc

Năm 2012, 10 nước ASEAN đã đề xuất thiết lập RCEP, trong đó bao gồm sự tham gia của 6 nước khác ngoài khu vực gồm Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. Kể từ khi lên nắm quyền hồi tháng 12-2012, ông Abe đã hào hứng ký kết các thỏa thuận thương mại tự do giữa Nhật Bản với các nước khác trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy xuất khẩu, một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản. Sự hào hứng và mối quan tâm của ông Abe không nằm ngoài RCEP, hiệp định chiếm 1/3 nền kinh tế toàn cầu.

Tại một hội nghị cấp cao diễn ra ở Thái Lan hồi tháng 11-2019, các nhà lãnh đạo RCEP đã cam kết đi đến một thỏa thuận vào năm 2020, nêu rõ trong một tuyên bố rằng 15 nước thành viên không bao gồm Ấn Độ đã "kết thúc các cuộc đàm phán trên văn bản".

Hiện nay, nếu Thủ tướng Abe thúc đẩy các cuộc đàm phán RCEP trước khi nền kinh tế nước này hồi phục thì sẽ dẫn tới sự phản đối mạnh mẽ của người dân. Người này khuyến nghị rằng Nhật Bản nên tập trung nhiều hơn vào phục hồi nền kinh tế chứ không phải chú trọng đến thương mại tự do, ít nhất là trong năm nay.

Một cuộc điều tra do các nhà kinh tế thuộc các thể chế tư nhân tiến hành và được công bố vào đầu tháng 4-2020 dự đoán rằng nền kinh tế Nhật Bản, hiện đứng thứ ba thế giới, sẽ suy giảm trong quý II/2020 so với quý trước đó. Trong khi đó, giới phân tích nhận định quan hệ kinh tế Nhật Bản với Trung Quốc cũng sẽ cản trở việc hiện thực hóa RCEP trước cuối năm 2020.

Trước tình hình các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn do ảnh hưởng từ sự bùng phát dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc đã tác động nặng nề đối với các nhà sản xuất, Chính phủ ông Abe gần đây đang thúc đẩy mục tiêu tăng cường sản xuất và tiêu dùng trong nước.

Đầu tháng 3-2020, Thủ tướng Abe cho rằng Nhật Bản không nên phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc về các mặt hàng công nghiệp và sản phẩm có giá trị, kêu gọi các công ty nước này di chuyển một số nhà máy khỏi Trung Quốc và trở lại hoạt động ở Nhật Bản. Theo một tài liệu do Chính phủ Nhật Bản công bố, mức độ phụ thuộc của nước này đối với hàng hóa trung gian của Trung Quốc đã vượt quá 20% trong cả xuất khẩu và nhập khẩu, mức độ phụ thuộc lớn nhất trong số các nước kinh tế phát triển.

Junichi Sugawara, chuyên gia chính sách thương mại thuộc Viện Nghiên cứu Mizuho tại Tokyo giải thích: "Nhiều nước tham gia RCEP ngày càng lo lắng việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc khi họ không thể nhập khẩu những thiết bị và sản phẩm quan trọng từ Trung Quốc, làm tổn thương các hoạt động kinh tế kể từ đầu năm nay". Chuyên gia này bày tỏ quan ngại rằng nhiều quốc gia mong muốn tự sản xuất và sở hữu những hàng hóa và sản phẩm quan trọng cho riêng mình cứ như thể quá trình toàn cầu hóa bị đảo lộn. Xu hướng này sẽ cuỗm đi động lực của các nước về việc mở cửa thị trường của mình. Ông Sugawara cũng nhận định các nước sẽ rất khó đạt được RCEP trong năm nay.

Khác với tình hình thời điểm cuối năm 2019, trong bối cảnh bùng phát của dịch bệnh COVID-19, các nước sẽ cần phải đánh giá lại chính sách thương mại của mình với Trung Quốc trong khoảng thời gian hơn một năm.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.