Những kẻ thủ ác với tin giả
Nhưng rồi cái phong trào “Các mẹ ơi, biết gì chưa” ấy lây lan sang nhiều lĩnh vực, người phát ngôn từ mọi giới tính. “Các mẹ ơi, biết gì chưa? Virus Ebola đã về đến Hà Nội rồi đấy”. “Các mẹ ơi, biết gì chưa? Trong nước lèo hủ tíu có thịt chuột”. “Các mẹ ơi, có vụ đánh ghen này khốc liệt lắm, clip đính kèm, câu chuyện ly kỳ (không biết thật hay bịa) đính kèm”... Và thế là cuộc đời riêng của những con người trong cuộc vô tình bị hủy hoại bởi những đặt điều trên mạng xã hội.
Kinh khủng hơn chuyện sau lũy tre làng đời cha ông rất nhiều. Người ta hay kể cho nhau nghe những chuyện định kiến làng xã, những cô gái bị cạo đầu bôi vôi hay bỏ xứ mà đi vì miệng lưỡi người làng. Bây giờ, chẳng cần quen biết gì nhau để mà phán xét, sáng tác. Có những con người đã tự tử vì những thông tin thất thiệt gây tổn thương họ xuất hiện trên mạng xã hội.
Không để tin giả dẫn dắt. |
Quay trở lại với vấn nạn tin tức giả mạo trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 hoành hành trên toàn cầu. Vấn nạn này không chỉ diễn ra trên quy mô quốc tế mà cũng rất khốc liệt tại nước ta. Thật đáng nể về trí tưởng tượng của những đối tượng tạo dựng ra những tin giả gây hoang mang dư luận. Thật kỳ lạ những mẩu tin mang nội hàm vô cùng ngây ngô cũng gây được sự chú ý của hàng ngàn người.
Ví dụ ngày 31-1, trên mạng xã hội lan truyền thông tin: "Chiều nay Hà Nội sẽ công bố phát dịch Corona, tối nay thời sự sẽ đưa tin về việc đêm nay Nhà nước mình phun thuốc ngừa dịch cúm Corona trên bầu trời toàn quốc nên mọi người hãy chia sẻ cho nhau không nên ra đường trong cung giờ từ 4-7h30 sáng mai 1-2-2020. Mọi người ra đường nhớ đeo khẩu trang với kính cẩn thận nhé...”.
Đại diện Vụ Truyền thông, Thi đua, Khen thưởng (Bộ Y tế) khẳng định, đây là thông tin giả mạo. Sự thật là ngày hôm sau (1-2) Trung tâm Phòng, chống dịch bệnh Hà Nội chỉ tiến hành tổng vệ sinh các trường học trên địa bàn.
Đáng sợ hơn nữa, những thông tin giả về dịch bệnh thậm chí còn được làm giả một cách tinh vi, bao bọc bởi những thông tin, số liệu bên lề mới đọc có thể thấy vô cùng thuyết phục. Một bài đăng giả mạo có đề cập đến thông tin GS. Honjo đã có 40 năm nghiên cứu về động vật và virus học. Ông cũng đã làm việc 4 năm trong phòng thí nghiệm Vũ Hán ở Trung Quốc. Bài đăng cũng trích lời khẳng định của GS. Honjo về thông tin: “không phải tự nhiên. Nó cũng không đến từ dơi. Đó là do Trung Quốc sản xuất”.
Tuy nhiên, GS. Honjo khẳng định ông không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào như vậy. Những thông tin trong bài đăng là bịa đặt. “Ở giai đoạn này, khi mọi nỗ lực của chúng ta đều dồn vào việc điều trị bệnh, ngăn chặn sự lây lan của virus và lên kế hoạch cho một khởi đầu mới, việc phát đi những tuyên bố vô căn cứ liên quan đến nguồn gốc của dịch bệnh sẽ gây thêm hoang mang một cách nguy hiểm”, GS. Honjo nói.
Trước đó, GS. Honjo có trả lời trên một tờ báo trụ sở tại Nhật Bản, trong đó ông nói rằng căn bệnh này bắt đầu từ Trung Quốc nhưng nước này cũng sẽ là nơi đầu tiên khỏi bệnh. Ông không đề cập tới bất cứ điều gì liên quan đến virus Corona là một loại virus nhân tạo. Ông Tasuku Honjo là một vị giáo sư nổi tiếng tại Viện Nghiên cứu cao cấp của Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ông đã được trao giải thưởng Nobel về Y học và Sinh lý học năm 2018 vì phát hiện ra PD-1 và ý nghĩa của nó đối với liệu pháp miễn dịch ung thư.
“Đây là thời gian cho tất cả chúng ta, đặc biệt là những người luôn cống hiến cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học, để cùng nhau chiến đấu với "kẻ thù" chung này. Chúng ta không thể trì hoãn bất cứ giây phút nào trong nỗ lực này để cứu lấy mạng sống của đồng loại”, ông nói.
Không ít người dùng Facebook Việt Nam có tham vọng làm người nổi tiếng trên mạng và bất chấp tất cả. Họ dùng tiền mua tương tác như người theo dõi, tăng số lượng likes, share (yêu thích, chia sẻ) giả tạo từ những công ty dịch vụ bán sự nổi tiếng ảo. Phần còn lại chỉ việc ngồi một chỗ và sáng tác những nội dung giả khi tất cả xã hội đều có xu hướng quan tâm đến một vấn đề gì đó. Đại dịch bệnh COVID-19 chẳng hạn, nó là "vụ mùa" với những kẻ sống ảo như vậy.
Chính những thông tin bịa đặt, sai lệch của nhóm đối tượng này đã gây hoang mang cho xã hội cũng như vô vàn khó khăn đối với những người tham gia chống dịch. Đã có những tòa nhà chung cư giữa đêm bồng bế nhau chạy nạn chỉ vì có đối tượng tung tin lên mạng nơi họ cư trú có người dương tính với SARS-CoV-2.
Sự lan truyền của nội dung sai lệch và độc hại về virus Corona là một phản ánh đúng về thực tế của việc sử dụng mạng xã hội và cuộc chiến khó khăn của các nhà nghiên cứu và công ty Internet. Ngay cả khi họ quyết tâm bảo vệ sự thật, họ vẫn thường bị người dùng ruồng bỏ, dẫn đến bị đánh lừa bởi những kẻ nói dối và kẻ trộm trên Internet. Có quá nhiều thông tin không chính xác tới mức người dân khó phân biệt đâu là sự thật. WHO đã gọi tình trạng này là “bệnh truyền nhiễm thông tin”.
Theo thống kê của Cơ quan công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến giữa tháng 3-2020, trên không gian mạng Việt Nam đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn và gần 600.000 tin, bài, video, clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong số đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ. Công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 người.
Mạng xã hội là tấm gương phản chiếu rõ nét nhân cách, hiểu biết cũng như tình người của mỗi cá nhân sử dụng nó. Hãy phân biệt kỹ, nếu thông tin tiếp nhận có điều gì đó mơ hồ ngoài hiểu biết, đừng chia sẻ nó như một cách tiếp tay cho những kẻ độc ác.