Phim kinh dị học đường - Những mảng màu sáng tối
Sự thắng thế của đề tài học đường
Học đường luôn được xem là một xã hội thu nhỏ với sự đa dạng về câu chuyện, góc nhìn, tạo nên nhiều đề tài thú vị cho giới điện ảnh. Trong đó, nhà làm phim kinh dị mà đặc biệt là những nhà làm phim kinh dị châu Á cũng không bỏ qua “miếng mồi béo bở” này. Nhật Bản, Hàn Quốc hay gần đây là Thái Lan đều là những nền điện ảnh cho ra các tác phẩm kinh dị lấy chủ đề học đường tiêu biểu.
Đa phần, những tác phẩm kinh dị học đường được khai thác theo 2 xu hướng chính: thế lực siêu nhiên xuất hiện tại môi trường học đường hoặc sự biến chất trong tâm lý học sinh. Với lối khai tập trung vào thế lực siêu nhiên, các bộ phim thường bắt đầu bằng những cái chết oan khuất của học sinh, giáo viên hoặc sự khai mở vật dụng bị nguyền rủa, khiến người xem phải lo sợ không biết điều gì chuẩn bị xuất hiện trong những phút sắp tới.
Gần đây, các nhà làm phim thường kết hợp yếu tố siêu nhiên với sự tàn nhẫn của những “thiên thần áo trắng” để tăng mức độ kinh dị. |
Những tác phẩm tiêu biểu phải kể đến: “Another” kể về cái chết của một học sinh trung học nổi tiếng Misaka, “Memento Mori” với sự ám ảnh về hồn ma của cô học sinh trung học Hyo Shin hay “ThirTEEN Terrors” hé lộ 13 bí ẩn được đồn đại trong một trường học. Trong khi đó, những phim có các nhân vật phản diện là chính học sinh hay giáo viên bình thường lại tấn công tâm lý người xem bằng sự tàn nhẫn, ác độc xuất hiện giữa môi trường học đường thanh bình. Tác phẩm “Confession” của điện ảnh Nhật được xem là một tác phẩm biểu tượng với câu chuyện ám ảnh về màn trả thù của nữ giáo viên Yuko Moriguchi nhắm vào hai học sinh 14 tuổi đứng sau cái chết của con gái mình.
Một chủ đề khác thường xuất hiện trong dòng phim kinh dị của điện ảnh Nhật Bản đó là phản địa đàng. Dòng phim này xây dựng một xã hội khác, nơi các vấn đề về đạo đức, chính trị, tôn giáo, kinh tế, giáo dục... đều bị xuống dốc một cách trầm trọng khiến con người phải biến chất để có thể sinh tồn. “Battle Royale” chính là tượng đài của dòng phim khai thác chủ đề này. Phim lấy nền tảng là cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng tại Nhật Bản buộc chính phủ nước này phải biến một nhóm học sinh lớp 9 làm chuột bạch cho một thí nghiệm vô nhân tính. Họ bị đẩy lên một hòn đảo tách biệt, bắt buộc phải giết hại lẫn nhau trong 3 ngày để tìm ra người được giải thoát.
Xu hướng gần đây, các nhà làm phim thường kết hợp yếu tố siêu nhiên với sự tàn nhẫn của những “thiên thần áo trắng”. Cơn sốt “Girl From Nowhere” hay “A Gift To The People You Hate” là hai tác phẩm thành công trong cách khai thác này. Nhà làm phim đưa thế lực siêu nhiên vào môi trường học đường trao cho học sức mạnh để làm nên những điều kinh hãi đối với bạn bè, thầy cô của mình. Từ đó, mức độ kịch tính, kinh dị của phim cũng ngày một tăng cao.
Sự thật hay cực đoan?
Học sinh vốn là hình ảnh biểu trưng cho sự đơn thuần, vui tươi và ngây thơ. Vì vậy, việc đẩy những hình tượng tươi sáng lại trở thành đối tượng bị truy đuổi hay thậm chí là mầm mống gây nên chém giết, chết chóc thật sự tạo nên sự kích thích lớn. Thế nhưng, trước những khung hình, đôi khi bị đẩy lên đến mức cực đoan không phải là điều mà ai cũng có thể chấp nhận. Tuy nhiên, liệu đây là sự cực đoan hay hiện thực về những sự việc đang xảy ra trong xã hội học đường?
Để có góc nhìn đúng và mang tính xây dựng cho đề tài học đường, cần các nhà làm phim đủ bản lĩnh. Ảnh: Nguyễn Bình. |
Đa phần, những phim kinh dị học đường đều khai thác các mặt xấu hiện hữu trong môi trường này, điển hình nhất là bạo lực học đường, sự lãnh đạm, thờ ơ của xã hội và sự lạc lối của tuổi trẻ. “Suicide Club”, tác phẩm kinh dị học đường được đạo diễn Nhật Bản Sion Sono ra mắt năm 2001 đã bao trọn các vấn đề xảy ra trong môi trường tưởng như thiêng liêng và tốt đẹp nhất.
Khi mà vụ tự tử tập thể của 54 nữ sinh tại ga tàu kéo theo nhiều vụ tự tử khác xuất hiện, người ta bắt đầu bắt tay điều tra rồi nhận ra nguyên nhân thúc đẩy các học sinh là vì cuộc sống thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ, thầy cô, bạn bè và xã hội. Nhưng, hơn cả thế, điều khiến bộ phim này ám ảnh hơn cả là bởi những câu lạc bộ lôi kéo nhau tự tử như “Suicide Club” thực sự có thật ở ngoài đời. Và tất nhiên, những vụ tự tử tập thể phát sinh từ các câu lạc bộ này cũng có thật, với lần đầu tiên xuất hiện là năm 1998 và kéo dài đến tận thời điểm hiện tại.
“Confession” khiến khán giả phải sốc vì sự trừng phạt tàn nhẫn từ một cô giáo dành cho hai học sinh đã giết hại con gái mình. |
Cơn sốt mới đến từ phần 2 bộ phim kinh dị Thái Lan “Girl From Nowhere” cũng khiến khán giả bất ngờ vì những sự thật khởi nguồn cho các ý tưởng đẫm máu. Vẫn giữ phong cách khai thác theo lối “slow - burn” (kinh dị gặm nhấm), phim từ từ lần dở những tệ nạn từ xâm hại tình dục, bắt nạt, gian lận, nạo phá thai, phân chia giai cấp, sống ảo,... khiến người xem không còn niềm tin vào sự trong sáng, tốt bụng của những “thiên thần áo trắng”.
Đặc biệt nhất, tập phim “SOTUS” lấy đề tài nghi thức truyền thống chào mừng tân sinh viên được tổ chức bởi các đàn anh khóa trên thật sự làm nhiều khán giả phải khó chịu vì các cảnh quay tra tấn được thực hiện bởi “hậu bối” dành cho tiền bối. Tưởng như việc bôi nhọ, tra tấn đến mức cực đoan, gây chấn thương tâm lý, thể chất chỉ là cách cực đoan mà nhà làm phim khơi dậy sự kinh dị thì trên thực tế, điều này thực sự xảy ra ở Thái Lan với các báo cáo án mạng.
Và hàng loạt tác phẩm kinh dị khác với hình ảnh học sinh, thầy cô giáo bôi nhọ, chà đạp, tấn công, mưu hại nhau khiến người xem phải choáng váng với dòng phim kinh dị học đường thực chất được tái dựng, tất nhiên có sự phóng đại, từ các sự kiện có thật. Và từ đó khiến phim kinh dị học đường không còn là những thước phim giả tưởng được tạo ra chỉ để hù dọa người xem nữa. Nó trở thành tấm gương phản ánh những mặt xấu xa mà ít ai thấy hoặc dám nhìn nhận trực tiếp trong tiểu xã hội được xem là trong sạch nhất.
Đâu là lựa chọn?
Những tệ nạn học đường luôn tồn tại và trở thành một vấn nạn nhức nhối không tìm được cách giải quyết. Đó là lí do vì sao những phim kinh dị học đường có sự trừng phạt mạnh bạo đối với những người gây ra vấn nạn này như “Confession” hay “Girl From Nowhere” khiến người xem bị kích thích và phấn khích. Tất nhiên, những màn chém giết, đày đọa đôi khi trở nên quá đà nhưng đây là địa hạt của điện ảnh với quyền tự do sáng tạo cho người thực hiện. Họ, với quyền lực của mình, đã “tuyên chiến” với hiện thực người ta né tránh và cả với những tội ác vẫn chưa bị trừng trị.
Môi trường học đường luôn là một lĩnh vực nhạy cảm nhưng cũng là kho đề tài lớn. Ảnh: Nguyễn Bình. |
Tại Việt Nam, thể loại phim kinh dị học đường vẫn chưa phát triển. Một phần xuất phát từ việc hình tượng về học đường tại Việt Nam được xây dựng và đảm bảo rất chặt chẽ. Sẽ là một sự mạo hiểm hay nguy hiểm đối với nhà làm phim nếu khai thác đề tài này quá phóng khoáng, trần trụi để thỏa mãn sự kinh dị. Thế nhưng, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, những mặt trái của môi trường học đường vẫn tồn tại với hàng loạt báo cáo về bạo lực học đường, xâm hại tình dục hay phân biệt đối xử. Và, nó vẫn đang là một phần của cuộc sống, dù muốn hay không thì chúng ta vẫn phải đối mặt.
Rõ ràng, chúng ta có một nguồn tài liệu lớn để khai thác. Nhưng, hơn cả, chúng ta cần một tấm gương sẵn sàng soi chiếu những mảng tối của nơi được xem là trong sáng nhất và đưa răn đe rằng bất kể ai, dù trong môi trường nào, đều phải trả giá cho tội ác của mình. Rõ ràng, với những thành tích doanh thu cùng sự ủng hộ nhiệt tình từ khán giả dành cho các bộ phim kinh dị học đường tại Việt Nam, chúng ta hiểu rõ chính điện ảnh nước nhà cũng cần sự xuất hiện của các tác phẩm có giá trị tương tự và cần những đôi vai đủ sức gánh vác trách nhiệm truyền tải ấy, sao cho nó phản ánh được thực tại nhưng lại mang đủ yếu tố giáo dục một cách hiệu quả, tránh chạy theo lối chộp giật, câu khách của một thể loại điện ảnh cực kỳ nhạy cảm này.