Những “nguyên mẫu” khiến Pushkin trở thành thi sĩ
Đôi môi chàng mấp máy: “Elvina, em yêu ơi…”. Chợt có tiếng trở mình kẽo kẹt, cùng tiếng thở dài não nề vẳng tới từ giường kế bên. Té ra anh bạn đồng niên Alexandr Pushkin cũng trằn trọc cả đêm… A. Inlinsevski là Trưởng phòng nội trú số 17, quy tụ 3 học viên trùng tên trong ký túc xá của Trường trung học Hoàng gia Lyceum. Thật là trớ trêu, cả 2 người trong căn phòng này tuy với cá tính khác biệt nhau, nhưng đều “thầm yêu trộm nhớ” Elvina là tên gọi thân mật của Ekaterina Pavlovna Bakunina (1795-1869), chị gái của người bạn đồng phòng còn lại Alexandr Bakunin.
Elvina hay còn được gọi là “Cachia bé bỏng”, người phụ nữ đã đi vào lịch sử như là mối tình đầu của Đại thi hào Alexander Sergeyevich Pushkin (1799-1837), vốn nổi tiếng với công chúng yêu thơ với biệt danh “Mặt trời thi ca Nga”.
Thưởng cho hoàng hậu một nụ hôn
A. Pushkin đã từng nhiều lần mục kích Elvina. Nàng thường đến thăm cậu em trai ngay từ hồi nhà Đại thi hào tương lai mới học năm thứ nhất. Thế rồi có lần Pushkin tình cờ thấy A. Bakunin đọc thơ của mình cho chị gái nghe. Trái tim chàng trai trẻ đập rộn rã…
Anh vui sướng vì Cachia đã dành thời gian lắng nghe những vần thơ đó. Đôi môi nàng mỉm cười, những ngón tay búp măng tuyệt đẹp của Elvina nâng niu và áp vào ngực tờ giấy chép kín những vần thơ do cậu em Alexandr đưa. Một hình ảnh mãi mãi được khắc ghi trong tâm trí A. Pushkin.
A. Pushkin khi còn là học sinh Trường Trung học Lyceum. |
Đến đầu năm 1815, sau khi vượt qua kỳ thi cuối cấp, A. Pushkin và các bạn đồng khóa được chuyển lên hệ cao học. Chế độ ký túc xá khổ hạnh như “nhà tu” đã chấm dứt, họ bỗng cảm thấy mình “vụt biến” thành người lớn. Đó là lứa tuổi của những hoài bão tràn trề hy vọng… “Vừa vội sống, vừa vội cảm nhận” như lời thơ của Pushkin khi ấy. Cuộc sống mà thiếu điều bí ẩn nhất là tình yêu thì còn gì thi vị nữa? Thế là bằng mọi cách, họ tìm kiếm tình yêu ở mọi chốn, tưởng tượng và đắm đuối theo từng bóng hình…
Trong đám bạn học, A. Pushkin luôn coi mình là người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tình cảm. Gần 2 năm trước đấy, anh đã “phải lòng” nữ diễn viên Natalya thuộc gánh hát nổi tiếng của Bá tước Varfolomei Tolstoy.
Pushkin từng viết cho nàng: “Natalya ơi, xin thú thực là tôi ngây ngất vì em…”. A. Pushkin không bỏ qua một buổi biểu diễn nào của gánh hát cung đình này. Chàng thường ngồi trong phòng hóa trang xem nàng sửa soạn trước khi ra sàn diễn. Về phần mình, Natalya cũng cảm thấy yên tâm khi có một anh chàng thư sinh bên cạnh. Còn Bá tước V. Tolstoy thì lúc nào cũng bực bội vì điều gì đó, luôn miệng quát tháo, thậm chí có thể… tát và ra lệnh đánh các diễn viên bằng roi. Nhưng khi có mặt các học sinh Trường Lyceum thì vị Bá tước lại biết tự kiềm chế.
Còn Natalya như đẹp thêm lên từng ngày với cặp mắt đen lúng liếng… Vì cô mà suýt xảy ra một vụ tai tiếng cho đám học viên cao học. Nguyên do là có lần khi chạy nhảy trong hành lang tranh tối tranh sáng sau hậu đài nhà hát, Pushkin đã nhìn nhầm Hoàng hậu Elizabeth Alexeievna (1779-1826) thành… Natasa (tên gọi thân mật của Natalya) và mạnh dạn “thưởng” cho bà hoàng đáng kính một… nụ hôn.
Elvina-Cachia Bakunina - mối tình đầu của “Mặt trời thi ca Nga” A. Pushkin. |
“Sự thể sẽ như thế nào? Khi nghe kể lại sự việc, tức thì Sa hoàng Aleksandr I (1777-1825) mắng sa sả ông Hiệu trưởng Trường Lyceum: “Học sinh của nhà ngươi không chỉ với qua hàng rào ngắt những quả táo chín mọng của ta, mà ngay bây giờ đã dám cản lối đám nữ tì của Hoàng hậu…”.
Nhưng thật may là Nga Sa hoàng đã dịu giọng, thậm chí còn nói “nửa đùa nửa thật” rằng: “Gái già có thể vui sướng vì sự lầm lẫn của chàng trai trẻ tuổi”. Rồi đức Vua Aleksandr I cũng dặn với thêm: “Đây là lần cuối cùng thôi đấy nhé!”.
Đánh cắp người trong mộng
Đã đôi lần Pushkin say đắm, song bây giờ với mối tình thứ 3 anh lại có cảm giác khác. Một thời chàng thi sĩ ngạc nhiên về sự không mấy đồng cảm của bạn bè, bởi họ đâu có thấu hiểu cách anh tỏ tình. Dạo đó thi sĩ thường công khai nêu tên những người mình yêu trong thơ, còn bây giờ lại sợ gọi thành tiếng.
Tượng đài Pushkin ở Daint Petersburg. |
A. Pushkin tìm người đẹp Tsadaeva - một nữ sinh cùng trường xuất thân từ dòng họ vương giả - khắp mọi nơi. Nhưng khi thấy và gặp, anh chỉ đưa mắt nhìn… Hồi hộp, ngượng nghịu, rồi… bỏ chạy. Chàng viết, viết rất nhiều về những điều không dám nói thành lời… Đó mới là tình yêu!
Trông nàng thật tuyệt vời trong vũ hội Mùa xuân ở Trường Lyceum. Tsadaeva vừa lấy quạt đăng ten che mặt, vừa mỉm cười hé nhìn đám con trai vây quanh…. Rồi những dịp vũ hội lộng lẫy ở nhà nàng mà Pushkin cũng được mời tham dự. Chàng chẳng nhớ gì ngoài gương mặt và nụ cười mê hồn của Tsadaeva, khi nàng mở đầu đêm hội qua những vũ điệu “hớp hồn”.
A. Pushkin cứ đứng đờ đẫn bên tường chăm chú mục kích, cho đến khi người đẹp đưa anh ra khỏi trạng thái mê mẩn. “Thế bạn còn nấn ná lại đây hay sao?…”, Tsadaeva hỏi rồi 2 người vội rời khỏi chốn vũ hội, cùng nhau đi dạo hồi lâu dưới những hàng cây phủ dày bóng tối. Tạo hóa thật kỳ diệu biết bao. Vốn kín đáo, bình tĩnh và thông minh, Tsadaeva là người duy nhất thấu hiểu tâm hồn Pushkin.
Chàng đánh bạo chạm vào cánh tay trắng ngần mềm mại của nàng, hốt hoảng sợ mọi người nhìn thấy… Còn nàng thì mỉm cười và xin chàng ghi vài chữ vào cuốn sổ lưu niệm nhỏ. “Không ai có thể xinh hơn tiểu thư”, A. Pushkin viết rồi ký tắt bên dưới bằng 2 chữ cái đầu của họ tên mình: “A.P.”.
Đêm đến lúc trở về ký túc xá, chàng lại không hề chợp mắt… Chợt nhớ tới người bạn Piot Carevin đang là lính kỵ binh cùng lời nhắn nhủ: “Này Pushkin, không được như vậy nhé! Chỉ riêng cái vẻ sầu muộn của cậu cũng đủ làm cho mọi thiếu nữ chết ngây chết ngất đấy. Mình sẽ giúp cậu đánh cắp người đẹp trong mộng”. Ước sao quả thật được như vậy!
“Buổi đêm, trên những con tuấn mã phi nước kiệu… Tôi hạnh phúc. Không, hôm qua tôi không hạnh phúc - Pushkin ghi trong nhật ký - Buổi sáng tôi bị hành hạ bởi sự chờ đợi. Với nỗi hồi hộp khó tả, tôi đứng dưới cửa sổ nhìn ra con đường tuyết phủ, nhưng chẳng thấy nàng đâu. Cuối cùng, khi tôi đã mất hết hy vọng, thì bỗng gặp Tsadaeva ở ngay chân cầu thang. Giây phút tương phùng thật ngọt ngào khôn xiết!”.
Những đớn đau hạnh phúc
Nỗi đau khổ thực sự còn dày vò chàng thi sĩ trẻ trong tương lai, khi gia đình của Elvina cũng là mối tình đầu chuyển đến sinh sống ở kinh đô Saint Petersburg.
Trang bìa cuốn “Yevgeny Onegin” bản in năm 1833. |
Suốt mùa đông A. Pushkin cứ buồn rười rượi vì sự thiếu vắng này. Giọng nhẹ nhàng, châm biếm của tác giả trong những vần thơ cố hữu, nay được thay thế bằng giọng u sầu đầy đau đớn: “Nước mắt tôi cứ tuôn lã chã, nước mắt an ủi tôi…”. Những buổi tụ tập với bạn bè không làm chàng vui nữa. Pushkin đến chỗ ngôi nhà bỏ trống của Cachia, nhìn vào khung cửa, nơi “Nàng đã ngồi một mình vẻ tư lự…”.
Có lúc kẻ si tình tuyệt vọng hoàn toàn, viết về ngày tận số mà chàng “mong muốn”. Những bài thơ của A. Pushkin trong giai đoạn này ẩn sau mỗi dòng tự sự là nỗi quằn quại của một tâm hồn đang bị “sốc” vì mối tình đầu sâu đậm.
Vào mùa hè năm 1816 gia đình Bakunin lại đến nghỉ ở Tsarskoye Selo. Phải chăng, mùa hè này Pushkin đã sáng tác bài thơ “Lời ghi ở nhà nghỉ”? Giữa cảnh hối hả của những ngày hội cung đình nối tiếp nhau, E. Bakunina đã kịp thu xếp nhằm “ban tặng” kẻ ngưỡng mộ vài buổi hẹn hò kín đáo.
Tất nhiên A. Pushkin đã nhớ lại một trong những dịp ấy: “Ở đây tôi đã một lần được hạnh phúc với nàng”. Có điều là những ngày êm ả đó trôi đi quá nhanh. Khi tạm biệt, chàng kề môi hôn bàn tay người hằng yêu dấu… Nhưng sức trẻ không cho phép Pushkin sống cô đơn, buồn bã mãi. Chàng lại đi tự tình với Maria Smith, một góa phụ có họ xa với ông hiệu trưởng. Nàng quả có sức hấp dẫn, song ở Maria không có sức mạnh chinh phục chàng thi sĩ như với Elvina-Cachia.
Nhưng cuộc sống vẫn phải trôi đi. Đầu xuân 1817 A. Puskin làm quen với gia đình Karamdin mới tới cư ngụ tại Hoàng thôn. Thi sĩ trẻ tìm thấy ở ngôi nhà này sự ấm cúng gia đình mà anh không biết tới từ hồi nhỏ. Cặp mắt nâu tròn mơn trớn của bà mệnh phụ Ekaterina Karamdina tái hiện thường xuyên hơn trong tâm tưởng của Pushkin… “Nàng” hơn chàng tới 20 tuổi, nhưng sự chênh lệch này chẳng có ý nghĩa gì cả.
Ekaterina tỏ ra suồng sã, mỗi khi nghe thi sĩ xướng lên những vần thơ ngẫu hứng châm chọc đám tình địch của chồng mình... Trong giai đoạn này A. Pushkin cũng thường xuyên có mặt tại Hiệp hội Ardamsk, một tổ chức văn hóa nghệ thuật nức tiếng ở thủ đô Nga, nơi đã kết nạp anh và đặt bí danh “Podzigatel” (Con đom đóm) cho chàng thi sĩ trẻ…
Thực ra A. Pushkin và E. Bakunina đã có dịp tái ngộ nhiều lần trong khoảng thời gian từ năm 1820-1830 ở Saint Petersburg, bởi cả 2 đều có những người bạn cùng chí hướng tại đấy.
“Người tình trong mộng” đầu tiên của Pushkin đã trở thành nữ họa sĩ tên tuổi trong lĩnh vực vẽ chân dung, một trào lưu thời thượng đương thời. Cho mãi đến năm 1834, khi đã 39 tuổi, “Cachia bé bỏng” mới chịu đi… lấy chồng. Đầu năm 1829 khi cho ra mắt kiệt tác bất hủ “Yevgeny Onegin”, cuốn tiểu thuyết bằng thơ cũng là tác phẩm được đánh giá cao nhất trong sự nghiệp sáng tác của A. Pushkin, hẳn nhà thi sĩ tài hoa đang ngẩn ngơ nhớ lại những ngày “Tình yêu làm trào sôi bầu máu trẻ trung…”.
Quả đúng vậy, thật khó phủ nhận một điều, rằng Đại thi hào hay “Mặt trời thi ca Nga” Alexandr Sergeevich Pushkin phút chốc “xuất thần” từ chính các mối tình thời trai trẻ đầy mộng mơ ấy…