Nới lỏng tỉ giá biên độ tiền đồng và USD: Một quyết định cần thiết

Thứ Tư, 08/04/2009, 11:45
Ngân hàng Nhà nước chính thức áp dụng việc nới lỏng tỉ giá biên độ vào ngày 24/3 vừa qua đã khiến cho nhiều cuộc tranh cãi nãy lửa của các chuyên gia kinh tế đã diễn ra trên hầu hết các diễn đàn. Tuy nhiên, sòng phẳng mà nói, với tình hình xuất siêu như hiện nay, việc nới lỏng tỉ giá biên độ lên +/- 5% là việc làm cấp thiết.

Nâng biên độ tỉ giá, kích thích xuất siêu lâu dài

Ngày 24/3 vừa qua, Quyết định 622 điều chỉnh tỉ giá biên độ giữa tiền đồng và USD từ mức +/-3% lên +/- 5% của Ngân hàng Nhà nước chính thức có hiệu lực. So với tỉ giá liên ngân hàng, các ngân hàng thương mại có sự linh hoạt hơn trong quyết định mua bán so với mỗi ngày.

Ngay lập tức, các ngân hàng thương mại nâng dao động tỉ giá từ 17.700 - 17.800 đồng/1 USD. Với chính sách nới lỏng biên độ tỉ giá sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu linh hoạt hơn để giảm chi phí, giảm giá cả hàng hóa trên thị trường quốc tế.

Qua đó, tăng tính cạnh tranh của các loại hàng hóa trong bối cảnh nền kinh tế xuất siêu trong 3 tháng đầu năm. Song, mặt trái của rủi ro tỉ giá trong thời điểm hiện nay là một số mặt hàng thiết yếu của người dân vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài khiến cho giá cả các mặt hàng này tăng nhanh chóng.

Có thể kể đến như mặt hàng xăng dầu, giá vàng trong nước tăng cao, máy móc thiết bị cần thiết để cải tiến quy trình sản xuất của doanh nghiệp tăng theo. Thế nhưng, đây cũng chỉ là những hạn chế phải chấp nhận trong vấn đề rủi ro tỉ giá.

Lâu nay, chúng ta vẫn hay nhắc đến việc tăng tính cạnh tranh của các mặt hàng trong nước. Yếu tố tỉ giá cũng khiến cho các mặt hàng nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn, nhằm hạn chế nhập siêu. Đồng thời tăng tính cạnh tranh của hàng hóa nội địa ngay trên sân nhà.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế TP HCM phân tích: "Việc nới rộng tỉ giá biên độ dao động +/- 5% sẽ tạo sự linh hoạt trong các hoạt động ngoại tệ của các ngân hàng thương mại, đáp ứng được nhu cầu nhập khẩu các nguyên vật liệu thiết yếu của các doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, tăng tính cạnh tranh của các loại hàng hóa ra nước ngoài trong bối cảnh xuất siêu như hiện nay".

Theo thống kê, 3 tháng đầu năm, cán cân thương mại mậu dịch hai chiều của Việt Nam có những chuyển biến rõ rệt. Mặc dù nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đang đối mặt với sự suy thoái, lạm phát có thể kéo dài. Tuy vậy, nền kinh tế trong nước lại có những tín hiệu lạc quan hơn.

Trước hết, cán cân xuất nhập khẩu đã lệch về hướng xuất khẩu khiến Việt Nam là một trong số ít những nước xuất siêu trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái. Đã lâu lắm rồi, tình hình xuất siêu mới "quay trở về" trong tình cảnh nền kinh tế quốc tế khốn khó nhất. Tính ra đã gần 16 năm kể từ năm 1992 đến nay.

Mặc dù vậy, có thể nhận thấy sự quyết đoán của chính sách nới lỏng biên độ tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước trong bối cảnh hiện nay ở mức +/- 5%. Một khi kim ngạch nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, thời điểm tháng 1 giảm 55,2%, tháng 2 giảm 31,7%, tháng 3 giảm 47% so với cùng kỳ đã khiến cho 3 tháng đầu năm giảm 45% so với cùng kỳ năm trước.

Sự biến động tỉ giá trong tình hình xuất siêu đã tạo ra cho nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lợi nhuận bất thường. Do vậy, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có thể kiếm thêm lợi nhuận từ biến động theo hướng có lợi của tỉ giá.

Thực trạng “nhập siêu” và tỉ giá USD chợ đen

Có ý kiến cho rằng, cần có một chính sách phá giá đồng nội tệ trước tình hình xuất siêu như hiện nay để kích thích hàng hóa xuất khẩu. Theo số liệu thống kê, tình hình xuất nhập khẩu 3 tháng đầu năm của Việt Nam thực dương vẫn chỉ nhờ vào xuất khẩu mặt hàng vàng là chính.

Theo đó, về xuất khẩu đá quý và kim loại quý mà chủ yếu là vàng tính chung 3 tháng đầu năm ước đạt 2,287 tỉ USD. Nếu không tính khả năng xuất khẩu vàng, một thực tế, Việt Nam vẫn đang phải nhập siêu. Cũng bởi, xuất siêu trong 3 tháng đầu năm chỉ ở mức 1,647 tỉ USD, nhỏ hơn nhiều so với mức xuất khẩu vàng.

Và có thể nói, kết quả xuất siêu trong quý I/2009 đạt được cũng nhờ xuất khẩu vàng. Cũng cần phải nhìn nhận, dù xuất khẩu mặt hàng nào thì Việt Nam cũng đang xuất siêu.

Do vậy, theo đánh giá chung của các chuyên gia kinh tế, để tạo sự linh động cho các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa thiết yếu như máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu,... tái sản xuất và xuất khẩu ra nước ngoài thuận tiện hơn thì chính sách nới lỏng biên độ tỉ giá của ngân hàng thương mại lên +/- 5% là hợp lý nhất.

Lâu nay, trên thị trường ngoại hối chính thức, ngoại trừ các ngân hàng thương mại thì thị trường ngoại hối của Việt Nam vẫn còn tồn tại song song hai tỉ giá. Nhắc đến vấn đề này, có thể nghĩ ngay đến thị trường ngoại tệ chợ đen tồn tại một cách "bền bỉ" từ trước đến nay.

Nhất là những lúc tỉ giá USD/VND biến động mạnh, nhiều người dân đã tìm đến các điểm quy đổi USD mà có thể kể đến là các tiệm vàng và những nơi giao dịch ngoại tệ chui. Đây là những thị trường ngoại tệ không chính thức, dòng USD chảy vào thị trường này khiến việc kiểm soát ngoại tệ của cơ quan quản lý khó khăn hơn.

Khi thị trường USD chợ đen còn tồn tại thì nó còn làm mất cân đối giữa cung cầu ngoại tệ trên thị trường chính thức và làm cho các ngân hàng thương mại mất lợi thế cạnh tranh.

Khi USD chợ đen cao hơn tỉ giá bán của ngân hàng thương mại, người dân sẽ mua ngoại tệ của ngân hàng bán ở thị trường chợ đen và ngược lại. Song song đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ bán USD vào thị trường này, làm cho các ngân hàng thương mại bị thiếu hụt USD. Không những vậy, các ngân hàng thương mại bị mất khoản thu từ chênh lệch tỉ giá.

Điều này có nghĩa, kênh huy động từ USD của các ngân hàng thương mại thất thoát, kém hấp dẫn khiến dòng tiền mua - bán từ chênh lệch tỉ giá USD bị hạn chế khiến ngân hàng hạn chế cho vay và tăng huy động.

Thế nên, lượng tiền lưu thông ngoài thị trường giảm, kinh tế sẽ bị mất cân đối. Tức là, lúc này các ngân hàng thương mại chỉ còn chức năng gom USD về hoặ bán USD ra.

Vì vậy, để thị trường ngoại tệ phát triển bền vững, PGS. TS Trần Hoàng Ngân cho biết thêm: "Để chính sách tỉ giá ổn định cần phải giám sát thị trường chính thức và thị trường chợ đen nhằm giúp thị trường ngoại tệ trong nước hoàn hảo hơn"

Đỗ Hưng
.
.