Nữ y tá trong ảnh “Nụ hôn” qua đời

Thứ Bảy, 03/07/2010, 15:50
Nữ y tá Edith Shain trong bức ảnh nổi tiếng “Nụ hôn” vừa qua đời hôm 19-6 tại nhà riêng ở Los Angeles (Mỹ), hưởng thọ 91 tuổi.

Ngày 14/8/1945, sau khi Tổng thống Mỹ Harry Truman chính thức tuyên bố phát xít Nhật đã đầu hàng, chiến tranh kết thúc, trên khắp các đường phố Mỹ, người dân nô nức đổ ra đường để ăn mừng chiến thắng. Một chàng thủy thủ bất ngờ ôm hôn cô y tá không hề quen biết và đặt lên môi cô nụ hôn thắm thiết ngay giữa Quảng trường Thời đại.

Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt của báo Time đã chụp lại được khoảnh khắc lịch sử đó khi niềm vui, niềm hạnh phúc tràn ngập khắp mọi nơi. Bức ảnh của ông đã trở thành hình ảnh biểu tượng đánh dấu sự chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ hai sau khi được xuất bản trên tạp chí ảnh Life tại Mỹ dưới cái tên "Ngày chiến thắng".

Vấn đề là tại thời điểm đó, cả hai nhân vật chính trong bức ảnh này đều chưa được xác định danh tính. Mãi đến cuối năm 1970, khi cụ bà Edith Shain gửi tới nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt lá thư xác nhận chính xác rằng, chính bà là cô y tá trẻ mà Eisentaedt đã chụp 25 năm trước. Lúc đó, nữ y tá xinh đẹp 27 tuổi ấy làm việc tại Bệnh viện Doctor's Hospital ở New York City, trước khi trở thành giáo viên và lập gia đình ở California. Từ khi có bức ảnh “Nụ hôn” nổi tiếng này, nó tạo dấu ấn sâu sắc cho cuộc đời bà. Edith Shain có 3 người con trai, 6 người cháu và 8 người chắt.

Năm 2005, cụ bà Shain (87 tuổi) được mời đến dự buổi khánh thành bức tượng điêu khắc "Nụ hôn" tại Quảng trường Thời đại, nơi bức ảnh ra đời. Tác phẩm điêu khắc này có kích thước to hơn đời thực đôi chút, là tác phẩm của nghệ sĩ J. Seward Johnson.

Bà kể lại: “Khi nghe tin Chiến tranh thế giới thứ hai đã kết thúc, tôi cùng bạn bè đã tới Quảng trường Thời đại để ăn mừng. Ngay sau khi tôi ra khỏi tàu điện ngầm và bước vào đoạn phố, một người lính thủy đã ôm chặt lấy tôi và hôn tôi”. Khi hồi tưởng lại khoảnh khắc đó, bà nói rằng đã để anh lính trẻ hôn mình vì anh ta đã chiến đấu vì mọi người trong cuộc chiến tranh. Sau nụ hôn, mỗi người một ngả mà thậm chí chưa hỏi tên nhau.

Rất nhiều người sau đó đã tự nhận mình chính là người quân nhân trong bức hình, song cụ Shain cho biết chính cụ cũng không dám chắc. "Lúc đó có khoảng 20 người lính có mặt tại đó. Họ đều ôm hôn một cô gái trong niềm hạnh phúc tột độ khi trở về nên tất cả đều nghĩ bức ảnh đó là chụp mình".

Đến tháng 10/1980, tạp chí Life công bố đã có 11 người đàn ông và 3 phụ nữ nói rằng họ là nhân vật trong bức ảnh. Với nhiều bằng chứng khác nhau, việc xác định chàng lính thủy trong bức ảnh bất hủ này mãi đến gần đây mới ngã ngũ. Năm 2007, Glenn McDuffie đã chứng minh mình là nhân vật chính của bức ảnh “Nụ hôn” với hàng loạt bằng chứng pháp lý và cả máy kiểm tra nói dối.

Glenn Mcduffie với 2 bức ảnh trên tay, một ảnh thời ông còn trai trẻ và ảnh "Nụ hôn".

McDuffie nhớ lại: Ngày 14/8/1945, ông đang đi tàu điện ngầm tới Brooklyn để thăm bạn gái. Khi ông ra khỏi tàu điện ngầm ở Quảng trường Thời đại cũng là lúc mọi người đang ăn mừng trên các con phố. Ông cảm thấy rất phấn khích vì em trai của ông đang là tù nhân chiến tranh ở Nhật Bản sẽ được thả. McDuffie bắt đầu hò reo và nhảy nhót. Một nữ y tá ở gần đó nhìn thấy và giang rộng vòng tay về phía ông. Ông chạy tới và ôm hôn cô gái một cách nồng nhiệt. Mãi đến ngày 3/8/2008, trong ngày sinh nhật lần thứ 81 của mình, Glenn McDuffie đã được công nhận là "Chàng lính thủy" trong bức ảnh bất hủ của nhân loại này.

Nhiếp ảnh gia Alfred Eisenstaedt cho biết:" Giờ đây tôi nghĩ, nếu cô y tá mặc đồ tối màu, hay anh lính thủy mặc đồng phục trắng, thì chắc tôi chẳng bao giờ chụp bức ảnh đó. Sự tương phản giữa bộ đồ y tá trắng của cô và đồng phục lính thủy tối màu đã mang đến hiệu quả tuyệt vời cho bức ảnh.Tôi đã bấm máy chính xác là 4 kiểu, vỏn vẹn trong có vài giây. Tuy nhiên chỉ có đúng một kiểu thực sự tuyệt vời về bố cục”.

Sau này, nhiếp ảnh gia chỉ cho phép tái bản với một số lượng rất hạn chế và chọn lựa xem xét việc sử dụng hình ảnh của mình. Sau khi ông mất vào năm 1995, bản quyền của bức ảnh này đã được chuyển cho viện bảo tàng.

Một nhiếp ảnh gia khác của Hải quân Mỹ là Victor Jorgensen cũng đã chụp được nụ hôn này và đã đăng trên tờ Thời báo New York sau đó. Jorgensen đặt tên bức ảnh là “Nụ hôn tạm biệt chiến tranh”. Tuy nhiên bức ảnh này không thể hiện được những nét riêng của Quảng trường Thời đại lúc bấy giờ, thiếu cá tính, màu sắc ảnh tối và không chi tiết. Bức ảnh cũng không chụp được toàn thân của chủ thể. Không giống như bức ảnh của Eisenstaedt có bản quyền nghiêm ngặt, bức ảnh này được Chính phủ liên bang xuất bản chính thức và phổ biến

L.Đ. - H.T. (tổng hợp)
.
.