Những gương mặt tình báo

Thứ Tư, 17/12/2014, 21:30
Về các nhân vật tình báo, người đọc đã được tiếp xúc với nhiều tác phẩm kể về những điệp viên lừng lẫy như các ông Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Nguyễn Đình Ngọc. Có nhân vật, nhà văn đã thu thập được nhiều tài liệu, lại có điều kiện trực tiếp phỏng vấn (Hữu Mai, Nguyễn Thị Ngọc Hải), cũng có nhân vật không để lại một tài liệu hoặc bút tích gì khiến nhà văn phải mò mẫm đi tìm tư liệu gián tiếp nhiều năm trời.

Trong cuốn "Những người ở ngôi nhà mật" tác giả Khổng Minh Dụ viết về những người cùng trong một tổ chức tình báo của mình. Ông thể hiện tư thế của một người trong cuộc, bởi bản thân tác giả vốn là một chiến sĩ tình báo.

Trong cuốn sách này, tác giả tập trung viết về các nhân vật tình báo thuộc cụm H67, đơn vị trong đó tác giả đã gắn bó tới hơn 6 năm. Có thể nói, đây là những con người trong tầm quan sát và tiếp xúc với người viết.

Cụm tình báo chiến lược H67 (có tên cũ là A20) đóng tại cánh rừng Bời Lời, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Mật khu C (rừng Bời Lời) cùng Củ Chi là vùng trọng điểm đánh phá của địch. Bom, pháo, xe tăng, xe ủi "đã biến cánh rừng thành một nông trường đất đỏ”. Vì vậy, cuối năm 1969, cụm tình báo H67 chuyển căn cứ bám trụ về xã An Phước, quê dừa Bến Tre.

Bìa cuốn sách “Những người ở ngôi nhà mật”.

"An Phước thuộc loại căn cứ lõm, chiều dài 5-6 cây số nhưng chiều ngang mỏng tang, khoảng 4-500 mét lại bị kẹp giữa một bên là tỉnh lộ 17 từ Trúc Giang về Bình Đại và một bên là con sông Ba Lai, bên kia sông qua xã Phước Thanh là tới thị xã Bến Tre. Cụm H67 vừa bám trụ địa bàn để chỉ đạo các mạng lưới điệp báo, nội thành Sài Gòn, vừa phải chiến đấu để tồn tại.

Nói đến cụm tình báo H67 trước hết là nói về các cán bộ tình báo lão luyện.

Tác giả giới thiệu với bạn đọc nhiều điệp viên của H67, trong đó có nhà tình báo TQ2, tên thật là Nguyễn Thăng Quang, thường gọi là Hai Thăng. Nguyên quán xã Mỹ Thạnh Trung, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, ông là cán bộ miền Nam tập kết, được Cục II tuyển chọn và điều vào Sài Gòn để tiếp cận với một đối tượng là cục phó trong Bộ Tổng tham mưu QĐ VNCH có mật danh là L19. Tên trung tá này có cha là người có cảm tình với cách mạng và đã bắn tin nhờ cách mạng lôi kéo con trai ra khỏi con đường bán nước. Tác giả viết về cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa TQ2 và L19 khá sinh động. Tên trung tá đe dọa:

- Ông có biết ông đang nói chuyện với ai không. Tôi chỉ cần nhấc ống nghe là ông bị bắt liền.

TQ2 trả lời:

- Ngài cục phó nên biết rằng tôi là phái viên đặc biệt của Mặt trận Dân tộc giải phóng cử vô đây. Ngay từ khi đặt chân vào đất Sài Gòn là tôi luôn có thể bị bắt, cần chi phải đợi tới lúc này.

- Ông giữ chức vụ gì mà dám vô đây gặp một sĩ quan tầm cỡ như tui?

- Vì nể tình ông già nên mới có cuộc tiếp xúc này. Còn việc chính của tôi là để gặp những người còn là cấp trên của ông.

Tên trung tá ngồi thừ ra rồi cúi người nắm tay Hai Thăng, miệng lắp bắp:

- Anh Hai! Xin anh bỏ qua cho những lời khiếm nhã vừa rồi.

Nhân vật thứ hai, tác giả viết về Thiếu tướng Nguyễn Đức Trí (Sáu Trí) là một sĩ quan tình báo giàu kinh nghiệm hoạt động trong lòng địch, đã chui sâu, leo cao vào tổ chức của địch. Dưới thời Ngô Đình Diệm, ông đã chui được vào Tổng nha Cảnh sát với quân hàm trung úy. Ông đã xây dựng được nhiều điệp viên và cơ sở bí mật: Điệp viên cấp cao nhất mà ông tuyển chọn được tên là Nguyễn Văn Lễ (Ba Lễ) sau này trở thành nghị sĩ Quốc hội Sài Gòn khóa 1967-1972, ở một vị trí có thế lực trong Ủy ban An ninh - Quốc phòng Hạ viện mang mật danh là H3. Sau này ông Sáu Trí được điều động về căn cứ giữ trọng trách Cụm trưởng H67. Mấy năm sau được bổ nhiệm chức vụ Trưởng đoàn tình báo J22.

Người kế nhiệm ông Sáu Trí làm Cụm trưởng H67 là đại tá Lê Văn Vĩnh (Bảy Vĩnh) quê ở Trà Vinh. Cuối năm 1967, Bảy Vĩnh nhận mệnh lệnh đi điều tra Tiểu khu Phước Long. Ông đã cùng ông nghị sĩ Ba Lễ đi máy bay do phi công Mỹ lái lên Phước Long. Vị nghị sĩ được các sĩ quan tiểu khu trưởng, tiểu khu phó, chi khu trưởng và trưởng ty Cảnh sát Phước Long cho xe dẫn đi tham quan mọi vị trí theo yêu cầu. Kết quả chuyến đi ấy, Cụm trưởng Bảy Vĩnh đã có một bản báo cáo chi tiết về các mục tiêu tại thị xã Phước Long, bao gồm sơ đồ bố trí binh lực ở Tiểu khu Phước Long, Chi khu Phước Bình, Ty Cảnh sát và sân bay… Chuyến trinh sát thứ hai của ông Bảy Vĩnh là đột nhập vào Sài Gòn để điều tra cơ quan Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu "Quân lực Việt Nam Cộng hòa", Tổng nha Cảnh sát Quốc gia, Nha Cảnh sát Đô thành và sân bay Tân Sơn Nhất. Với sự hợp tác của các điệp viên H3 và H81, ông đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.

Trước cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông còn dẫn theo một vị sư đoàn trưởng bộ đội chủ lực Miền (với sự hỗ trợ của các điệp viên) đi nghiên cứu các mục tiêu chuẩn bị tấn công. Điệp viên H81 đã cung cấp nhiều tài liệu và bản đồ.

Kết thúc chiến tranh, Đại tá Lê Văn Vĩnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Khi viết về các nhân vật này, tác giả Khổng Minh Dụ đã vận dụng lối viết chuẩn xác, dựng lại các tình huống nguy hiểm cùng bản lĩnh xử trí tình huống của nhân vật.

Trong cuốn sách "Những người ở ngôi nhà mật", tác giả đã dành một phần để viết về một số sĩ quan an ninh thuộc Bộ Công an. Điều này cũng hợp lẽ vì tác giả vốn là cán bộ tình báo quân đội đã chuyển sang ngành Công an năm 1975. Những cán bộ công an được tác giả vinh danh là Anh hùng LLVTND Nguyễn Đình Bảy (tự Bảy Khiêm), các Đại tá Văn Công Thượng, Trần Ngọc Thỏn, Trần Mỹ... Có lẽ người gây ấn tượng sâu đậm nhất trong lòng tác giả là Bộ trưởng Bộ Công an Bùi Thiện Ngộ. Ông sống cần kiệm, chỉ sử dụng chiếc xe Lada cũ kỹ không đồng ý thay thế. Trong việc sử dụng cán bộ, ông chú ý dùng người có thực tài, không quá nệ vào chức vụ, cấp bậc. Tuy là người đã có tuổi, ông vẫn giữ được vẻ vui tính, đôi khi đượm chút hài ước.

Tác giả kể cho người đọc nghe mẩu chuyện vui trong chuyến Bộ Công an tổ chức một đoàn cán bộ sang làm việc bên Trung Quốc năm 1994. Khi giới thiệu tác giả với ông Hồ Cẩm Đào lúc đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, trước giờ mở tiệc chiêu đãi, ông Ba Ngộ đã đùa vui: "Đây là đồng chí Khổng Minh Dụ hậu duệ đời thứ 79 của Khổng tiên sinh". Mọi người cười rộ. Ông Hồ Cẩm Đào s­iết chặt tay Khổng Minh Dụ, cười: "Hảo! Hảo! Vậy thì hôm nay chúng tôi sẽ chiêu đãi đồng chí tại quê hương đồng chí". Đến giờ mở tiệc, ông chỉ lên căn phòng có hai chữ "Sơn Đông". Hóa ra tại Đại lễ đường Bắc Kinh mỗi tỉnh đều có một phòng riêng và quê hương của quân sư Khổng Minh cách Bắc Kinh 900 cây số cũng có tên ở đây.

Cuốn sách "Những người ở ngôi nhà mật" được viết bằng một bút pháp kể chuyện nghiêm túc, đôi khi pha chút dí dỏm.

Tác giả có lúc tự trào: "Cỡ tôi, vẫn thuộc diện "vua ít tỏ mặt, chúa ít biết tên". Có lúc thốt lên với Chánh Văn  phòng Bộ Công an: "Anh Thịnh ơi, đoàn toàn các vị chức sắc to đùng, sao lại lọt cái thằng tôi vào đó? Khi được Bộ trưởng cử vào đoàn công tác đặc biệt. Hoặc: "Cán bộ cỡ như tôi thăm thẳm nhiều năm ở chiến trường vùng yếu rồi trở thành "lính tò te" ở chiến khu”.

Chính tính cách chân thật của tác giả đã góp phần tăng thêm độ tin cậy trong câu chuyện ông kể. Bản thân tác giả ở chiến trường đã đảm nhiệm công tác cơ mật trọng yếu, tập hợp nghiên cứu một công việc đòi hỏi sự tin cậy tuyệt đối. Sau này được giao thêm nhiệm vụ tiếp xúc nhiều giai tầng xã hội ở Nam Bộ để xây dựng cơ sở bí mật cho đơn vị. Trong thời gian chuẩn bị vào chiến trường miền Nam, Cục Tình báo quân đội đặt cho ông lần lượt ba cái tên: Đầu tiên là tên Lê Dung, tiếp đến là Khổng Thái Dương trước lúc lên đường. Còn cái tên để chuẩn bị vào hoạt động ở nội thành Sài Gòn là Đỗ Văn Nga. Vào đấy, anh sẽ mang vỏ bọc là một tên lính pháo binh thuộc Sư đoàn 7 VNCH đã giải ngũ. Có lẽ khi chiến tranh kết thúc, tác giả mới có điều kiện viết về những điều bí mật được phép công bố.

Cuối cùng, bạn đọc được hiểu thêm, qua cuốn "Những người ở ngôi nhà mật" cuộc sống bí ẩn thời chiến của các chiến sĩ tình báo quân đội.

* Đọc “Những người ở ngôi nhà mật” của tác giả Khổng Minh Dụ, NXB Hội nhà văn 2014

Tháng 10/2014

Lương Sĩ Cầm
.
.