Phố cổ trong mắt khách Tây

Thứ Sáu, 12/04/2013, 07:40

Nếu du khách đến Việt Nam để du lịch thì khu phố cổ nằm ngay trung tâm của thủ đô là điểm đến lý thú và hấp dẫn bậc nhất. Nó quả thật như một “bảo tàng sống” về sự sinh hoạt kỳ ảo của hàng vạn con người đang diễn ra ở đây. Khó có thể tưởng tượng lại có một nơi như thế, nhiều người đặt câu hỏi: “Phải chăng nó là một đô thị văn minh?", “Hoàn toàn không?”. Vậy thì điều gì hấp dẫn người ta tìm đến khu phố cổ?

Câu trả lời: Sự độc đáo, khác lạ đã làm nên sức lôi cuốn phố cổ. Nhưng có điều bạn đừng nhầm, kiến trúc của phố cổ không còn vẻ nên thơ của những năm 80 của thế kỷ trước, cũng không có vẻ “dịu dàng, khả ái” như kiến trúc của khu phố cổ ở Hội An. Mà là sự độc đáo, khác lạ của chính những con người sinh sống trên khu phố cổ đã mang đến cho nơi đây một nét riêng đầy khác lạ.

Phải nói ngay rằng nếu bạn là cư dân gốc của khu phố cổ,  khi đi xa bạn sẽ nhớ da diết cái "mùi vị" đầy đặc trưng của nơi này. Ngay tại trung tâm của thủ đô, gần mé bên hồ Hoàn Kiếm lộng gió rẽ ra là đài phun nước và bắt đầu từ đây, những con phố tấp nập giao thương và tên phố bắt đầu bằng từ "hàng". Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Bạc, Hàng Buồm… Hà Nội với 36 phố phường; và câu: "Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến" cũng ám chỉ cái độc đáo riêng biệt đầy ấn tượng bậc nhất của đất kinh kỳ khi xưa.

Trải qua biết bao thăng trầm với thời gian, khu phố cổ vẫn còn nguyên vẻ vừa hiện đại của giao thương tấp nập cộng với vẻ cổ kính của lối kiến trúc xưa cũ. Từng con phố nhỏ với những ngôi nhà hình ống dài và sâu hun hút nằm san sát nhau. Đa phần con ngõ trong phố bề ngang chỉ chừng một người dắt vừa cái xe đạp, còn nếu bạn đi xe máy thì dắt vào sẽ khá chật vật; và chiều dài của ngõ phố cổ thì khi đứng ở ngoài đường bạn sẽ không thể nhìn thấy cuối ngõ. Nó hun hút, ngoằn ngoèo. Khác với chiều ngang hẹp, chiều dài của ngõ phố cổ thường dài đến 40m, 50m và thậm chí 60m.

Tom, một sinh viên người Anh cùng với các bạn của mình trong những ngày ở Việt Nam vẫn thường có thói quen cứ đến chiều tối là ra khu phố cổ để uống bia hơi và ngắm phố phường. Tom bảo: "Thật không thể tưởng tượng được, những ngôi nhà trông hệt như tổ ong và mật độ cư dân ở đây chật ních như một đàn ong hàng nghìn hàng vạn con. Những "chú ong" sinh ra và lớn lên rồi làm tổ lại đây, khiến cho mật độ càng thêm dày đặc".

Tom kể, hiếm một nơi nào trên thế giới có mật độ dân cư đông đặc như ở đây. Nhưng vì những ngôi nhà quá nhỏ bé, chật hẹp nên người dân phố cổ có lối sinh hoạt… vỉa hè. Họ ăn tại vỉa hè, trò chuyện, hóng mát, thư giãn cũng ở vỉa hè. Vỉa hè của phố cổ không rộng  như ở những con phố mới, càng không có màu xanh mướt mát hay bồn hoa cây cảnh như các đại lộ văn minh, mà nó đơn giản, rất cũ, rất nhỏ. Thậm chí có những tuyến phố còn chẳng hề có vỉa hè như tuyến phố Tạ Hiện. Vậy mà quán xá mọc lên khắp nơi. Người ta ngồi tràn xuống lòng đường để ăn, để thưởng thức cái mùi vị đặc trưng của  phố cổ. 

Mary, bạn của Tom thích thú nhất khi đi dạo các khu phố này.  Mary bảo: "Ở đây bạn không thể tìm đâu ra cái nét hào nhoáng, long lanh của một đô thị hiện đại. Kiến trúc cũ kỹ thì đúng hơn là cổ kính. Sức hấp dẫn của khu phố này bởi lối sinh hoạt hoang sơ". Đấy thấy chưa, khi người nước ngoài sực nức mùi nước hoa và có thể đến từ bất kỳ một quốc gia nào trên thế giới, từ những nước có nền văn minh như Anh, Australia, Italia, Pháp… mà lại ăn uống xì xụp tại một quán ăn vỉa hè và bàn ăn thì kê sát mép đường. Không phòng ốc, không bàn ghế cho ra hồn, không điều hòa.

Ngay tại đây, đơn giản và mộc mạc, thực khách ngồi trên những chiếc ghế nhựa và đôi khi bàn ăn lại là một cái ghế của ai đó vừa mới đứng lên. Thậm chí, thực khách có thể ngồi ngay cạnh một thùng rác to tướng nào đó mà vẫn có thể thưởng thức món ăn ngon lành như chẳng hề có chuyện gì xảy ra. Mùi của thức ăn xào nấu, mùi của cống rãnh, mùi khói mù mịt của ôtô, xe máy, mùi của đường phố quanh quất bám riết lấy bạn.

Có nơi nào trên thế giới hay có nơi nào ở ngay tại trung tâm một đô thị lớn vào bậc nhất nước mà lại có kiểu "sinh hoạt vỉa hè" nhiều như ở đây không? Quả thật ăn vỉa hè, cà phê vỉa hè đã góp phần làm cho bức tranh phố cổ thêm bội phần sinh động và hấp dẫn.

Âm thanh ở đây vô cùng hỗn tạp. Đó là tiếng ồn ào của đường phố, tiếng động cơ của các loại xe chạy dọc ngang các con phố dày như nêm cối, tiếng của kẻ bán người mua. Ban ngày phố cổ sầm uất bởi giao thương buôn bán, chiều tối phố cổ lại mang nét đẹp của sự nghỉ ngơi và thư giãn. Khi một số cửa hàng đóng cửa, là lúc các hàng ăn vỉa hè lại la liệt trên các con phố. Khoảng từ 5 giờ chiều là sự sinh hoạt của các con phố ở nơi đây bung tỏa. Người ta tận dụng từng mét vỉa hè để làm kế mưu sinh.

Mary cười nói: "Chỉ với một số tiền ít ỏi bạn có thể ăn được rất nhiều món tại đây". Tất nhiên đấy là so với người nước ngoài chuyên dùng ngoại tệ, chứ nếu bạn là người Việt thì cam đoan rằng ăn phố cổ chẳng hề rẻ như người ta vẫn nghĩ. Dăm bảy trăm trong túi chỉ một tối chơi ở phố cổ sẽ hết veo và đương nhiên đó chỉ là ăn uống vớ vẩn vỉa hè thôi nhé.

Bạn muốn mua thứ gì trên phố cổ đều có hết. Kỳ lạ thay, thậm chí cho đến giờ người ta vẫn còn giữ được rất nhiều nghề thủ công truyền thống cha truyền con nối trên những con phố cổ này: nghề mây tre đan, thợ kim hoàn, thợ hàn…

Phố cổ bán đủ thứ từ cây kim, sợi chỉ, khuy cúc ở phố Hàng Bồ. Hàng tơ lụa, nhung gấm ở phố Hàng Bông, Hàng Đào; hay đồ mây tre trên phố Hàng Vải. Đủ các loại thuốc đông y trên phố Lãn Ông. Vàng bạc tinh xảo trên phố Hàng Bạc. Thùng, hòm, nhôm, kính trên phố Hàng Thiếc. Vàng mã đủ loại trên phố Hàng Mã… Hà Nội 36 phố phường như một "đại siêu thị khổng lồ" sinh động tấp nập. Tuy vậy nhưng phố cổ lại mang nét đẹp cũng không kém phần lãng mạn và trầm lắng. Từng ngôi nhà liền kề nối tiếp nhau như đã có tự bao đời với khung cửa sổ mở ra đường đối diện là  hàng cây xanh dịu dàng tỏa bóng mát.

Nếu như Tom thấy những con ngõ của phố cổ nhỏ hẹp ngoằn ngoèo, và anh ví nó như một tổ ong lớn, thì Mary nhìn những ngôi nhà san sát mái ngói, mái tôn chồng chéo lên nhau như hình khối của bài toán hình học. Cô nàng lãng mạn ví ngôi nhà phố cổ giống như chuồng chim. Người nước ngoài khi nhìn vào những "chuồng chim" tò mò, thích thú vì không hiểu người ta sẽ sinh hoạt ra sao trong chừng ấy mét vuông chật hẹp. Sống riết thành quen, người phố cổ vui vẻ chấp nhận và chẳng phàn nàn gì về điều đó cả.

Thỉnh thoảng trên phố cổ ta bắt gặp một vài hotel loại sang và nhiều quán bar nằm sát các ngôi nhà cũ. Rồi đâu đó trên những con phố lại thấy bóng dáng thân quen của những ngôi đình, ngôi đền, ngôi chùa nằm nương nép vào thiên nhiên hài hòa. Đình Bạch Mã, một trong tứ trấn của đất kinh kỳ trên phố Hàng Buồm. Đình Kim Ngân trên phố Hàng Bạc. Đình Thái Cam trên phố Hàng Vải… Nếu để ý một chút bạn sẽ thấy trên nhiều con phố cổ có một ngôi đình hoặc chùa nhỏ.

Nét kiến trúc cổ kính của làng quê từ những ngôi đình, chùa điểm xuyết vào bức tranh phố cổ tạo nên sức quyến rũ lạ lùng. Khác với đường phố bên ngoài tấp nập người xe, ồn ào náo nhiệt, chỉ dạo bước đi bộ một chút bạn sẽ dừng chân trước cửa đình, cửa chùa mà nơi đây không gian tâm linh mùi nhang khói với một mảnh sân con và những hàng cây trong vườn xanh mát, yên tĩnh và thơm nức. 

Phố cổ Hà Nội.

Khi mặt trời tắt bóng, ánh đèn đường phố được thắp lên, phố phường có vẻ đẹp của một người con gái không kiêu sa, lộng lẫy mà trầm lắng và đầy bí ẩn. Khách nước ngoài đến phố cổ tay lăm lăm máy ảnh. Họ chụp những gì? Đó là một mái đình cổ kính đơn sơ còn sót lại. Hay hiếm hoi là một ngôi nhà cổ tọa trong khu phố cổ. Đó là đồ ăn được bày bán trên những hàng ăn uống tại vỉa hè. Đó là những cụ già nhăn nheo lụi cụi bên các quán nước chè. Đó là những đứa trẻ nhỏ tồng ngồng vô tư thả "nước mưa" xuống cống trước hiên nhà. Đó là những dãy phố thò thụt không ra mới mà cũng chẳng ra cũ. Hay đơn giản người ta chụp về giao thông chằng chịt của phố cổ. Tất cả những điều đó tưởng là đơn giản nhưng nếu xếp những bức ảnh đó ra thì đấy chính là một thước phim vô cùng sống động về nét sinh hoạt của người dân phố cổ.

Tom nói: "Khách du lịch tìm đến với khu phố cổ là tìm đến một miền hoang sơ mà có nhiều sự lạ. Người ta sinh sống và ăn ở rất lạ. Nếu bạn vào đây thì bạn phải hòa đồng được với nó có nghĩa là bạn cũng sẽ ngồi như tôi, vỉa hè của một góc phố uống bia hơi và ăn lạc rang hoặc mực nướng. Bạn có thấy ngạc nhiên không khi một chiếc ôtô cứ lù lù tiến đến gần bạn và tưởng rằng như nó sẽ sắp đâm vào bạn đến nơi, rồi xe máy thì rú ga ầm ầm lao đi trên đường phố. Quả thật người điều khiển phương tiện giao thông trên phố cổ phải là những tay thiện nghệ thực sự. Mới đầu đặt chân đến đây chúng tôi cũng hết hồn, nhưng bây giờ thì quen rồi. Giờ chúng tôi cảm thấy thích thú"…

Có khá nhiều tọa đàm về khu phố cổ, người ta công nhận đấy là di sản đô thị. Nhưng khi khoác cho nó từ "di sản" có nghĩa là không được tự ý tu sửa, vì vậy càng ngày nó càng cũ kỹ, và chuyển từ cũ kỹ sang nhếch nhác, tạm bợ. Nhiều phép tính đã được đặt lên bàn cân nhưng xem ra giải pháp cho khu phố cổ vẫn chưa có đáp số thực sự. Trong khi người ta đang đi tìm giải pháp cho khu phố cổ thì ở đây vẫn ngày ngày hút một lượng lớn khách du lịch.

Một số người chép miệng: "Người nước ngoài đến khu phố cổ không phải là bởi nó hay, nó đẹp mà đơn giản người ta đến để thỏa mãn tính hiếu kỳ tò mò về sinh hoạt khác lạ, có phần "mông muội" đầy dân dã của người dân ở đây mà thôi"

Mỹ Trân (mytrantcsk@yahoo.com)
.
.