Những trò ảo thuật trong xây dựng cầu đường
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát Điều tra (CSĐT) - Bộ Công an Quyết định chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án và Bản kết luận điều tra sang Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đề nghị truy tố các bị can trên...
Khi cầu bị… rút ruột
Vào ngày 15/12/2008, Cơ quan CSĐT tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC15)- Công an TP Hà Nội và Bộ Công an đã bắt quả tang vụ rút ruột công trình xảy ra tại công trình cầu Chợ Đệm. Sau đó, Cơ quan Điều tra Bộ Công an quyết định khởi tố vụ án hình sự đối với Dương Văn Khanh, Nguyễn Ngọc Hà (cán bộ kỹ thuật thuộc Đội Xây dựng số 7 Công ty CPXD số 12 Thăng Long), Nguyễn Văn Sĩ (Tư vấn giám sát thuộc Văn phòng QCI Cuba tại Việt Nam) về tội "Tham ô tài sản" xảy ra tại công trình cầu Chợ Đệm - thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Công trình đường cao tốc TP HCM - Trung Lương là dự án do Chính phủ đầu tư, Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận làm đại diện chủ đầu tư. Ngày 5/6/2006, Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đã ký hợp đồng giao thầu cho Tổng công ty Xây dựng Thăng Long thực hiện thi công xây dựng, lắp đặt công trình cầu Chợ Đệm km8+200 - km9+380 thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương.
Ngày 15/7/2006, Tổng công ty xây dựng Thăng Long đã ký hợp đồng giao cho Công ty CPXD số 12 Thăng Long thi công các hạng mục như khoan cọc nhồi các trụ cầu, mố cầu... Các công trình phụ trợ phục vụ thi công và đường công vụ phía bờ Chợ Đệm của cầu Chợ Đệm.
Công ty CPXD số 12 Thăng Long đã giao cho Đội Xây dựng số 7 do Dương Văn Khanh (39 tuổi, ngụ Khu tập thể Trung tâm Công nghệ kỹ thuật hạ tầng Thăng Long, Xuân Đỉnh, Từ Liêm, Hà Nội) làm đội trưởng thực hiện hợp đồng này với hình thức khoán định mức: Đội 7 được quyền tự thuê nhân công, máy móc thiết bị, mua nguyên vật liệu phụ trong phạm vi định mức công ty giao khoán, tuy nhiên các chi phí trên phải có chứng từ hợp lệ và phải được công ty duyệt chi.
Theo kết luận điều tra của C15 - Bộ Công an; trong quá trình thi công, Dương Văn Khanh đã có hành vi lập chứng từ giả chiếm đoạt hơn 136 triệu đồng trong hạng mục bơm vữa ống sonic. Khanh đã chỉ đạo Nguyễn Ngọc Hà không bơm vữa vào 40 ống sonic của trụ P14 và 48 ống sonic của mố A2, còn các trụ P10, P11, P12, P13 có ống bơm vữa có ống không và chỉ bơm vữa thường không có phụ gia sika.
Cầu vượt Chợ Đệm. |
Mặc dù không tiến hành bơm vữa sika đủ các ống sonic, nhưng Dương Văn Khanh đã móc nối với Nguyễn Văn Sĩ, cán bộ tư vấn, giám sát thi công để Sĩ ký biên bản nghiệm thu xác nhận đã hoàn thành hạng mục bơm vữa ống Sonic các trụ P10, P11, P12, P13, P14 và thỏa thuận với Mai Văn Tuấn (trú tại 10/06 Nguyễn Văn Tuôi, thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An) để Tuấn ký hợp đồng bơm vữa ống Sonic với Công ty CPXD số 12 Thăng Long, dù không thực hiện hợp đồng này nhưng Tuấn đã xuất 2 hóa đơn GTGT khống để Khanh sử dụng thanh toán với công ty số tiền 140 triệu đồng (thực tế công ty đã trả cho Khanh 132 triệu đồng).
Theo bản vẽ thi công, khung vây của các trụ và mố cầu được đóng bằng cọc cừ tràm và tại hạng mục này định mức khoán của công ty với 5 trụ và 1 mố cầu là 140 triệu đồng. Trong quá trình thi công, Dương Văn Khanh đã thông đồng với Nguyễn Văn Sĩ tự ý thay đổi thiết kế thi công không đóng khung vây bằng cọc cừ tràm mà thay bằng tôn, cọc thép U, I, có sẵn trên công trường để giảm chi phí nhưng vẫn đề nghị công ty thanh toán theo định mức đóng cọc khung vây bằng cừ tràm.
Trong “phi vụ” này, Sĩ được Khanh hứa chi 15 triệu đồng/1 trụ, ngoài ra Khanh thỏa thuận với vợ chồng Nguyễn Văn Tý, Huỳnh Mỹ Liên chủ DNTN Hoàng Việt (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) để tạo một hợp đồng khống đóng cọc khung vây với Công ty CPXD số 2 Thăng Long và xuất 2 hóa đơn GTGT khống, ký các biên bản nghiệm thu khối lượng giai đoạn. Với các chứng từ trên Khanh đã thanh toán với công ty được số tiền 138 triệu đồng.
Trong hạng mục đào đất, vận chuyển đất và lấp hố móng của 6 trụ và mố cầu, định mức khoán của công ty cho Dương Văn Khanh là 120 triệu đồng. Để thực hiện hạng mục này, Khanh đã thuê Phạm Văn Tâm (trú tại 199 ấp Thanh Hiệp, xã Thanh Phú, huyện Bến Lức, tỉnh Long An) tiến hành thi công, do không có tư cách pháp nhân, Tâm đã nhờ Lê Quang Thành, chủ DNTN 7 CU, huyện Bến Lức tỉnh Long An ký hợp đồng thi công với Công ty CPXD số 12 Thăng Long với giá trị hợp đồng 140 triệu đồng.
Trên thực tế, Tâm đã thi công khối lượng công việc trị giá 90 triệu đồng nhưng khi thanh toán, Khanh đã đề nghị với Tâm số tiền Công ty CPXD đã chuyển cho DNTN 7 CU còn dư lại 30 triệu đồng Tâm cho Khanh nâng lên để Khanh rút tiền.
Chấp nhận đề nghị của Khanh, Tâm đã yêu cầu ông Lê Quang Thành xuất 4 hóa đơn GTGT và ký 4 biên bản nghiệm thu giai đoạn với tổng số tiền là 120,684 triệu đồng, Khanh đã dùng các chứng từ này thanh toán với công ty. Trừ tiền trả cho Phạm Văn Tâm 90 triệu, Khanh đã chiếm đoạt hơn 30 triệu đồng...
Chỉ với 3 hạng mục công trình trên, CQĐT đã xác định tổng số tiền Khanh đã rút ra chiếm đoạt trên 237 triệu đồng...
Qua đấu tranh, các bị can Dương Văn Khanh, Nguyễn Văn Sĩ, Nguyễn Ngọc Hà và các đối tượng có liên quan gồm: Mai Văn Tuấn, Phạm Văn Tâm, Huỳnh Mỹ Liên, Lê Văn Thành đã khai nhận toàn bộ các nội dung mà CQĐT kết luận.
Riêng Nguyễn Văn Sĩ khai nhận có thông đồng với Dương Văn Khanh trong việc ký các biên bản bơm vữa lấp đầy ống sonic, biên bản nghiệm thu hố móng, nhật ký thi công của các trụ P10, P11, P12, P13, P14 và mố A2 không đúng với thực tế để Khanh rút tiền chiếm đoạt, tuy nhiên Sĩ khai chỉ nhận được từ Khanh 8 triệu đồng trong hạng mục đóng cọc khung vây, không phải 65 triệu như Khanh đã khai.
Hành vi trên của Dương Văn Khanh đã xâm hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước và doanh nghiệp, vi phạm nghiêm trọng các quy định về xây dựng cơ bản, phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với vai trò là kẻ chủ mưu, trực tiếp thực hiện phạm tội.
Trong vụ án này Nguyễn Văn Sĩ (41 tuổi, ngụ 38/123V Quang Trung, P.12, quận 12, TP HCM) còn là trợ thủ đắc lực nhất. Sĩ là cán bộ trực tiếp giám sát thi công, có trách nhiệm kiểm tra giám sát thi công công trình Cầu Chợ Đệm theo đúng thiết kế, đúng quy định của Nhà nước nhưng Sĩ đã ký các biên bản nghiệm thu hạng mục thi công bơm vữa ống sonic, đóng cọc khung vây cừ tràm không đúng với thực tế, thông đồng, tiếp tay cho Dương Văn Khanh chiếm đoạt tài sản, hành vi của Nguyễn Văn Sĩ phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" vai trò đồng phạm giúp sức.
Những “kẽ hở” trách nhiệm
Đối với Nguyễn Ngọc Hà, cán bộ kỹ thuật trực tiếp thi công trên công trình khi thi công các hạng mục bơm vữa ống Sonic, đóng cọc khung vây đã có hành vi làm theo sự chỉ đạo của Dương Văn Khanh thi công không đúng với thiết kế, tạo điều kiện để Khanh chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, khi thực hiện hành vi trên, Hà không biết mục đích chiếm đoạt tài sản của Khanh và không được Khanh chia tiền nên hành vi của Hà là vi phạm quy định về xây dựng nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng, với thái độ khai báo thành khẩn, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an ra Quyết định đình chỉ điều tra, chuyển xử lý hành chính đối với Nguyễn Ngọc Hà.
Đối với các đối tượng Mai Văn Tuấn, Phạm Văn Tâm, Huỳnh Mỹ Liên, Lê Văn Thành, các cá nhân và chủ doanh nghiệp đã có hành vi bán các chứng từ, hóa đơn GTGT cho Dương Văn Khanh tạo điều kiện để Khanh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi trên có dấu hiệu phạm tội "Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành, séc giả, giấy tờ giả có giá khác”.
Tuy nhiên trong quá trình điều tra các đối tượng trên khai báo thành khẩn, nộp tiền khắc phục các khoản thu lợi bất chính, xét thấy hành vi vi phạm không nghiêm trọng chưa cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đề nghị xử lý hành chính.
Ngoài ra, Trịnh Nam Sơn (Phó giám đốc Ban Điều hành dự án Tổng công ty XD Thăng Long).
Nguyễn Quốc Cường (Trưởng ban Điều hành dự án Công ty CPXD số 12 Thăng Long). Nguyễn Anh Tuấn, Hoàng Xuân Phượng là Tổng giám đốc và Kế toán trưởng Công ty CPXD số 12 Thăng Long và Livia M.peerera Diaz (Cán bộ tư vấn giám sát Văn phòng QCI).
CQĐT kết luận các cá nhân trên đã có hành vi thiếu trách nhiệm trong công việc tạo điều kiện để Dương Văn Khanh và đồng bọn chiếm đoạt tài sản. Tuy hành vi của các cá nhân trên chưa đến mức độ phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng cần đề nghị cơ quan chủ quản có biện pháp xử lý nghiêm khắc.
Được biết, chỉ riêng đoạn công trình cầu Chợ Đệm thuộc dự án đường cao tốc TP HCM - Trung Lương đã xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc trong quá trình thi công. Vào đầu năm 2008, tại đoạn công trình đã bị phát hiện có hiện tượng sụt lún vượt mức cho phép.
Đặc biệt là sự cố sập dầm cầu số 142 của đoạn công trình cầu Chợ Đệm vào ngày 10/3/2009 đã làm 1 công nhân tử vong và 1 công nhân khác bị thương nặng. Cho đến nay, mặc dù các cơ quan có trách nhiệm đã có giải trình về vụ việc nhưng dư luận vẫn đang nghi ngại về chất lượng của đoạn công trình xảy ra sự cố này.
Theo thông tin chúng tôi có được, do không thể đào hết các cọc khoan nhồi để giám định, CQĐT chỉ điều tra, xác minh, xác định và kết luận về những "hạng mục" đã... bị lộ, chủ yếu theo chính lời khai của các đương sự.
Tuy nhiên, vụ án Dương Văn Khanh và đồng bọn cũng đã là bài học đắt giá về trách nhiệm cho ngành giao thông vận tải trong việc quản lý, giám sát, tổ chức thi công những công trình trọng điểm quốc gia...