RCEP sẽ thay thế TPP

Thứ Ba, 28/03/2017, 14:45
Khi Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với mũi nhọn là ASEAN nhận được sự chú ý như một sự thay thế quan trọng. Các cuộc đàm phán thúc đẩy để ra đời RCEP trong năm 2017 đang được tiến hành.

RCEP là một ưu tiên

Sau hai ngày họp cấp cao tại Chile, ngày 16-3, quan chức từ 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) cùng Hàn Quốc, Trung Quốc chưa lên kế hoạch rõ ràng về một hiệp định mới thay thế TPP, song bộ trưởng các nước châu Á - Thái Bình Dương khẳng định, bất cứ hiệp định thương mại tương lai nào thay thế TPP cũng phải đáp ứng hai tiêu chí. Thứ nhất là có cùng “chất lượng cao” như TPP hoặc quy định kỹ hơn về lao động, môi trường, quyền sở hữu trí tuệ và những vấn đề khác. Thứ hai là thỏa thuận mới phải được đưa ra trong ngắn hạn.

Trong bối cảnh sự không chắc chắn ngày càng gia tăng xung quanh TPP, sự chú ý đã chuyển sang RCEP với tư cách một lựa chọn thay thế quan trọng. RCEP được ASEAN đề xướng vào năm 2012 với tư cách một FTA toàn diện. Tính đến cuối năm 2016, 16 vòng đàm phán RCEP đã được tiến hành, với việc hoàn thành 2 chương về các doanh nghiệp vừa và nhỏ và về hợp tác công nghệ. Phần lớn các chương còn lại tiếp tục phải đối mặt với các rào cản...

Nhiều nước tham gia TPP cũng tham gia RCEP, đây là điều thuận lợi để RCEP có chất lượng không kém gì TPP. Ảnh: Post Western World.

Bất chấp các thách thức, các bên đàm phán tỏ ra lạc quan rằng các cuộc đàm phán có khả năng sẽ kết thúc vào cuối năm 2017, khi nhiều nước mong muốn kết thúc sớm các cuộc đàm phán.

Mặc dù vẫn còn nhiều chướng ngại vật cản đường, ASEAN sẽ thúc đẩy việc kết thúc các cuộc đàm phán RCEP vào năm 2017, đúng vào dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Có nhiều khả năng ASEAN sẽ cố gắng đạt được một hiệp định thương mại có chất lượng cao hơn khi không có TPP. Vì 7 trong số các thành viên TPP cũng tham gia RCEP, có khả năng một số quốc gia trong số này sẽ thúc đẩy các điều kiện trong RCEP mà đã được hoàn tất trong TPP.

Điều này sẽ dẫn tới một hiệp định thương mại được cải thiện mà có thể tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành một Khu vực Thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) toàn diện.

Tín hiệu tích cực cho toàn cầu hóa

Mặc dù hiện tại có rất nhiều các luận điệu chống toàn cầu hóa, song các quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu sẽ vẫn tiếp tục do những lợi ích của xu thế này mang lại, đặc biệt là do những tiến bộ của khoa học công nghệ trên thế giới. Điều này là quan trọng để tạo ra những quy định mới trong cuộc chơi toàn cầu nhằm mang lại một nền kinh tế hội nhập sâu rộng hơn.

Sau khi TPP không được Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump ủng hộ, RCEP đang được xem là một giải pháp hữu hiệu để thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các quốc gia ở châu Á - Thái Bình Dương. Việc cho ra đời RCEP là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia châu Á. Rất nhiều học giả, chuyên gia kinh tế đã có chung nhận định rằng việc TPP "chết yểu" sẽ là một thiệt thòi lớn cho nỗ lực của các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhưng đồng thời cũng mở ra cơ hội lớn cho RCEP hình thành và phát triển.

Hoạt động nhộn nhịp của một khu cảng biển tại Hàn Quốc.

Phân tích về vai trò của RCEP đối với toàn cầu hóa, báo Bưu điện Jakarta đăng bài phân tích của chuyên gia kinh tế Yose Rizal Damuri với tựa đề: “RCEP là một tín hiệu tích cực cho toàn cầu hóa”, trong đó chỉ rõ: Việc Mỹ rút khỏi TPP khiến RCEP có lý do được thúc đẩy nhanh hơn và được cho là sẽ thay thế TPP để tiếp tục đưa nền kinh tế các quốc gia thành viên hội nhập sâu hơn.

RCEP khởi nguồn từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương giữa ASEAN và các đối tác. Tuy nhiên, việc đàm phán để đi đến ký kết RCEP hiện vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến việc cắt giảm thuế quan của các quốc gia thành viên. ASEAN hiện có các FTA song phương với 6 nước đối tác và chính vấn đề này đã gây trở ngại cho việc đàm phán. Chẳng hạn như trong lĩnh vực thương mại, các nước thành viên cần phải cắt giảm 55 loại thuế so với 5 loại của các FTA song phương. Việc hợp nhất giữa tự do hóa thương mại, các quy tắc thương mại và thực tiễn ở các lĩnh vực khác nhau dường như trở nên khó khăn hơn.

Để giải quyết những vấn đề này, các quốc gia thành viên của RCEP cần đưa ra các cam kết cao hơn so với các FTA song phương giữa ASEAN và các nước đối tác. Tuy nhiên, hầu hết các nước tham gia đàm phán hiện nay vì nhiều lý do khác nhau mà chưa thể đi đến thống nhất trong các điều khoản của hiệp định. Nhiều nước vẫn còn tập trung vào các FTA song phương với từng nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Vấn đề quan trọng nhất đối với ASEAN và các đối tác kinh doanh ở thời điểm này là hướng đến việc kết thúc quá trình đàm phán để cho ra đời hiệp định. Các nước tham gia đàm phán nhận thức được rằng, việc cho ra đời RCEP là rất quan trọng và cần thiết đối với khu vực. Điều này sẽ gửi một thông điệp rõ ràng rằng các quốc gia Đông Á, chủ yếu là các nền kinh tế mới nổi tiếp tục ủng hộ xu hướng hội nhập, sự gắn kết về kinh tế giữa các quốc gia với nhau chứ không phải là các cuộc đàm phán cho ra đời hoặc duy trì các FTA song phương như mong muốn của ông Trump đối với việc phát triển nền kinh tế Mỹ.

RCEP cung cấp nền tảng để hình thành một khu vực hợp tác chặt chẽ

Sẽ là sai lầm khi đánh giá rằng RCEP sẽ là đối trọng với TPP, trong khi 2 hiệp định này khi ra đời lại có thể bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Về cơ bản, RCEP là một phần trong các nỗ lực của các quốc gia châu Á để hình thành con đường quản trị, hợp tác của khu vực. Do vậy, RCEP nên được xem như một ASEAN mở rộng và cung cấp một nền tảng để hình thành một khu vực hợp tác chặt chẽ, hiệu quả với nhau để góp phần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, ASEAN sẽ là hạt nhân cốt lõi của quá trình này và sẽ đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc hợp tác của khu vực.

Với các thỏa thuận thương mại tiêu chuẩn cao, tương tự như các thỏa thuận trong TPP, RCEP rất có thể sẽ được các quốc gia thành viên hoan nghênh khi tiến hành đàm phán. Điều quan trọng là việc đàm phán trong giai đoạn hiện nay liên quan đến nhu cầu cấp bách và hoàn cảnh cụ thể của các quốc gia ở khu vực. Việc hiệp định này được hình thành không chỉ giúp tăng cường hợp tác đầu tư phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia thành viên mà còn góp phần cải cách trong nội bộ của từng quốc gia.

Giá trị của RCEP được thể hiện trên 3 khía cạnh sau: Thứ nhất, RCEP sẽ xóa bỏ hàng rào thuế quan lên đến 90-95%. Lĩnh vực này thực tế hiện nay đã và đang được áp dụng trong các hiệp định thương mại tự do song phương giữa ASEAN và các đối tác. Thứ hai, những điều khoản mang tính tích cực sẽ làm cho RCEP có ý nghĩa với tất cả các quốc gia thành viên, không phân biệt quốc gia lớn hay nhỏ. Thứ ba, thúc đẩy đàm phán cho ra đời RCEP không chỉ là để phục vụ cho hội nhập khu vực mà còn là cho hợp tác khu vực. Ngoài ra, việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông vận tải cũng như lĩnh vực thông tin và truyền thông cũng cần được đưa vào trong các danh mục ưu tiên.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long rất quan tâm tới các dự án hợp tác với Việt Nam. Ảnh: Wordpress.com.

Thay vì tham vọng cho ra đời những hiệp định không thực tế và phải mất một thời gian dài, tại sao các quốc gia trong khu vực không từng bước có những cách tiếp cận thực tế, tiến hành sớm các cuộc đàm phán để đạt được sự tiến bộ nhằm sớm cho ra đời RCEP - một thành tựu vĩ đại đối với thương mại thế giới với sự tham gia của 16 quốc gia, chiếm gần một nửa dân số thế giới, chiếm 1/4 tổng sản phẩm hàng hóa toàn cầu và 40% giá trị thương mại thế giới. RCEP sẽ mở ra một tương lai tươi sáng cho việc hợp tác, hội nhập của khu vực và thực sự hấp dẫn đối với các nền kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

RCEP - Sự thay thế hoàn hảo cho TPP

Diễn đàn Đông Á số mới ra có bài viết “Liệu RCEP có thể làm sống lại một TPP đã chết?” của tác giả Alwin Adityo, công tác tại Cơ quan Dịch vụ tài chính Indonesia (OJK) cho rằng, các nước thành viên của RCEP hiện chiếm hơn 30% nền kinh tế toàn cầu. Các nước thành viên RCEP có thể sẽ thúc đẩy nhiều cam kết và nghĩa vụ vốn đã đạt được thỏa thuận trong TPP.

Nếu các tiêu chuẩn của TPP được đưa vào RCEP, các nước thành viên RCEP không thuộc TPP sẽ có quyền cân nhắc và quyết định. Mỗi quốc gia phải phân tích và quyết định liệu họ có sẵn sàng chịu sự ràng buộc của các quy định và phải có những điều chỉnh mới hay không. Các hiệp định thương mại phải đem lại lợi ích cho tất cả các nước thành viên tham gia và các nhà đàm phán có nhiệm vụ tìm ra một sự đồng thuận.

Khi nói đến Nguyên tắc Hướng dẫn của RCEP, một hướng dẫn cho các nhà đàm phán RCEP, mức độ sẵn sàng của một quốc gia là điều quan trọng phải được tính đến. Với việc TPP đang có nguy cơ sụp đổ, RCEP có thể nhanh chóng trở thành thỏa thuận thương mại quan trọng nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nhưng để thành công, RCEP phải chứng minh nó là một thỏa thuận có thể liên kết thành công lợi ích của các nước đang ở các giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau.

Bà Sanchita Basu Das, Trưởng nhóm nghiên cứu các vấn đề kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu ASEAN (Singapore) - cho rằng để hiện thực hóa những lợi ích mà RCEP đem lại cho khu vực, cần phải giải quyết một số thách thức trong quá trình đàm phán.

TPP đã sụp đổ, RCEP còn đầy sức sống, phát triển mạnh mẽ, đã khiến người Mỹ phải quan tâm và lo ngại. Nếu TPP không thể tiến về phía trước cho dù không có sự tham gia của Mỹ, điều này sẽ đảm bảo rằng Hiệp định RCEP được 16 nước ủng hộ cuối cùng sẽ chi phối thương mại ở châu Á - Thái Bình Dương.

Trước nguy cơ TPP “chết yểu”, các nguồn tin cho biết các nước thành viên TPP như Australia, Nhật Bản, Malaysia đều đã chuyển trọng tâm sang RCEP. Ngay cả các nhà lãnh đạo thương mại của Mỹ cũng đang chuẩn bị tìm cơ hội tiềm tàng ở châu Á. Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Hãng General Electrics (GE-Mỹ) G.Rice cho biết trong các công việc của họ ở châu Á, có tới 2/3 công việc cuối cùng sẽ chuyển đến các nước khác, cho nên nếu như các nước này hạ thấp thuế quan và hàng rào thương mại, họ có thể tìm ra giải pháp mở rộng hơn quy mô đầu tư, kinh doanh tại đây.

Các chuyên gia cũng đã khuyến cáo, rõ ràng, khi TPP không trở thành hiện thực, RCEP luôn phải được sẵn sàng kích hoạt, mặc dù rõ ràng có cả hai vẫn tốt hơn.

Trong trường hợp những nước như Việt Nam, nước đang phát triển mạng lưới đối tác chiến lược đa dạng, ký kết nhiều thỏa thuận thương mại đa dạng và tham gia các nhóm hợp tác, bao gồm cả TPP và RCEP cùng với Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), Liên minh kinh tế Á-Âu, Đối tác đầu tư thương mại xuyên Đại Tây Dương và một Hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU... suy tính để có bước chuyển hợp lý là điều rất quan trọng.

Tính tới cuối năm 2015, Việt Nam đã có 58 FTA. Việt Nam coi trọng AEC vì cộng đồng này có tới hơn 600 triệu dân và nền kinh tế tổng hợp khoảng 2.600 tỷ USD, cũng như những lợi ích giá trị trong việc thúc đẩy đoàn kết và hợp tác ASEAN. Trong khi đó, RCEP bao gồm ASEAN, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và các quốc gia châu Đại Dương như Australia và New Zealand...

Việt Nam có quan hệ thương mại với tất cả những nước này. Nếu như nói thiệt hại với Việt Nam khi TPP sụp đổ là mất một số thị trường mới và tăng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ, thì đổi lại, RCEP rất hữu ích, phù hợp với nhu cầu, khả năng hợp tác cùng phát triển mà Việt Nam và các đối tác cùng hướng tới.

Nguyễn Hòa
.
.