Phát hiện thêm hơn 1.000 loài mới tại Tiểu vùng sông Mekong

Thứ Sáu, 02/01/2009, 11:15

10 năm qua, tổ chức bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) đã phát hiện hơn 1.000 loài mới tại khu vực sông Mekong mở rộng.

Tiểu vùng sông Mekong gồm 6 quốc gia cùng chung dòng chảy của sông Mekong: Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tỉnh Yunnan phía nam Trung Quốc. Người ta đã ước tính có hàng nghìn loài động vật không xương sống được tìm thấy trong thời gian vừa qua, càng khẳng định thêm sự đa dạng sinh học vốn có của khu vực này.

Trong khoảng 1.068 loài vừa được các nhà khoa học tìm thấy từ năm 1997 đến 2007, có loài nhện huntsman lớn nhất thế giới với sải chân lên đến 30cm và loài rết hồng tiết xyanua sặc sỡ; loài chuột đá Lào, được cho rằng đã tuyệt chủng 11 triệu năm trước, đã được các nhà khoa học phát hiện tại một khu chợ thực phẩm địa phương, trong khi đó loài rắn pitviper tại bán đảo Thái Lan được tìm thấy đang trượt qua xà nhà của một nhà hàng tại Vườn Quốc gia Khao Yai, Thái Lan.

Theo WWF, những khu vực quan trọng mấu chốt của sinh học toàn cầu được tìm thấy tại tiểu vùng sông Mekong. Những vùng này là mái nhà của khoảng 20.000 loài thực vật, 1.200 loài chim, 800 loài rắn và lưỡng cư, và 430 loài có vú, bao gồm voi châu Á, hổ, và một trong hai quần thể tê giác Java có nguy cơ tuyệt chủng cao trên thế giới. Bên cạnh loài cá voi Irrawaddy quý hiếm, khu vực sông Mekong được coi là ngôi nhà chung của ít nhất 1.300 loài cá theo ước tính, trong đó có cá tra dầu, loài cá nước ngọt lớn nhất thế giới

Tân Lương
.
.