Những hiểm họa từ việc nuôi động vật hoang dã

Thứ Tư, 28/01/2015, 10:25
Những năm gần đây, bên cạnh việc nuôi nhốt động vật hoang dã nhằm mục đích kinh tế - chẳng hạn như nuôi gấu lấy mật, nuôi trăn nấu cao, nuôi cá sấu lấy thịt và da - thì nhiều "đại gia" còn coi việc nuôi những con vật hoang dã, hung dữ như một cách thể hiện đẳng cấp của mình.
Tuy nhiên, “chơi dao có ngày đứt tay”. Và chuyện "đứt tay" ấy đã xảy ra, và xảy ra không chỉ một lần…

Đừng đùa với… gấu

Không phải chỉ đến bây giờ - khi một cháu bé 3 tuổi tên D. ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn TP HCM bị con gấu nhà nuôi đã hơn 3 năm, nặng 100kg cắn đứt lìa cánh tay phải rồi khi vào cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, các bác sĩ cho biết phần cánh tay đứt rời đã bị gấu cắn nát nên không thể nối lại được. Ngay cả phần mỏm cụt còn lại 10cm cũng bị dập nên cháu D. sẽ phải mang tay giả suốt đời - thì công luận mới lên tiếng cảnh báo về những nguy hiểm của việc nuôi động vật hoang dã trong nhà.

Tính từ năm 2003 trở lại đây, cả nước đã xảy ra khoảng 15 trường hợp nuôi động vật hoang dã (gấu, hổ…) rồi bị chúng tấn công đến chết hoặc mang thương tật suốt đời. Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh ở quận 6 cho biết: "Thông thường, vi khuẩn có trong răng của những động vật ăn thịt sống rất độc. Nếu bị nó cắn, tát, vồ và nếu may mắn không mất mạng hoặc mất chân, tay thì vết thương cũng rất dễ nhiễm trùng. Nếu chỉ bị rách da, cơ, nạn nhân có thể xuất viện sau 1 tuần điều trị nhưng nếu nhiễm trùng bệnh nhân có khả năng phải nằm cả tháng".

Đây không phải là lần đầu tiên gấu nuôi tấn công người. Trước đó, cháu L., 6 tuổi, ở Bình Dương theo cha vào BV Quân đoàn 4 tại Dĩ An, tỉnh Bình Dương thăm mẹ bị chấn thương sọ não đang điều trị. Trong lúc chơi ngoài sân, cháu tò mò đến chuồng xem gấu và đã bị một con gấu vồ cắn làm gãy hở độ 3 xương cánh tay, cẳng tay bên phải, dập nát cơ, đứt dây thần kinh giữa.

Gấu tấn công chủ nuôi.

Ngay lập tức, cháu L. được BV Quân đoàn 4 sơ cứu rồi chuyển cháu xuống BV Chấn thương Chỉnh hình TP HCM. Tại đây, sau khi các bác sĩ đã cắt lọc và làm sạch phần cơ bị dập nát, kết hợp xương và nối thần kinh, sức khỏe của cháu L. đã ổn định.

Một trường hợp khác: Do sự sơ ý của chủ nuôi, một con gấu nuôi tại ấp 2, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, Bình Dương đã sổng chuồng rồi tấn công người, làm bị thương một bác sĩ thú y cùng chủ nuôi. Tại BV tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Lộc - Hiệu trưởng Trường trung học Kinh tế Bình Dương, chủ nuôi con gấu - đã hồi tỉnh sau ca mổ cấp cứu cho biết khi gấu sổng chuồng, nó chạy vào khu rừng tre thuộc Khu du lịch Đại Nam. Để bắt nó về, ông cùng một bác sĩ thú y tên Đức đến liên hệ với Ban quản lý Khu du lịch Đại Nam để vào rừng, tìm cách gây mê cho con gấu.

Khi phát hiện gấu đang ẩn nấp trong một bụi tre, họ dùng cây xua đuổi thì bất ngờ nó phóng ra, tấn công làm bác sĩ Đức bị thương nhẹ, còn ông Lộc thì bị gấu tát và quật ngã. Mặc dù hoảng hốt, ông Lộc vẫn kịp dùng tay bóp mõm, móc mắt con gấu khiến nó phải buông ra nên ông mới thoát chết.

Vì sao gấu nuôi tấn công người?

Gấu là loài thú hoang dã, và rất khỏe. Cho dù được nuôi ngay từ khi còn nhỏ nhưng bản năng hoang dã vẫn tiềm ẩn trong người nó. Khi gặp điều kiện thuận lợi, bản năng ấy thức dậy nên nó sẵn sàng tấn công người cho dù đó là người hằng ngày vẫn chăm sóc nó.

Theo bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh: "Trong số các loài gấu thì gấu đen châu Á - hay gấu ngựa là loài nguy hiểm nhất". Giống như chó, gấu cũng thích đùa nghịch. Khi đùa, nó thường nằm ngửa, giơ bốn chân với những móng vuốt sắc bén cào cấu trong không khí nhưng gấu lại không đùa dai như chó, chỉ 5-7 phút là nó chán. Nếu nó chán mà người nuôi vẫn cứ tiếp tục đùa với nó thì rất dễ “lĩnh đủ”!

Và cũng vì… đùa với gấu nên cậu bé Q., sinh năm 2008, ở thôn Đồng Dài, xã Cự Thắng, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, cánh tay phải bị gấu cắn nát đến khuỷu vai, cánh tay trái cũng bị gấu cắn nát đến khuỷu tay.

Theo mẹ cháu Q., hôm đó cháu qua nhà của một người ông ở bên cạnh chơi. Nhà ông cháu nuôi một con gấu từ 20 năm nay chỉ để lấy mật. Chuồng nuôi gấu có lồng sắt bảo vệ nhưng trẻ em vẫn thò tay qua được kẽ song sắt. Do thích đùa nghịch, cháu Q. cho tay vào chuồng trêu chọc gấu. Đến lúc phát hiện ra thì 2 cánh tay cháu đã bị gấu cắn nát rồi!

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Việt, Trưởng khoa Chỉnh hình Viện Nhi Trung ương thì ngay sau khi tiếp nhận bệnh nhi Q., các bác sĩ đã tiến hành truyền máu, mổ cấp cứu, cắt lọc phần cơ, xương dập nát và tạo hình mõm cụt.

Với cánh tay phải, bác sĩ  buộc phải tháo khớp vai, còn tay trái, mặc dù gia đình đã bảo quản bàn tay bị gấu cắn trong đá lạnh nhưng các bác sĩ vẫn không thể nối bàn tay được vì cánh tay đã bị gấu ăn hết. Mặc dù đã qua cơn nguy kịch, nhưng hai cánh tay cháu xem như mất hoàn toàn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng gấu lên cơn kích động, tấn công người và một trong những nguyên nhân này là khi gấu bước vào thời kỳ động dục, xảy ra từ khoảng 3 năm tuổi trở đi. Bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh nói: "Nếu gấu sống trong hoang dã, thời kỳ này có thể đến sớm hơn. Gấu cái có triệu chứng động dục khi nó trở nên bồn chồn, ít ăn hoặc bỏ ăn, liên tục đi lại, kêu lên những tiếng nho nhỏ. Nếu quan sát kỹ, sẽ thấy mặt ngoài bộ phận sinh dục sưng to. Lúc này gấu rất hung dữ,  thậm chí nó còn có thể phá chuồng và tấn công người - bất kể người đó là ai khi cơn động dục lên đến cao điểm".

Chuồng nuôi gấu như thế này, trẻ con đứng cạnh nhiều khi chết chắc!

Gấu đực cũng thế, đến kỳ động đực, chúng thường lồng lộn và hay đứng thẳng lên bằng hai chân sau, hai chân trước cào cấu vào không khí, miệng tru lên. Đây là thời điểm mà gấu rất dễ tấn công người vô cớ, kể cả chủ nuôi nó - người hằng ngày vẫn thường cho nó ăn, tắm rửa và đùa giỡn với nó. Ở các sở thú, khi gấu đực đã được 3 năm tuổi, người ta làm chuồng cho nó và gấu cái ở sát cạnh nhau, giữa vách ngăn hai chuồng có cửa thông nhau để gấu đực có thể dễ dàng sang chuồng gấu cái.

Vẫn theo bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh, khi gấu đực chuẩn bị giao phối mà vô tình người nuôi mở cửa chuồng vào cho chúng ăn, hoặc dọn dẹp, hoặc trẻ con chơi đùa cạnh chuồng gấu, thò tay qua kẽ chuồng để chọc gấu là coi như… chết chắc!

Cũng như chó, mèo hay trâu bò, loài gấu cũng thích những cử chỉ dịu dàng, ngay cả giọng nói cũng phải nhẹ nhàng vì gấu không thích những tiếng động lớn hoặc bị đánh đập. Mọi cử chỉ thô bạo sẽ làm gấu dễ lên cơn hung dữ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là nuôi gấu rồi cứ "nhẹ nhàng, dịu dàng" với gấu là yên ổn đâu!

Với những con gấu nuôi để lấy mật, sau mỗi lần hút mật rồi khi tỉnh thuốc mê, những cơn đau âm ỉ hành hạ nó. Lâu dài, bản năng nó xuất hiện mối căm thù với con người rồi nếu có cơ hội là nó sẵn sàng tấn công ngay.

Một khảo sát của tiến sĩ Lawrence thuộc Quỹ Bảo vệ động vật hoang dã thế giới, tiến hành bằng cách đo các xung thần kinh đã cho thấy gấu bị nuôi để lấy mật thì mỗi khi nhìn thấy con người với dụng cụ hút mật trong tay, chu kỳ kích động của nó kéo dài từ 40 phút đến 1 giờ 30 phút, và cơn hung hãn tăng lên gấp 6 lần so với lúc nó phải đối đầu với một con gấu khác để tranh giành lãnh địa...

Một nguyên nhân nữa dẫn đến những hành vi hung bạo bất thường của gấu là thời kỳ sinh đẻ, nuôi con. Gấu đẻ không nhiều, mỗi lứa khoảng 4 con nhưng trung bình là 2-3 con. Trong 2 tháng đầu, gấu con chỉ sống bằng sữa mẹ và đây là giai đoạn gấu mẹ hay "nổi khùng" nhất.

Ông Thảnh, một người nuôi gấu ở quận 2, TP HCM cho biết: "Dù đã nắm được đặc tính của gấu nên khi nó nuôi con, tôi phải dùng cây sào tre dài, xiên miếng thịt rồi luồn qua kẽ song sắt vào cho nó chứ không dám mở cửa chuồng như trước. Vậy mà vừa thấy bóng tôi, nó đã hộc lên một tiếng rồi lao về phía tôi để tấn công vì nó nghĩ tôi đang muốn bắt con của nó…".

Một con gấu tỏ thái độ hung dữ thời kỳ động dục.

Nuôi sao cho an toàn?

Và không chỉ nuôi gấu để lấy mật, nhiều người còn nuôi động vật hoang dã như một cách thể hiện đẳng cấp của mình. Một "đại gia" ở miền Bắc, chủ nhân của nhiều khách sạn sở hữu trong tay 2 con tê giác, cặp ngựa vằn, cặp ngựa bạch, 2 con hổ và 1 con gấu.

Một "đại gia" khác  ở TP HCM ngoài hồ nuôi cá sấu trong vườn nhà, còn có một khu chuồng nuôi  2 con trăn, 6 con rắn độc, 3 con gấu và 1 con tinh tinh! Ở Bình Dương, những năm trước đây, hầu như không ai không biết "vườn hổ" của một "đại gia" với số lượng hơn 40 con, chưa kể báo hoa mai, gấu.

Tại Khu du lịch Đại Nam, nơi có hàng trăm cá thể động vật hoang dã, đã 2 lần xảy ra hiện tượng thú tấn công người nuôi. Lần đầu, một con hổ phóng qua bức tường cao hơn 2m, tấn công người khiến 1 chết, 2 bị thương, còn lần sau là một con voi, dùng vòi quật chết người quản tượng.

Nhằm hạn chế những tai nạn đáng tiếc, theo bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh thì tốt nhất là không nên nuôi các loại thú dữ hoặc thú có nọc độc tại nhà, nhất là những gia đình có trẻ con.

Trường hợp muốn nuôi vì một lý do nào đó, chủ nhà cần tìm hiểu thật kỹ về đặc tính, thói quen, quy luật sống, sinh sản của con vật, đồng thời nơi nuôi nhốt phải có những biện pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối:

"Nên lưu ý rằng động vật hoang dã có thể mang các mầm bệnh nguy hiểm cho con người, chẳng hạn như bệnh dại, bệnh mụn rộp do virus, tiêu chảy do vi khuẩn salmonella, virus bại liệt, vi khuẩn lao và dịch hạch. Chưa kể nó còn có thể truyền cho người những loại ký sinh trùng như giun đũa, sán, giun móc, giun lươn nên cần phải có chế độ kiểm tra định kỳ" - bác sĩ thú y Nguyễn Văn Hạnh nói:

"Bên cạnh đó, với một số loài động vật hoang dã được đưa vào Sách đỏ, nếu cố tình nuôi, chủ nuôi coi như đã vi phạm pháp luật. Vì vậy, hãy chắc chắn con vật ấy có đầy đủ chứng nhận pháp lý trước khi đem về nuôi".

Thông thường, đa số người nuôi đều thích nuôi động vật hoang dã khi nó còn rất nhỏ vì họ quan niệm rằng nuôi như thế nó sẽ quen "hơi" con người, và tính tình nó sẽ được thuần hóa. Tuy nhiên, khi nó lớn lên, bản năng hoang dã của nó cũng "lớn" theo. Lúc ấy, nhẹ nhàng nhất là nó cắn xé đồ đạc trong nhà còn nếu không, nó sẽ  tấn công người như bản năng săn mồi vốn có của nó…

Cao Trí
.
.