Phê duyệt quy hoạch Hà Nội: Bao nhiêu dự án sẽ phải thay đổi?
- Số phận các dự án vẫn phải chờ quy hoạch phân khu
- Sẽ hạn chế nhà cao tầng trong vành đai xanh
- Mặt cắt trục Hồ Tây - Ba Vì sẽ thay đổi theo địa hình
I - Những ngày này, Cung Triển lãm quy hoạch quốc gia ở Mỹ Đình, nơi đang triển lãm về quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, luôn chật kín người xem bởi ai cũng quan tâm xem căn nhà mình đang ở sẽ được quy hoạch thế nào và đặc biệt là những người đầu tư bất động sản thì không chỉ quan tâm căn nhà mình đang ở mà điều họ quan tâm nhất là những dự án nào sẽ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch.
Theo quy hoạch vừa được Thủ tướng phê duyệt, tổ chức không gian đô thị Hà Nội sẽ theo mô hình chùm đô thị, gồm khu vực đô thị trung tâm, 5 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng và quốc gia.
Đặc biệt, trong quy hoạch lần này đã đặt ra định hướng không gian xanh và mặt nước. Theo đó không gian xanh của thành phố bao gồm hành lang xanh, vành đai xanh dọc sông Nhuệ, các nêm xanh và các công viên đô thị.
Hành lang xanh gồm khu vực nông thôn, hệ thống sông hồ, đồi núi, rừng tự nhiên, vùng nông nghiệp… được bảo vệ nghiêm ngặt để trở thành khu hậu cần phục vụ đô thị, giữ gìn cảnh quan và đảm bảo môi trường sống đô thị.
Vành đai xanh dọc sông Nhuệ là vùng đệm cách biệt giữa khu vực nội đô mở rộng và khu vực đô thị mở rộng phía nam sông Hồng.
Các nêm xanh là vùng đệm xanh phân cách các khu đô thị mới dọc phía đông tuyến đường vành đai 4 và phía bắc sông Hồng.
Khi Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được Thủ tướng phê duyệt, mọi thứ mới chỉ bắt đầu vì theo đúng quy trình, Quy hoạch chung chỉ là khung chung để duyệt các Quy hoạch phân khu, Quy hoạch 1/2000.
Người dân xem bản đồ quy hoạch thủ đô. |
Mới đây nhất, ngày 1/8, Thủ tướng cũng vừa phê duyệt quy hoạch chi tiết đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, đoạn phía nam quốc lộ 18 với tổng chiều dài khoảng 98 km. Quy hoạch đi qua địa giới hành chính của 14 quận, huyện, thành phố trực thuộc 3 tỉnh, thành phố. Đó là qua các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và quận Hà Đông (TP Hà Nội); các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm (tỉnh Hưng Yên) và các huyện Thuận Thành, Quế Võ và thành phố Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh).
Điểm đầu tuyến đường vành đai 4 tại lý trình khoảng Km3+695 trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội); điểm cuối tuyến tại khoảng Km35+300 trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh).
Trong đó, đoạn qua địa phận thành phố Hà Nội: từ đầu tuyến trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, tuyến đi theo hướng Tây - Nam giao Quốc lộ 2 tại xã Thanh Xuân và tiếp tục qua khu đô thị mới Mê Linh, tuyến vượt sông Hồng tại vị trí cầu Hồng Hà (phía bắc cầu tại xã Văn Khê, huyện Mê Linh; phía nam cầu tại xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng); tuyến giao Quốc lộ 32 tại xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức và cắt Đại lộ Thăng Long tại khoảng Km12+600 và giao cắt Quốc lộ 6 tại phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông), đi theo hướng Đông - Nam, giao lộ Quốc lộ 1A và đường Pháp Vân - Cầu Giẽ tại xã Văn Bình, huyện Thường Tín, vượt sông Hồng bằng cầu Mễ Sở tại vị trí cách phà Mễ Sở khoảng 1 km về phía thượng lưu. Chiều dài đoạn tuyến khoảng 56,5 km.
II - Có một điểm chung giữa các nhà quản lý và người dân đó là đều kỳ vọng sau khi có quy hoạch chung, thị trường bất động sản Hà Nội sẽ có thay đổi, vì khi mọi thứ ở mức độ quy hoạch chung đã khá rõ ràng sẽ làm cho chủ đầu tư lẫn khách hàng đều yên tâm vào khu vực mà mình đầu tư. Những nhà đầu tư bất động sản có thực lực thì sẽ có nhiều cơ hội để đầu tư, thị trường qua đó cũng sẽ khởi sắc hơn.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và người dân quan tâm hiện nay là rồi đây sẽ có bao nhiêu dự án trong tổng số hơn 750 dự án chờ quy hoạch sẽ bị ảnh hưởng? Bởi hiện nay các dự án đã phủ kín quanh Hà Nội, thậm chí ở khu vực phía tây, dự án đã phủ kín đến tận Hòa Lạc.
Cầu bắc qua sông Hồng. |
Đường vành đai 4. |
Khu vực Hồ Tây. |
Hà Nội sẽ xây dựng, hoàn thiện 7 hệ thống đường cao tốc hướng tâm. |
Những dự án nào sẽ bị ảnh hưởng bởi quy hoạch chung thủ đô đang là quan tâm của cả doanh nghiệp và người dân. |
Trao đổi với báo chí bên lề buổi công bố đồ án quy hoạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn, người được Chính phủ giao trọng trách chỉ đạo trực tiếp trong suốt quá trình xây dựng đồ án quy hoạch chung, cho biết thực chất các dự án đó đều được nghiên cứu để xây dựng ý tưởng của đồ án quy hoạch. Một trong những cơ sở của đồ án quy hoạch chung này là đã có nghiên cứu từ các dự án đó, chứ không phải làm quy hoạch trên tờ giấy trắng. Vì vậy sau giai đoạn này, việc triển khai các đồ án quy hoạch phân khu cụ thể mới có thể xác định rõ.
Theo ông Toàn, đối với vành đai xanh sông Nhuệ, Thủ tướng đã có Thông báo 202 phân ra làm 3 loại rõ ràng: làng xóm, trường học, trạm xá của dân cư hiện hữu; các dự án đã và đang triển khai ở mức độ gần hoàn thiện và các dự án chưa triển khai. Đặc biệt với dự án chưa triển khai thì nói rõ giữa cái nào đã đền bù giải phóng mặt bằng, thực hiện thuế, thu nhập tài chính và cái nào chưa làm gì. Cách ứng xử sẽ phải khác nhau.
Việc triển khai các dự án trong vành đai sông Nhuệ sẽ phụ thuộc vào việc triển khai các quy hoạch phân khu mà thành phố Hà Nội sau này làm. Các chủ đầu tư dự án đang phối hợp với thành phố để lập quy hoạch phân khu cho phù hợp, tất nhiên không được thay đổi các định hướng lớn của quy hoạch chung.
"Các dự án trong hành lang xanh rất ít, việc điều chỉnh thành phố sẽ phối hợp với chủ đầu tư. Với dự án làm đô thị sinh thái thì có thể chấp nhận được khi nằm trong hành lang xanh vì hành lang xanh không có nghĩa là không được xây dựng, chỉ có điều cần hạn chế tối đa xây nhà cao tầng" - ông Toàn nói.
Đối với trục Hồ Tây - Ba Vì, con đường đã gây rất nhiều tranh cãi trong quá trình xây dựng quy hoạch và đã khiến không ít người đầu cơ bất động sản "đón đầu quy hoạch" đang phải "chôn" tiền tỉ vào đất từ cơn sốt đất Ba Vì đầu năm 2010, ông Toàn cho biết trục Hồ Tây - Ba Vì có điểm đầu là đường Hoàng Quốc Việt và điểm cuối là Quốc lộ 21. Quy mô mặt cắt thay đổi suốt dọc đường đi. Có chỗ mặt cắt là 100m, có chỗ 70m phụ thuộc vào địa hình và cảnh quan từng khu vực. Trong quy hoạch phân khu tới đây cũng không vẽ chi tiết mặt cắt chung trục Hồ Tây - Ba Vì mà chỉ định hướng có trục và cũng không ấn định thời gian cụ thể triển khai trục này. Vì vậy "khi có trục đó thì chỉ có lợi cho Hà Nội nói chung, chứ chưa chắc đã có lợi cho các dự án hai bên vì mở đường đến đâu thì chưa ai biết được".
Cho tới thời điểm này, "số phận" của các dự án chờ Quy hoạch Thủ đô thông qua vẫn chưa được định đoạt. Bởi, thời điểm thống kê hơn 750 dự án là trước khi Quy hoạch Thủ đô được thông qua. Dù đã qua hai lần tiến hành rà soát, nhưng do chưa có kết luận chính thức nên dự án nào bị đình hoãn, dự án nào buộc phải điều chỉnh cho phù hợp với Quy hoạch chung vẫn đang phải chờ.
ông Vũ Tuấn Định, Phó giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, theo phân công nhiệm vụ của Chủ tịch UBND thành phố, việc thực hiện quy hoạch phân khu hiện được giao cho Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội