Paparazzi săn ảnh từ… máy bay không người lái
Ưu thế nhỏ về kích cỡ và giá cả phải chăng của thiết bị bay không người lái (drone) đã được các nước Âu - Mỹ tận dụng. Mặc dù có nhiều lợi ích nhưng môi trường pháp lý chưa rõ ràng khiến cho nhiều ngườâi lo ngại những chiếc drone này có thể được sử dụng vào những mục đích bất hợp pháp cũng như xâm phạm đời tư công dân.
Vào một ngày tháng 8/2012, thị trấn Wacken thuộc bang Schleswig-Holstein miền Bắc nước Đức ầm ĩ với âm thanh những cây guitar điện và tiết tấu trống. Wacken đang diễn ra festival nhạc "heavy metal" lớn nhất thế giới. Bất ngờ, một chiếc drone kiểm soát từ xa hiện dần lên trên bầu trời đầy mây. Tất cả 4 cánh máy bay đều được trang bị camera để quay khung cảnh náo nhiệt bên dưới. Đây là lần đầu tiên người tổ chức sự kiện có ý tưởng quay phim từ trên không để thực hiện DVD kỷ niệm.
Lúc đầu, chiếc drone có đường kính 1 mét bay lượn bên trên đám đông mà không ai thấy. Nhưng đến khi một fan ca nhạc phát hiện "vật thể lạ" trên bầu trời thì lập tức đám đông chỉ trỏ lên phía trên bàn tán rồi bộc lộ sự giận dữ. Không lâu sau, những chiếc giày và can bia được ném lên cao nhắm hướng chiếc drone mà tấn công quyết liệt. Quá nản, người điều khiển lái chiếc drone "AR 100-B" phải bay ra khỏi khu vực "xung đột".
Chiếc drone AR 100 B này có giá 100.000 euro (130.000 USD) do Công ty AirRobot, Đức sản xuất. Mặc dù thiết kế ban đầu của AR 100-B dành cho mục đích quân sự, song thiết bị hiện nay cũng được dùng trong dân sự. Có nhiều tin đồn lan truyền trên Internet cho rằng, những bức ảnh chụp Công nương Kate Middleton hở ngực tắm nắng trên bãi biển ở Pháp được thực hiện bởi những chiếc drone kiểm soát từ xa. Dĩ nhiên drone cũng trở thành vũ khí mới vô cùng hiệu quả cho giới paparazzi săn ảnh độc về những người nổi tiếng.
Chiếc drone AR 100-B trong sự kiện liên hoan âm nhạc ở miền bắc nước Đức, tháng 8/2012. |
Đám cưới của Tina Turner và nhà sản xuất âm nhạc người Đức Erwin Bach diễn ra với 120 khách mời nổi tiếng đằng sau những bức tường cao và đám cây cối bao quanh khu biệt thự Villa Algonquin ở vùng ngoại ô Kusnacht, trên bờ hồ Lake Zurich. Họ không muốn sự kiện bị đám paparazzi quấy rầy. Họ cho căng tấm vải đỏ khổng lồ ở vùng đất ven hồ để ngăn chặn những ánh mắt dòm ngó từ bên ngoài cũng như ống kính của những tay săn ảnh. Nhưng, cuối cùng những người có mặt ở tiệc cưới đã giật mình khi nhìn thấy một chiếc drone bay lượn ngay trên đầu họ.
Toto Marti, phóng viên nhiếp ảnh tờ báo lá cải Thụy Sĩ Blick, đang núp ở đâu đó để điều khiển chiếc drone. Những bức ảnh được Toto Marti chụp bằng drone không lâu sau xuất hiện trên nhiều mặt báo trên khắp thế giới giúp paparazzi kiếm bộn tiền! Mặc dù hết sức đề phòng nhưng Tina Turner và Bach không ngờ paparazzi có thể điều khiển drone để chụp ảnh lén sự kiện từ trên không!
Trong cuộc chạy đua tranh thủ những bức ảnh đám cưới của Turner - Bach, Claudio Meier - đồng nghiệp của Toto Marti - cũng sử dụng drone điều khiển từ xa nhưng không được may mắn như Marti. Nhà nhiếp ảnh tự do Caludio Leier tự trang bị cho mình một chiếc drone với công nghệ mới nhất và cho nó bay lượn ngay trước biệt thự của Tina Turner.
Markus Ernst, Thị trưởng Kusnacht, cũng có lý do để biện hộ cho quyết định chống lại đám paparazzi của ông. Theo lý của Markus Ernst, những chiếc drone của paparazzi có thể va chạm với chiếc trực thăng rải những cánh hoa hồng xuống cô dâu và chú rể Turner - Bach dưới đất do đó chúng đặt ra “mối đe dọa an toàn trên không".
Tina Turner và Erwin Bach. |
Ở Đức, những chiếc drone đang ngày càng trở thành công cụ vô cùng hữu hiệu cho các paparazzi cũng như phóng viên ảnh truyền hình. Nhưng, những người sử dụng drone cần có giấy phép đặc biệt. Ưu điểm tuyệt vời của drone là không quá đắt tiền và không gây ồn ào như máy bay trực thăng cho nên dễ dàng xâm nhập bên trên những khu vườn hay lượn trước những ô cửa sổ mà khó bị phát hiện - theo Heiko Schoenborn, nhà nhiếp ảnh làm việc cho báo ảnh WENN.
Tuy nhiên, một số nhà nhiếp ảnh nổi tiếng không đồng tình với việc sử dụng thiết bị bay kiểm soát từ xa, cho rằng nó không thích hợp cho công việc của paparazzi. Hans Paul, tay săn ảnh chuyên bám đuôi cặp siêu sao Angelina Jolie và Brad Pitt của Hollywood, giải thích rằng giờ bay của drone quá ngắn và nguy cơ bị phát hiện là rất cao. Do đó, Hans Paul thích sử dụng dù lượn hơn. Paul nói: "Tôi bay với động cơ gắn sau lưng và chụp được những bức ảnh chất lượng hơn rất nhiều"