Những hoài niệm… ồn ã!
- Những chương trình giải trí có xu hướng “hoài niệm” hút khán giả
- Hoài niệm
- Giáp Tết đi tìm hoài niệm nơi chợ đồ xưa Vạn Phúc
Tạo ấn tượng bằng việc khai thác những dấu ấn từ những ngày xưa cũ, hàng loạt các dự án, chương trình văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, hội họa, du lịch đang tạo sức hút với không ít công chúng.
Ngay cả những tháng năm từng bị coi như gánh nặng muốn trút bỏ cũng trở nên hấp dẫn khi trở lại với một diện mạo mới, vừa hiện đại, vừa bao phủ sắc màu lung linh, bàng bạc của ký ức.
Tìm lại những giá trị cũ bị thời gian phủ mờ đang trở thành mảnh đất vàng cho đời sống văn hóa, dù rằng, để đánh thức những giá trị đích thực, người khai thác khó có thể “ăn xổi ở thì”.
Cả Tây lẫn ta đều… ăn khách
Trở lại Việt Nam lần thứ 3 nhưng mới đây, Boney M – một trong những “tượng đài disco” của thế giới từ thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước tiếp tục khuấy đảo tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Bạn đồng hành cùng với Boney M trong đêm nhạc cũng là một biểu tượng disco khác của thế giới, dù ra đời muộn hơn: Ban nhạc Joy.
Từ trước khi chương trình chính thức diễn ra gần 1 tiếng đồng hồ, khu trung tâm này đã chật kín người với đủ mọi lứa tuổi, đến từ nhiều quốc gia. Nhiều người trong số đó ăn diện quần áo lấp lánh - mốt thời trang của những thập kỷ 70, 80 thế kỷ 20, thời điểm dòng nhạc disco ngự trị.
Nhưng nếu những chương trình trước, khán giả vẫn còn khá ngại ngần khi hòa mình cùng nghệ sĩ trên sân khấu thì đến đêm nhạc của Boney M và Joy, vừa nghe những thanh âm quen thuộc của các ca khúc “Back to the 80s”, rất đông khán giả đã lập tức đứng dậy nhún nhảy theo.
Khi ca sĩ liên tục gọi tên Hà Nội và hỏi lớn: “Mọi người đã sẵn sàng chưa?”, khán phòng rùng rùng chuyển động bởi hàng nghìn tiếng “yes” đồng thanh vang lên. Sân khấu tiếp tục được “đốt nóng” bằng một loạt ca khúc quen thuộc sau đó như "Hello", "Black Is Black", "Night of Nights", "I'm In Love", "Touch Me My Dear"... Đến "Valerie" và "Touch By Touch" thì gần như toàn bộ khán giả hai tầng của Trung tâm hội nghị Quốc gia đều đồng loạt đứng dậy để hòa nhịp cùng nghệ sĩ biểu diễn…
Khán giả cuồng nhiệt nhảy theo nghệ sĩ trong đêm biểu diễn của Boney M và Joy tại Hà Nội. |
Đêm nhạc với những giai điệu sôi động của những năm tháng cũ như chuyến tàu tốc hành đưa người xem ngược trở về quá khứ. Liz Mitchell – cựu thành viên của Boney M năm nào cũng đã khác xưa nhiều.
Nhưng sự hiện diện của nữ ca sĩ ngay lập tức gợi nhớ những hình ảnh những chàng trai, cô gái da màu với váy áo hoa sặc sỡ, quần loe, áo chẽn của Boney M từng in đậm trong tâm trí người hâm mộ khắp châu Âu, châu Á vào những năm 1970-1980. Sự cuồng nhiệt của khán giả Việt khiến những nghệ sĩ đến từ những đất nước xa xôi cùng nền văn hóa khác biệt đều ngạc nhiên.
Riêng Liz Michell, nữ ca sĩ đã có một bề dày kinh nghiệm đứng trên sân khấu cũng nghẹn ngào vì cảm động. Bà cho hay, chính tình cảm, sự mến mộ của khán giả tại Việt Nam là động lực và cũng là lý do khiến Liz Michell quay trở lại và sẽ còn trở lại Việt Nam nếu còn có cơ hội.
Cũng quen mà lạ, Hà Nội thời bao cấp tưởng chừng đã rơi vào quên lãng nhưng đột ngột trở lại, hấp dẫn công chúng với “Ký ức Hà Nội” cùng hàng loạt hoạt động: Trải nghiệm ẩm thực Hà Nội thời bao cấp, Triển lãm tranh Ký họa Hà Nội 2018, sách “Tập thể cũ Hà Nội - Ký họa và hồi ức”. Khác với các chương trình ca nhạc nghiêng về tính thương mại, mang theo “sứ mệnh” tìm kiếm doanh thu cho nhà sản xuất, “Ký ức Hà Nội” được thực hiện với tuyên bố: Mong muốn tái hiện, lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của một thời kỳ lịch sử.
Cuốn sách ảnh Hà Nội thời bao cấp cùng hàng trăm tác phẩm do những tác giả chuyên nghiệp và không chuyên thực hiện tạo nên một không gian ngập tràn ký ức về Hà Nội một thời. Những căn nhà tập thể hình tổ ong, quán phở phố cổ, đèn dầu, kẹo lạc, trà nóng, vối tươi vỉa hè…
Những hoài niệm buồn vui quanh các khu chung cư, khu tập thể cũ trong lòng Hà Nội. Mâm cơm thời bao cấp với những món ăn đạm bạc, dân dã như cà pháo, rau muống luộc chấm tương bần, dưa chua xào tóp mỡ, lạc rang, cá khô, đậu phụ, cơm độn sắn bo bo… Người tìm đến thưởng lãm không chỉ để ăn, để ngắm mà còn là dịp trở về với tuổi thơ, tuổi thanh xuân đã qua, có được những khoảnh khắc được đắm mình trong kỷ niệm cùng những người thân yêu…
Sau “Ký ức Hà Nội” không lâu, Đài Truyền hình Việt Nam cũng rộn ràng “trình làng” một điểm hẹn mới mà điểm nhấn quan trọng nhất cũng là hoài niệm nhưng hấp dẫn đông đảo khán giả: Chuỗi chương trình “Quán Thanh xuân”. Ở đó, mỗi số phát sóng như một chuyến tàu tốc hành đưa người xem ngược về quá khứ. Nếu “Mùa chim làm tổ” là ký ức về những đám cưới giản dị thời chiến, về tình yêu, tuổi trẻ của những cặp đôi nổi tiếng thì “Tết thanh xuân” đậm đặc Tết xưa.
“Quán Thanh xuân” hấp dẫn đông đảo người xem truyền hình. |
Tết của một thế hệ không hẳn quá cách xa với người trẻ hôm nay nhưng cũng chỉ còn là quá khứ. “Nhà chật” là một trời ký ức khác. Ký ức về những khu tập thể cũ kỹ, chật hẹp mà qua chuyện kể của mỗi nhân chứng, người xem có thể cảm nhận rõ rệt cả bối cảnh xã hội lẫn phận người trong nó. Sau những ký ức xúc động về tình yêu thời chiến trong “Ngày mai anh lên đường” là không ít những khúc quanh của lịch sử bi hùng của đất nước…
Không chỉ hấp dẫn bằng sự tò mò
Thực tế, những chương trình “ăn theo” hoài niệm đã trở thành một trong những “mỏ vàng” , hấp dẫn số đông công chúng. Trước đêm nhạc của Boney M và Joy, hàng loạt những ngôi sao đình đám của một thời cũng đã từng “làm mưa làm gió” tại Hà Nội: Keny G, Modern Talking, Chris Norman...
Boney M cũng không phải hiện diện lần đầu tại Thủ đô. Nhưng sự trở lại của “biểu tượng disco” thế giới vẫn tiếp tục làm nên hiện tượng của phòng vé năm 2019.
Khán giả sẵn sàng bỏ cả chục triệu đồng để được hòa mình trong đêm diễn của những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng từ thập niên 80 của thế kỷ 20. Các “phe vé” hoạt động nhộn nhịp và nhiều ngày trước đêm diễn chính ban tổ chức không còn vé để bán. Đây cũng là hiện tượng chung của khá nhiều chương trình âm nhạc dạng này.
Với các chương trình truyền hình cũng tương tự. Trước “Quán Thanh xuân”, khá nhiều chương trình được quảng bá tôn vinh nghệ sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng từng rất thành công. Trong đó, có những chương trình đậm đặc nhạc trữ tình trước 1975 đã duy trì liên tục đến 4 năm…
Với hoạt động du lịch, hàng loạt các tour, tuyến, điểm đến tổ chức dịch vụ giúp du khách khám phá, trải nghiệm văn hóa xưa được triển khai, thu hút khách trong và ngoài nước. Những ngày này, các điểm tham quan nằm trong chuỗi di tích biệt động Sài Gòn, tìm hiểu về lực lượng này kết hợp thưởng thức ẩm thực theo đúng phong cách Sài Gòn trước 1975, khám phá lịch sử “đất thép” Củ Chi, trải nghiệm luồn lách đường hào tối trong lòng đất, ăn cơm nắm, khoai mì (khoai, sắn)… đã trở thành sản phẩm du lịch quen dành cho cả khách nội địa lẫn du khách nước ngoài.
Các tour khám phá văn hóa, nghệ thuật xưa qua bảo tàng, di tích thành phố Hà Nội kết hợp trải nghiệm thực tế ngày càng thu hút đông đảo du khách…
Một chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, lữ hành cho hay, du lịch khám phá văn hóa là thế mạnh của du lịch Việt nói chung, du lịch Hà Nội nói riêng. Du khách hiện nay, đặc biệt là du khách quốc tế không chỉ mong muốn khám phá văn hóa, đất nước, con người Việt Nam trong đời sống hiện tại.
Sẽ hấp dẫn hơn, có chiều sâu hơn nếu mỗi sản phẩm du lịch vừa giúp họ có điều kiện trải nghiệm thực tế, vừa có sự so sánh văn hóa xưa và nay khác nhau như thế nào. Tất nhiên, làm được điều này không dễ. Nếu bản thân người làm du lịch không thực sự yêu thích, am hiểu và giàu kỹ năng sẽ khó tìm kiếm và tạo điều kiện cho du khách khám phá điểm đến theo cách này.
Về sức hút khách của các chương trình, hoạt động “ăn theo” ký ức, có khá nhiều cách lý giải. Nhưng, như chia sẻ của khá nhiều khán giả trong những đêm nhạc của các ngôi sao ăn khách một thời tại Hà Nội thì các sản phẩm âm nhạc của những nghệ sĩ quốc tế đã qua thời vàng son ấy đã gắn liền với tuổi trẻ của họ.
Những giai điệu rộn rã khắp đường làng ngõ phố mỗi dịp đám cưới, lễ tết, những “mốt” áo quần đã trở thành thời thượng của cả một thế hệ thủa nào là kỷ niệm, là tuổi trẻ của chính họ.
Chỉ có điều, tuổi trẻ nhiều gian khó, thiếu thốn ấy đã không cho họ có điều kiện tiếp cận gần hơn với những nghệ sĩ, sản phẩm nghệ thuật mà họ yêu mến. Điều kiện thuận lợi từ đời sống vật chất đủ đầy, giao lưu hội nhập hôm nay mới cho họ có điều kiện thỏa mãn ước mong xưa cũ nên chấp nhận bỏ tiền mua vé.
Chương trình đã giúp họ được chiêm ngưỡng những gương mặt yêu thích, một thời chỉ được ngắm qua băng VHS hay nghe giọng hát qua băng cassette, đồng thời là dịp để họ sống lại một thời tuổi trẻ sôi nổi, vui vẻ giải trí bên bạn bè, người thân.
Nhà tổ chức chương trình nắm bắt được tâm lý này và “chịu chi” để trang bị điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cả về thiết kế sân khấu, hệ thống âm thanh ánh sáng theo chuẩn quốc tế nhằm thỏa mãn nhu cầu khách hàng của mình. Như tiết lộ của đơn vị tổ chức show Boney M và Joy tại Hà Nội mới đây thì số tiền đầu tư đã bị đội lên hàng tỷ đồng chỉ vì những chi phí như thế.
Ở một khía cạnh khác, như lý giải của nhà văn Nguyễn Quang Thiều về chuỗi sự kiện “Ký ức Hà Nội” thì ký ức là thứ đi qua trong quá khứ nhưng không rời khỏi hiện tại. Như những bức tranh vẽ chung cư Hà Nội xưa. Đẹp, ám ảnh và xúc động, vừa mơ hồ, vừa tinh khiết. Khi tham gia vào sự kiện, những người từng sống trong không gian ấy được một lần nữa sống lại ký ức thủa ấu thơ, thời trai trẻ, không phải gợi nhớ những năm tháng khó khăn, vất vả mà sống lại những kỷ niệm ấm áp, nhớ thương.
Biên tập viên kiêm MC kỳ cựu Diễm Quỳnh, một trong 2 “nhân vật” chính dẫn dắt xuyên suốt chuỗi chương trình đang ăn khách “Quán Thanh xuân” cũng bày tỏ mong muốn, chị và ê kíp của mình không chỉ đơn giản kể những câu chuyện quá khứ mà còn nỗ lực mang đến không gian gần gũi, ấm áp cho khán giả.
Để người xem, dù mang những cảm xúc khác nhau nhưng mỗi người sẽ thấy một phần của mình trong đó. Người trẻ cũng vẫn thích tìm đến “Quán Thanh xuân”, xem để hiểu về một thời cha anh mình đã sống, vun đắp tinh thần sống đẹp, sống có ích hơn trong cộng đồng.