Nỗi buồn trường học “quốc tế” tự xưng

Thứ Hai, 12/08/2019, 16:28
Những ngày qua, dư luận xã hội vô cùng đau xót trước vụ việc một cháu bé lớp 1 của Trường quốc tế Gateway (Cầu Giấy, Hà Nội) tử vong vì bị bỏ quên trên xe ô tô đưa đón của trường. Giờ đây, người ta mới giật mình và nhìn lại nhiều vấn đề xung quanh cái mác trường “quốc tế”.

1. Trong 10 năm trở lại đây, vô số trường tiểu học ngoài công lập cho đến liên cấp mới thành lập được xây dựng lẫn đầu tư bài bản có yếu tố nước ngoài cũng không ngần ngại treo biển quốc tế cho dù chưa được công nhận, hoàn toàn mang mục đích quảng cáo, thu hút tuyển sinh. Về mặt pháp lý, khi sử dụng tên quốc tế phải dựa vào đề án được trình để cấp phép và theo giấy phép thành lập trường.

“Rất nhiều trường có xu hướng muốn quốc tế hóa bằng cách sử dụng tên tiếng Anh để đặt tên cho trường nhằm thu hút học sinh nhưng đều không được phép” - thông tin từ Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết.

Việc sử dụng tên quốc tế phải dựa vào đề án được trình để cấp phép và theo giấy phép thành lập trường. Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận hiện vẫn chưa có quy định nào về tên gọi trường “quốc tế”. Đồng thời cũng chưa có căn cứ pháp lý để khẳng định việc các trường tự xưng là trường “quốc tế” có vi phạm hay không. “Sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có quy định rõ về vấn đề này”, ông Minh cho biết.

Bản thân tôi, người viết bài, đã có những ấn tượng không hề tốt về trường “quốc tế” tự xưng. Con trai lớn của tôi sinh năm 2008, cháu là đứa trẻ cẩn thận, sạch sẽ và khá nhút nhát. Đến tuổi học mẫu giáo tôi đã rất khó khăn trong việc lựa chọn cho con ngôi trường phù hợp. Cái gì không biết thì tra Google, thông tin đầy chặt màn hình về những trường mẫu giáo quốc tế.

Tôi chọn trường được quảng cáo dày đặc là hệ thống giáo dục liên cấp thuộc hệ thống “M.B” toàn cầu có trụ sở tại Vancouver (Canada) với 300 điểm trường tại 17 quốc gia trên thế giới. Đây cũng là hệ thống đầu tiên tại Việt Nam mua bản quyền chương trình đào tạo uy tín của M.B Canada. Cơ sở vật chất cùng trang thiết bị được đầu tư vô cùng hiện đại cũng là một trong những ưu điểm nổi bật của ngôi trường quốc tế này.

Khi theo học tại đây, học sinh sẽ được học tập và rèn luyện trong môi trường tốt nhất với đầy đủ các phòng chức năng như: bể bơi bốn mùa, thư viện, phòng Mộc, phòng STEM, phòng Âm nhạc, phòng Nấu ăn… Cùng với đó là vô số các hoạt động ngoại khóa và trải nghiệm, giúp học sinh phát triển toàn diện về kỹ năng, trí tuệ và cảm xúc.

Với mức học phí chia nhỏ sẽ xấp xỉ khoảng 14 triệu đồng/tháng trong khi thu nhập của cả hai vợ chồng tôi chỉ loanh quanh 30 triệu/tháng. Đây là sự nỗ lực lẫn cố gắng dành cho đứa con đầu lòng những kỳ vọng, điều kiện tốt nhất.

Mọi điều mong muốn của gia đình và con vui vẻ được hơn 2 năm thì trường xảy ra một vụ việc ồn ào là thực phẩm bẩn. Cụ thể hơn, bếp được nhà trường bán lại cho thầu phụ, họ nấu đồ ăn trong một căn bếp bẩn thỉu, ướt át bên cạnh bến xe Giáp Bát. Gián, chuột bò lổm ngổm trên bơ, bánh mỳ và cơm… Đó là tất cả những gì phụ huynh được chứng kiến trong lần kiểm tra đột xuất từ thông tin giáo viên báo cho. Chúng tôi đưa đám trẻ đi kiểm tra sức khỏe tổng quát, vài chục cháu đã kịp bị hạch treo trong ruột được cho là có nguyên nhân từ việc ăn uống thực phẩm bẩn.

Nhiều buổi đối thoại về trách nhiệm của nhà trường với phụ huynh nhưng bất thành. Thật kỳ lạ là thành phần hội đồng quản trị nhà trường không có ông bà Tây hay Canada nào xuất hiện ngoài những người nước ngoài phương Bắc. Không ít phụ huynh quá thất vọng với sự vô trách nhiệm, bất nhẫn đã xảy ra như nêu trên đã in ấn nhiều bandroll phản đối đứng căng ra trước cổng trường.

Chị hiệu trưởng người Việt Nam cùng hội đồng quản trị là mấy “ông Tây” thông điệp tới chúng tôi: “Nếu quý vị không hài lòng xin mời cho các cháu chuyển trường”. Họ đồng thời cho cũng nghỉ việc hàng loạt giáo viên đứng về phía đám trẻ. Những năm đó mạng xã hội còn yếu ớt không tạo ra được làn sóng phản đối đủ mạnh, mọi chuyện lặng lẽ trôi, chúng tôi đồng loạt cho con chuyển trường. Có thể nói đến hai chữ “quốc tế”, học phí cao không đồng hành cùng đạo đức kinh doanh.

Trẻ em cần được học tập và vui chơi trong môi trường an toàn. Ảnh: Đức Thắng.

2. Vài năm sau con tôi bắt đầu lên tiểu học, một lần nữa tôi vẫn tiếp tục kỳ vọng vào trường “quốc tế”, để rút kinh nghiệm tôi chọn trường “lai”, học trình song ngữ. Từ năm lớp 2 đến lớp 4 tôi cho cháu đi bus của trường để chữa tính nhút nhát. Trên chuyến xe có nhiều bạn bé hoặc lớn hơn, khác lớp. Do nhà xa nhất nên con tôi luôn là đứa trẻ lên xe đầu tiên, mùa đông là vất vả nhất bởi chuyện phải dậy sớm, xe đón ngồi đầu nghẹo sang một bên ngủ, balo vẫn đeo trên lưng.

Tôi thỉnh thoảng dậy sớm lên bus đi học cùng con, cũng là để kiểm tra chung. Có hôm có cô giáo monitor (cô giáo quản lý của nhà trường), có hôm không, chỉ còn đám trẻ với bác tài xế, đôi khi lái xe tương đối cẩu thả do sức ép thời gian, tắc đường.

Cho đến hiện nay, chúng ta không quá khó khăn để bắt gặp không ít xe bus trường học có tên “quốc tế” đánh số trên sườn xe lạng lách rất nguy hiểm trên phố. Sau 2 năm tôi phải thay đổi phương án là gia đình tự đưa đi, con được ngủ thêm và quan trọng nhất là cảm giác an lòng.

Thỉnh thoảng đi chơi những khu nghỉ kết hợp kinh doanh giáo dục kỹ năng sống cho trẻ nhỏ, tôi đã gặp không ít học sinh trường quốc tế đến cắm trại. Đám trẻ kéo nhau ra ven hồ đã kè cao cả mét để ném gạch đá xuống nước, không có bất kỳ ai giám sát. Cảm giác không yên tâm, tôi ra lùa lũ trẻ vào phía khu vực an toàn rồi tìm gọi giáo viên của chúng ra. Mọi sơ sểnh đều có thể trở thành thảm kịch.

Đứa trẻ nào cũng vậy, đến tuổi sẽ phải tới trường, xa vòng tay và kiểm soát an toàn của cha mẹ. Chúng ta không có nhiều sự lựa chọn, đứa trẻ sẽ lớn lên cùng sự nhộm nhoạm giao thông đô thị, sự vội vàng của người lớn…

Tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, chúng ta, cha mẹ đôi khi cần biết gạt đi những sự bận rộn giả tạo để theo chân, kèm cặp con nhỏ. Thời gian bên con luôn đáng nhớ. Và không có trường học “quốc tế” với mức học phí cao nào đồng nghĩa với việc hoàn toàn dễ dãi trao tay, phó thác những đứa trẻ còn ngờ nghệch.

Sẽ thanh tra các cơ sở giáo dục mang danh quốc tế

Ngày 8-8, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức rà soát, thanh tra, kiểm tra những cơ sở giáo dục mang danh quốc tế.

Trước đó, tại buổi họp báo thông tin về vụ học sinh lớp 1 Trường quốc tế Gateway tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường, ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, chữ “quốc tế” là do một số trường ngoài công lập tự quảng cáo để thu hút học sinh, trong địa bàn quận chỉ có những trường có yếu tố nước ngoài.

Điều đó cho thấy, từ “quốc tế” chỉ là do nhà trường tự gắn mác.

Minh Trí
.
.