Phương thuốc chữa ung thư từ nọc độc động vật
Bà Mande Holford, chuyên gia sinh hóa học Trường Hunter College - Đại học New York (CUNY), coi một số động vật là "các nhà máy bào chế thuốc di động". Nhìn chung, chúng ta thường tránh băng qua những con đường mòn có nguy cơ gặp loài động vật có nọc độc như rắn, bò cạp. Song, thực tế nọc độc của chúng rất có giá trị về mặt y khoa. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu các tính năng chống bệnh tật - đặc biệt là ung thư và bệnh đái tháo đường - của nọc độc động vật.
"Chữa trị ung thư là mục tiêu ngày càng được quan tâm trong nghiên cứu nọc độc động vật", bà Mande Holdford cho biết.
Theo bà, ngày càng có thêm nhiều tổ chức nghiên cứu các thành phần hóa chất tập trung trong nọc độc động vật (và cả chất độc trong cây) và tính hiệu quả tiềm tàng của chúng trong ứng dụng điều trị nhiều bệnh từ chứng đau mãn tính cho đến HIV. Các thí nghiệm cho thấy một số hóa chất có trong nọc độc có khả năng kỳ lạ là "trói chặt" các tế bào ung thư, đồng thời kiềm chế sự tăng trưởng của chúng!
Trong số các độc tố có khả năng điều trị ung thư là melittin (một peptide trong nọc ong) và contortrostatin (một protein trong nọc rắn hổ mang). Mặc dù các chuyên gia y khoa chưa thể giải thích đầy đủ về các độc chất phong tỏa tế bào ung thư như thế nào, song bước đầu vẫn là tín hiệu đáng mừng cho các bệnh nhân ung thư.
Một bằng chứng về sự hứa hẹn của nọc độc trong nghiên cứu điều trị ung thư đến từ Trung tâm Ung thư Fred Hutchinson (FHCC) ở thành phố Seattle bang Washington, nơi James Olson và các đồng nghiệp phát hiện chất chlorotoxin trong nọc bò cạp vàng Israel có khả năng phong tỏa các tế bào ung thư và giúp các nhà phẫu thuật thần kinh "đánh dấu" các ranh giới ung thư não trong suốt tiến trình can thiệp ngoại khoa.
Sau khám phá ngoạn mục này vào năm 2007, nhóm nhà khoa học của James Olson coi nọc độc động vật là nguồn thuốc điều trị ung thư tiềm tàng và tập trung vào một loại protein có cấu trúc thắt nút mà họ gọi là "knottin".
Chris Mehlin, người lãnh đạo Trung tâm FHCC, giải thích: "Phòng thí nghiệm chúng tôi tập trung vào các knottin bởi vì chúng có đầy đủ mọi tính năng cần thiết để tác động đến tế bào ung thư". Sử dụng nọc độc để chữa trị ung thư không đơn giản là tiêm các protein này trực tiếp vào cơ thể bệnh nhân bởi vì vô cùng nguy hiểm. Phương pháp là đưa protein vào đúng ngay các tế bào ung thư.
Dipanjan Pan - Phó giáo sư khoa kỹ thuật sinh học Đại học Illinois - lãnh đạo một trong vài phòng thí nghiệm khai thác ứng dụng công nghệ nano để xử lý các protein trích xuất từ nọc độc động vật hướng thẳng đến mục tiêu tế bào ung thư. Pan tiêm một lượng protein tổng hợp đậm đặc (trích xuất từ nọc ong và bò cạp) vào các hạt nano plastic và hướng chúng đến khối u ung thư vú và các tế bào melanoma ((khối u ác tính xuất phát từ hắc tố bào) trong phòng thí nghiệm.
Mande Holford so sánh phương pháp công nghệ nano này với "con ngựa gỗ thành Troy" - trong trường hợp này, hệ miễn dịch cơ thể bị đánh lừa và cho phép các hạt nano đi xuyên qua lá chắn phòng thủ của nó!
Phó giáo sư Dipanjan Pan và chuyên gia Mande Holford. |
Nhóm của Dipanjan Pan đã tìm thấy phương thuốc từ nọc độc động vật có thể ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư mà không gây hại đến các tế bào lành mạnh tại Hội nghị Hội Hóa học Mỹ diễn ra vào giữa tháng 8/2014. Pan phát biểu tại hội nghị: "Dữ liệu của chúng tôi cho thấy việc sử dụng các hạt nano để dẫn hướng các protein là an toàn, khi mà chúng tôi không thể đối phó với phản ứng miễn dịch của cơ thể".
Nghiên cứu đang ở giai đoạn đầu nhưng các thử nghiệm tiến hành trong phòng thí nghiệm đã cho thấy dấu hiệu lạc quan - ngăn chặn được sự phát triển của tế bào ung thư vú và tế bào melanoma.
Sự thật, việc sử dụng nọc độc để chữa trị ung thư không là ý tưởng hoàn toàn mới mẻ bởi vì các văn bản cổ cũng ghi chép nọc độc động vật được sử dụng như phương thuốc chữa bệnh. Vào thế kỷ XIV trước CN, nhà văn Hy Lạp Pliny the Elder đã mô tả nọc độc ong chữa được chứng hói đầu, rụng tóc. Một phương pháp chữa bệnh ung thư trong y học truyền thống Trung Hoa - gọi là huachansu - sử dụng nọc tiết ra từ da cóc Bufo.
Y học Trung Hoa cũng đã sử dụng nọc loài ếch độc để chữa các bệnh ung thư gan, phổi, ruột và tuyến tụy. Các bác sĩ Cuba cũng sử dụng nọc độc bò cạp chữa khối u ung thư phổi. Nhưng, vấn đề là nọc độc đi vào cơ thể người có thể gây những tác dụng phụ nguy hiểm. Ví dụ, nọc ong có chứa chất melittin phá hủy các màng tế bào, gây tụ máu, tổn hại cơ và tấn công các tế bào thần kinh. Tuy nhiên, protein trong nọc độc cũng phá hủy cả tế bào ung thư. Do đó, nhóm của Dipanjan Pan đã thử nghiệm tách các protein và peptide quan trọng từ nọc độc dùng để ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
Khả năng của liệu pháp sử dụng nọc độc động vật tránh gây hại cho các tế bào lành mạnh có lợi thế hơn những phép chữa trị ung thư truyền thống như là hóa trị liệu. Bởi vì, ngoài việc tấn công nhanh các tế bào ung thư, thuốc hóa trị liệu còn phá hủy các tế bào bình thường đang tăng trưởng - như là tế bào tóc và các màng nhầy trong miệng và cổ họng dẫn đến sự đau đớn cho bệnh nhân.
Trong tương lai gần, các nhà nghiên cứu như Dipanjan Pan sẽ tiến hành thí nghiệm thuốc chữa ung thư từ cơ sở nọc độc trên các đối tượng động vật trong phòng thí nghiệm