RCEP giúp "cất cánh" đồng nhân dân tệ kỹ thuật số?

Thứ Hai, 30/11/2020, 13:45
Sau 8 năm đàm phán khó khăn, cuối cùng lãnh đạo 15 quốc gia ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã ký hiệp Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới - hôm 15-11. Hiệp định này sẽ làm thay đổi toàn bộ bối cảnh kinh tế của khu vực, là tín hiệu tốt đẹp trong một năm đầy biến động.

Giới chuyên gia nhận định rằng RCEP sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các nền kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Trung Quốc. Trong bối cảnh Bắc Kinh vừa đưa vào thử nghiệm đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương nước này hồi tháng 4 vừa qua, câu hỏi đặt ra là RCEP sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới sự phát triển của đồng tiền kỹ thuật số này?

Lễ ký kết RCEP ngày 15-11. Nguồn: VNA/AP.

Nhân tố làm thay đổi bối cảnh kinh tế khu vực

Khi có hiệu lực, RCEP sẽ kết nối 15 nền kinh tế, chiếm tới hơn 1/4 dân số thế giới (khoảng 2,2 tỷ người), và 30% sản lượng kinh tế toàn cầu. Theo ước tính, RCEP sẽ giúp tăng thu nhập toàn cầu lên khoảng 209 tỷ USD mỗi năm và đem lại thêm cho thương mại thế giới 500 tỷ USD tính tới năm 2030.

Cùng với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), RCEP sẽ góp phần bù đắp những thiệt hại mà cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung gây ra. Thỏa thuận mới cũng sẽ tăng tính hiệu quả cho các nền kinh tế Bắc và Đông Nam Á, kết nối và phối hợp chặt chẽ hơn trong các lĩnh vực như công nghệ, sản xuất, nông nghiệp và tài nguyên.

Những tác động của RCEP là rất ấn tượng dù thỏa thuận không chi tiết như CPTPP. Tuy nhiên, RCEP không chỉ khích lệ đáng kể chuỗi cung ứng trên toàn khu vực mà còn tính đến những nhạy cảm chính trị. Các điều khoản về sở hữu trí tuệ trong RCEP không chồng chéo với những quy tắc sẵn có tại nhiều nước thành viên. Thỏa thuận này cũng không đề cập tới những nội dung về lao động, môi trường hay doanh nghiệp nhà nước, vốn là các chương then chốt trong CPTPP, mà dự kiến sẽ cải thiện và bổ sung dần trong giai đoạn sau.

RCEP có thể tạo điều kiện cho các nước thành viên dễ dàng tiếp cận hơn nguồn vốn trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), tăng cường lợi ích thu được từ những thị trường được mở rộng bằng việc thúc đẩy các quan hệ vận tải, năng lượng và thông tin liên lạc. Những điều khoản thuận lợi về nguồn gốc xuất xứ trong RCEP cũng là yếu tố thu hút đầu tư nước ngoài.

RCEP sẽ thúc đẩy hội nhập kinh tế Đông Bắc Á. Năm 2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết các cuộc đàm phán thương mại tự do 3 bên Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản, vốn bế tắc trong nhiều năm, sẽ sớm được khởi động lại “ngay khi chúng tôi hoàn tất đàm phán RCEP”.

Trong một bài phát biểu hồi đầu tháng 11 này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng cam kết sẽ “đẩy nhanh các cuộc đàm phán về hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU cũng như thỏa thuận thương mại tự do Trung Quốc-Hàn Quốc-Nhật Bản”.

Với RCEP, các nước thành viên, trong đó có Trung Quốc, sẽ gia tăng ảnh hưởng trong thị trường toàn cầu.

Đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương Trung Quốc được đưa vào thử nghiệm từ tháng 4-2020. Nguồn: Florence Lo/REUTERS.

Trung Quốc được gì từ RCEP?

RCEP đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng tham gia một hiệp định thương mại tự do và cũng đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc tham gia một hiệp định tự do thương mại đa phương ở quy mô này.   

Hiệp định này mang lại cơ hội to lớn để Bắc Kinh góp tiếng nói xây dựng trật tự thương mại tại châu Á - một khu vực kinh tế quan trọng của thế giới. Vị thế của Trung Quốc trong RCEP càng tăng lên sau khi Ấn Độ rời bỏ RCEP vào phút chót do lo ngại hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ tràn vào nước này.

Hơn nữa, lợi ích mà RCEP đem lại tương thích với tầm nhìn “tuần hoàn kép” của Trung Quốc, trong đó Bắc Kinh quay trở lại quan tâm tới nhu cầu trong nước đồng thời tận dụng thương mại và vốn đầu tư nước ngoài. Cũng cần lưu ý rằng ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, theo sau là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ.  

Ngoài ra, đối với Trung Quốc, RCEP được ký kết vào một thời điểm hoàn hảo. Một mặt, các đề xuất cho Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) về phát triển xã hội và kinh tế quốc dân được công bố hôm 3-11 đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc sẽ tham gia vào các cơ chế hợp tác thương mại và đầu tư song phương và đa phương trong khu vực. Kế hoạch này đã khiến RCEP tương thích với mục tiêu đề ra.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 hiện nay chắc chắn đã đặt ra thách thức chưa từng có tiền lệ với toàn bộ thế giới. Việc ký kết RCEP chính là một bước đi tốt hướng đến quá trình phục hồi kinh tế ở châu Á, phát triển toàn diện, tạo công ăn việc làm và củng cố chuỗi cung ứng khu vực.

Đối với Bắc Kinh, trong bối cảnh đang diễn ra các xung đột thương mại, đối đầu về công nghệ với Mỹ, việc RCEP được ký kết có ý nghĩa rất lớn. Các đồng minh thân thiết nhất của Washington tại châu Á-Thái Bình Dương từ Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc đến những đối tác thân thiện với Mỹ trong ASEAN đều tham gia hiệp định này. Điều đó cho thấy thị trường Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn rất lớn.

Ngoài ra, RCEP còn là một thành công về ngoại giao và chiến lược quan trọng của Bắc Kinh. RCEP sẽ giúp Trung Quốc và ASEAN tăng cường sự tin cậy lẫn nhau và hợp tác chiến lược có trách nhiệm cùng nhau đấu tranh chống lại thực trạng chống toàn cầu hóa và bảo hộ thương mại.

Hình ảnh đoàn Trung Quốc trong lễ ký kết RCEP. Nguồn: AFP.

RCEP - “đòn bẩy” của DCEP?

Sau khi RCEP được ký kết, một trong những vấn đề cũng thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu là sự ra đời của thỏa thuận tự do lớn nhất thế giới này sẽ tác động như thế nào tới đồng nhân dân tệ số của Bắc Kinh?

Hồi tháng 4-2020, sau vài năm nghiên cứu (bắt đầu từ năm 2014), Chính phủ Trung Quốc tuyên bố bắt đầu đưa vào sử dụng thử nghiệm đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương nước này, với tên gọi chính thức là đồng tiền thanh toán điện tử kỹ thuật số (DCEP), cũng như hình thức thanh toán điện tử bằng đồng tiền điện tử tại 4 thành phố lớn (Thâm Quyến, Tô Châu, Thành Đô và Hùng An) bất chấp cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Trung Quốc đưa ra nhiều lý do cho việc áp dụng mô hình thanh toán điện tử bằng đồng tiền số, bao gồm chính sách tiền tệ và xã hội, công nghệ và phát minh, địa chính trị toàn cầu, ngăn chặn tội phạm tài chính,... Đến ngày 14-8, Trung Quốc tiến thêm một bước nữa khi Bộ Thương mại nước này công bố sẽ sớm nhân rộng chương trình thí điểm về sử dụng đồng tiền điện tử của ngân hàng trung ương tại một số khu vực mới, trong số đó có Khu vực Vịnh lớn (GBA) vốn bao gồm 2 đặc khu kinh tế là Hong Kong và Macau.

Theo một báo cáo công bố bởi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) vào đầu năm 2020, mặc dù 80% các Ngân hàng Trung ương trên thế giới hiện đang làm việc với các loại tiền điện tử (mặc dù một số loại tiền chỉ đang ở giai đoạn đầu của quá trình nghiên cứu) nhưng châu Á là nơi mà tiền điện tử thu hút được nhiều mối quan tâm hơn cả. RCEP sẽ tạo điều kiện để tiền điện tử phát triển rộng khắp châu Á, trong đó bao gồm đồng tiền điện tử mới của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, tức đồng nhân dân tệ điện tử.

Hiện nay, ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia châu Á khác cũng quan tâm tới việc phát triển và sử dụng đồng tiền điện tử do ngân hàng trung ương của mình phát hành. Những quốc gia này bao gồm Thái Lan, Campuchia, Philippines,... cũng như Hàn Quốc và Nhật Bản (Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố sẽ tiến hành sử dụng thử nghiệm đồng tiền số của ngân hàng trung ương của họ vào năm 2021). Nếu những quốc gia nói trên áp dụng thành công loại tiền điện tử này thì điều này có nghĩa là đồng tiền điện tử ngân hàng trung ương sẽ tồn tại trên nhiều thị trường hơn.

Trên thực tế, RCEP sẽ tạo động lực thúc đẩy việc sử dụng rộng rãi bất kỳ đồng tiền điện tử nào tại châu Á. Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc dường như đang có ưu thế hơn nhờ mối liên quan kinh tế của nước này với các nước châu Á khác, cũng như nhờ thực tế rằng các quá trình áp dụng thử nghiệm đồng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thể hiện tính ưu việt hơn so với quá trình thử nghiệm của các quốc gia láng giềng.

Vậy RCEP sẽ đem lại lợi ích cho đồng tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ở mức độ nào? Mặc dù vẫn còn quá sớm để có thể trả lời câu hỏi này song khu vực thương mại tự do mà RCEP tạo ra sẽ chắc chắn là một thị trường rộng lớn dành cho đồng nhân dân tệ điện tử của Trung Quốc (cùng Sáng kiến Vành đai và Con đường), giúp đồng tiền này có triển vọng sử dụng ở ngoài biên giới Trung Quốc.

Nền tảng thanh toán điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc là một lợi thế đối với DCEP. Nguồn: Qilai Shen/Bloomberg.

Với ưu thế là nền kinh tế lớn nhất trong khối RCEP, dự báo sẽ được hưởng lợi nhiều từ khối này, thị trường Trung Quốc nói chung và đồng nhân dân tệ nói riêng sẽ gia tăng ảnh hưởng đáng kể trong nội bộ khối RCEP. Trong bối cảnh đó, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc có khả năng trở thành một trong những đồng tiền có vai trò ngày càng quan trọng trong “rổ” ngoại hối phục vụ giao dịch thương mại của RCEP.

Nhờ ảnh hưởng gia tăng của đồng nhân dân tệ, cùng với việc các nước trên thế giới đang đi theo xu hướng số hóa nền kinh tế, tăng cường sử dụng các đồng tiền kỹ thuật số trong giao dịch thương mại, nhờ đó đồng nhân dân tệ kỹ thuật số của Trung Quốc cũng sẽ ngày càng có ảnh hưởng quan trọng trong thương mại của khu vực cũng như trên thị trường của thế giới.

Tóm lại, nhờ RCEP, Trung Quốc sẽ không chỉ củng cố được mối quan hệ thương mại với các quốc gia láng giềng mà còn có thể dựa vào thỏa thuận này để thúc đẩy việc đồng nhân dân tệ điện tử được sử dụng trong giao dịch thương mại của khu vực và quốc tế, từng bước thách thức vị thế thống trị toàn cầu của đồng đôla Mỹ. Bởi vì, xét cho cùng, một trong những mục tiêu chính của Trung Quốc là chuyển đổi một lượng hàng hóa xuất khẩu được định giá bằng đồng USD sang xuất khẩu được định giá bằng nhân dân tệ.

Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, quá trình vươn lên của đồng nhân dân tệ kỹ thuật số được dự báo sẽ gặp không ít thách thức. Trước hết, nhiều thành viên tham gia RCEP là đồng minh thân thiết của Mỹ. Trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt và chưa hề có dấu hiệu giảm xuống, dưới tác động của Mỹ, các nước này sẽ lưỡng lự trước việc sử dụng đồng nhân dân tệ kỹ thuật số thay cho đồng đôla Mỹ trong giao dịch thương mại.

Ngoài ra, do tác động của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ sẽ còn tiếp diễn ngay cả khi ông Joe Biden trở thành Tổng thống Mỹ và những khiếm khuyết về mặt cơ cấu của nền kinh tế Trung Quốc bộc lộ khá rõ nét trong thời gian vừa qua, chưa có gì để đảm bảo về một sự tăng trưởng ổn định lâu dài của nền kinh tế Trung Quốc trong trung và dài hạn. Kéo theo đó, sự vươn lên của đồng nhân dân tệ Trung Quốc cũng như đồng nhân dân tệ số của nước này dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.

Khánh An
.
.