Nỗ lực ngăn chặn buôn lậu thuốc lá ở địa bàn phía Nam

Thứ Hai, 10/10/2016, 16:40
Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, số vụ vi phạm ngày càng nhiều, tập trung tại các tuyến biên giới Long An, Tây Ninh sau đó tuồn về TP HCM cả đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt, thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia được các “nài” xe, nài ghe xuồng vận chuyển vào nội địa nước ta, tập kết tại các huyện giáp ranh...

Với mong muốn được lắng nghe những khó khăn, những biện pháp và kết quả trong đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá từ các địa phương, các lực lượng chức năng đảm bảo tính an toàn, hiệu quả trong công tác chống buôn lậu thuốc lá, ngày 7-10-2016, tại khách sạn Victory (TP HCM), Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Báo Công an nhân dân (Tổng cục Chính trị CAND - Bộ Công an), Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) chủ trì buổi tọa đàm về chủ đề: “An toàn, hiệu quả trong chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam” với sự tham dự của Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74 - Bộ Công an), Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Hải quan và Cảnh sát kinh tế, Công an các tỉnh có đường biên giới Tây Nam giáp Campuchia như: Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh và TP HCM.

Thiếu tướng Phạm văn Miên - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân phát biểu khai mạc và đề dẫn nội dung tọa đàm.

Tình hình buôn lậu thuốc lá “nóng bỏng” tuyến biên giới Tây Nam

Tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến rất phức tạp, thủ đoạn tinh vi, số vụ vi phạm ngày càng nhiều, tập trung tại các tuyến biên giới Long An, Tây Ninh sau đó tuồn về TP HCM cả đường bộ lẫn đường thủy. Đặc biệt, thuốc lá lậu từ biên giới Campuchia được các “nài” xe, nài ghe xuồng vận chuyển vào nội địa nước ta, tập kết tại các huyện giáp ranh như: Đức Hòa, Đức Huệ (Long An), Trảng Bàng, Bến Cầu, Gò Dầu (Tây Ninh) và Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM). Từ đây, các đầu nậu thuốc lá phân phối, chia nhỏ lẻ để đưa vào trung tâm thành phố. Địa bàn thành phố là nơi tiêu thụ nhiều nhất, tập trung tại các chợ đầu mối Học Lạc (quận 5), Trần Quốc Toản (quận 3) và vận chuyển đến các tỉnh thành khác.

Trên các tuyến đường vận chuyển thuốc lá lậu, chúng bố trí người cảnh giới, canh đường theo dõi các lực lượng chức năng để thông báo cho đội nài xe biết chạy bạt mạng đến các chợ thuốc lậu và các kho chứa trong nội thành. Đoạn đường Nguyễn Văn Bứa qua xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) ngày nào cũng có những đoàn xe nài chạy bạt mạng chở thuốc lá lậu lao về hướng Tham Lương, Cộng Hòa, khiến người đi đường phải dạt vào lề để tránh

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài hơn 4.550 km, giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia. Đây là điều kiện thuận lợi trong phát triển giao thương với các nước, nhưng cũng là nơi các đối tượng buôn lậu hàng cấm, trong đó có thuốc lá ngoại nhập lậu, lợi dụng đặc thù vùng giáp biên để hoạt động buôn hàng nhập lậu có tổ chức, với nhiều phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và liều lĩnh, manh động chống trả lực lượng chức năng.

Theo thống kê của Tổ chức International Tax and Investment Center và Oxford Economics, trong ba năm 2012-2014, đã có hơn 61,2 tỷ điếu thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam. Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cũng cho biết: số lượng thuốc lá ngoại nhập lậu hơn 1 tỷ gói trong năm 2015, ước chiếm khoảng 25% thị phần nội địa. Thuốc lá lậu được bày bán tràn lan khắp nơi với các hiệu như: Hero, Jet, scott, Esse...

Thuốc lá ngoại nhập lậu càng nhiều, không chỉ gây rối tình hình an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội mà còn gây ra tình trạng thất thu thuế khá nặng nề cho ngân sách quốc gia với con số hiện nay hơn 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Thiệt hại và ảnh hưởng còn kéo theo việc mất khoảng 18.000 tấn nguyên liệu thuốc lá mỗi năm và khoảng 5 triệu lao động  nông dân mất thu nhập, việc làm và 600.000 công nhân không còn việc làm.

Thời gian qua, các lực lượng BĐBP, Hải quan, QLTT, Cảnh sát kinh tế đấu tranh quyết liệt với tội phạm vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá lậu từ biên giới đến nội thị nhưng chỉ sau một thời gian tạm lắng, tình hình buôn lậu trở nên vô cùng phức tạp.

Ngoài các thủ đoạn tinh vi như sử dụng công nghệ thông tin, máy nghe lén đặt sát biên giới theo dõi, bọn buôn lậu còn sử dụng khá đông lực lượng cảnh giới, canh đường, mở đường và thông báo cho nhau để nài xe, nài vỏ lãi cao tốc chở hàng lậu vào nội địa tránh né lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát. Nếu gặp lực lượng chức năng, chúng sẵn sàng huy động đồng bọn và người dân khu vực giáp biên, chủ yếu là phụ nữ, người già, trẻ em cản trở cơ quan chức năng để giật lại hàng và tẩu thoát.

Trong các khu chợ nội thành như Học Lạc (quận 5), Trần Quốc Toản (quận 3) TP HCM, thuốc lá lậu được phân nhỏ lẻ gửi, giấu nhiều nơi trong nhà dân khu vực lân cận, còn tại quầy bán thuốc lá chỉ để các loại thuốc lá nội địa và vỏ thuốc lá ngoại. Cần mua bất kỳ loại thuốc lá nào trên thế giới cũng có tại các chợ này, nhưng đa phần chủ hàng chỉ bán cho người quen, hàng mối...

Đội quân tham gia buôn lậu rất đông, bằng nhiều phương thức vận chuyển khác nhau từ mang vác qua biên giới, dùng ghe xuồng vượt sông rạch, sử dụng taxi, ô tô cá nhân, xe tải và cả xe mang biển đỏ, biển xanh giả để vận chuyển thuốc lá lậu.

Trong cuộc chiến chống buôn lậu đầy cam go, máu của lực lượng chức năng đã đổ xuống trên mảnh đất biên giới quê hương khiến cho xã hội bàng hoàng. Khoảng 23h đêm 15-9 vừa qua, tổ công tác số 1 Đội QLTT mật phục vây bắt trên sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Đức Hòa (Long An) một vỏ lãi chở 15 kiện thuốc lá lậu.

Nhóm buôn lậu rất manh động nhảy sông trốn thoát và gọi đồng bọn chạy vỏ lãi đến dùng hung khí tấn công tổ QLTT với 4 người, một tên dùng tuýp sắt đánh trúng đầu anh Nguyễn Kim Danh 31 tuổi, cán bộ Đội QLTT số 1 té ngã xuống sông tử vong, rồi cướp lại toàn bộ số hàng lậu. Vụ việc đã cho thấy, bọn buôn lậu ngày càng trở nên hung hãn, liều lĩnh chống trả thách thức các lực lượng chức năng và pháp luật.

Lực lượng Cảnh sát Kinh tế Công an TP HCM cho biết: trong 9 tháng đầu năm 2016, đã phát hiện, bắt giữ 583 vụ, 270 đối tượng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá ngoại nhập lậu. Cơ quan công an đã thu giữ gần 1,2 triệu gói thuốc lá ngoại các loại. Đã khởi tố hình sự 43 vụ, 43 bị can và xử phạt hành chính 295 vụ, 143 đối tượng với tổng số tiền phạt nộp Kho bạc Nhà nước trên 5 tỷ đồng.

Nhiều vụ việc tiêu biểu trong công tác đấu tranh chống buôn bán, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu: Ngày 5-5-2015, trinh sát Đội 6, Cảnh sát Kinh tế đồng loạt kiểm tra 5 nhà dân tại ấp 5, xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh là nơi chứa 38.420 gói thuốc lá ngoại nhập lậu hiệu JET, khởi tố vụ án, khởi tố, bắt tạm giam 2 đối tượng Vũ Thành Nam và Vũ Văn Dòn.

Ngày 11-12-2015, các trinh sát Đội 6 phối hợp cùng Công an Hóc Môn kiểm tra xe ô tô mang BKS 51C-435.79 chở 26.000 gói thuốc lá JET giao cho các đầu mối tiêu thụ, khởi tố, bắt giam đối tượng Phạm Văn Tiến, ngụ xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi là chủ hàng và Hồ Trọng Nhân làm thuê cho Tiến.

Hiện trường một vụ buôn lậu thuốc lá tại Đức Hòa, Long An.

BCH Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Công an các huyện biên giới Long An cho biết: Trung bình mỗi ngày đêm có khoảng 60 đến 120 thùng thuốc lá lậu tuồn qua biên giới. Cao điểm có đến 80-160 thùng. Thuốc lá lậu vượt biên tại biên giới huyện Đức Huệ, cách TP HCM khoảng 40km và địa bàn xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) giáp xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ, Long An) vận chuyển theo tuyến đường thủy ra sông Vàm Cỏ Đông qua xã Lộc Giang và kênh Thầy Cai (huyện Đức Hòa, Long An) vào địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (TP HCM) và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.

Tính đến tháng 9/2016, lực lượng chức năng Long An đã bắt giữ, xử lý 1.756 vụ buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, nhập lậu. Tịch thu hơn 1,86 triệu gói thuốc lá ngoại, khởi tố 12 vụ/23 đối tượng. Riêng trong tháng 9, QLTT tỉnh Long An đã phát hiện 148 vụ kinh doanh, vận chuyển thuốc lá ngoại nhập lậu, xử lý tịch thu 139.299 gói thuốc lá ngoại các loại.

Từ đầu năm đến nay, lực lượng Quản lý thị trường TP HCM đã phát hiện, bắt giữ gần 800 vụ mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu, tang vật trên 279.000 gói, chuyển công an khởi tố 5 vụ với trên 40.000 gói thuốc lá ngoại.

Vướng mắc và khó khăn trong xử lý thuốc lá lậu

Tại buổi tọa đàm, nhiều tham luận của các lực lượng chức năng chống buôn lậu nêu ra, bày tỏ một số khó khăn, vướng mắc do thiếu tính nhất quán, đồng bộ của các quy định trong việc phát hiện, xử lý các vụ vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu.

Theo Cảnh sát kinh tế Công an TP HCM, căn cứ Nghị định 59/2006/NĐ-CP xác định, thuốc lá điếu và các loại thuốc lá thành phẩm khác thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ hạn chế kinh doanh. Nhưng Nghị định 43/2009/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 7-5-2009 quy định: thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu thuộc danh mục hàng hóa cấm kinh doanh.

Theo Điều 6 của Luật Đầu tư 2014, trong số 5 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh, trong đó không có pháo nổ và không có thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm nhập lậu. Những quy định thiếu nhất quán của các văn bản pháp luật, đã dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý nhiều vụ việc liên quan đến hành vi tàng trữ, vận chuyển thuốc lá lậu gặp khó khăn trong giải quyết.

Ngày 26-1-2016, TAND Tối cao đã ban hành công văn về việc tạm dừng xét xử đối với các hành vi vận chuyển, tàng trữ pháo nổ và thuốc lá nhập lậu trong nội địa vì chưa làm rõ thuốc lá điếu nhập lậu có thuộc danh mục hàng cấm hay không và còn trực tiếp liên quan đến quy định của Chính phủ trong Nghị định 124/NĐ-CP ngày 19-11-2015 sửa đổi Nghị định 185/NĐ-CP năm 2013 đối với hành vi, xác định số lượng làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự: “Đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 62 Luật VPHC”...

Do đó, trong 9 tháng/2016, lực lượng CSKT Công an TP HCM thụ lý điều tra 43 vụ/43 bị can về vận chuyển, buôn bán hàng cấm nhưng không có trường hợp nào chuyển VKSND, VKSND chuyển TAND đưa ra xét xử nên buộc phải đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can.

Lực lượng QLTT Long An kiến nghị, cần tăng biên chế, tăng cường phương tiện, công cụ hỗ trợ cho lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vì hiện nay còn quá mỏng, thiếu sự hỗ trợ để bảo đảm an toàn tính mạng cho lực lượng thi hành nhiệm vụ. Long An có đường biên giới 133km, địa hình liền bờ ruộng, liền ranh đất với Campuchia, Đội QLTT số 1 phụ trách hai huyện Đức Hòa, Đức Huệ chỉ có 9 KSV, lại vừa mất một cán bộ là anh Nguyễn Kim Danh thì không thể quán xuyến hết địa bàn trong cuộc chiến chống buôn lậu đầy cam go, khốc liệt như hiện nay.

Thay mặt Ban tổ chức cuộc tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Miên - Tổng Biên tập Báo Công an nhân dân phát biểu: Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia 389 cùng các bộ, ngành, lực lượng chức năng và các tỉnh thành đã có nhiều nghị định, quyết định, chỉ thị về công tác chống buôn lậu, đặc biệt là chống buôn lậu thuốc lá. Đây là công tác thường xuyên, lâu dài và liên tục, cần có sự phối hợp đồng bộ của cả hệ thống chính trị, của xã hội, phải ngăn chặn bằng được hàng lậu.

Chính phủ luôn xem công tác chống buôn lậu là một nhiệm vụ quan trọng, cần được triển khai thường xuyên, phải ngăn chặn bằng được hàng lậu, thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng trưởng kinh tế, giải quyết khó khăn về việc làm. Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý chống buôn lậu thuốc lá phải triển khai thực hiện quyết liệt từ biên giới, kết hợp với ngăn chặn đầu nậu từ bên trong mới có hiệu quả, chuyển biến tích cực. Các tham luận trong buổi tọa đàm sẽ góp phần làm rõ hơn các biện pháp đấu tranh, phòng ngừa và các giải pháp khả thi, lâu dài trong công tác chống buôn lậu thuốc lá.

Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã nhấn mạnh về tính phức tạp của tình hình buôn lậu thuốc lá diễn ra tại biên giới đất liền và biển trên cả nước và những ảnh hưởng, hệ lụy gây ra trực tiếp đến nền kinh tế đất nước và thất thu ngân sách. Tổng cục Cảnh sát đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác chống buôn lậu.

Khó khăn chung là đối tượng chủ mưu cầm đầu không ra mặt, thuê người vùng biên giới vận chuyển, manh động sẵn sàng đối phó, huy động đồng bọn, lực lượng chống trả lại cơ quan chức năng. Lực lượng chức năng chống buôn lậu ở biên giới còn mỏng, trang bị công cụ, phương tiện còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, công tác phối hợp chưa đồng bộ, một số văn bản pháp luật còn chồng chéo.

Trung tướng Đồng Đại Lộc đề xuất nhiệm vụ cho lực lượng cảnh sát cần kết hợp các cơ quan báo chí tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân vùng biên chấp hành các quy định pháp luật, chính quyền địa phương vận động nhân dân không tham gia tiếp tay với buôn lậu, tuần tra, phát hiện, kiểm soát để triệt phá những đường dây buôn lậu.

Hoàng Châu
.
.