Phố cổ Đồng Văn: Nét xưa đang dần mai một

Chủ Nhật, 30/05/2021, 13:00
Hàng trăm năm nay, phố cổ Đồng Văn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang được biết đến với kiến trúc vô cùng độc đáo bởi vẻ đẹp cổ kính, thâm trầm, luôn mang trong mình một sự khác biệt. Đó là những mái nhà trầm mặc nằm nép dưới các ngọn núi trập trùng. 

Người dân nơi đây nâng niu, gìn giữ những ngôi nhà cổ như thể báu vật của họ vậy. Nhưng cùng với sự xuống cấp của những ngôi nhà cổ, việc trùng tu, sửa chữa khiến nhiều người lo rằng những ngôi nhà cổ độc đáo sẽ bị thay đổi, không còn là "đặc sản" nơi đây.

Phố cổ trước nguy cơ thành… phố cũ

Ông Lương Huy Ngò (người đang sở hữu ngôi nhà cổ hàng trăm năm tại Đồng Văn) cho biết, năm 1880, nơi phố cổ Đồng Văn bây giờ là đồi núi trập trùng, quanh năm mây mù bao phủ. Giữa hàng trăm đỉnh núi, có một thung lũng nhỏ và một bãi đất thoai thoải theo sườn núi. Thấy được sự kỳ vĩ của cảnh quan nơi biên viễn này, người Pháp đã xẻ núi mở đường, xây những ngôi nhà bằng đá sát chân núi. Khi mới hình thành, khu phố cổ này chỉ có vài gia đình người Mông, Tày, Hoa sinh sống".

Ngôi nhà cổ sau khi được trùng tu bị nhiều khách du lịch phản ứng vì vật liệu trình tường bị thay thế bằng gạch và trát xi măng.

Tuy nhiên, trải qua mưa nắng và thời gian, những nét xưa trong khu phố cổ Đồng Văn đang dần bị mai một. Phố cổ Đồng Văn vốn mang đậm nét đặc trưng vùng cao nguyên đá đã được thay thế bởi những ngôi nhà hai tầng khang trang, đổ mái bê tông kiên cố.

Anh Dào A Huỳnh, chủ nhân số nhà 14, làng Nghiến, thuộc khu phố cổ Đồng Văn chia sẻ: "Nhà tôi không thuộc những ngôi nhà cổ, tuy nhiên cũng đã được xây dựng từ rất lâu, hiện nay đã xuống cấp lắm rồi. Nhà thì 7 - 8 người ở trong vài chục mét vuông, chật chội và khổ lắm. Tường thì bục, mái nhà thủng rồi, nhiều khi ngủ cũng không ngon vì lo nhà đổ. Cách đây vài năm cũng muốn xây rồi, nhưng chính quyền bảo giờ trên này họ cấm xây sửa, nếu sửa lại thì được nhưng phải giữ kết cấu cũ. Mà như thế thì có rộng hơn được đâu, nên cũng chẳng biết thế nào".

Cũng như anh Huỳnh, bà Nhung Thân, số nhà 10 Phố Cổ Đồng Văn, có căn nhà được xây dựng từ năm 1925, được công nhận là một trong những căn nhà cổ tại đây. Căn nhà đã được sửa chữa trong dự án tu bổ, hiện nay dù đã không còn xuống cấp và được chủ hộ kinh doanh homestay, nhưng với tốc độ phát triển du lịch nơi đây, nhu cầu kinh doanh rất lớn nhưng lại không được xây dựng khiến người dân không thể phát triển kinh tế.

"Khách thì đông nhưng phòng thì có đâu, nhà chỉ có mỗi 1 gian, còn 1 gian để nhà dùng nên toàn phải để biển hết phòng. Muốn xây lên lắm để làm nhưng chính quyền bảo không được xây mới", bà Thân than thở.

Trùng tu bảo tồn di sản là phải giữ nguyên trạng

Ngày 16-11-2009, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) ban hành quyết định số 4195/QĐ-BVHTTDL xếp hạng phố cổ Đồng Văn là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia.

Phố cổ Đồng Văn về đêm lung linh không kém gì những con phố ở Hà Nội.

Nhưng từ khi được xếp hạng di tích thì người dân phố cổ Đồng Văn lại bức xúc hơn, rất nhiều người muốn trả lại danh hiệu di tích. Bởi những căn nhà cổ đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được xây dựng, sửa chữa. Trước bức xúc của người dân, Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang đã đề nghị thỏa thuận dự án tu bổ cấp thiết di tích phố cổ Đồng Văn.

Ngày 24-7-2013, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản về việc thẩm định Dự án tu bổ cấp thiết di tích phố cổ Đồng Văn. Dự án được giao cho Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí đầu tư hơn 66 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, vốn ngân sách địa phương và các hộ dân có nhà được tu bổ đóng góp.

Ông Trần Chung, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết, tháng 9-2013, UBND tỉnh Hà Giang đã ban hành Quyết định phê duyệt dự toán đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ cấp thiết di tích phố cổ Đồng Văn, Hà Giang. Quy mô và phương án trùng tu chia thành 3 cấp độ A, B, C.

Cấp độ C (mức độ tu bổ, cải tạo cao nhất) phục hồi bộ khung cấu trúc gỗ; trình lại tường bằng đất nện; lợp ngói âm dương bản địa - tương đương mức 1: Nhà bị xuống cấp trầm trọng có nguy cơ đổ sập.

Cấp độ B (mức độ tu bổ, cải tạo trung bình) nhà có một số cấu kiện gỗ và một số đoạn tường đang xuống cấp.

Cấp độ A (mức độ tu bổ, cải tạo ít nhất) tương đương mức 3: Nhà tương đối tốt, một vài cấu kiện đang xuống cấp.

Do nhu cầu của các gia đình không giống nhau nên chiều cao của các ngôi nhà cũng không đồng nhất.

Với các công trình nhà ở thuộc cấp độ C thì được cải tạo, trùng tu, sửa chữa trước, còn cấp độ B và cấp độ A thì giao cho các hộ gia đình tiếp tục quản lý, theo dõi, đăng ký nhu cầu cải tạo, trùng tu, sửa chữa theo quy định.

Dự án có tổng số 31 ngôi nhà cần được tu bổ, cải tạo, triển khai 3 giai đoạn. Giai đoạn 1 năm 2013 do Sở VH-TT&DL tỉnh Hà Giang làm chủ đầu tư, giai đoạn 2 và 3 vào các năm 2016, 2017 được giao về cho UBND huyện Đồng Văn làm chủ đầu tư. Đến năm 2017, về cơ bản những ngôi nhà nằm trong Dự án đã được tu bổ, cải tạo, giúp giải quyết tình trạng nhà xuống cấp có nguy cơ sụp đổ.

Theo ông Chung, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hoá-Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan, ban, ngành rà soát nhu cầu cải tạo, trùng tu công trình nhà ở của các hộ gia đình trong khu vực di tích. Nếu hộ nào có nhu cầu trùng tu, sửa chữa thì được cơ quan chuyên môn hướng dẫn lập hồ sơ (Hồ sơ trùng tu được các cơ quan chuyên môn của huyện kiểm soát đảm bảo không thay đổi về kiến trúc xây dựng và vật liệu xây dựng phải hài hoà với kiến trúc truyền thống) gửi báo cáo về UBND tỉnh trình Bộ VH-TT&DL xem xét, cho ý kiến làm cơ sở để trùng tu, sửa chữa. Trường hợp công trình nhà ở đã xuống cấp, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân thì hộ gia đình đó phải lập hồ sơ đăng ký cải tạo, sửa chữa để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến làm cơ sở để cải tạo, trùng tu theo đúng quy định của Luật Di sản.

Ngôi nhà trình tường nguyên bản dù xập xệ nhưng vẫn chưa đạt đúng cấp độ.

Tuy nhiên, thực tế trong quá trình triển khai dự án vướng phải khó khăn do vật liệu trình tường (bằng đất) không đảm bảo, kỹ thuật đã bị thất truyền. Trước tình hình này UBND huyện Đồng Văn đã có văn bản gửi UBND tỉnh và Bộ VH-TT&DL xin được sử dụng vật liệu thay thế. Mặc dù đã được chấp thuận việc thay thế nhưng một lần nữa dự án chịu sự phản ứng của người dân và khách du lịch khi cho rằng đã là trùng tu, bảo tồn di tích thì phải làm nguyên trạng, đặc biệt là chất liệu cũng phải giữ được như cũ. Đặc biệt việc bên ngoài trát xi măng rồi lại sơn màu không đồng nhất giữa các nhà làm cho không còn là những ngôi nhà cổ nữa.

Không chỉ việc thay thế trình tường bằng tường gạch và trát xi mà nhiều người còn cho rằng việc nền nhà giả đất cũng không hợp lý. Theo quan sát của phóng viên, nền nhà cổ tại đây nhiều gia đình đã cho đổ xi măng, thậm chí còn lát đá. Hơn nữa, do nhu cầu của các hộ dân là không giống nhau, cùng với đó ý thức chưa cao dẫn đến những điểm thiếu đồng bộ về chiều cao.

Ông Trần Chung, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Đồng Văn cho biết, năm 2016, 2017, UBND huyện Đồng Văn được tỉnh giao làm chủ đầu tư để thực hiện trùng tu 20 ngôi nhà trong quá trình lập hồ sơ hầu hết các ngôi nhà đều đã xuống cấp nghiêm trọng (tường đất hoặc vách gỗ bị chuột đục, mưa xói chân tường, cột, kèo bị mối mọt... rất nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân). Do đó việc trùng tu, cải tạo một số ngôi nhà trong khu vực Phố cổ là nhu cầu chính đáng. Trong quá trình thực hiện công tác trùng tu, cải tạo, UBND huyện Đồng Văn đã hướng dẫn nhân dân thực hiện theo đúng quy định như: đảm bảo kiến trúc truyền thống, phù hợp với cảnh quan khu vực... Toàn bộ nguồn kinh phí đều giao trực tiếp cho nhân dân, chính nhân dân là người thực hiện, huyện cử cán bộ kỹ thuật xuống hướng dẫn và giám sát.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai đã gặp những khó khăn như nguồn kinh phí hỗ trợ thấp; vật liệu trước đây tại thời điểm đó không ai biết loại gì và tỷ lệ pha trộn như thế nào (có những ngôi nhà xây bằng gạch đất không nung, bắt mạch bằng đất pha với các phụ gia); bên cạnh đó nguyện vọng của nhân dân muốn được ở trong một ngôi nhà kiên cố không sợ những tác động bởi thời tiết, khí hậu và các tác nhân bên ngoài cũng là rào cản lớn (tường trình bằng đất, tường vách gỗ thường bị chuột đục khoét, mưa gió làm ẩm chân tường, lốc mái; Nền đất thường bị ẩm khi bị mưa đặc biệt là vào mùa đông, không đảm bảo vệ sinh….).

Trâm Anh
.
.