Phim tiểu sử: “Mỏ vàng” mới của điện ảnh châu Âu

Thứ Tư, 10/09/2008, 07:15
Sau thành công của bộ phim “La vie en rose” nói về cuộc đời danh ca Edith Piaf tại Oscar 2008, cuộc đời của những tên tuổi lẫy lừng như Sagan, Coluche, Coco Chanel, Gainsbourg, Montand... cũng chuẩn bị xuất hiện trước công chúng qua những thước phim tráng lệ.

Đạo diễn Diane Kurys cho biết sẽ mời nữ diễn viên Sylvie Testud hóa thân vào vai nhà văn Francoise Sagan, còn đạo diễn Joan Sfar thì không che giấu ý định làm phim về cố nhạc sĩ lừng danh Gainsbourg, hay nhà làm phim Antoine de Caunes đã có kế hoạch phân vai diễn viên trào phúng Coluche cho nam tài tử François Xavier Demaison, phim về tên gangster nổi tiếng trong lịch sử nước Pháp - Jacques Mesrine sẽ do Vincent Cassel thể hiện...

Hay mới đây nhất là Hãng Warner Bros đã khởi quay bộ phim về cuộc đời nhà tạo mẫu nổi tiếng Coco Chanel. Phim “Coco trước Chanel” do nữ diễn viên Audrey Tautou thủ vai nhà tạo mẫu dưới sự chỉ đạo thực hiện của Anne Fontaine.

Chưa biết chất lượng các bộ phim thế nào nhưng chắc chắn một điều là khán giả mộ điệu điện ảnh sẽ có cơ hội thấy lại những nhân vật từng khiến công chúng mất ăn mất ngủ. Các ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, nhà thiết kế thời trang... có sức sống rất mãnh liệt. Tác phẩm của họ chính là những đứa con tinh thần mãi bất tử với thời gian.

Phong trào này bắt nguồn từ Hollywood, cái nôi mang sức sống mãnh liệt cho nền nghệ thuật thứ bảy. Nhất là trong vòng những năm trở lại đây, xu hướng làm phim về các nghệ sĩ lừng danh đã được đền đáp bằng những giải thưởng lớn.

Hồi năm 2005, bộ phim có tên “Ray” của Taylor Hackford nói về cuộc đời đầy biến động của huyền thoại dòng nhạc soul và R&B Ray Charles đã mang về cho nam tài tử Jamie Foxx giải Oscar cho Nam diễn viên xuất sắc nhất.

Cuộc sống thăng trầm của Tina Turner hay của Charlie Parker cũng thu hút được hàng triệu khán giả tới rạp. Các nghệ sĩ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật cũng rất được quan tâm.

Gần đây nhất, nhân vật nhà văn Truman Capote cũng là cảm hứng cho hai bộ phim được thực hiện gần như cùng lúc. Salma Hayek-minh tinh của Mỹ Latinh cũng rất thành công khi lột tả các nét của họa sĩ người Mexico Frida Kahlo.

Đạo diễn tên tuổi Oliver Stone cũng đã từng làm những bộ phim thành công về những chính trị gia như JFK (nói về cựu Tổng thống Mỹ John Frank Kennedy) và Nixon (nói về cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon) và mới đây nhất là phim “W” (nói về Tổng thống Mỹ George W.Bush - người sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 11/2008).

Bộ phim "W", nói về cuộc đời Tổng thống Bush sẽ được trình chiếu vào mùa bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới.

Đối mặt với sự ồ ạt này, người châu Âu cũng tìm cách “phản pháo”. Anh đồng ý mở cửa cung điện Buckingham cho đoàn làm phim của đạo diễn Stephen Frears vào thực hiện phim “The Queen”. Người Đức sẵn sàng đón Oliver Hirschbiegel vào boong-ke của Hitler trong quá trình làm phim “La Chute”.

Rõ ràng, sức hút của những nhân vật lịch sử trên toàn cầu là rất lớn. Công chúng có quyền được tìm hiểu và biết thêm về họ. Các đạo diễn là người đi tiên phong trong công cuộc thỏa mãn quyền chính đáng này. Và nền điện ảnh thế giới thêm phong phú nhờ vào mảng những phim tiểu sử.

Tuy vậy, các nhà làm phim đều biết khó khăn riêng của phim về các nhân vật nổi tiếng. Đầu tiên là sự đầu tư về hình thể. Các diễn viên phải có được vẻ bề ngoài giống nhất với nhân vật. Tài tử François-Xavier Demaison phải tăng thêm trọng lượng để lột tả hình dáng của diễn viên trào phúng Coluche. Vincent Cassel cũng phải nạp nhiều năng lượng cấp tốc để mập hơn đồng thời nuôi ria mép cho giống với Jacques Mesrine.

Hơn nữa là tính cách. Những nghệ sĩ thì thường đặc biệt. Cuộc đời đặc biệt, cái nhìn đặc biệt, suy nghĩ đặc biệt dẫn đến tính cách đặc biệt. Muốn phim tiểu sử thành công thì phần lớn phụ thuộc vào tài năng diễn xuất của diễn viên chính. Diễn viên không chỉ phải bắt chước từng cử động và biểu hiện mà còn phải thể hiện được trái tim và tâm hồn của nghệ sĩ.

Marion Cotillard hoá thân thành công vào vai huyền thoại danh ca Edith Piaf..

Một ví dụ mới đây nhất cho thấy tài năng xuất sắc của Marion Cotillard rất xứng đáng với tượng vàng Oscar vì cô lột tả được hình tượng Edith Piaf chân thực với cảm xúc mãnh liệt.

Tất cả những ai từng được nghe và chiêm ngưỡng Edith Piaf thì sẽ thấy rằng trên màn ảnh không phải là một diễn viên, mà chính là Edith Piaf bằng xương bằng thịt khắc khoải sống nhưng dành trọn đam mê cho tiếng ca.

Từ đây các đạo diễn, các nhà làm phim châu Âu có thêm quyết tâm để dựng nhiều bộ phim nhân vật lịch sử khác nữa. Sự cố gắng đó không hẳn là để hy vọng vào những giải thưởng điện ảnh cao quý như BAFTA, César, Quả cầu vàng hay Oscar mà sâu sắc hơn là để cho người dân ở cựu lục địa và của toàn thế giới có cơ hội hiểu thêm về lịch sử và những vĩ nhân

G.K. (tổng hợp)
.
.