Pháp không còn đủ tiền để trùng tu Nhà thờ Đức Bà?

Thứ Sáu, 08/09/2017, 14:45
Nhà thờ Đức Bà Paris (Cathédrale Notre-Dame de Paris), nhà thờ Công giáo nổi tiếng qua tác phẩm “Nhà thờ Đức Bà Paris” của đại thi hào Victor Hugo, là một trong những địa điểm thu hút đông khách du lịch nhất tại thủ đô Paris của Pháp.


Kiệt tác kiến trúc hơn 850 năm tuổi này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Mặc dù hằng năm, Chính phủ Pháp bỏ ra 2,3 triệu USD để bảo trì, danh sách những công việc cần làm tại di tích lịch sử này vẫn còn quá nhiều. Bên cạnh đó, đại diện ban quản lý nhà thờ Đức Bà cho biết, số tiền các nhà hảo tâm đóng góp hằng năm là 5 triệu USD và mặc dù “tình hình hiện tại đã rất nguy cấp”, nhưng ban quản lý vẫn kiên quyết không thu tiền vé vào cửa của du khách.

Vào giữa thế kỷ XIX, nhà thờ Đức Bà Paris đã được tu bổ trong suốt 20 năm, từ năm 1844 tới năm 1864 dưới sự chỉ đạo của hai kiến trúc sư Viollet-Leduc và Lassus. Năm 1967, các cửa kính ghép màu ở gian chính nhà thờ đã được thay mới.

Trong những năm 1990, mặt ngoài nhà thờ cũng đã được sửa sang, một phần mặt tiền đã được cọ rửa cho sáng màu. Năm 2003, các quả chuông của nhà thờ cũng được thay mới. Thế nhưng, phần còn lại của di tích lịch sử này đều đã quá cũ kỹ và tình trạng ngày càng trầm trọng. Nhiều bức tường đá bị mủn, vỡ. Nhiều bức tượng sứt mẻ, biến dạng.

Hàng lan can bằng đá đã biến mất và phải thay bằng chấn song bao lơn bằng gỗ, nhiều kết cấu bằng đá khác cũng bung ra. Một số cửa ghép kính màu bị vỡ. Nghiêm trọng nhất là các vòm chống có nguy cơ đổ sụp. Một phần nóc cũng đang sập dần... Hàng loạt khung cửa sổ của nhà thờ đang trong quá trình trùng tu dang dở, nhiều cấu trúc đang xuống cấp nghiêm trọng.

Những chi tiết trang trí đã rơi xuống và đang được cất riêng để đảm bảo an toàn. Chóp nhọn hình mũi tên trên mái cũng cần được thay mới và dự trù tốn tới 10 triệu euro. Chóp nhọn hình mũi tên hiện nay vươn cao 93m, được dựng trong giai đoạn cải tạo hồi giữa thế kỷ XIX (1844-1864), được làm bằng gỗ sồi bọc chì, nặng 750 tấn (500 tấn gỗ sồi và 250 tấn chì), bao quanh là 4 dãy tượng các tông đồ tạc bằng đồng. Bà Marie-Hélène Didier, chuyên gia bảo tồn di sản cho biết phần vỏ ngoài của chóp nhọn mũi tên đang bị bào mòn, axít trong nước mưa có thể làm hỏng phần khung bên trong.

Do nguồn quỹ từ chính phủ không đủ nên giới chức thành phố Paris và giáo phận Công giáo Paris, thông qua Hội “Friends of Notre-Dame de Paris” (Những người bạn của nhà thờ Đức Bà Paris), được thành lập và ra mắt hồi tháng 5 vừa qua tại Las Vegas (Nevada), kêu gọi “những người Mỹ có văn hóa quyên tặng và gắn kết với nhà thờ Đức Bà Paris” cùng chung tay bảo vệ công trình này khỏi nguy cơ xuống cấp. Chủ tịch “Friends of Notre-Dame de Paris” Michel Picaud cho biết, hội này chủ yếu hướng tới nhóm người Mỹ “có truyền thống quyên góp và rất yêu thích nhà thờ Đức Bà Paris”.

Qua các bộ phim và nhạc kịch về nhà thờ, người dân Mỹ rất yêu thích thằng gù Quasimodo và các nhân vật khác trong tiểu thuyết “Nhà thờ Đức Bà Paris” của Victor Hugo. Chính nhờ thế, việc quyên góp tiền tu bổ nhà thờ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Ngoài ra, nhà thờ Đức Bà Paris thu hút rất nhiều du khách Mỹ. Đức Hồng y André Vingt-Trois, Tổng Giám mục Paris, cho biết, nhà thờ Đức Bà Paris từng nhiều lần nhận quyên góp ủng hộ của khách du lịch và cả những ngôi sao từ Mỹ.

Ngoài ra, nhà thờ còn có một nguồn thu khác từ việc cho các công ty lớn, như Apple hay Nike, “thuê” những khoảng tường lớn trong nhiều năm để quảng cáo. Chiến dịch quyên góp tiền ở Mỹ để cứu Notre Dame de Paris sẽ chính thức được bắt đầu vào năm 2018. Mục tiêu của “Friends of Notre-Dame de Paris” là cùng với Quỹ Avenir du Patrimoine de Paris (Tương lai di sản Paris) ngay tại nước Pháp quyên được 100 triệu euro.

Hồi đầu tháng 5-2017, Phủ Tổng thống Pháp cam kết, Quỹ Avenir du Patrimoine de Paris cứ quyên góp được 1 euro thì nhà nước sẽ hỗ trợ thêm cho nhà thờ Đức Bà Paris 1 euro, nhưng số tiền hỗ trợ thêm tối đa cũng sẽ chỉ là 4 triệu euro/năm. Vì thế, muốn cứu nhà thờ Đức Bà Paris, giờ không còn con đường nào khác là kêu gọi sự đóng góp của tư nhân, đặc biệt là lòng hảo tâm của người Mỹ.

Di tích lịch sử này là biểu tượng tiêu biểu cho phong cách kiến trúc Gothique trên đảo Ile de la Cité (nằm giữa dòng sông Seine) của Paris. Đây cũng là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Paris. Theo truyền thuyết, Thánh Dennis truyền bá Kitô giáo vào thành phố Paris khoảng năm 250. Công trình tôn giáo đầu tiên có thể đã được xây dựng bên bờ trái sông Seine, cạnh Val-de-Grâce ngày nay. Nhưng sử sách đã không ghi lại được chính xác về vị trí nhà thờ lớn đầu tiên của Paris cũng như các nhà thờ sau đó. Theo những dấu tích, trên đảo Ile de la Cité từng có một ngôi đền, rồi được thay thế bởi một nhà thờ Cơ đốc giáo mang tên Saint Etienne.

Nhưng không thể biết nhà thờ này được xây dựng vào thế kỷ IV rồi được tu sửa sau đó hay xây vào thế kỷ VII trên các dấu tích cũ. Một điều chắc chắn rằng Saint Etienne là một giáo đường rất lớn và giống với các nhà thờ cổ khác của La Mã hay Ravenna.

Bên trong, 5 gian được chia cách bởi những cột lớn, tường được trang trí ghép mảnh. Phía bắc nhà thờ còn có nhà rửa tội mang tên Saint-Jean le Rond. Bên bờ trái sông Seine, tu viện Saint-Germain-des-Prés được xây khoảng thập niên 540. Nhưng vào thế kỷ IX và X, những người Normand thường xuyên tấn công Paris và đã phá hủy tu viện Saint-Germain-des-Prés.

Tu viện mới được xây lại trong khoảng năm 990 tới 1021. Vào thế kỷ XII, Paris là một thành phố quan trọng của Kitô giáo. Đây cũng là giai đoạn thành phố có những phát triển mạnh mẽ về cả dân số và kinh tế. Các lái thương và thợ thủ công tập trung tại chợ lớn bên bờ phải sông Seine. Trường học của nhà thờ tạo được uy tín. Vương triều Capet cũng quay trở lại Paris.

Ngày 12-10-1160, dưới thời Louis VII, Maurice de Sully trúng cử Giám mục Paris. Cùng với các tu sĩ, vị giám mục này đã có một quyết định quan trọng: Xây dựng trên quảng trường Saint-Etienne một nhà thờ mới lớn hơn nhiều so với nhà thờ cũ. Nhà thờ sẽ thờ Đức Mẹ và theo phong cách kiến trúc mới, về sau được gọi là kiến trúc Gothic.

Cùng với việc xây dựng nhà thờ là cả một dự án quy hoạch đô thị: Nhà thờ cũ Saint-Etienne sẽ bị phá bỏ; bố trí sân trước nhà thờ mới như một khoảng trung gian giữa những người ngoại đạo và các tín đồ Công giáo; vạch ra con phố Neuve-Notre-Dame rộng 6m, cho phép một lượng lớn dân chúng đến nhà thờ; xây dựng lại tòa giám mục và Hôtel-Dieu. 3 năm sau, năm 1163, viên đá đầu tiên được đặt với sự có mặt của Giáo hoàng Alexander III và vua Louis VII.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.