Phụ nữ trong một thế giới bình quyền
Việc gia tăng về số lượng công việc và học vấn của phụ nữ đang có ảnh hưởng trực tiếp tới nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng, vẫn phải cần tối thiểu một thế kỷ nữa để thế giới có được sự bình đẳng thực sự về giới tính. Chẳng hạn như hiện nay, phụ nữ chỉ chiếm khoảng 37% GDP của thế giới, trong khi lại chiếm một nửa dân số. Theo đánh giá, kinh tế thế giới đang tổn thất hàng ngàn tỉ đôla vì tình trạng bất bình đẳng giới này…
Nữ đạo diễn Patty Jenkins. |
Marilyn Waring. |
Tiên phong trong điện ảnh
Chủ nghĩa nữ quyền đang dần dần xâm nhập sâu rộng vào mọi lĩnh vực của cuộc sống: chính trị, kinh tế, xã hội, tinh thần. Phụ nữ trong thế kỷ XXI đã trở thành một lực lượng quan trọng và nổi bật – mọi người không còn quá ngạc nhiên trước những danh hiệu như nữ tổng thống hay nữ anh hùng. Trong điện ảnh, những cô gái mạnh mẽ, cương quyết, dũng cảm đang trở thành những nhân vật chính trong hàng loạt bộ phim như “Wonder Woman”, “Lara Croft”, “Mad Max: FuryRoad”, “Game of Thrones”, “Doctor Who”, “Frozen” v.v…
Theo dữ liệu của Trung tâm nghiên cứu phụ nữ trên truyền hình và điện ảnh, năm 2016 đã trở thành một năm kỷ lục đối với các bộ phim bom tấn với các nhân vật chính: trong số 100 bộ phim doanh thu cao nhất, có tới 29% đảm trách vai chính là phụ nữ. Sang năm 2017, tỉ lệ này giảm đi một chút với 24%. Trong khi vào năm 2015, con số này chỉ vỏn vẹn có 7%.
Đặc biệt trong lĩnh vực này phải kể tới bom tấn “Wonder Woman”, nằm trong danh sách 10 bộ phim có doanh thu cao nhất năm 2017. Theo Forbes, đây là bộ phim đề tài siêu nhân thành công nhất về tài chính, vượt qua cả loạt phim Spider-Man. Nữ đạo diễn Patty Jenkins cũng trở thành người phụ nữ đầu tiên được tin tưởng giao cho dàn dựng một bộ phim bom tấn như vậy.
Trên đà thành công, bà lại được Hãng Time Warner giao dàn dựng phần hai của bộ phim này với tên “Wonder Woman: 1984”, dự kiến sẽ ra mắt khán giả vào năm 2020.
Mỏ vàng chưa được khai thác
Phụ nữ đang đảm nhiệm những vai trò chính nhiều hơn không chỉ trong điện ảnh mà còn trong quảng cáo. Nói chung, các đại diện của phái nữ vẫn được coi là những người tiêu dùng tích cực hơn. Nếu như trước đây, phụ nữ trong các khuôn hình quảng cáo chủ yếu xuất hiện với những công việc như rửa bát đĩa, giặt tã, trang điểm v.v… thì giờ đây họ là những chủ thể mang tính độc lập và thành đạt hơn của nền kinh tế.
Theo kết quả thăm dò của Google, 53% phụ nữ đều thống nhất cho rằng, các chiến dịch quảng cáo đang tác động mạnh tới việc xã hội nhìn nhận phụ nữ như thế nào. Tập đoàn kinh tế lớn đầu tiên xây dựng nhiều đoạn phim quảng cáo ủng hộ phong trào nữ quyền chính là Unilever. Cụ thể là nhãn hiệu Dove của tập đoàn này đã triển khai một chiến dịch quảng cáo với sự tham gia của hàng loạt phụ nữ bình thường (không phải các ngôi sao hay người mẫu) từ 10 năm về trước.
Dù hiện giờ, chiến thuật trên không còn là điều đáng ngạc nhiên, nhưng lại thực sự là một đột phá vào thời điểm đó. Sau khi chiến dịch quảng cáo được triển khai, lượng hàng bán được chỉ trong vòng 2 tháng đã tăng tới 600% tại Mỹ và 700% tại châu Âu. Nhiều thương hiệu như Adidas, Always và Barbie cũng có được những thành công lịch sử tương tự như vậy.
Chiến dịch quảng cáo với sự tham gia của hàng loạt phụ nữ đã đem lại lợi nhuận bất ngờ cho Dove. |
Rất nhiều kết quả nghiên cứu gần đây đều cho thấy, nếu mức độ tham gia của phụ nữ vào nền kinh tế càng cao, thì những công ty có được điều kiện này nói riêng, cũng như toàn thế giới nói chung sẽ có được những thành quả rất khả quan. Chẳng hạn như ngân hàng Credit Suisse vào năm 2016 đã có một dự án thăm dò đặc biệt, trong đó xem xét về tình hình giới tính trong giới lãnh đạo của 3.000 công ty. Theo đó, những công ty có thành phần lãnh đạo gồm cả nam và nữ thường có được các chỉ số cao hơn hẳn trên thị trường chứng khoán.
Quy luật này cũng được khẳng định bởi một nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu của Thomson Reuters – khi những công ty không có phụ nữ lãnh đạo thường nằm trong nhóm có kết quả doanh thu kém nhất. Tất nhiên vấn đề chủ chốt ở đây không chỉ nằm ở hiệu quả làm việc của giới nữ, mà chính là ở khả năng điều hành nguồn nhân lực một cách sáng suốt, khi cương vị lãnh đạo được trao cho những ứng viên có khả năng và xứng đáng nhất, không phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi hay màu da.
Còn theo một nghiên cứu vào năm 2016 của McKinsey Global Institute, bình đẳng về giới tính có thể giúp tăng GDP của thế giới lên tới 12 ngàn tỉ đôla vào năm 2025. Còn một báo cáo toàn cầu khác về tình trạng chênh lệch giới tính của Diễn đàn kinh tế thế giới cũng nhận định, sự cân bằng kinh tế về giới tính sẽ giúp cho GDP của Anh tăng thêm 250 tỉ đôla, Mỹ tăng thêm 1.750 tỉ đôla, Nhật – 550 tỉ đôla, Pháp – 320 tỉ đôla và Đức – 310 tỉ đôla. Cũng theo các chuyên gia, GDP của Trung Quốc có thể tăng lên 2.500 tỉ đôla nhờ bình đẳng giới tính.
Phần lớn phụ nữ vẫn đang phải làm những công việc mang tính đơn điệu với mức lương thấp. |
Nền kinh tế vì nữ quyền
Theo Soc-Fem, một tổ chức chuyên đấu tranh vì sự bình quyền của phụ nữ, các tập đoàn xuyên quốc gia dù vẫn lợi dụng hình ảnh của phụ nữ cho những chiến dịch quảng cáo như vậy, nhưng bản thân các lao động nữ của họ vẫn thường xuyên phải làm việc trong những điều kiện nặng nhọc và đơn điệu, trong khi tiền lương nhận được chỉ đủ đáp ứng những nhu cầu cơ bản nhất.
Còn theo báo cáo hàng năm từ Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, phụ nữ trong các cơ sở sản xuất không hiếm khi phải đương đầu với những trò quấy rối tình dục, hay bắt buộc phải phá thai trái phép vì lo sợ sẽ đánh mất nguồn thu nhập.
Bản thân những người đấu tranh vì nữ quyền cũng có những chỉ trích đối với các phương pháp tính toán những số liệu kinh tế hiện nay. Theo họ, nền kinh tế hiện đại đang dựa quá nhiều vào đàn ông, trong khi lại bỏ lơ sự đóng góp của phái nữ. Điều này thể hiện ngay trong cách tính toán GDP: có tính đến các công việc được trả lương, còn công việc nội trợ của chị em ở nhà lại không được tính đến. Trong cuốn sách có nhan đề “If Women Counted” (Nếu như phụ nữ cũng tính toán) xuất bản năm 1988 của Marilyn Waring, một trong những người đặt nền móng cho tư tưởng nền kinh tế vì nữ quyền, tác giả cho rằng phương pháp tính toán GDP do đàn ông nghĩ ra, còn phụ nữ “chỉ được ngồi yên tại chỗ”.
Theo bà Waring, những công việc kiểu như nội trợ gia đình hay chăm sóc con cái chỉ được tính đến là “yếu tố sản xuất” nếu như được trả công trên thị trường, còn lại không hề được tính đến nếu không được chi trả. Do đó, những công việc không hề được trả công như vậy cũng cần được tính vào GDP để có thể phản ánh công bằng một thực tế rằng, việc nuôi dạy một đứa trẻ cũng quan trọng như mọi công việc khác như trồng trọt hay sản xuất ôtô…
Phong trào phụ nữ đòi bình quyền trên thế giới. |
Hai chuyên gia kinh tế vì nữ quyền khác là Margunn Bjornholt và Ailsa McKay khẳng định rằng, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vào năm 2008 đã làm lộ rõ một cuộc khủng hoảng khác về ý tưởng trong các lĩnh vực kinh tế chính, đòi hỏi phải có sự cải tổ lại về lý thuyết kinh tế và cách xác định nghề nghiệp. Cuộc cải tổ như trên cần phải kèm theo các thành tựu mới của nền kinh tế vì nữ quyền.
Dù thế nào, các chuyên gia cũng đánh giá rằng, còn phải mất hơn 200 năm nữa, thế giới mới có thể xóa bỏ tình trạng bất bình đẳng trong lĩnh vực lao động và công ăn việc làm. Hiện một số quốc gia như Iceland, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển đang dẫn đầu danh sách về các chỉ số cân bằng giới tính của Diễn đàn kinh tế thế giới. Trong khi những quốc gia “đội sổ” đang được nhắc tới là Chad, Syria, Pakistan và Yemen… là nơi có hơn 90% số phụ nữ không có thu nhập cá nhân.
Liệu cánh đàn ông có thể sẵn lòng ủng hộ phong trào vì quyền lợi của phụ nữ hay tiếp tục làm ngơ? Cần bao nhiêu năm nữa để thế giới có thể thực sự xóa bỏ được tình trạng bất bình đẳng giới tính? Tất cả những câu hỏi trên vẫn chưa thể có được một đáp án rõ ràng vào thời điểm hiện tại.