Những bác sĩ vững vàng trước đại dịch

Thứ Tư, 08/04/2020, 22:36
Những ngày tháng này, Bệnh viện Bạch Mai được coi là tâm dịch COVID-19 của Hà Nội. Trong khi mỗi sáng thức giấc, tất cả mọi người đều đang quan tâm tới việc hôm nay có bao nhiêu ca nhiễm mới, họ là ai, chịu ảnh hưởng như thế nào, biện pháp cách ly để bảo đảm an toàn cho người xung quanh ra sao... thì các y, bác sĩ, nhân viên y tế tại Bệnh viện Bạch Mai đang túc trực 24/24h đồng lòng chống dịch.

Có nhiều y, bác sĩ đã xa gia đình nhiều ngày tháng nhưng tất cả đều chung một ý chí là cứu người, không lùi bước trước dịch bệnh.

"Lương y như từ mẫu"

Bác sĩ Trần Hải Ninh (Trưởng Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) là một trong những bác sĩ tham gia điều trị trực tiếp cho các bệnh nhân từ ngày đầu tiên đón đoàn công dân Việt Nam ở Vũ Hán về nước. Từ đó cho đến nay, chị cùng các đồng nghiệp vẫn dành toàn bộ thời gian ở bệnh viện để chăm sóc người bệnh, coi bệnh viện là nhà.

Chị chia sẻ, hằng ngày trong bộ quần áo bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, xung quanh mình lúc nào cũng là hình ảnh các loại đèn sáng trưng 24/24h, rồi đâu đâu cũng toàn là máy móc, liên tục phát ra từ tiếng kêu, rồi tiếng báo động phát ra từ máy móc đó, thực sự nếu không được rèn luyện thì chắc chắn tâm lý cực kỳ căng thẳng, chưa nói đến nguy cơ lây nhiễm.

Các y, bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới trung ương chúc mừng bệnh nhân nhiễm Covid khỏi bệnh, ra viện.

Các chị hoàn toàn biết được rằng, khi mình bước qua cánh cửa để vào buồng thăm khám cho bệnh nhân là phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao COVID-19 nhưng điều đó cũng không thể làm ảnh hưởng đến công việc của các chị. Các chị biết rằng, nếu các bác sĩ nơi tuyến đầu mà lùi bước thì ai sẽ là người làm, “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Hầu hết các y bác sĩ khi đã vào chăm người bệnh là chấp nhận cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài, gia đình, người thân. Mọi người trong bệnh viện trở thành người thân, người nhà có thể chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn thời COVID.

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Cẩm Phương, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, dù các chị không phải là những người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 nhưng cũng là những người đang thực hiện lệnh cách ly của toàn bệnh viện. Nơi đây lại là tuyến cuối trong điều trị bệnh chuyên ngành y học hạt nhân và ung thư, vì vậy hằng ngày Trung tâm luôn tiếp nhận và điều trị nhiều ca bệnh khó, nặng, mắc nhiều bệnh lý phối hợp.

Chị Phương cho biết, Trung tâm may mắn được nằm trong Bệnh viện Bạch Mai là bệnh viện đa khoa hàng đầu của Việt Nam nên có nhiều thuận lợi và cơ hội kết hợp với nhiều chuyên khoa, với nhiều chuyên gia, giáo sư hàng đầu của Việt Nam... Chính điều này đã giúp các bác sĩ chuyên khoa ung bướu có thể chẩn đoán và điều trị nhiều ca bệnh khó, nặng, đặc biệt các bệnh nhân ung thư mắc nhiều bệnh phối hợp như suy tim, đái tháo đường, suy gan, suy thận, tai biến mạch máu não...

Chính nơi đây là nơi những người bệnh có bệnh nền nhiều, nặng nên việc cách ly phải đảm bảo tuyệt đối. Với những bệnh nhân nặng, nhiều bệnh lý phối hợp đang điều trị tại Trung tâm sức đề kháng yếu nên sẽ dễ mắc bệnh COVID-19 hơn các đối tượng khác và nếu mắc thì nguy cơ tử vong sẽ rất cao. Chính vì vậy, các chị luôn lấy phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Hiện nay, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu đang điều trị cho 30 bệnh nhân, trước thời điểm Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly thì những bệnh nhân này chưa thể ra viện được. Đến nay, tình trạng của 30 bệnh nhân này đã tiến triển tốt hơn, một số người bệnh đã có thể ra viện, một số người bệnh cần phải điều trị thêm một thời gian nữa để ổn định tình trạng bệnh rồi mới có thể xuất viện được.

Khi bệnh viện bị cách ly, người nhà người bệnh cũng phải ra khu vực cách ly. Bản thân người bệnh cũng hoang mang, lo lắng. Cán bộ nhân viên Trung tâm ngoài giờ làm chuyên môn còn thường xuyên trò chuyện, động viên họ. Đến nay, người bệnh tại Trung tâm đã lạc quan, tin tưởng vào đội ngũ y, bác sĩ tại Trung tâm.

Những giọt nước mắt hạnh phúc vì nghề đã chọn mình

Ths. Phan Thị Thu Huệ, Điều dưỡng trưởng Trung tâm chia sẻ, vì hầu hết điều dưỡng là nữ, họ cũng là người mẹ, người vợ trong gia đình, phải túc trực, ứng phó, chống chọi cùng các anh chị em nhân viên trong viện nhưng cũng phải lo cho gia đình, người thân... Tuy nhiên, đối với những điều dưỡng trẻ khác, việc phải vào bệnh viện làm việc và cách ly một thời gian tương đối dài, cũng gặp không ít khó khăn, khi các bạn ấy còn con nhỏ.

Sau giờ làm việc, một số bạn vừa gọi điện thoại nói chuyện với con vừa khóc vì nhớ và thương con. Sau những phút yếu lòng ấy, họ lại quay lại công việc với tất cả 100% sức lực của mình để chăm sóc cho người bệnh. Hằng ngày, họ trò chuyện, thăm hỏi, đọc sách, tắm gội cho người bệnh giúp họ cảm thấy thoải mái, phấn chấn như đang có người thân bên cạnh.

Bữa ăn vội của y, bác sĩ trong Bệnh viện.

Thời gian Bệnh viện Bạch Mai bị cách ly và bị coi là ổ dịch, ngoài việc phải chăm sóc bệnh nhân 24/24h cũng là dịp để họ có nhiều thời gian hiểu nhau hơn, hỗ trợ nhau và chia sẻ cho nhau trong công việc, cùng nhau tham gia các hoạt động rèn luyện thể lực như đánh cầu, chạy bộ, tập văn nghệ...

Các y, bác sĩ tại Bệnh viện Bạch Mai đang hằng ngày, hằng giờ chống chọi đại dịch COVID-19, chăm sóc bệnh nhân. Đáp lại tình cảm của các y, bác sĩ dành cho bệnh nhân, nhiều cá nhân, đơn vị đã hỗ trợ bệnh viện. Lương thực được chuyển đến, các bác sĩ và điều dưỡng tiếp nhận và phân chia về các khoa cho các bệnh nhân và cho chính mình. Bệnh nhân được ưu tiên ăn trước; bác sĩ, điều dưỡng ăn sau. Thực sự cuộc sống trong viện như một căn nhà thứ hai của họ.

PSG.TS Dương Đức Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, nếu việc phòng, chống COVID-19 là một cuộc chiến, thì các y, bác sĩ là những chiến sĩ ở tuyến đầu. Các bác sĩ tại Bạch Mai chấp nhận tất cả khó khăn về mặt vật chất, chính các y, bác sĩ là những người đang làm nhiệm vụ chăm sóc bệnh nhân và tham gia chống dịch nhưng tất cả đều không lùi bước bởi niềm tự hào khi được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng.

Điều họ mong muốn nhận lại đó là: "Mọi người hãy tin ở chúng tôi. Chúng tôi cần nhất là sự ủng hộ về tinh thần". Đó là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất tiếp thêm sức mạnh cho họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Mới đây, các y, bác sĩ tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã nghĩ ra một bất ngờ cho các bệnh nhân và các y bác sĩ là trong mỗi suất ăn, họ gấp một tờ giấy, trong đó có những câu thơ động viên tinh thần và những hình vẽ ngộ nghĩnh, đáng yêu như một lời nhắn nhủ tới tất cả mọi người cùng đấu tranh đẩy lùi dịch COVID-19. Mọi người ăn ngon hơn vì được thưởng thức thêm một món quà tinh thần trong thời buổi mọi thứ đều trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Một bệnh nhân đã điều trị bệnh ung thư tại Khoa Ung bướu 3 năm nay đã làm thơ tặng các bác sĩ những câu thơ vui tươi: "Giữa cuộc đời phẳng lặng/ "Víp-cô" kia đã nhảy thẳng vào em/ Em thắng giặc nên víp thử thách thêm/ Một lần nữa xem em còn sức mạnh/ Chống dịch này như chống giặc ngày xưa/ Thần tốc, thần tốc/ Sẽ dập, diệt lũ "Cô-vít" nhanh nhất/ Trả lại em cảnh nhộn nhịp hôm nào/ Cảnh giao ban với cả vạn lời chào/ Giữa bệnh nhân và thiên thần áo trắng/ Em sẽ thắng, nhất định em sẽ thắng/ Ở nơi em có sức trẻ ngàn cân/ Có lòng quyết tâm biến niềm tin thành sức mạnh"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.