Nhìn lại kỷ nguyên thời trang của Christian Dior

Thứ Năm, 13/12/2018, 16:36
Chỉ với một cuộc lăng xê phục sức mới, Christian Dior - một nhà tạo mẫu “vô danh” đã làm thay đổi cuộc sống của nữ giới toàn cầu, biến đổi hoàn toàn vẻ ngoài cố hữu của họ.

Sau vài tháng xuất hiện, Christian Dior (1905-1957) đã làm lu mờ những “vinh danh kiên định” được khẳng định theo năm tháng của các nhà mốt lừng danh như Balmain, Balenciaga, hay Lelong, thậm chí cả Fat “bất hủ”… để choàng cho phái yếu những phục sức đúng với mơ ước của họ; đồng thời khiến cái tên Dior huyền thoại trở thành biểu tượng khắp hành tinh về thứ mốt thời trang duyên dáng thượng hạng.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, sau những thăng trầm đột biến của làng thời trang thế giới, nhãn hiệu Dior vẫn tiếp tục là một trong những biểu tượng chói sáng nhất của “kinh đô ánh sáng” Paris - cái nôi thời trang của thế giới, cũng như luôn thống trị làng mốt cao cấp toàn cầu.

Nhà tạo mốt huyền thoại Christian Dior lúc sinh thời.

Đó là ngày 12-2-1947. Sáng đó người Paris lạnh run vì nhiệt độ âm 13 độ C. Than sưởi không có, còn ban biên tập các tòa báo truyền thông đang đình công vô thời hạn. Nhưng cuối cùng người ta vẫn truyền tai nhau một tin vô cùng trọng đại vừa xảy ra trong ngày: tại một ngôi nhà trên phố Montén vừa xuất hiện một nhà thiết kế thời trang mới; hơn nữa là: Mốt mới! “Thứ mốt, sắp tới sẽ là đường hướng chủ đạo cho trang phục phụ nữ 5 châu - từ Mỹ Latin tới Australia”, như nguyên văn lời nhận định của một chuyên viên thời trang am hiểu khi ấy.

Song song với những lời nhận xét nêu trên, trong thực tế đã khởi đầu một sự nghiệp rực sáng: nhân danh Christian Dior; của một cá nhân, bỗng chốc đã trở thành biểu tượng; của một nhà mốt, vang tên trên mọi ngóc ngách địa cầu. Sự thành công “kỳ thú và chớp nhoáng” của cái con người đáng cổ vũ này, một người đàn ông “cục mịch”, với vẻ ngoài không thể cho đó là “người hùng” sẽ nguyện cống hiến trọn đời cho mốt nữ giới, quả đúng là một điều kỳ diệu.

Sinh ra trong một gia đình tư sản giàu có chốn tỉnh lẻ, Christian Dior lên Paris cùng sự xếp đặt của cha mẹ là theo học Đại học Bách khoa, bất chấp những sở thích của Christian về âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Chàng trai trẻ tuổi nhanh chóng hòa nhập với lối sống thủ đô: năng động, thông minh, sáng tạo, đầy nhiệt huyết với những cái mới.

Khi Dior được 22 tuổi, cha mẹ cho phép anh mở một phòng triển lãm tranh thuộc sở hữu riêng, với điều kiện là không được trưng tên mình lên phía trước. Dior chấp thuận, và gallery trên phố La Bourse trở thành chốn tụ tập của nhiều người nổi tiếng…

Nhưng việc này không kéo dài được lâu, đến giữa năm 1929 trong thời gian cuộc Đại khủng hoảng kinh tế thế giới gia đình Dior lâm vào cảnh phá sản khiến chàng trai bị ném ra ngoài đường, thất nghiệp và vô gia cư.

Robe Beige, một thợ may quần áo thời trang nổi tiếng đương thời đã phát hiện ra khả năng thẩm mỹ tạo hình của Dior, liền vời anh về làm nhà thiết kế chính. Lucien Lelong (1889-1958) với biệt hiệu “Vua bông”, hay Marcel Boussac (1889-1980) chủ nhà mốt Philip & Gaston danh tiếng giữa đại lộ Champs - Élysées sầm uất… đều là những người cộng tác chặt chẽ với nhà tạo mẫu trẻ tuổi Dior. Chính M.Boussac đã trao toàn quyền cho Christian Dior và dẫn đến “cuộc cách mạng về mốt” dạo năm 1947 như đã nói ở trên.

Quả đúng vậy, lịch sử thời trang toàn cầu vốn bị gián đoạn bởi hai cuộc Thế chiến, giới tạo mốt khi ấy “quả cảm” lắm cũng chỉ đưa ra được kiểu mốt váy ngắn cho phụ nữ, nhưng lại phô trương đầu gối - “bộ phận xấu nhất trên cơ thể phái yếu” như người ta thường khẳng định.

Christian Dior làm cuộc cách mạng bằng những mốt duyên dáng thướt tha che phủ cặp gối, nhưng lại không quá dài và dễ vướng; bên trên là kiểu áo vai tròn, chiết li quanh ngực. Trọn bộ váy áo đều tô đậm cả “3 vòng” - những tiêu chuẩn tiên phong muôn thuở về vẻ đẹp toàn vẹn của nữ giới, tôn vinh xứng đáng hai màu tương phản đen - trắng truyền thống.

Những người “mê” váy ngắn thì phản bác kịch liệt, thậm chí người ta còn nêu vấn đề kinh tế ra nữa: kiểu váy áo mới thật… tốn vải! Nhưng bất chấp tất cả, 90 kiểu “New Lux” - như dân Mỹ gọi - đã chinh phục thị trường Hoa Kỳ, thị trường thời trang lớn nhất thế giới. Christian phải đào tạo cấp tốc 40 thợ may cao cấp chuyên nghiệp và cử  đại diện tới New York, cốt để thỏa mãn các kiểu mốt New Lux đang biến thành “cơn sốt” tại đây; đồng thời khẳng định quan điểm: “Mốt New Lux duyên dáng chưa hẳn là đã duyên dáng, nếu như  không được may bởi những nghệ nhân điêu luyện”.

Cho đến bây giờ, trường phái New Lux vẫn tiếp tục tồn tại trong lịch sử ngành thời trang quốc tế, chúng hiện hữu dưới thương hiệu “Dior” ngạo nghễ từ trang phục ngoài tới đồ nội y, giày dép, quần áo trẻ em, nước hoa, mỹ phẩm… thậm chí cả kính râm!

“Trọn cuộc đời tôi là dành cho các kiểu váy áo, biến vương quốc của các ước mơ thành vương quốc của những điều hiện thực”, đó là lời thổ lộ tâm huyết của Christian Dior lúc sinh thời. Tới năm 1955, Christian Dior đã phát hiện ra một chàng trai 18 tuổi rất có tài trong lĩnh vực thiết kế thời trang, mở đường cho “đế chế” của Yves Saint Laurent (1936-2008) lừng danh - người kế tục xứng đáng sự nghiệp của Dior huyền thoại.

Christian Dior mất năm 1957. Tới năm 1958, Y.S. Laurent phải nhập ngũ, thay anh là nhà thiết kế Marc Bohan cũng là người bảo đảm tính tiên phong liên tục của kiểu thời trang New Lux, trong khi cả hai “sư tử đầu đàn” đều vắng mặt. Chính nhờ M. Bohan đại tài mà “kỷ nguyên thời trang Dior” không bị gián đoạn.

Thay lời kết, chúng ta cần nhắc lại lời nói của siêu tỉ phú mốt Yves Saint Laurent: “2 năm đầu sự nghiệp tôi làm việc với Dior. Ông đã dạy tôi những điều quan trọng nhất trong lĩnh vực thiết kế thời trang. Dior - đó là bức tranh sinh động của tình thầy trò, xứng đáng được treo lên chỗ trang trọng nhất trong bức hoành tráng chung về kỹ nghệ mốt toàn cầu”.

Thu Hường (theo Elle)
.
.