OPEC+ cứu đà rơi tự do của giá dầu

Thứ Năm, 16/04/2020, 15:00
Ngày 12-3, sau nhiều trở ngại, cuối cùng Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác liên minh (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 9,7 triệu thùng/ngày (tương đương 10% nguồn cung toàn cầu) trong tháng 5 và tháng 6 trong nỗ lực "giải cứu" thị trường dầu mỏ đang trải qua cuộc khủng hoảng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 làm giảm mạnh nhu cầu năng lượng.

Làm “an lòng” nhiều thành viên

Theo thỏa thuận cắt giảm, Saudi Arabia và Nga, hai quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất trong OPEC+, đồng ý cắt giảm khoảng 5 triệu thùng/ngày. Các thành viên OPEC+ khác nhất trí cắt giảm 5 triệu thùng/ngày. OPEC kêu gọi Mỹ, Canada và các nước sản xuất dầu khác cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày. Cũng theo thỏa thuận, từ tháng 7 tới tháng 12-2020, mức cắt giảm sẽ còn 8 triệu thùng/ngày và từ tháng 1-2021 đến tháng 4-2022 là 6 triệu thùng/ngày.

Có thể nói, thỏa thuận mới đã góp phần "cài đặt" lại liên minh OPEC+ và cũng cho thấy sự phục hồi quan hệ giữa Saudi Arabia và Nga khi hai nước bất đồng về vấn đề cắt giảm sản lượng trong cuộc họp vào ngày 6-3, dẫn đến việc Saudi Arabia phát động cuộc chiến giá dầu với Nga.

Sự đồng thuận của Saudi Arabia và Nga được kỳ vọng sẽ giúp tái cân bằng thị trường dầu mỏ do nhu cầu yếu. Nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm tới 30% (tương đương 30 triệu thùng/ngày) do chính phủ các nước triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 làm giảm hoạt động của các phương tiện giao thông và nền kinh tế.

Ngay sau khi thỏa thuận được công bố, Mỹ, Nga và Saudi Arabia đã hoan nghênh việc các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu thế giới đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu toàn cầu. Về phần mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoan nghênh thỏa thuận này, nói rằng nhiều việc làm trong ngành năng lượng Mỹ sẽ được "cứu".

Các nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các nước sản xuất dầu mỏ thực hiện trách nhiệm ổn định thị trường dầu mỏ và hỗ trợ kinh tế toàn cầu. Trong một tuyên bố, Tổng thống Trump cho biết đã gửi lời cảm ơn và chúc mừng đến Tổng thống Nga Vladimir Putin và Quốëc vương Saudi Arabia Salman, đồng thời nhận định thỏa thuận trên sẽ giúp đảm bảo hàng trăm nghìn việc làm trong ngành năng lượng tại Mỹ.

Ngay cả khi đạt được đồng thuận thì giá dầu vẫn không thể tăng trong một khoảng thời gian nhất định.

Cùng ngày, Canada đã chính thức hoan nghênh thỏa thuận cắt giảm sản lượng ở mức kỷ lục của OPEC+. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Canada Seamus O'Regan nêu rõ Canada hoan nghênh bất cứ động thái nào giúp ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu, nhấn mạnh cam kết của Ottawa đối với việc ổn định giá dầu cũng như ổn định kinh tế. Canada hiện là nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 thế giới với sản lượng 4,9 triệu thùng dầu/ngày.

Bộ trưởng Năng lượng Mexico Rocio Nahle cho biết Mexico sẽ cắt giảm sản lượng dầu trong nước 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 5. OPEC+ trước đó đã đề nghị Mexico giảm sản lượng dầu trong nước 400.000 thùng/ngày song việc nước này chưa sẵn sàng điều chỉnh sản lượng “vàng đen” trong nước đã khiến OPEC+ chậm thông qua thỏa thuận cắt giảm sản lượng nói trên.

Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Abdulaziz bin Salman cho biết trên thực tế sản lượng cắt giảm của OPEC+ sẽ lên tới 12,5 triệu thùng/ngày vì sản lượng của Saudi Arabia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Kuwait đều cao hơn trong tháng 4. Cụ thể, Saudi Arabia sẽ cắt giảm 3,8 triệu thùng/ngày, trong khi UAE sẽ giảm 4,1 triệu thùng/ngày.

Tại Iraq, Bộ trưởng Năng lượng Thamer al-Ghadhban đánh giá thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu đạt được tại cuộc họp OPEC+ sẽ giúp giảm lượng dầu tồn kho đồng thời tăng giá dầu, qua đó giúp bình ổn thị trường.

Rủi ro vẫn còn

Tức thì, đợt giảm lớn lịch sử này đã có những tác động. Hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới là WTI và Brent sáng 13-4 tăng giá 5-7% nhờ thông tin từ OPEC+. Dầu thô Mỹ WTI hiện tăng 6,9% lên 24,33 USD một thùng. Dầu thô Brent cũng lên 5,1%, hiện giao dịch quanh 33,09 USD một thùng. Sáng nay, WTI có thời điểm tăng 8%.

Trong phiên giao dịch ngày 13-4, giá dầu châu Á đi lên. Tuy nhiên, đà tăng của giá "vàng đen" đã bị hạn chế giữ lúc có những lo ngại rằng thỏa thuận này chưa đủ để ngăn chặn tình trạng dư cung khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 ảnh hưởng đến nhu cầu.

Trên sàn giao dịch điện tử Singapore, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,6% lên 23,13 USD/thùng, sau khi chạm mức 24,74 USD/thùng trước đó trong cùng phiên. Còn giá dầu Brent tăng 0,5% lên 31,64 USD/thùng, sau khi mở phiên tăng lên 33,99 USD/thùng.

Giá dầu đã giảm hơn 50% kể từ tháng 1, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế thế giới đình trệ và tác động đến nhu cầu nhiên liệu.

Tuy nhiên, giới phân tích bày tỏ sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cam kết của các nhà sản xuất. Hơn nữa, lo ngại về nhu cầu đang làm hạn chế đà tăng của giá dầu. Tiêu thụ nhiên liệu trên thế giới đã giảm gần 30% do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Ông Igor Yushkov, nhà phân tích hàng đầu của Quỹ An ninh năng lượng Quốc gia Nga - nhận định, ngay cả khi các nước đạt được đồng thuận thì giá dầu vẫn sẽ không thể tăng trong một khoảng thời gian nhất định.

Chuyên gia này nhận định: “Vẫn tồn tại rủi ro của kịch bản khi các kho chứa dầu vẫn đang đầy ắp vàng đen, bởi vì thỏa thuận sẽ bắt đầu hoạt động vào ngày 1-5, từ giờ đến cuối tháng 4 một phần đáng kể các kho trữ dầu trên khắp thế giới vẫn sẽ tiếp tục được lấp đầy và điều này sẽ gây áp lực đối với thị trường. Giá dầu sẽ phục hồi sau giai đoạn tháng 6 hoặc tháng 7”.

Hội nghị tới sẽ được tổ chức vào ngày 10-6 bằng hình thức trực tuyến để xác định các hành động cần thiết tiếp theo để cân bằng thị trường. Cuộc chiến giá dầu tạm kết thúc. Theo đánh giá của một số chuyên gia, cuộc chiến này sẽ lại tiếp tục và nó sẽ lan sang nhiều quốc gia khác chứ không chỉ đối với bộ ba OPEC-Nga-Mỹ.

Hà Phương (Tổng hợp)
.
.