Ô nhiễm nặng đang “bức tử” khu Nam Sài Gòn
- Cư dân sống cạnh bãi rác và cơn ác mộng ung thư
- Nỗi lo bệnh tật vẫn ám ảnh người dân bãi rác Đông Thạnh
- Khám bệnh miễn phí cho toàn bộ người dân khu vực bãi rác Đông Thạnh-Hóc Môn
Mùi hôi khủng khiếp gây ô nhiễm không khí này xuất phát từ đâu? Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết ngày 5-9 tới sẽ có kết luận về nguyên nhân phát xuất sự ô nhiễm này.
Ông Lê Văn Châu, trước đây ở P15, Q10, theo con gái về đô thị Phú Mỹ Hưng sống được hơn một năm nay. Bỗng dưng, ông bà kêu xe chở đồ đạc quay lại căn nhà cũ đã cho thuê với quyết định: “Có chết cũng không đi đâu”. Hỏi căn do, ông tức tối bảo: Chúng nó đưa sang bên ấy để ngửi mùi phân người lẫn chuột chết, sớm muộn gì cũng toi đời...
Lúc này, báo đài đưa tin rộ lên chuyện khu đô thị cao cấp Phú Mỹ Hưng đang bị ô nhiễm mùi hôi thối khủng khiếp khiến ai cũng giật mình. Nhà nhà phải đóng cửa, mùi hôi thối xông tận vào bữa ăn, giấc ngủ khiến cho mọi người hoang mang, trong khi các cơ quan chức năng đang tiến hành tìm hiểu nguyên nhân. Nhiều khách Tây ban đêm mở cửa hóng gió phải la lên kêu cứu như bị cướp tấn công.
Bãi rác Đa Phước - ”nghi can” gây ô nhiễm mùi hôi thối cho KĐT Phú Mỹ Hưng, Bình Chánh và Nhà Bè. |
Theo chị Hằng, nhà ở xã Phước Kiểng (huyện Nhà Bè) và nhiều người dân cùng hoàn cảnh khẳng định: “Mùi này phát ra từ bãi rác Đa Phước. Vì cứ sau cơn mưa, gió từ hướng đó phảng phất mùi hôi thối xông vào tận óc”. Nhiều người trẻ ở đây không dám ăn cơm nhà buổi tối, vì ngửi mùi hôi thối khiến nôn ọe đành bịt khẩu trang ra đường. Đây sẽ là một “thủ phạm” giấu mặt rất nguy hiểm, làm phá vỡ môi trường sống trong lành của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, môi trường sống, môi trường đầu tư và chủ trương xây dựng TP HCM trở thành một nơi đáng sống.
Truy tìm “thủ phạm” gây ô nhiễm
Người dân khu đô thị Phú Mỹ Hưng tập hợp chữ ký và gửi đơn kêu cứu lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo TP HCM, Sở Tài Nguyên và Môi trường... Đơn cầu cứu của người dân đã lên bàn nghị sự của Chính phủ trong kỳ họp vừa qua, còn Chủ tịch UBND TP HCM cũng đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, xác minh, truy tìm nơi phát xuất sự ô nhiễm khủng khiếp để xử lý, không để kéo dài gây bức xúc cho người dân quận 7, Bình Chánh và Nhà Bè.
Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết: Sở đã cử 16 cán bộ ghi nhận tình hình thực tế, túc trực 24/24 cùng đường dây nóng để “phát hiện” mùi hôi từ hướng nào, khoanh vùng những nơi có khả năng gây ra... Để xác định mùi hôi, đòi hỏi phải dựa vào cơ sở khoa học, phối hợp các chuyên gia, cơ quan dự báo và quan trắc để xác định nguyên nhân. Một công việc khá bài bản, khó khăn, hoàn toàn không dễ dàng như người dân quanh khu vực ô nhiễm quả quyết rằng: mùi hôi thối phát ra từ khu vực hàng trăm ha gồm bãi rác Đa Phước, khu xử lý chất thải hầm cầu Hòa Bình và khu xử lý bùn Công ty Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh...
Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cũng đã phát công văn gửi Công ty Xử lý chất thải Việt Nam (VWS), Công ty TNHH Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, Công TNHH Dịch vụ môi trường đô thị Hòa Bình liên quan đến việc kiểm soát và khống chế mùi ô nhiễm.
Ngày 30-8, ông chủ Công ty CP Xử lý chất thải Việt Nam (VWS) Davis Dương khẳng định với báo chí: “Tôi đồng cảm với nỗi khổ của người dân, nhưng quy tội cho bãi rác Đa Phước khi chưa có kết quả thì không công bằng với chúng tôi. Chúng tôi hoạt động từ năm 2007 đến nay, rất tốt và ổn định”.
Ông cho biết, sẵn sàng bỏ ra nhiều chi phí để tìm nguyên nhân phát tán mùi hôi, đã gửi văn bản cho UBND TP HCM đề nghị phối hợp để có biện pháp xử lý, thuê công ty bảo vệ đặt chốt kiểm soát, ghi chép theo dõi sự ô nhiễm xuất hiện tại Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè, Bình Chánh 24/24h...
Chỉ việc truy tìm “hung thủ” gây ra mùi hôi thối khủng khiếp trong nhiều tháng nay đã vô cùng khó khăn. Tại cuộc họp về tình hình kinh tế xã hội thành phố 8 tháng đầu năm 2016, Chủ tịch UBND TP HCM ông Nguyễn Thành Phong đã cho biết: theo báo cáo của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP, sự ô nhiễm xuất hiện ở Phú Mỹ Hưng có thể bắt nguồn từ Đa Phước.
“Sở Tài nguyên và Môi trường đã rất tích cực. Sau khi nhận được phản ánh đã cử người xuống tận nơi nắm tình hình. Hiện giờ, người dân chưa hiểu nguyên nhân xuất phát từ đâu. Tuy nhiên, qua phát biểu của anh Thắng (GĐ Nguyễn Toàn Thắng) thì tôi hiểu một phần mùi hôi đó xuất phát từ Đa Phước”. Chủ tịch TP lưu ý các sở, ngành tập trung làm rõ nguyên nhân của tình trạng mùi hôi thối xuất hiện ở Phú Mỹ Hưng và khu vực lân cận để có biện pháp xử lý.
Mùi hôi thối không thể ngoài 3 bãi rác thải
Thực tế từ nhiều năm qua, người dân sống quanh bãi rác Đa Phước và QL50 liên tục kêu cứu về tình trạng hằng đêm các loại xe rác vận chuyển nối đuôi nhau chạy rầm rầm trên đường Phạm Hùng theo QL50, rẽ vào khu xử lý chất thải Đa Phước khoảng 1,5 km. Mùi hôi hám và ô nhiễm khiến nhiều cư dân quanh khu vực này phải bán đất, bán nhà đi tìm nơi khác ở, nhiều cửa hàng, tiệm ăn uống không thể kinh doanh.
Theo các số liệu cho biết: Dự án xử lý chất thải (VWS) có tổng diện tích 138 ha, hoạt động 24 năm. Giai đoạn 1 xây dựng bãi chôn lấp có diện tích 30,6 ha, chiếm thể tích không gian khoảng 3 triệu m3, công suất 10.000 tấn rác thải/ngày, đã hoạt động từ tháng 11/2007 đến nay. Thời gian đầu vận hành, nơi đây tiếp nhận xử lý mỗi ngày khoảng 3.000 tấn rác. Sau hai năm vận hành, người dân khu vực xã Đa Phước có đơn tố cáo nước rỉ từ bãi rác gây ô nhiễm môi trường rất nặng nề, công ty này cũng đã đưa ra những viện dẫn về kỹ thuật tiên tiến, hiện đại nhất thế giới, mục tiêu hoạt động là bảo đảm môi trường và sức khỏe người dân chứ không phải vì tiền, quy trình xử lý tuân thủ theo các tiêu chuẩn quốc tế...
Bãi rác Đa Phước. |
Gần đây, người dân hoài nghi và đặt nhiều câu hỏi về công việc xử lý chất thải nơi đây, đặc biệt sau khi bãi rác Đông Thạnh và Phước Hiệp đóng cửa, giá thành xử lý rác cao, tình trạng ô nhiễm không khí từ khâu vận chuyển đến bãi rác chôn lấp, nước thải rỉ từ bãi rác, mạch nước ngầm và ảnh hưởng môi trường, cây trồng, vật nuôi của người dân khu vực xung quanh. Tất nhiên, ngày đó khu vực Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè hằng đêm chưa xuất hiện mùi hôi thối khủng khiếp như hiện nay.
Bên cạnh đó, khu vực Đa Phước còn có nhà máy xử lý bùn thải Công ty Công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh, diện tích 47,6 ha thiết kế quy hoạch gồm các khu chức năng xử lý nước thải, xử lý bùn các loại, tái chế... công suất khoảng 5.200 m3 bùn mỗi ngày, hoàn thiện toàn bộ dự án vào năm 2019. Nhà máy Xử lý chất thải Hòa Bình hoạt động từ năm 2008, chuyên xử lý các loại bùn hầm cầu, bùn nạo vét kênh, rạch, cống thoát nước... thiết kế công suất giai đoạn đầu 250 m3/ngày, giai đoạn 2 tăng gấp đôi công suất.
Sau khi đóng cửa bãi rác Đông Thạnh năm 2009, khoảng 300 m3 bùn hầm cầu chuyển về Nhà máy Hòa Bình xử lý. Cả ba công ty này đều nằm trong diện “nghi can” liên quan đến mùi hôi thối đang phát tán gây ô nhiễm nặng nề bầu không khí trong lành vốn có của khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Nhà Bè, Bình Chánh hiện nay.
Tuy nhiên, khi chưa có kết luận đầy đủ có cơ sở khoa học của các cơ quan chức năng đang tiến hành kiểm tra, đo đạc, quan trắc thì không một công ty nào trong khu liên hợp Đa Phước thừa nhận mùi hôi thối xuất phát từ chỗ họ. Còn người dân bị không khí ô nhiễm phản ánh, dường như có “đủ mùi hôi” theo chức năng của cả ba công ty.
Kết luận chuyên môn và khoa học sẽ có sau vài ngày tới, nhưng chắc chắn rằng sẽ tiếp tục gây tranh luận xung quanh việc này. Nhưng hiện nay, người dân đang rất cần sự can thiệp, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả và nhanh nhất.