Nói không với nội dung bẩn trên YouTube

Thứ Tư, 23/09/2020, 08:33
Nấu cháo gà nguyên lông, ăn cá chép sống nguyên con to bằng bắp chân, ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ xong..., những video có tiêu đề lẫn nội dung gây sốc xuất hiện ngày càng tràn lan trên YouTube. Đáng ngại hơn, những nội dung bẩn này khi đưa lên lại vẫn nhận được sự tán thưởng của một số đối tượng, đa phần là giới trẻ. Đã đến lúc phải chấm dứt sự lệch lạc này!


Nhiều kiểu ăn uống man rợ

Ngày 10/9, Sở Thông tin và Truyền thông (Sở TT&TT) Bắc Giang thông báo việc xử phạt hành chính 7,5 triệu đồng chủ nhân kênh YouTube Hưng Vlog (tên thật Nguyễn Văn Hưng, con trai bà Tân Vlog) sau khi có phản ánh người này sản xuất, đăng tải các clip ẩm thực phản cảm.

Theo Thanh tra Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang, anh Hưng đã vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội theo Điều 101, Nghị định 15-2020. Cụ thể, anh Hưng bị cho là đã lợi dụng mạng xã hội để “cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc”.

Trước đó, ngày 5/9, Hưng Vlog đã đăng tải clip nấu nồi cháo gà còn nguyên lông để troll (tiếng lóng, tạm hiểu là hình thức gài bẫy, khiêu khích, chọc tức, chơi khăm một ai đó theo kiểu hài hước, gây cười) em trai và em gái nuôi.

Hàng loạt tài khoản đăng lại video nấu cháo gà nguyên lông gây tranh cãi của Hưng Vlog.

Trong đoạn clip, Hưng Vlog nói: “Vì nhà có rất nhiều gà nên hôm nay mình sẽ bắt nguyên con bỏ vào nồi nấu cháo để troll em trai và em gái. Nghĩ đến em gái và em trai mình ăn nồi cháo gà nguyên lông này chắc buồn cười lắm...”. Tuy nhiên, người em gái đã phun hết đồ ăn trong miệng ra khi nhìn thấy con gà còn nguyên lông trong nồi.

Sau khi video này được đăng tải, nhiều người xem đã chỉ trích hành động câu like, câu views bất chấp của Hưng Vlog. Đây không phải lần đầu tiên những video mà Hưng Vlog đăng tải nhận nhiều “gạch đá” của cộng đồng mạng. Trước đó, Hưng Vlog cũng bị chỉ trích vì liên tục làm clip nấu cơm bằng các loại nước ngọt có gas, tất cả đều là để... “gài bẫy” mẹ ruột!?

Ngoài Hưng Vlog, không mất quá nhiều thời gian để tìm ra các kênh YouTube có nguồn gốc từ Việt Nam đăng tải video kiểu ăn uống man rợ như: lẩu gà nguyên lông, ăn cá sống nguyên con...

Mới nhất, video ăn cá sống nguyên con to bằng bắp chân cãi của kênh YouTube Sa Pa TV cũng khiến dư luận ngán ngẩm. Trong đoạn video, một nhóm thanh niên đi bắt cá dưới ao và làm món họ gọi là "cá nhảy".

Họ trộn một số loại rau sống, gia vị, mù tạt, nước cốt chanh vào với nhau, sau đó thả những con cá còn sống nguyên vào trong chậu. Nhiều con cá to bằng 3 ngón tay, một bàn tay người lớn, có cả con cá sống to như bắp chân. 

Tất cả đều được các nhân vật ăn ngon lành, liên tục khen “ngon”, “giòn”, “ngọt”, “món ăn truyền thống”, thậm chí con cá đó vẫn còn nguyên ruột và chất thải. Người quay hình còn liên tục kêu gọi “anh em nếu thấy thích, thấy hay thì chia sẻ mạnh vào nhé”.

Hình ảnh các thanh niên ăn cá sống to bằng bắp chân khiến nhiều người ghê sợ.

Bên cạnh đó còn có những clip cố tình mượn danh nghĩa món ăn dân tộc, văn hóa ẩm thực dân tộc nhưng lại được biến tấu hoặc làm quá lên như: ăn nội tạng động vật ngay khi vừa giết mổ xong, hay ăn thịt dê sống nguyên con, ăn món pịa bò sống mới mổ ra còn nóng. Đáng nói, các video này lại thu hút hàng triệu lượt xem của khán giả.

Trước đó, các Vlogger như Hữu Bộ, Tiến Black, Quang Linh Vlogs, Trường Quân TQ97 Gaming, Khám phá Tây Nguyên quê tôi, Vĩnh Vớ Vẩn, Long Du Bai, Võ Ngọc Duy Troll... cũng từng quay clip kiểu trên, khiến người xem ghê rợn, cùng lúc tung những lời chửi bậy và đánh nhau bát nháo.

TS. Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho rằng: “Chúng ta không thể nhân danh câu chuyện quảng bá văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số hay ẩm thực dân tộc để làm ra những sản phẩm bát nháo, phản khoa học và đi ngược với thuần phong mỹ tục như vậy. Những video làm biến tướng ẩm thực truyền thống của dân tộc thiểu số là xúc phạm đồng bào dân tộc, khiến mọi người có những suy nghĩ sai lệch về nếp sống, văn hóa của người dân tộc miền núi”.

Tiến sĩ Mai Thanh Sơn, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam.

Đáng lo ngại hơn, TS. Mai Thanh Sơn nhận định, những sản phẩm lệch lạc, bất chấp mọi chiêu trò để “câu view” lại được nhiều người theo dõi, bàn tán hơn rất nhiều so với những sản phẩm văn hóa truyền thống, lan tỏa tinh thần nhân văn.

Ăn chia trên nội dung bẩn

Theo báo cáo dữ liệu tổng kết cuối năm 2019, YouTube đang là mạng xã hội video giải trí lớn nhất trên thế giới, có hơn 1,9 tỷ người dùng truy cập mỗi tháng, trên 30 triệu người dùng truy cập mới tham gia mỗi ngày và số lượng người dùng để lại thông tin mua hàng cao hơn 15-20% so với kênh mạng xã hội khác. 

Theo Adsota, Facebook và Google, hiện YouTube dẫn đầu về thị phần và doanh số quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam, với trên 80% tổng doanh thu. Điều này được dự báo sẽ còn kéo dài, khi Việt Nam đang đứng thứ 7 thế giới về lượng người dùng tiếp cận các hình thức quảng cáo trên Facebook với hơn 60 triệu người dùng.

Để đạt được con số khổng lồ này, YouTube đã đưa vào một ý tưởng chia sẻ doanh thu được gọi là “monetization”. Thuật ngữ này ngày nay được hiểu là khả năng “bật nút" kiếm tiền trên các nền tảng số. Điều đó đồng nghĩa với việc người sản xuất nội dung cũng sẽ được ăn chia với YouTube. Số tiền thu được chủ yếu từ các doanh nghiệp quảng cáo trả cho YouTube khi quảng cáo trên các clip có người xem qua dịch vụ Google AdSense.

Hình ảnh nhóm người ăn thịt dê sống nguyên con ngay sau khi giết mổ trên kênh Sa Pa TV.

Có 2 phương án ăn chia khi các trang YouTube được bật tính năng kiếm tiền. Thứ nhất, nếu chủ kênh đặt quảng cáo Google AdSense trực tiếp trên kênh YouTube của mình thì sẽ được Google trả trực tiếp, với tỉ lệ ăn chia phổ biến là 45% cho YouTuber và 55% cho chủ kênh. 

Thứ hai, nếu chủ kênh gia nhập mạng lưới đa kênh (Multi Channel Network - MCN), Google sẽ trả tiền cho chủ sở hữu MCN và doanh nghiệp này sẽ ăn chia thêm một lần với chủ kênh, thường là MCN 30% và chủ kênh 70%.

Về doanh thu cụ thể, ở các quốc gia Âu - Mỹ, các nhà sáng tạo nội dung YouTube sẽ nhận được khoảng từ 4-8 USD/1.000 lượt xem. 

Nhưng ở Việt Nam, thường dao động trong khoảng 0.3-0.7 USD/1.000 lượt xem, thậm chí thấp hơn. Ví dụ, chủ nhân một kênh YouTube gần 200.000 lượt đăng ký, thu nhập hằng tháng của người này dao động từ 2.000 - 8.000 USD tùy theo lượt xem quảng cáo của khán giả. Theo thống kê từ trang Social Blade, kênh Hưng Vlog sở hữu 2,9 triệu người theo dõi, ước tính thu nhập mỗi năm có thể lên đến... 2,6 triệu USD(?).

Không thể kéo dài nội dung phản cảm, lệch lạc

Không thể phủ nhận, một bộ phận không nhỏ người dùng đã thành công trong việc “định hướng” nội dung và lôi kéo lượng người xem đông đảo trên YouTube. Có một nghịch lý là nội dung càng tranh cãi, càng kích thích sự tò mò của khán giả. 

Đơn cử, chưa đầy một ngày sau khi đoạn Vlog gây tranh cãi của Hưng Vlog được chủ kênh xóa đi, đoạn video nấu cháo gà còn nguyên lông, được loạt tài khoản YouTube có tên như T.H.P, G.M.P, B.V đăng tải lại nội dung và đều nhận được hàng trăm nghìn lượt xem.

Chuyên gia tâm lý Hoàng Thúy Hải.

Chia sẻ về nguyên nhân các nội dung độc hại có lượng người xem khủng, chuyên gia tâm lý Hoàng Thuý Hải cho rằng: “Những người sản xuất nội dung YouTube thường đánh vào tâm lý người xem thích cái gì đó độc lạ. Đặc biệt, trong thời điểm “nhà nhà, người người” làm YouTube thì việc cạnh tranh là điều tất yếu. Tuy nhiên, thay vì sáng tạo nội dung mang tính nhân văn, thông điệp tích cực, nhiều người lại cố gắng thu hút sự chú ý bằng những nội dung phản cảm, lệch lạc”. 

Bà Hoàng Thúy Hải nhận định, nếu tình trạng này liên tục kéo dài, văn hóa nghe-nhìn trên mạng xã hội của chúng ta sẽ đi xuống và ngày càng dễ dãi.

Trước tình trạng này, có lẽ chúng ta cần sự bắt tay của cả phía YouTube, cơ quan quản lý của Việt Nam, người sản xuất nội dung và người xem. Tuy nhiên, thực tế lại không như nhiều người kỳ vọng. Trong quá khứ, người dùng YouTube liên tục bị báo cáo sai phạm, thậm chí bị các cơ quan quản lý xử phạt, cảnh báo về việc kiểm duyệt nội dung.

Song, với 2 tỷ người dùng hằng tháng, lưu lượng truy cập vào YouTube được ước tính cao thứ hai so với bất kỳ trang web nào, chỉ sau Google, công tác kiểm duyệt của YouTube còn nhiều bất cập. Điều quan trọng là nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trên không gian mạng nói chung, mạng xã hội nói riêng.

Còn nhớ, một phóng sự được thực hiện vào tháng 4-2019, nhà báo Mark Bergen của Bloomberg khẳng định trong nhiều năm, CEO của YouTube đã phớt lờ các đề xuất từ chính nhân viên của mình là dẹp bỏ những video độc hại, nguy hiểm. Theo hơn 20 nhân viên đã và đang làm việc cho YouTube, đơn vị này đã bỏ qua mọi cảnh báo và chỉ tập trung phát triển số lượng người tham gia.

Điển hình, có thể kể đến vụ việc YouTuber người Mỹ Logan Paul đăng tải video đùa cợt bên xác chết trong cánh rừng tự tử ở Nhật Bản. Bất chấp các chính sách của YouTube cấm nội dung bạo lực hoặc đẫm máu, video vẫn nhanh chóng lan truyền trên nền tảng, thậm chí còn được xếp trong top 10 thịnh hành. 

Cuối cùng, trước làn sóng tẩy chay dữ dội, video của Paul vẫn kịp thu hút hơn 6 triệu lượt xem trước khi bị xóa bỏ. Dẫu vậy, Logan Paul vẫn được YouTube đưa vào chương trình ưu tiên quảng cáo.

Charles King - chuyên gia phân tích của Pund-IT (một công ty tư vấn công nghệ ở California, Mỹ) cho rằng: “Facebook, YouTube và Google đã tuyên bố trong nhiều năm rằng sẽ làm tất cả những gì có thể để hạn chế nội dung độc hại nhưng kết quả chẳng mấy khả quan”.

Câu chuyện kiểm duyệt và ngăn chặn các nội dung độc hại vẫn đang là một bài toán nan giải. Bởi, khi một kênh bị xóa đi, vô số kênh khác lại mọc lên, thậm chí việc đăng lại các video đã bị gỡ bỏ vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát. Không có cầu, ắt không có cung. Trong bối cảnh, YouTube vẫn luôn lờ đi những video bẩn, độc hại, trách nhiệm lại đè nặng những nhà quản lý và người dùng YouTube. Đồng tiền cần đi liền đạo đức, đừng để chính người Việt đầu độc người Việt.

Thảo Dung
.
.