Phát hiện mới về tổ tiên loài người
Hôm 19/5 vừa qua, các nhà khoa học rất phấn khởi khi giới thiệu một hóa thạch 47 triệu năm tuổi của loài động vật linh trưởng cổ xưa, kích thước bằng "con mèo nhỏ", có nhiều khả năng là tổ tiên của khỉ, linh trưởng và con người.
Các nhà khoa học cho biết, hóa thạch (được gọi là Ida) là một loài vật chuyển hóa, sống vào khoảng thời kỳ loài linh trưởng chia thành 2 nhánh: một nhánh tiến hóa thành con người, các loài linh trưởng và khỉ; nhánh kia phát triển thành vượn, cáo và nhiều loài linh trưởng khác. Được biết, hóa thạch này được chính thức đặt tên là Darwinius masillae để tỏ lòng tôn kính nhà bác học Charles Darwin nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 200 của ông.
Tiến sĩ Jorn Hurum - thuộc Viện Bảo tàng Lịch sử quốc gia tại Trường đại học Oslo (Na Uy), Trưởng nhóm nghiên cứu về hóa thạch - cho biết trong buổi hội nghị tại Viện Bảo tàng Tự nhiên Mỹ: "Đây là hóa thạch còn nguyên vẹn nhất từ trước tới nay. Nó không phải có niên đại vài trăm năm tuổi mà là 47 triệu năm. Và đây là hóa thạch của một con linh trưởng cái".
Theo tạp chí khoa học PLoS ONE (ra ngày 19/5), hóa thạch này được phát hiện năm 1983 tại Messel Pit, gần Frankfurt (Đức) và thuộc sở hữu của một nhà sưu tầm tư cho đến gần đây. Tuy nhiên, do bị chia thành 2 phần nên tầm quan trọng của hóa thạch này không được nhận ra.
Cách nay 2 năm, một nhóm nhà khoa học quốc tế, do Hurum dẫn đầu, đã tiến hành phân tích chi tiết trên hóa thạch - Hurum đã đặt bí danh cho hóa thạch này là Ida theo tên con gái của ông. Hóa thạch này gần như còn nguyên vẹn, chỉ thiếu một phần chân. Thêm vào đó, ngoài phần xương, các chi tiết khác đều được bảo tồn nguyên vẹn - dấu vết còn lại của bữa ăn cuối như trái cây, hạt và lá được tìm thấy trong ruột của Ida.
Hurum nói về Ida như một mẫu vật hóa thạch tuyệt đẹp có chiều dài khoảng 0,6m trông như một chú mèo nhỏ. Hóa thạch này có đủ răng trưởng thành và răng sữa, cho thấy nó đã cai sữa và khoảng 9 tháng tuổi vào lúc chết - đã phát triển tới kích thước của loài vượn cáo. Hóa thạch con linh trưởng còn nhỏ này không có 2 đặc điểm mấu chốt về giải phẫu học ở loài vượn cáo: móng lược trên ngón thứ 2 ở chân và phần răng ở hàm dưới (gọi là răng lược).
Qua chụp X-quang cho thấy Ida bị gãy khớp chân trước - các nhà khoa học tin rằng vết thương này góp phần gây ra cái chết của con vật này. Ida có thể đã kiệt sức vì khí CO2 trong khi uống nước ở hồ Messel - thường bị bao phủ bởi một lớp mỏng khí này. Và có lẽ vì gặp khó khăn bởi chân trước bị gãy nên con vật này bị bất tỉnh và chìm xuống đáy hồ và được bảo tồn suốt 47 triệu năm