Phụ nữ viết văn và làm báo: Đan xen cung bậc hạnh phúc

Thứ Sáu, 21/06/2019, 14:40
Sinh ra là phụ nữ, có nhiều bổn phận. Phụ nữ vừa làm báo, viết văn, lại phải lo cho gia đình, thì quả là gánh trên vai nhiều nghĩa vụ. Phụ nữ Việt Nam “có chút chữ nghĩa”, dù họ đã ở độ tuổi nào thì vẫn nhiều người chọn lựa cách trở thành một nhà văn, nhà báo với những cung bậc cảm xúc khác nhau mà nghề và nghiệp mang lại...


"Nghề nghiệp đã chọn tôi"

Nữ nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu hiện là Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus, Thông tấn xã Việt Nam. Trong giới văn thơ, chị được biết đến là một nữ nhà thơ với những bài thơ tình lãng mạn, tình cảm... 

Song, có lẽ điều làm nên một "con người khác" trong chị chính là một nhà báo Ngọc Thu xông xáo, nhạy bén và có nhiều năm lăn lộn với nghề. 

Nhà thơ - nhà báo Đoàn Ngọc Thu.

Chia sẻ về điều này, nhà thơ Đoàn Ngọc Thu tâm sự: "Với tôi thơ văn là nghiệp, báo là nghề. Nói như vậy, để thấy rằng thơ văn và báo là hai lĩnh vực không thể tách rời trong cuộc đời tôi. Điểm tương đồng lớn nhất giữa thơ văn và báo đó là dù là nghiệp hay nghề, đều không phải do tôi tự lựa chọn mà chính nghề nghiệp đó chọn tôi.

Sở dĩ tôi nói vậy là vì thơ đến với tôi chính thức từ lúc nào thì không thể nhớ được, nó tự nhiên như ở trong máu thịt mình và một ngày được viết ra. Ban đầu thì còn là thứ văn vần có chút ngây ngô cả ý, cả tứ và cả cách thể hiện ngôn từ, rồi cùng với sự lớn lên của một cô gái, thơ cũng trưởng thành theo thời gian… Với báo thì còn tình cờ hơn. Khi chọn thi vào Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp (Khoa Văn - Trường ĐH KHXHNV), tôi đã ít nhiều làm thơ và nghĩ rằng đó là môi trường dành cho mình, mục đích chính là sau này tôi sẽ làm nghề viết.

Sau này tôi hiểu rằng, mình sẽ phải chọn một nghề, đúng hơn là một nơi làm việc để sống và để nuôi giấc mơ sáng tác. Nhưng chưa hề nghĩ đến sẽ làm báo ngay cả khi tôi đã đăng ký học văn bằng hai tại khoa Báo chí - Trường Đại học Tổng hợp. Tôi tốt nghiệp năm 1994, khi đó Thông tấn xã Việt Nam mở thi tuyển, và vì lớp học văn bằng 2 của tôi có tới 7 bạn công tác ở Thông tấn xã Việt Nam nên tôi đăng ký thi. Và thế là trở thành một phóng viên".

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu chia sẻ, một tác giả dù là lĩnh vực nào thì thứ cần nhất là sự trải nghiệm, sự dấn thân, sự tích lũy kiến thức qua những chuyến đi, những cuộc gặp gỡ… 

Đó là một sự bất ngờ (cũng có thể là định mệnh, là sự sắp đặt của số phận) khi về Thông tấn xã Việt Nam thì chị được đồng chí Tổng giám đốc Đỗ Phượng lúc đó “nhặt” cùng 7 phóng viên nữ khác vào tổ phóng viên chuyên làm tin kinh tế (tiền thân của Ban Biên tập tin kinh tế hiện nay). Trong số 8 người thì chỉ có một chị cả với thâm niên báo 15 năm còn lại toàn bộ là lính mới.

Lúc đó, Đoàn Ngọc Thu đã khóc và nằng nặc xin chuyển về làm mảng văn hóa xã hội hoặc tin ngoại giao cho phù hợp, nhưng Tổng giám đốc Đỗ Phượng lắc đầu kiên quyết. Ông nhìn chị và nói, không có ngành nghề nào là không có sự khởi đầu.  

Từ cô nữ sinh văn khoa, mơ mộng, lý thuyết, với những vần thơ đầy chất bay bổng… chị đã thành một phóng viên/nhà báo chuyên theo dõi mảng công nghệ, khoa học, tin học (nay là công nghệ thông tin), bưu điện (bưu chính viễn thông) “khô như ngói”. 

Nhưng tất cả những gì chị học hỏi được từ môi trường làm phóng viên kinh tế, đã giúp cho chị rất nhiều trong nhãn quan sáng tác văn nghệ. Ngược lại, sự mềm mại, góc nhìn có phần đặc biệt của nhà thơ đã cho chị tiếp cận và thể hiện những bài báo kinh tế, công nghệ theo một hướng riêng, nó cũng khiến những bài báo khô khan và khá rắc rối, nhiều từ kỹ thuật, chuyên môn đến với độc giả dễ dàng hơn, hiệu ứng tiếp nhận cao hơn.

Với mảng bài văn hóa, nghệ thuật chị được kiêm nhiệm, thì tư duy kinh tế cũng giúp chị có những bài viết khác với những bạn nghề chuyên văn hóa nghệ thuật. 

Có lẽ, chị là một trong những người sớm đưa khái niệm kinh tế trong văn học nghệ thuật vào những bài viết của mình. Giờ đây, kinh tế văn học nghệ thuật, kinh tế báo chí - truyền thông đã là xu hướng quá quen, nhưng cách đây hơn 20 năm, nó là một thứ rất mới mẻ, xa lạ và không phải báo nào cũng chấp nhận đăng tải.

Có một kỷ niệm trong nghề mà nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu vô cùng tâm đắc, đó là cuộc phỏng vấn Tiến sỹ khoa học nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông (nay là Bộ Thông tin Truyền thông) trên xe ôtô của ông từ văn phòng ở 18 Nguyễn Du (Hà Nội) đến khách sạn Sofitel Plaza số 1 đường Thanh Niên - nơi ông nhậm chức Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). 

Đó là bài phỏng vấn độc quyền, vì khi ấy chẳng phóng viên thể thao nào có thể tiếp cận ông Thứ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông chưa từng liên quan đến bóng đá, ngoài Đoàn Ngọc Thu - người viết báo kinh tế mà vẫn luôn đá ngang ngửa sang lĩnh vực thể thao, văn nghệ.

Nhà thơ, nhà báo Đoàn Ngọc Thu trong một chuyến đi thực tế.

Bài báo in trên Thể thao và Văn hóa sáng ngày hôm sau, có nhan đề: “Ông Mai Liêm Trực nhảy vào lửa”. Chị Thu kể: Ngay sáng đó, ông Trực đã gọi cho tôi hỏi: “Sao Đoàn Ngọc Thu lại nói là anh nhảy vào lửa?” khiến tôi hơi bối rối vì thật sự, đó là điều tôi cảm nhận được - nhưng để nói ra cho ông hiểu thì không dễ. Tôi đành cười trừ và đáp: “Chắc một thời gian anh sẽ hiểu ạ!”. 

Sau này khi ông nghỉ hưu và thôi không làm tại VFF, trong cuộc gặp tại lễ kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập Internet (2017), ông nói: “Giờ thì anh hiểu vì sao Đoàn Ngọc Thu (ông luôn gọi tôi cả họ tên như vậy) nói anh “nhảy vào lửa” hồi đó, mà sao Đoàn Ngọc Thu không can anh nhỉ? Giá mà Đoàn Ngọc Thu can, có lẽ anh không nhảy vào lửa đâu. 

Chúng tôi cùng cười rất vui, nhưng tôi và cả ông đều hiểu rằng, sứ mệnh của ông khi đó là nhảy vào lửa, không ai có thể can được. Và thực sự là những ngày tháng ở trong lửa đó của ông, cho dẫu ông không dập được ngọn lửa song ngọn lửa đó cũng không thiêu cháy được ông.

Mặt khác, ông đã giúp cải tổ rất nhiều cho VFF, đã đặt nền móng một hướng phát triển mới của VFF, dù khi đó những cải tổ đó chưa hề được nhìn thấy, chưa được ghi nhận…

“Nghề báo nhiều khi đã biến tôi trở thành một người may mắn, hạnh phúc. Nếu được lựa chọn lại từ đầu, tôi cũng sẽ chẳng ngại ngần chọn như hiện tại, một nhà báo viết văn, làm thơ, một người sáng tác văn chương, nghệ thuật đi làm báo”.

Nhà văn Võ Thu Hương: "Văn chương nuôi dưỡng tâm hồn, báo chí giúp trải nghiệm"

Võ Thu Hương là một người viết sống được bằng nghề báo và nghiệp viết văn. Dù thực sự không thể nào dư dả, nhưng đối với chị, chị cảm thấy bằng lòng với mục tiêu cuộc sống chị đưa ra. Võ Thu Hương sinh ra và lớn lên tại Nghệ An, nhưng chị lại khởi nghiệp tại TP Hồ Chí Minh. 

Nhà văn Võ Thu Hương.

Chị chia sẻ: "Tôi viết văn trước khi biết viết báo. Vào những năm còn học phổ thông, theo lời bạn bè rủ nhau viết cho vui. Văn chương lúc ấy với những đứa trẻ còn quá mới mẻ với nghề quả là vui thật, vì có nhiều bè bạn gửi thư về kết bạn, được nhận nhuận bút là những số tiền không hề nhỏ đối với tuổi cắp sách đến trường. Và cũng như khá nhiều bè bạn biết viết văn, tôi chọn ngành báo chí để theo học với suy nghĩ khá giản đơn rằng, viết văn được thì viết báo cũng được! 

Viết báo sẽ được đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều thứ mình thích... Càng lớn thì càng nhận thấy viết văn hay viết báo hoàn toàn không phải là cuộc chơi “cho vui” như dạo đi học mình suy nghĩ. Và hai “món” này có hỗ trợ qua lại cho nhau nhưng thực ra không quá nhiều. Có nhiều bạn bè tôi không viết câu văn câu thơ nào nhưng lại là nhà báo giỏi, và ngược lại".

Võ Thu Hương cho rằng, môi trường văn chương giúp tác giả nuôi dưỡng những nhạy cảm tâm hồn, nghiêm túc với chữ nghĩa câu cú… Môi trường báo chí đưa lại nhiều trải nghiệm, sự xông xáo, nhanh nhạy…

Vì vậy, đa số tác giả viết văn khi viết báo thì họ có nhiều trải nghiệm, hành văn mượt mà chuẩn mực và có những cảm nhận khá tinh tế. Họ cũng có các mối quan hệ bạn bè, biết cách để giới thiệu tác phẩm của mình tới công chúng. Những mặt khác nhau ấy hỗ trợ khá tích cực cho nhau. Tuy nhiên, không biết các bạn viết văn viết báo khác thế nào nhưng đôi khi tôi bị rơi vào trạng thái “mất hứng” thì công việc trở nên khá nặng nề.

Võ Thu Hương kể lại một kỷ niệm đáng nhớ hồi chị có thời gian dài làm việc ở báo Mực Tím, một tờ báo dành cho tuổi ô mai, mới lớn. Đó là lần Hương về Cần Thơ viết bài về một nữ sinh lớp 9 bỏ nhà đi theo người yêu là một giáo viên ở TP Hồ Chí Minh. Cô bé không báo với gia đình nên cả nhà tưởng mất tích, báo công an và đi tìm suốt 4 ngày không thấy. Cho đến khi tìm được con, bố mẹ phải canh con như… canh tù vì cô bé một mực đòi đi tiếp… 

Sau khi câu chuyện của cô bé lên mặt báo thì anh người yêu giáo viên kia cầm dao đến ngồi trước cửa tòa soạn vì nhà báo tiếp tay cho gia đình phá nát tình yêu của anh và khiến anh có nguy cơ vào tù vì dụ dỗ trẻ vị thành niên. Lần ấy, chẳng cần ngày nghỉ chị cũng được sếp cho ở nhà hơn một tuần, chờ anh chàng kia nản chí bỏ đi. Khi ấy hai đứa con của Hương còn rất nhỏ, mỗi lần đi làm Hương thường có thói quen nhìn gương chiếu  hậu vì sợ có người đuổi theo.

Lại có lần, giúp gia đình một cậu bé đột ngột mất trí nhớ tìm được bác sĩ giỏi; hoặc lần vào trường giáo dưỡng viết bài, sau này Hương vẫn nhận được điện thoại của những em học viên trong ấy khoe đã tái hòa nhập xã hội với nghề sơn móng tay, sửa xe... Từ những tình huống xúc động trên những bước đường làm báo, Hương mang tâm trạng viết văn.

Gần đây Võ Thu Hương dành nhiều thời gian viết cho thiếu nhi, là mảng đề tài Hương yêu thích và đã có nhiều tác phẩm trước đó. "Ông già  Noel ơi", "Góc nhỏ yêu thương", "Về phía bình minh"... là truyện dài thiếu nhi mà những câu chuyện trong tác phẩm phần nhiều là Hương đã từng gặp khi đi viết báo. 

Hương bảo, trong khi vẫn còn nhiều người nói rằng “viết văn không đủ sống” thì khi vừa viết văn và viết báo cũng giúp người lao động chữ nghĩa đủ ấm thân, dù đa số là “khéo co thì ấm” mà không phải  làm thêm nghề nào khác để kiếm tiền. Và Hương hạnh phúc vì điều đó...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.