Nữ nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý: ... Và em gọi đó là hạnh phúc!

Thứ Hai, 11/03/2019, 10:40
Sáng ngày 8-3, tại Hội trường Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà thơ Dương Thị Xuân Quý hy sinh (1969-1919). Nửa thế kỷ trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc đến sự hy sinh của chị vẫn khiến nhiều bạn bè, đồng nghiệp xúc động và trân trọng.


Nhà văn Nguyên Ngọc, thủ trưởng cũ của nữ nhà văn Dương Thị Xuân Quý viết một câu tận đáy lòng: “Thật bất công nếu không gọi chị là một người Anh hùng”.

Nữ nhà văn bản lĩnh

Nhà báo, nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh năm 1941 tại Hà Hội. Ông nội của bà là cụ Dương Trọng Phổ, người trong nhóm vận động cho Đông Kinh Nghĩa Thục, từng bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Lôn. Phụ thân bà là ông Dương Tụ Quán, vốn là một nhà giáo, sau chuyển sang làm báo Văn học tạp chí, rồi Tạp chí Tri Tân. Hai người bác ruột là Dương Bá Trạc và Dương Quảng Hàm.

Ông Dương Bá Trạc vừa là thành viên tích cực trong Đông Kinh Nghĩa Thục, vừa viết báo viết văn. Ông đã từng được thực dân Pháp mời làm tri huyện, nhưng từ chối để theo đuổi con đường cách mạng. Ông bị Pháp bắt và đày ra đảo Côn Lôn trước cha mình là cụ Dương Trọng Phổ ít ngày. Nhà nghiên cứu Dương Quảng Hàm, người bác ruột thứ hai của bà, sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, được bổ nhiệm làm thanh tra Trung học vụ, rồi làm Hiệu trưởng của Trường Bưởi. Ông mất năm 1946. Hai cuốn sách có giá trị nghiên cứu nhất của ông là “Việt Nam văn học sử yếu” (1941), “Việt Nam thi văn hợp tuyển” (1942).

Phóng viên chiến trường Dương Thị Xuân Quý ở binh trạm 20 đường Trường Sơn năm 1968.

Sinh ra và lớn lên trong nôi văn hóa ấy, Nguyễn Thị Xuân Quý từ bé đã bộc lộ năng khiếu và say mê văn chương từ nhỏ. Ngay khi mới 7 tuổi, lúc đang sống với gia đình tại Thái Nguyên thuộc chiến khu Việt Bắc, Dương Thị Xuân Quý đã có thói quen ghi nhật ký. Sau ngày giải phóng thủ đô, bà về Hà Nội học trường phổ thông cấp 2 Trưng Vương. Tốt nghiệp phổ thông bà đã tới Quảng Ninh, học nghề trắc địa mỏ.

Bà nổi tiếng cả trường là người văn hay chữ tốt, cộng tác thường xuyên với báo Tiền phong và báo Lao động. Những truyện ngắn đầu tay của bà cũng xuất hiện trên 2 tờ báo này bước đầu đã khẳng định khả năng của Xuân Quý. Đọc được những bài báo và truyện ngắn đó, báo Phụ nữ Việt Nam đã cử cán bộ tổ chức về Quảng Ninh xin bà về, cử học lớp nghiệp vụ báo chí sau đó nhận bà về làm phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam (từ 1961-1968).

Là một phóng viên năng nổ với cá tính mạnh mẽ, Xuân Quý đã có mặt ở nhiều vùng nông thôn trên miền Bắc. Mang thai đến tháng thứ sáu, bà vẫn về Quảng Nạp (Thái Bình), đi cấy đi gặt với bà con xã viên để vừa viết báo vừa viết văn. Bà xông xáo tới địa bàn, đi về là viết, không có điện thì thắp đèn dầu, mặc muỗi đốt, viết xong mới đi ngủ.

Từ khi là phóng viên Báo Phụ nữ, Dương Thị Xuân Quý đã xông pha vào đất lửa khu IV chiến đấu. Tháng 2-1966, bà và nhà thơ Bùi Minh Quốc lập gia đình. Bà đã viết đơn tình nguyện khi vừa cai sữa con. Chồng bà, nhà thơ Bùi Minh Quốc cũng đang ở chiến trường. Với quyết tâm cháy bỏng, bà viết: “…nguyện vọng tha thiết nhất của tôi là được xông vào những nơi chiến đấu ác liệt nhất để chiến đấu cho lý tưởng vinh quang của mình bằng tất cả sức lực và trí tuệ cao độ nhất. Xin các đồng chí hiểu cho tôi. Đã từ lâu, tôi mong ước vô cùng được vào miền Nam chiến đấu…”.

Chân dung nhà báo, nhà văn liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý.

Đến tháng 12 năm đó, người con gái đầu lòng và cũng là duy nhất Bùi Dương Hương Ly ra đời. Chỉ 5 tháng sau đó, nhà thơ Bùi Minh Quốc tạm biệt vợ con lên đường vào chiến trường miền Nam. Đúng 1 năm sau, vào tháng 4-1968, bà gửi con lại cho mẹ ruột của mình rồi lên đường đi chiến trường. Nơi bà vào công tác chính là Tạp chí Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5), cũng là nơi nhà thơ Bùi Minh Quốc, chồng bà đang công tác.

Đêm 8-3-1969, trong một trận càn quét ác liệt của quân thù, bà đã hy sinh tại thôn Thi Thại, xã Xuyên Tân (nay là xã Duy Thành, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã kể lại rằng, trong khoảng thời gian ngắn ngủi ở chiến trường, tuy là cùng cơ quan nhưng hai vợ chồng rất ít khi được gần nhau. Khi Bùi Minh Quốc đi xuống Duy Xuyên thì bà lại đến vùng Thăng Bình. Thời ấy, trong mắt bạn bè văn nghệ sĩ, bà là tấm gương kiên trung. Chấp nhận hy sinh và vượt qua nhiều gian nan, nguy hiểm để ra với chiến trường, song ẩn sau sự dũng cảm can trường ấy là nỗi nhớ con nặng trĩu.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã chia sẻ rằng, trong những giây phút hiếm hoi hai vợ chồng ở bên nhau, trong những lá thư người vợ hiền viết cho ông, và cả trong nhật ký của bà đều là sự nhớ thương con khắc khoải, và cháy bỏng. Nhà thơ Bùi Minh Quốc đã viết những câu thơ tặng vợ: “Anh hiểu lắm em ơi/ Một người mẹ lên đường ra trận/ Vượt đỉnh Trường Sơn/ Còn dễ hơn/ Vượt qua nỗi nhớ con thăm thẳm”.

Nhưng, dường như là định mệnh đã an bài, ngày 7-3-1969, ông viết “Bài thơ tình yêu” trước đúng một ngày vợ mình hy sinh. Ông nghĩ rằng, đây là một bất ngờ tặng vợ, ông về để đọc cho bà nghe, nhưng nào ngờ, đó cũng là bài thơ chia ly. "Bài thơ tình yêu" sau này cũng đã được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng "Cuộc đời vẫn đẹp sao".

Sống mãi trong lòng gia đình, bè bạn

Nhà thơ Vũ Quần Phương chia sẻ, Dương Thị Xuân Quý là nữ nhà văn sống có lý tưởng, khát vọng. Sự hy sinh cao cả của bà khiến không chỉ trong giới văn chương xúc động, khâm phục mà làm lay động chân thực đến tất cả mọi người về lòng quả cảm của một người phụ nữ có khát vọng cao quý trên con đường chiến đấu bảo vệ dân tộc.

Quyển Nhật ký chiến trường của nhà báo Dương Thị Xuân Quý được tái bản đầu năm 2017. Đây là những trang nhật ký cuối cùng của chị trước khi hy sinh.

Trong những bức thư gửi chồng mình, cả trong nhật ký của bà đều thể hiện lý tưởng nhưng bên cạnh đó vẫn đầy một khát khao về nỗi nhớ thương con thơ. Nếu bà không hy sinh, mà trở về sau chiến tranh, ắt hẳn bà sẽ có một cuốn tiểu thuyết hay và lãng mạn từ cách nhìn của người phụ nữ về gương mặt của chiến tranh.

Nhà văn Phạm Việt Long, tác giả của tiểu thuyết "Bê trọc", một người đã đi chiến trường cùng thời điểm với nhà văn Dương Thị Xuân Quý (1968) chia sẻ: "Khi ấy, chúng tôi cùng tập trung tại Hòa Bình để bồi dưỡng và tập luyện. Chị Quý người nhỏ bé, chỉ nặng chừng 40 cân, nhưng vẫn đeo balô gạch nặng vài ba chục cân để tập hành quân. Tôi lên đường ngày 30-4, còn chị lên đường ngày 14-6-1968. Cùng đồng đội, chị đã đi bộ vượt Trường Sơn cả trăm ngày, với balô nặng trên lưng, thêm chiếc máy ảnh, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, vào đến chiến trường – Ban Tuyên huấn Khu ủy khu Năm. Có khi kiệt sức, nhưng chị dứt khoát không nhờ ai mang hộ, lúc mệt quá, đau vai, đau chân quá lại lén ra bờ suối khóc một mình.

Ngày 19-9-1968, trong một chuyến đi cõng gạo về, qua bến đò Giằng, tôi gặp lại Xuân Quý, lúc đó ở tiểu ban Văn nghệ, cùng công tác viết văn với chồng là Bùi Minh Quốc. Xuân Quý đi cõng gạo về và phải ngồi suốt bên bến đò, dưới trời mưa tầm tã, vì không thể kiếm chỗ dăng tăng, mắc võng. Vẫn với dáng vóc mảnh mai, gương mặt kiên nghị, đôi mắt sáng, chị kể lại chuyện một mình ngồi dưới mưa đêm, giá lạnh run người, với giọng nói rất bình thản. Chị Quý vốn như vậy, băng qua mọi gian khổ, ác liệt bằng sự tự tin, trầm tĩnh.

Khi chưa được đi xuống đồng bằng công tác, nhiệm vụ của chúng tôi trên căn cứ chủ yếu là sản xuất và gùi cõng để chuyển lương thực, thực phẩm về cơ quan. Gầy yếu, nhưng chị Quý luôn nêu tấm gương về lao động sản xuất và gùi cõng. Vào cuối tháng 12-1968, Địch đổ quân ở A7 - giữa  nơi cơ quan tỉnh Quảng Đà đóng. Chúng dò dẫm mò theo đường mòn, đã lên tới cây gỗ vuông, rồi tới suối Nước Lớn, nghĩa là chúng chỉ còn cách chúng tôi vài tiếng đồng hồ.

Song chúng bị ta chặn đánh ở đó, diệt một số, nên chưa tiến thêm được bước nào. Đúng thời điểm này, Tiểu ban Văn nghệ mở cuộc họp tại Ban Tuyên huấn. Bùi Minh Quốc và Xuân Quý đến nhà tôi. Chúng tôi chuyện trò về văn học, nhạc hát rất sôi nổi. Xuân Quý sắp đi công tác Quảng Đà, đang bận rộn chuẩn bị mọi thứ cần thiết. Chúng tôi chuyện trò trong cái giá lạnh và trong cái đói quặn thắt lòng.

Quốc sang Quân khu, lúc về được Thu Bồn cho ít gạo. Buổi tối, chúng tôi nấu cháo “liên hoan”: một lon gạo, bốn người. Cháo loãng có mì chính và muối, cộng thêm ít dầu xà lách, mà thấy ngọt ngào, bùi béo tợn. Chúng tôi xì xụp húp. Quốc nói rằng chưa bao giờ được ăn cháo ngon như vậy. Rồi hôm sau, chị Quý lên đường xuống Quảng Đà.

Đây là nơi ác liệt nhất và cũng là mảnh đất anh hùng, kiên trung bất khuất, nên chị Quý đề đạt bằng được nguyện vọng tới tận nơi để sống cùng quân dân Quảng Đà, thâm nhập thực tế, để, như chị viết trong thư gửi cho con gái mới vừa 16 tháng tuổi: “…Mẹ đã thầm hứa với con: Từ nay phải bắt đầu những trang viết. Phải có thật nhanh những sáng tác từ chuyến đi kỳ diệu này... mẹ sẽ vượt qua tất cả, sự vất vả, nỗi gian khổ, và những khó khăn... mẹ sẽ hết sức tranh thủ để có thể viết được ngay con nhé”.

Chị viết như vậy và đã làm đúng như vậy, ngay trên đường hành quân vượt Trường Sơn, vào đến căn cứ, chị đã viết truyện – ký “Hoa rừng”, với nhân vật chính là cô giao liên Phước, một cô gái kiên cường, cứng cỏi vượt qua bao gian nguy dẫn đường cho bộ đội đi về an toàn nhất. Truyện ngắn khiến cả căn cứ xôn xao, bởi qua ngòi bút của chị, hình ảnh cô giao liên hiện lên kiên cường, mưu trí dẫn bộ đội vượt mọi hiểm nguy để hành quân tìm diệt giặc.

Chỉ được sống ở chiến trường một thời gian ngắn, Xuân Quý đã vừa phát nương làm rẫy, gùi gạo, vừa viết, để lại những tác phẩm như bút ký “Tiếng hát trong hang đá”, “Gương mặt thách thức”, “Niềm vui thầm lặng”. Chị đã khắc họa sinh động cuộc sống ở chiến trường: “…Những quãng rừng đỏ vì bom B52. Những quãng rừng xám, trụi lá trơ cành vì chất độc hóa học. Những quãng rừng đen, cây cháy thành than nhấp nhô chọc lên nền trời đầy mây…” (Hoa rừng).

Chị đã vẽ nên bức tranh sinh động cuộc sống ở chiến trường đầy ắp tình người, tình đồng chí. Viết về chính tâm trạng của bản thân mình khi được sống, chiến đấu ở mảnh đất khu Năm kiên cường, ghi lại cuộc chiến tranh vĩ đại của dân tộc ở mảnh đất này: “Thế đấy, mảnh đất mà mình đang sống nó giống hệt con người mình: vất vả, cực nhọc. Mình sung sướng có mặt ở đây đúng vào giai đoạn gay go quyết liệt nhất của cuộc chiến đấu. Mình sung sướng được chịu đựng và vượt qua tất cả gian khổ vì đã gặp một mảnh đất đồng điệu với tâm hồn mình”.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc (bút danh Dương Hương Ly - tên người con duy nhất của ông và nhà văn Dương Thị Xuân Quý) suốt một đời nhớ thương người vợ của mình. Ông đã có những bài thơ hay, xúc động viết tặng bà. Trong đó có "Bài thơ về hạnh phúc" đã khắc họa được hình ảnh của người vợ, người nữ chiến sĩ hy sinh đúng ngày Quốc tế phụ nữ 8-3: "Hạnh phúc là gì? Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi vẫn chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt/ Nhớ chăng em, cái mùa mưa đói quay đói quắt/ Mỗi bữa chia nhau nửa bát măng rừng/ Em xanh gầy, gùi sắn nặng trên lưng/ Môi tái ngắt, mái tóc mềm đẫm ướt/ Bao dốc cao em cần cù đã vượt/ Và mỗi lần ngồi nghỉ, em nhìn anh/ Em nói tới những điều em định viết/ Giữa hai cơn đau em ngồi ghi chép/ Con sông Giàng gầm réo miên man/ Nước lũ về... Trang giấy nhỏ mưa chan/ Em vẫn viết: lòng dạt dào cảm xúc/ Và em gọi đó là hạnh phúc...".

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.