Phải loại trừ bạo lực sân cỏ

Thứ Hai, 29/03/2021, 21:56
Khoảnh khắc Hoàng Thịnh vào bóng thô bạo với Hùng Dũng không còn mang tính hiện tượng. Điều đáng buồn, nó có vẻ như là một thói quen trong phong cách chơi bóng của một bộ phận cầu thủ trẻ. Một thứ văn hóa cần được định hình lại trên sân cỏ.


“Bóng đá đàn ông”

Tình huống Hoàng Thịnh vào bóng thô bạo khiến Hùng Dũng bị gãy chân trong trận đấu giữa TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tại vòng 5 V.League 2021 trở thành một hiện tượng được bàn tán trong xã hội. Thế nhưng, trong bóng đá, đây là câu chuyện không mới với một giải đấu mà vẫn còn đầy rẫy những yếu tố thiếu chuyên nghiệp. Trong bài viết này, chúng tôi không đề cập đến chuyện đúng sai, lại càng không có ý định nhìn từ một tình huống để phán xét một cầu thủ. Câu chuyện được đề cập đến ở đây chính là một thứ văn hóa sân cỏ cần được thay đổi từ chính môi trường giáo dục cầu thủ.

Cận cảnh pha chấn thương của Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: Hoài Thu

Sau sự cố trên sân Thống Nhất, nhiều ý kiến tranh luận nổ ra với những quan điểm về chuyện Hoàng Thịnh có cố tình chơi xấu với Hùng Dũng hay không. Nếu như người bên ngoài nhìn vào, một bộ phận sẽ phân tích rằng, tình huống này diễn ra ở giữa sân không có gì đáng phải quyết liệt. Và pha vào bóng của Hoàng Thịnh vì thế có tính triệt hạ đồng nghiệp. Một tình huống mà nhiều người xem đi xem lại vẫn không khỏi ám ảnh.

Nhưng, có một bộ phận khác đưa ra quan điểm rằng, đó là tai nạn nghề nghiệp mà không ai mong muốn. Và quan điểm “bóng đá đàn ông” được áp dụng vào trường hợp này để bào chữa: Thịnh không cố ý. Như có nhà báo đã đưa ra quan điểm: “Bóng đá không phải là môn thể thao dành cho những động tác nhẹ nhàng, yếu đuối. Bóng đá đầy nam tính và sự hấp dẫn của nó, một phần là những pha bóng quyết liệt, đầy sức mạnh và ẩn chứa khả năng chấn thương cao với cầu thủ.

Tôi cũng không cổ vũ bạo lực trong bóng đá nhưng hãy thử hình dung, nếu không có những tình huống va chạm, nếu không có những cầu thủ cá tính, nếu không có những pha đối đầu “bật máu” thì trận đấu có hấp dẫn đến thế không? Bóng đá có thể trở thành một môn thể thao được yêu thích đến thế không? Ở góc độ bóng đá, tôi nghĩ, đó là một tai nạn nhiều hơn là hành vi cố tình hành hung gây thương tích cho người khác”.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng, đó chỉ là những quan điểm, bình luận mang góc nhìn riêng và phần nào có phần cảm tính của bộ phận dư luận cho rằng Hoàng Thịnh “cố tình” hay “vô tình”. Bởi xét cho cùng, chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ nhất, cú ra chân đó diễn ra trong tâm thế như thế nào. 

Trong tình huống này, người viết khá đồng tình với quan điểm đến từ huấn luyện viên Kiatisak. Ông nói rằng: “Về án phạt mà Hoàng Thịnh vừa nhận, tôi có suy nghĩ thế này, cuộc đời một cầu thủ đá bóng, họ phạm lỗi như thế nhưng bản thân họ khi thi đấu trên sân không thể định lượng được cú tắc bóng đó mạnh hay nhẹ. Trong thi đấu, họ không kiểm soát hết được hành vi của mình”.

Theo góc nhìn của huấn luyện viên người Thái Lan, có thể trong trường hợp này, Hoàng Thịnh cũng không ý thức được pha ra chân của mình là nặng hay nhẹ. Đó dường như một thói quen trong phong cách chơi bóng máu lửa của Thịnh “Bò”. Năm 2015, cũng từ phong cách chơi bóng quá quyết liệt như vậy, Hoàng Thịnh bị gãy xương sườn trong trận đấu giao hữu vô thưởng vô phạt giữa U-23 Việt Nam và U-23 Hàn Quốc. Chấn thương đã lấy đi nhiều cơ hội nghề nghiệp của chính Hoàng Thịnh.

Bạo lực - Từ thói quen đến văn hóa

Khi đề cập đến sự việc này, nhà báo Phan Đăng đưa ra góc nhìn: “Vậy vấn đề nên bàn nằm ở đâu? Có chăng nó nằm ở phạm trù thói quen! Khi bạn thực hiệnHTML một việc nhiều lần qua nhiều năm thì nó sẽ trở thành một thói quen. Và khi không có ai thực sự ráo riết quyết liệt nói cho bạn thói quen ấy là tốt hay xấu thì trong suy nghĩ của bạn, nó đương nhiên là một chuyện rất bình thường”.

Huấn luyện viên Park Hang-seo luôn uốn nắn ý thức cầu thủ khi tập trung đội tuyển Việt Nam. Ảnh: H.A

Từ tình huống vào bóng thô bạo của Hoàng Thịnh với Hùng Dũng, khiến chúng ta nhớ đến pha vào bóng của Quế Ngọc Hải (Sông Lam Nghệ An) với Anh Khoa (Đà Nẵng) ở V.League 2015. Pha bóng định mệnh đó đã khiến Anh Khoa mất đi sự nghiệp và nói lời giã từ sân cỏ khi vẫn đang ở độ tuổi chín của sự nghiệp. Trước đó, mùa giải 2014, Đình Đồng (Sông Lam Nghệ An) cũng từng có pha vào bóng khiến Anh Hùng (An Giang) gãy chân. Rất may, sau đó, Anh Hùng vẫn có thể trở lại sân cỏ.

Một vài dẫn chứng tiêu biểu của những pha bóng thô bạo để thấy rằng, khoảnh khắc của Hoàng Thịnh không phải là hiện tượng mới mẻ của bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, đứng ở góc độ xã hội phát triển thời điểm hiện tại thì đó là hiện tượng đáng lên án và cần bị tẩy chay.

Thói quen chơi bóng hay cao hơn là văn hóa bóng đá ở mỗi một môi trường khác nhau sẽ hình thành nên phong cách. Điều đó sẽ quyết định đến việc có xuất hiện những tình huống thô bạo trên sân cỏ tương tự hay không?

Nên bắt đầu từ đào tạo bóng đá trẻ

Sau pha bóng thô bạo, tiền vệ Hoàng Thịnh đã lĩnh hậu quả là cấm thi đấu hết năm 2021. Tuy nhiên, vết thương mà anh để lại cho Hùng Dũng sẽ chưa biết bao giờ hết ám ảnh. Thậm chí, không ai dám chắc khi Hùng Dũng trở lại có thể chơi bóng đúng 100% phong độ hay không. Những án phạt mà Ban Kỉ luật VFF đưa ra với Hoàng Thịnh chỉ là bước cuối cùng, bất đắc dĩ để giáo dục một cầu thủ.

Huấn luyện viên Park Hang-seo đến động viên Đỗ Hùng Dũng. Ảnh: VFF

Vì vậy, vấn đề căn cốt nằm ở chính việc đào tạo, giáo dục các cầu thủ ngay từ khi bắt đầu theo nghiệp “quần đùi áo số”. Văn hóa hình thành từ thói quen và thói quen được định hướng tốt hay xấu nằm ở vai trò của những người thầy. Khi huấn luyện viên Park Hang-seo mới sang Việt Nam từng chia sẻ rằng, điều khiến ông ngạc nhiên nhất là cách giao tiếp của các cầu thủ Việt Nam. Họ thường không có thói quen chào hỏi khi gặp người khác.

Huấn luyện viên Park Hang-seo nói: “Cầu thủ Việt Nam thường ít chào hỏi nhau, trong khi đó cầu thủ Hàn Quốc đi đâu, gặp ai họ đều chào hỏi rất rõ ràng, đặc biệt là những người làm việc thân cận nhau. Chính vì vậy mà thời gian gần đây, tôi đã yêu cầu gặp bất kỳ ai, người lạ, tất cả mọi thành phần, bạn bè... phải chào hỏi nhau theo đúng tinh thần có trên có dưới.

Trước đây, cầu thủ thấy tôi họ liếc một cái rồi bỏ đi. Nhưng, bây giờ thì khác, buổi sáng đến gặp tôi hay các thành viên khác trong đội, họ thường chào hỏi rất nhiều. Tôi cũng không biết sự thay đổi đó tốt hơn hay xấu đi”. 

Đó là dẫn chứng điển hình cho môi trường giáo dục hình thành nên văn hóa. Và điều này có ảnh hưởng rất lớn khi các cầu thủ bước ra sân cỏ. Nhiều người chắc chắn chưa quên hình ảnh của cầu thủ người Hàn Quốc Son Heung-min từng khóc nức nở, tưởng như anh sẽ suy sụp khi biết mình làm cho Gomes chấn thương mắt cá và phải nghỉ gần 4 tháng. Cách phản ứng thất thần của Son Heung-min cho tất cả thấy đó là tai nạn. Điều mà anh không có chủ đích. 

Son Heung-min khóc nức nở trong tình huống khiến Gomes chấn thương. Ảnh: Getty

Son Heung-min còn có hành động đẹp hơn khi ghi bàn vào lưới Red Star Belgrade ở Cúp châu Âu, anh dành tặng nó cho Gomes cùng lời xin lỗi. Đôi khi văn hóa đẹp trên sân cỏ cũng đến từ cách mà các cầu thủ phản ứng với sự cố.

Ở Việt Nam, Hoàng Anh Gia Lai được cho là một trong những đội bóng đã xây nền móng cho việc đào tạo cầu thủ một cách toàn diện về văn hóa và chuyên môn. Sau này, chúng ta có thêm lò đào tạo PVF, Viettel, Hà Nội. Thế nhưng, bằng đó là quá ít để tạo ra một cuộc cách mạng thực sự để bóng đá Việt Nam xóa sổ những hiện tượng khiến xã hội hiện đại khó chấp nhận như vừa rồi.

Hưng Hà
.
.