Những vấn đề bất cập trong nền du lịch quốc tế hiện nay

Thứ Sáu, 07/04/2017, 19:10
Du lịch ra nước ngoài giờ đây đã trở thành một “trào lưu thời thượng”. Cùng với đà phát triển của ngành vận chuyển hàng không càng ngày càng rẻ và tiện lợi hơn, là sự xuất hiện hàng loạt các chốn nghỉ ngơi cao cấp ngay cả ở những nơi heo hút nhất trên địa cầu. Thế còn hậu quả từ những cuộc “thư giãn hữu ích” đậm chất xô bồ ấy thì sao?

Những “núi” rác thải

Các công ty du lịch thành đạt thường xây dựng chiến lược phát triển của mình dựa trên 2 yếu tố căn bản. Đầu tiên là tận dụng các “dấu ấn cổ điển”. Ví như bất cứ người nào trong giới trung lưu tại Nhật Bản hay Hoa Kỳ, đều muốn được đặt chân tới để mục kích những công trình xuyên thế kỷ như Kim Tự Tháp ở Ai Cập chẳng hạn... Thứ đến là triệt để khai thác các chuyến du lịch dã ngoại dạng phiêu lưu - mạo hiểm đầy chất khám phá, đưa du khách tới những chốn tận cùng trên trái đất.

Tiêu biểu là hãng lữ hành Adventures nổi tiếng của Canada, thường xuyên dẫn những người già Bắc Mỹ giàu có “lần” theo những bước chân của nhà thám hiểm huyền thoại người Na Uy Roald Amundsen (1872-1928) trên cả 2 vòng cực trái đất. Để khi trở về, họ có thể tự hào khoe với mọi người về những “vết thương chiến tích” khi leo núi, hoặc được sống trong trạng thái khí loãng triền miên ra sao...

Hệ quả là nhiều “núi” rác nhân tạo đang nhan nhản khắp các sườn núi Himalaya - “mái nhà của thế giới”, cũng như trong các cánh rừng sâu chưa có dấu chân người trên đảo Borneo ở Đông Nam Á. Rác thải vô tội vạ chính là mặt trái đầu tiên từ “cơn sốt” bùng nổ du lịch đại trà.

Nghịch lý sau các “thiên đường bê tông”

Các tòa khách sạn đủ mọi hạng sao mọc lên như nấm sau mưa trên mọi ngóc nghách của hành tinh. Với móng tường bê tông vĩnh cửu cố hữu bên ngoài, cùng sự trang bị nội thất tổng hợp mọi tiện nghi điện tử siêu hiện đại bên trong, điểm xuyết thêm vào vài đường nét đặc trưng cho vùng đất hiện hữu, thế là thành một chốn nghỉ ngơi lý tưởng thỏa mãn sự hiếu kỳ của du khách thập phương rồi.

Thực trạng này mặc nhiên khiến giới du khách tham gia vào các tour rẻ tiền không có cơ may được đưa đi dã ngoại - khám phá; hoặc bản thân du khách cũng chẳng muốn rời chỗ ở bởi phong cảnh tẻ ngắt dạng “tiền nào của ấy” khắp 4 phía xung quanh.

Còn với vùng Nam Mỹ đầy cuốn hút, nhất là tại các bãi tắm nổi tiếng ở Mexico hay Brazil, nơi lượng du khách chen chúc trong các “rừng” hotel chọc trời luôn vượt gấp... 10 lần sức chứa của bản thân các bờ biển thì sao? Ai không muốn thức giấc từ 5 giờ sáng hoặc chưa đặt trước chỗ ngoài bãi biển, chỉ còn nước “ở lì” trong các khách sạn mà thôi.

“Thiên đường bê tông” giữa quần đảo Caribbean thơ mộng.

Thật ra các quốc gia đang phát triển chỉ “chăm bẵm” khai thác cả sự hào phóng từ thiên nhiên, lẫn các kiệt tác nhân tạo xa xưa mà thôi, tất cả mọi thứ còn lại trong ngành công nghiệp không khói như đăng ký xếp chỗ, chi tiêu ăn uống, vận chuyển du khách... đều do các công ty du lịch đa quốc gia “bao” trọn gói.

Và đương nhiên các hãng ấy đã “xuất ngược” phần chủ yếu nguồn ngoại tệ dồi dào đó. Ví như  tại lục địa đen châu Phi hay vùng Caribbean ở Trung Mỹ, dân bản địa chỉ “được phép” làm những công việc phụ đậm chất tạp vụ, còn những chỗ cần tay nghề cao (dĩ nhiên với mức thu nhập cao được quy đổi qua ngoại tệ) lại do người nước ngoài đảm nhiệm.

Thường thì mỗi khi xây cất các tòa hotel mới, người ta lại viện lý do “chuẩn hóa quốc tế” ra khiến các công ty đa quốc gia có trụ sở đặt tại phương Tây dễ bề trúng thầu. Để rồi tất tần tật, kể cả tới cái đinh ốc nhỏ nhất cũng được nhập về bằng ngoại tệ.

Sự xuất hiện của các du khách lắm tiền nhiều của cũng làm thay đổi tận gốc rễ những giá trị xã hội cố hữu. Nền giáo dục bản địa mặc nhiên xuống cấp, bởi chẳng mấy ai thiết tha học lên cao hơn giữa bối cảnh một nhân viên tạp vụ, một người bồi bàn, hoặc thậm chí một kẻ ăn xin chuyên nghiệp luôn có mức thu nhập gấp nhiều lần một nhà giáo hay một kỹ sư.

Lễ hội theo… đơn đặt hàng

Ngay cả giới trí thức tại các quốc gia đang phát triển cũng không giấu nổi sự lo ngại, trước những biến cải vô duyên từ các tập tục dân gian truyền đời. Nền văn hóa bản địa đặc trưng đúc kết qua nhiều nghìn năm bỗng chốc biến thành dịp lễ hội dân tộc thuần túy theo nhu cầu của du khách. Người ta cố sức cải biên những bản sắc dân gian cổ truyền sao cho thật... “hợp khẩu vị” người ngoại quốc.

Ví như nghi thức lễ hội mừng ngày mùa thường niên nổi tiếng ở Somalia trong vùng Sừng châu Phi, theo kịch bản truyền thống phải kéo dài đúng 9 tiếng đồng hồ. Nhưng nhằm đáp ứng sự đòi hỏi “bất khả kháng” của khách phương xa vốn ít thời gian, lễ hội lập tức bị gói gọn chỉ trong vòng 1 giờ; đồng thời ngày hội đón mừng mùa vụ mới giờ đây diễn ra triền miên quanh năm suốt tháng, chứ không hẳn một lần duy nhất trong cả năm như tập tục định trước nữa.

Còn trên các hòn đảo thuộc vịnh Caribbean bây giờ, các kỳ lễ hội hóa trang hấp dẫn thường mở màn tương ứng với thời khắc biểu của đoàn du khách Tây phương sắp đổ đến. Dân da đỏ Nam Mỹ, cũng như người Eskimo trên vùng cực Bắc thường đua nhau chế tác đại trà những ngọn giáo cổ, góp phần “phục hưng” nền tiểu thủ công dân gian tinh xảo đang có nguy cơ mai một và bị quên lãng.

Chưa kể đến những pho tượng thần của người châu Á, hay mặt nạ lễ hội của người châu Phi làm từ... plastic, vẫn đều đặn “ra lò” ồ ạt tại những cơ sở ở Hong Kong và Đài Loan, cũng như tại nhiều nơi khác nữa để bán cho du khách hiếu kỳ ưa sưu tập đồ quý hiếm.

Trong những năm gần đây, một hiện tượng nổi cộm đáng gióng hồi chuông báo động nữa là sự xuống cấp của các tụ điểm du lịch tại các nước đang phát triển. Bằng chứng hiển nhiên thật đáng buồn là những bãi biển nên thơ ken kín người thuở trước đang dần thưa thớt, xen vào là sự hoang tàn từ những đền thờ của người Aztec ở Trung Mỹ, hay đáng phê phán hơn là những bức tường dày đặc các chữ ký “lưu niệm” ở những quần thể lăng tẩm, hay đền thờ cổ kính tại Ai Cập hoặc Campuchia...

Trần Hồng (tổng hợp)
.
.