Rác vũ trụ - Đã đến lúc phải bắt tay thu dọn
Theo tờ El Pais của Tây Ban Nha, tính từ đầu kỷ nguyên vũ trụ đến nay, loài người đã tổ chức khoảng 5.000 lượt phóng khác nhau vào vũ trụ, khiến cho phần còn lại của các trang thiết bị không còn sử dụng đã trở nên quá nhiều, gây nguy hiểm cho các vệ tinh đang hoạt động.
Các chuyên gia cảnh báo, nhiệm vụ quan trọng giờ đây không chỉ là nghĩ cách hạn chế tối thiểu việc tạo ra rác vũ trụ qua mỗi lần phóng, mà quan trọng hơn là phải phát minh ra được một công nghệ làm sạch khoảng không gian gần trái đất.
Một trong các ý tưởng, theo như bài báo trên tờ El Pais là một thiết bị được phóng lên vũ trụ, tiếp cận một vệ tinh cũ không còn hoạt động, quăng một tấm lưới lớn bao trùm lên đó, kéo tới một vị trí cần thiết để có thể xử lý. Phương án thứ hai là thu lượm các mảnh vỡ bằng cách sử dụng những chiếc lao được trang bị loại móc đặc biệt.
Đề xuất sử dụng lưới thu gom rác vũ trụ đang được quan tâm xem xét. |
Còn có đề xuất đáng chú ý khác, chẳng hạn như chấm dứt vận hành các vệ tinh trước khi chúng cạn kiệt tài nguyên và không thể điều khiển, sau đó bố trí chúng tại những vị trí được mệnh danh là "các quỹ đạo - nghĩa địa", là nơi chúng không thể gây cản trở cho các vệ tinh đang hoạt động.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trên quỹ đạo gần trái đất hiện nay đang có khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ có kích thước hơn 1mm, trong đó có 670.000 mảnh kích thước hơn 1cm và 29.000 mảnh kích thước lớn hơn 10cm. Cần biết là khi bay với tốc độ cao trên vũ trụ, những mảnh nhỏ nhất như trên cũng có thể gây tổn hại cho các bộ phận quan trọng nhất của bất kỳ thiết bị trên vũ trụ nào.
Còn nhớ trong vụ va chạm xảy ra giữa hai vệ tinh - vệ tinh liên lạc của Mỹ Iridium-33 và vệ tinh quân sự Cosmos-2251 của Nga - đã có tổng cộng hơn 2.200 mảnh vỡ được hình thành. Khỏi phải nói đối với các trạm vũ trụ quốc tế, nguy cơ va chạm với bất kỳ một loại rác vũ trụ nào sẽ đặc biệt nguy hiểm cho các phi hành gia.
Liên quan đến vấn đề chính, rác vũ trụ vốn phân bố không đồng đều, tập trung nhiều nhất ở độ cao từ 800-1.000 km. Trong khi đó, hiện đang có khoảng 1.000 vệ tinh (chủ yếu là các vệ tinh viễn thông, khí tượng, định vị, khoa học và quan sát trái đất) đang hoạt động trên quỹ đạo. Với sự gia tăng cả về mật độ của vệ tinh và rác vũ trụ, nguy cơ xảy ra những va chạm tất nhiên cũng phát triển theo tỉ lệ thuận