Phim hoạt hình Việt - Nhọc nhằn đến bao giờ?

Thứ Ba, 01/06/2021, 22:07
Việt Nam vốn được đánh giá là thị trường béo bở cho phim hoạt hình nhưng chỉ để nhập khẩu phim nước ngoài. Trong bối cảnh đó, cuộc thi sáng tác kịch bản phim tài liệu và hoạt hình mà Cục Điện ảnh vừa chính thức phát động được kỳ vọng sẽ là bước đà quan trọng để giới làm phim hoạt hình Việt có cơ hội bứt phá, bước khỏi vùng an toàn, vốn vẫn bị cộp mác "những đứa trẻ mãi không chịu lớn" suốt hàng chục năm qua.


Nỗ lực nguồn kịch bản tốt

Sau cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020, Cục Điện ảnh tiếp tục phát động tìm nguồn kịch bản đầu vào cho phim tài liệu (60 phút) và phim truyện hoạt hình (90 phút).

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, kế hoạch tổ chức cuộc thi đã nhanh chóng được gửi đến các địa phương, hãng phim và truyền thông tới đông đảo đội ngũ sáng tác, nhằm tìm kiếm, tuyển chọn những kịch bản có giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật, có sáng tạo, truyền tải những thông điệp nhân văn, hấp dẫn... “Chúng tôi kỳ vọng cuộc thi sẽ tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch đặt hàng sản xuất phim của nhà nước trong giai đoạn 2023-2025 cũng như cho các đơn vị sản xuất phim tài liệu, phim hoạt hình trong cả nước”, ông Thành chia sẻ.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục điện ảnh.

Trong đó, riêng kịch bản phim hoạt hình đề cao tính giáo dục, tôn vinh các giá trị chân, thiện, mỹ, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc được chú ý. Cục Điện ảnh khuyến khích các tác giả khai thác nhóm đề tài lịch sử, cổ tích, giả tưởng, viễn tưởng cũng như sáng tạo khoa học công nghệ với nội dung gợi mở, khám phá, phát huy trí tưởng tượng của khán giả.

Thực tế, đây là lần đầu tiên có một cuộc thi bài bản để tìm kiếm kịch bản phim truyện hoạt hình dài 90 phút. Ông Vi Kiến Thành lý giải, một trong những lý do chính là xuất phát từ thực trạng phim hoạt hình chưa được quan tâm phát triển nên Cục mong muốn cuộc thi sẽ là cơ hội khai thác nguồn kịch bản tốt, khả thi để đưa vào sản xuất.

Mong chờ sẽ có những kịch bản phim tài liệu hấp dẫn, Phó Tổng giám đốc Hãng Phim tài liệu và khoa học Trung ương, đạo diễn Trịnh Quang Tùng cho rằng, việc tổ chức thi nhằm tìm kiếm kịch bản chất lượng là một chủ trương rất đúng hướng của Cục Điện ảnh. “Tôi cho rằng cuộc thi sẽ thu hút nhiều tác giả tham gia vì mục đích, yêu cầu rất cụ thể, thời sự, bám sát việc triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng vào cuộc sống, khuyến khích những tác phẩm mang hơi thở mới, tư duy mới bên cạnh những đề tài lịch sử, ca ngợi con người, tính ưu việt, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với quy mô lớn, cuộc thi sẽ tạo cơ sở tốt cho những bộ phim tài liệu dài sau này”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng nhận định.

Thất thế trên sân nhà

Theo số liệu thống kê, trong nhiều năm qua, số lượng phim hoạt hình nội được chiếu rạp, phát sóng trên truyền hình, mạng xã hội... thu hút được khán giả chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn. Cá biệt có một số bộ phim như “Con Rồng cháu Tiên” (21 triệu lượt xem, 2018), “Truyền thuyết gươm thần” (304.000 lượt xem, 2020), “Dưới bóng cây” (3,9 triệu lượt xem, 2014)... là những trường hợp “hiếm hoi” đạt số lượng người xem nhiều khi được chiếu trên YouTube.

Một hình ảnh trong phim “Con Rồng cháu Tiên”.

Ngoài ra, số phim hoạt hình 3D gây tiếng vang trong nước cũng chỉ dừng lại ở con số chưa đến một bàn tay như phim về Đại tướng Võ Nguyên Giáp - “Quyết định lịch sử” được phát sóng trên VTV cách đây 3 năm, dài 20 phút do NSND Hà Bắc thực hiện được cả khán giả nhỏ tuổi và người lớn đón nhận. Hoặc “My Home” - bộ phim hoạt hình của đạo diễn Nguyễn Phương Mai, cuối năm 2015 lọt top 10 đề cử “Phim hoạt hình ngắn hay nhất Oscar 2016” dù không thể lọt đến vòng rút gọn cuối cùng.

Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một bộ phim hoạt hình thương mại hoàn chỉnh, dài hơi “made in Vietnam” nào được đưa lên màn ảnh rộng, kể cả Hãng Phim hoạt hình Việt Nam và các nhà sản xuất tư nhân. Hầu hết các tác phẩm đã ra mắt chỉ là các tập phim ngắn 10, 20, 30 phút, chủ yếu được chiếu trên nền tảng Internet. Ngoài “Người con của Rồng”, thời lượng 90 phút thuộc thể loại 3D do NSND Phạm Minh Trí thực hiện, công chiếu 1 tuần tại rạp Kim Đồng thì đa số phim hoạt hình chỉ được trình chiếu trên mạng, trên sóng truyền hình nhưng thời lượng chỉ vài phút hoặc dài nhất cũng khoảng 30 phút.

Loạt phim “How to Train Your Dragon” từng là con gà đẻ trứng vàng của hãng Dream Works.

Trong khi đó, Công ty Cp Hãng Phim hoạt hình Việt Nam mỗi năm sản xuất 15-20 phim theo đặt hàng của Nhà nước và nhiều phim dịch vụ khác. Phim có cả hình thức 2D và 3D, chủ đề phong phú, từ cổ tích, lịch sử, danh nhân đến môi trường, xã hội... Tuy nhiên, hầu hết các phim chỉ kéo dài khoảng 10 phút, có phim phát triển lên 20-30 phút nhưng không thể đứng độc lập, mà phải ghép thành chùm để chiếu rạp. Hãng cũng đã chú trọng sản xuất phim dài tập, như “Hiệp sĩ Nghé Vàng”, “Ngôi sao xanh kỳ lạ”... và lập một trang trên mạng xã hội YouTube để chiếu miễn phí. Thế nhưng, để sản xuất phim ra rạp với thời lượng 80-90 phút hoặc chuỗi hàng trăm tập phim để chiếu thành kênh riêng vẫn là mơ ước xa vời với giới làm phim hoạt hình Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam vẫn là thị trường béo bở của dòng phim hoạt hình, là sân chơi độc quyền của các đơn vị quốc tế. Từ năm 2010 đến nay, phim hoạt hình luôn nằm trong top 10 phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam. Phim “Despicable Me” 3 (Kẻ cắp mặt trăng - năm 2017) thu tại thị trường Việt Nam hơn 33 tỷ đồng sau 3 ngày ra rạp, trở thành phim hoạt hình có doanh thu mở màn cao nhất 2017 tại Việt Nam; “Moana” (Hành trình của Moana - năm 2016) thu 12 tỷ đồng trong 3 ngày đầu ra mắt; “Frozen 2” (năm 2019) đạt 60 tỷ đồng sau 2 tuần ra mắt...

Làm gì để bước ra khỏi "ao làng"?

Lý giải sự trống vắng phim hoạt hình Việt ra rạp, các nhà sản xuất tư nhân cũng như các nhà chuyên môn đều chung ý kiến: Kinh phí hạn hẹp, kịch bản chất lượng khan hiếm, truyền thông hạn chế, đội ngũ nhân lực chưa chuyên nghiệp, chủ yếu xuất phát từ sở thích, đam mê... là những yếu tố cơ bản khiến phim hoạt hình Việt Nam bị yếu thế so với phim hoạt hình nước ngoài.

Nhà sản xuất phim Leo Đinh thừa nhận, để thực hiện phim hoạt hình dài hơi, mang ra rạp, cần một nguồn kinh phí rất lớn, buộc đơn vị phải tính toán đầu tư sao cho hợp lý. Ngoài ra, để có một đội ngũ nhân lực đồng đều, cũng cần một khoảng thời gian dài để xây dựng, đào tạo và phát triển.

Là người có hơn 40 năm gắn bó với phim hoạt hình, đạo diễn, NSND Hà Bắc thừa nhận, việc đầu tư làm phim hoạt hình dài hơi rất tốn kém và đòi hỏi trình độ cao. Đội ngũ trẻ làm phim hoạt hình ngày nay vẫn chỉ hoàn thành nhiệm vụ Nhà nước giao về làm phim cho thiếu nhi nhưng để đạt đến tầm làm phim hay, chinh phục khán giả thì còn là chặng đường xa. Đó còn chưa kể, làm phim hoạt hình dài phức tạp hơn phim ngắn rất nhiều. Bởi, phim hoạt hình có đặc thù tính chuyên môn cao khiến cho không phải bất cứ nhà biên kịch nào cũng có thể viết được kịch bản. Bên cạnh đó, một lý do nữa khiến phim hoạt hình Việt đến nay vẫn chưa đủ sức bước ra khỏi vùng an toàn là thiếu trường lớp đào tạo, giảng dạy chuyên ngành về biên kịch hoạt hình...

Mở rộng hơn, NSND Hà Bắc thấy rằng, lâu lắm rồi phim hoạt hình Việt không có sự cọ sát quốc tế, trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, không có diễn đàn để tìm tòi sự mới mẻ, phát hiện tiếng nói của riêng mình. Hay nói cách khác, “phim hoạt hình Việt vẫn là một ốc đảo”.

“Sau 60 năm phim hoạt hình vẫn tồn tại. Hiện nay, phim hoạt hình của Công ty CP Hãng phim hoạt hình Việt Nam vẫn được đầu tư một cách nhỏ giọt ở những tác phẩm đặt hàng nên đề tài thiếu đa dạng. Những đơn vị độc lập không dám đi tìm chân trời mới vì hạn chế về kinh nghiệm, kinh tế.. Có đơn vị muốn ăn xổi lấy kỹ thuật ngoại áp đặt vào câu chuyện của Việt Nam là được. Thực tế, họ đang làm một bộ phim mang ruột là Việt Nam nhưng nhái theo Mỹ, Hong Kong, Nhật Bản, không có tác phẩm mang hồn dân tộc”, NSND Hà Bắc nhấn mạnh.

Đạo diễn, NSND Hà Bắc.

Phân tích kỹ hơn NSND Hà Bắc cho rằng, điều quan trọng nhất khiến phim hoạt hình Việt vẫn mãi dừng chân ở vùng an toàn là chúng ta đang thiếu ngôn ngữ hoạt hình độc đáo, mang tính biểu tượng. Chẳng hạn, hoạt hình Mỹ có chuột Mickey – vịt Donald, Nhật Bản có Hello Kitty… nhưng phim hoạt hình Việt chưa có một nhân vật hoạt hình mang đặc trưng văn hoá của riêng mình. Theo NSND Hà Bắc, chỉ ít năm nữa là Mỹ sẽ tròn một thế kỷ định hình ngôn ngữ phim hoạt hình, trong khi ta vẫn loay hoay chưa cất lên được tiếng nói của riêng mình.

Làm phim hoạt hình Việt Nam chiếu rạp là ước mơ của rất nhiều thế hệ người làm phim hoạt hình trong hàng thập niên qua. Thực tế, không chỉ phim hoạt hình, giới làm phim điện ảnh Việt cũng mất nhiều thời gian loay hoay tìm chỗ đứng trên sân nhà. Thừa nhận rằng, ở Việt Nam nếu muốn đưa phim hoạt hình ra rạp, phải đầu tư có chiều sâu với một ê-kíp đông đảo được đào tạo bài bản chuyên nghiệp, phải có nguồn kinh phí dồi dào từ các nhà đầu tư, cập nhật những công nghệ tiên tiến nhất để cải thiện chất lượng hình ảnh đạt chuẩn quốc tế. 

Nhưng, ông Vi Kiến Thành thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta đang “lép vế” và khó cạnh tranh được với phim ngoại cả về nội dung lẫn hình thức. Đội ngũ làm hoạt hình bây giờ chỉ còn cách nâng cao chất lượng để kéo khán giả. Loạt phim điện ảnh doanh thu cao vừa rồi như “Bố già”, “Lật mặt” bất chấp COVID-19 vẫn gây chấn động phòng vé. Vậy, vấn đề ở chỗ là có phim hấp dẫn thì sẽ chẳng lo khán giả quay lưng”.

Vẫn còn quá sớm để kỳ vọng về một kỷ nguyên mới của phim hoạt hình Việt, cũng không thể hy vọng một sự bứt phá của thể loại phim vốn kén người xem này sau một cuộc thi trong nước. Tuy nhiên, khán giả vẫn hy vọng không phải chờ quá lâu để được xem phim hoạt hình chiếu rạp đúng nghĩa của điện ảnh Việt. Và, quan trọng hơn, mong rằng phim hoạt hình Việt Nam sớm thoát khỏi cái “mác” những đứa trẻ chưa lớn, không chuyên nghiệp.

Thảo Dung
.
.