Robot mô phỏng động vật
Ngành robot học đang phát triển những "sinh vật máy" mô phỏng tự nhiên một cách hoàn hảo để ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống hiện đại.
Đó là những con chuột chù có lông như thật, cá mút đá bơi lượn dưới nước, bạch tuộc quấn chặt con mồi, thằn lằn leo tường... Thậm chí các nhà khoa học đang cố gắng chế tạo ra những con robot mô phỏng côn trùng biết bay.
Cecilia Laschi cùng với đội của bà ở Viện Nghiên cứu cao cấp Sant'Anna ở thành phố Pise, Italia là ví dụ nổi bật cho xu hướng này. Họ lãnh đạo một hiệp hội quốc tế đang nghiên cứu xây dựng một con bạch tuộc robot thực thụ như trong tự nhiên.
Để tạo ra động vật chân đầu thân mềm nhân tạo, nhóm khoa học bắt đầu với khả năng của con vật - những cánh tay uốn xoắn mềm dẻo để bắt mồi. Nơi cánh tay của động vật có xương sống, các cơ chuyển động còn xương chống đỡ sức nặng. Còn cánh tay của bạch tuộc không có xương nên cơ của nó phải đảm nhận cả hai công việc. Lợi thế của nó là - ngoài khả năng nắm chặt - dễ dàng xâm nhập vào mọi ngóc ngách mà cánh tay của động vật có xương sống cùng kích thước không với tới được.
Sau khi nghiên cứu hoạt động của bạch tuộc, tiến sĩ Laschi và nhóm của bà tạo ra một phiên bản nhân tạo có hành vi tương tự. Cánh tay bạch tuộc có lớp vỏ bên ngoài làm bằng chất liệu silicone, được gắn hệ thống cảm biến giúp nó biết đang tiếp xúc với thứ gì. Bên trong lớp vỏ này là những sợi dây cáp và lò xo làm bằng hợp kim nickel-titanium có tính đàn hồi đặc biệt. Phiên bản của nhóm Laschi có thể quấn chặt quanh một vật thể một cách hết sức ấn tượng tương tự "bản gốc" trong tự nhiên của nó!
Cánh tay robot bạch tuộc. |
Đến nay thì robot của Laschi chưa phải là bạch tuộc nhiều tay mà đúng hơn là bạch tuộc một tay, nhưng bà có kế hoạch phát triển thêm 7 cánh tay nữa và hệ thống kiểm soát giúp chúng phối hợp nhịp nhàng với nhau cho phiên bản trong 2 năm tới. Mục đích nghiên cứu của nhóm khoa học Laschi là sản xuất một động vật máy (khác với người máy) có thể giúp con người thực hiện một số công việc khó khăn dưới nước - ví dụ như khóa van dầu bị rò rỉ.
Một nhóm kỹ sư khác ở Sant'Anna do hai tiến sĩ Paolo Dario và Cesare Stefanini lãnh đạo cũng đang mày mò nghiên cứu mô phỏng sinh vật dưới nước khác - đó là cá mút đá.
Cá mút đá là động vật có xương sống đơn giản nhất. Giống như bạch tuộc, cá mút đá không có xương (dù loài này có bộ xương thô sơ bằng sụn). Cá cũng có hệ thần kinh đơn giản. Nhóm của Sten Grillner ở Viện Karolinska ở thành phố Stockholm, Thụy Điển và tạo một phiên bản robot của nó. Tiến sĩ Dario và Stefanini đã xây dựng thành công một thiết bị gọi là Lampetra gồm nhiều đoạn tròn mô phỏng xương sống toàn sụn của cá mút đá.
Mỗi đoạn như thế đều có lắp đặt nam châm điện và toàn thân cá robot chuyển động nhờ dòng điện chạy từ đầu đến đuôi tương tự như luồng tín hiệu thần kinh ở cá thật. Dòng điện chạy từ đoạn này sang đoạn kia tạo ra chuyển động lượn sóng giúp cá robot tiến về phía trước. Lampetra cũng có mắt là camera nhỏ cung cấp thông tin về màu sắc và hình dáng giúp cá tránh được chướng ngại vật. Hệ thống đẩy tới của Lampetra cũng có một số ứng dụng hữu ích khi hoạt động như một cỗ máy dưới nước.
Một nhà động vật học khác sử dụng robot để tìm hiểu hành vi của sinh vật là Daniel Germann ở Đại học Zurich của Thụy Sĩ. Germann đang nghiên cứu con trai để chế tạo phiên bản robot nhằm phục vụ mục đích tìm hiểu xem hình dáng lớp vỏ ngoài của con trai giúp nó duy trì cuộc sống còn như thế nào. Nhiều loại trai thoát được động vật săn mồi bằng cách đào bới sâu xuống lớp bùn dưới đáy biển - sử dụng chuyển động luân phiên của lớp vỏ và phần cơ mềm bên trong lớp vỏ này - để ẩn náu. Con trai cũng biết phun ra những tia nước từ giữa các van nơi vỏ ngoài để làm mềm lớp bùn rắn nhờ đó nó có thể biến mất trong vài giây nếu bị động vật săn mồi đe dọa.
Phiên bản robot cá mút đá. |
Để hiểu được một cách chính xác hoạt động của con trai, tiến sĩ Germann tạo ra một con trai robot. Nó có hai mảnh vỏ, hai sợi dây để điều khiển các van và một ống bơm nhỏ để phun nước. Sau khi chứng minh được rằng thiết kế thỏa mãn được yêu cầu tự chôn giấu mình của robot trai, Germann bắt đầu tiến hành thử nghiệm chế tạo cạnh tranh giữa robot trai với những dạng động vật có vỏ khác nhằm tìm hiểu xem những gì khiến cho loài này hiệu quả hơn loài kia.
Bước đi trên mặt bằng và bay trên không
Cả hai dự án của Grillner và Germann đều đáng quan tâm về mặt lý thuyết. Nhưng các nhóm khác, như của tiến sĩ Laschi, cũng đang tìm kiếm những ứng dụng cho thực tế cuộc sống. Ví dụ StickyBotIII - robot tắc kè do nhóm của Mark Cutkosky ở Đại học Stanford phát triển - là ví dụ nổi bật nhất theo hướng này. Khả năng leo tường và trần nhà của tắc kè trong tự nhiên từ lâu đã hấp dẫn con người đồng thời cũng là mối quan tâm nghiên cứu hàng đầu của các nhà khoa học. Một con robot có khả năng độc đáo như thế tất nhiên sẽ cực kỳ hữu dụng.
Bí mật của loài tắc kè là các ngón chân của chúng được bao phủ một rừng cấu trúc tinh tế hơi giống như những đường rãnh vân tay của con người nhưng những đường rãnh này sâu hơn. Khi áp lên một bề mặt, các phân tử của những đường rãnh này sẽ hút các phân tử trên bề mặt phẳng nhờ một hiện tượng tĩnh điện gọi là lực van der Waals. Khi cung cấp lực van der Waals cho con vật (hay robot) nó cũng sẽ có khả năng bám các ngón chân lên bề mặt phẳng.
Giống như tắc kè trong tự nhiên, StickyBotIII có 4 chân được bao phủ những đường rãnh thích hợp. Tắc kè nhân tạo (hay robot) có thể thực hiện một số hành vi tương tự như tắc kè trong tự nhiên. Không chỉ có thể bò trên bức tường thẳng đứng mà robot còn có khả năng treo mình lơ lửng nữa.
Robot chuột chù và robot chuồn chuồn. |
Robot động vật không chỉ dừng lại ở khả năng cử động mà còn tiến xa hơn - mô phỏng giác quan. Ví dụ như Tony Prescott và nhóm của ông ở Đại học Sheffield (Anh) đang mày mò tái tạo bộ râu cực kỳ nhạy cảm của giống chuột chù Etrusca. Loài chuột chù này sống dưới lòng đất và dựa vào bộ râu để cảm nhận chướng ngại phía trước khi đào bới đất.
Sau khi chăm chú quan sát nghiên cứu đoạn phim quay chậm cảnh chuột chù di chuyển, tiến sĩ Prescott và nhóm của ông phát hiện một điều thú vị là con vật liên tục cử động bộ râu của nó ra các hướng trước sau cứ như đó là xúc giác thứ hai vậy. Sử dụng thông tin này, nhóm nhà nghiên cứu xây dựng robot chuột chù mô phỏng đầu con vật trong tự nhiên. Nó có 18 sợi râu với độ dài ngắn khác nhau và sự chuyển động của chúng độc lập với nhau.
Mục tiêu dài hạn của Prescott và nhóm của ông là xây dựng con robot hoạt động tốt tại một số môi trường ngăn cản tầm nhìn con người như là những tòa nhà bị phủ đầy khói (do hỏa hoạn…).
Ở Hà Lan, nhóm nhà nghiên cứu ở Đại học Delft do Rick Ruijisink lãnh đạo đã phát triển thành công DelFly - phiên bản robot của chuồn chuồn có cặp cánh biết vỗ đập vận hành bằng động cơ điện. DelFly có thể luân phiên bay với tốc độ cao và bay lượn trên không. Tuy nhiên phiên bản robot đầu tiên chưa thể bay tự động mà phải được vận hành bằng thiết bị điều khiển từ xa. Camera lắp đặt trên robot chuồn chuồn giúp xử lý thông tin để điều chỉnh độ cao và hướng bay. Hy vọng phiên bản trong tương lai sẽ bay tự động như chuồn chuồn trong tự nhiên.
AirBurr, robot bay do Jean Cristophe Zufferey ở Đại học Bách khoa Lausanne, miền Tây Thụy Sĩ phát triển, sử dụng kỹ thuật khác. Thay vì cố tránh né chướng ngại vật, AirBurr được thiết kế để nhanh chóng bay trở lại sau khi bất ngờ bị va đập vào bức tường. Cánh mang hình giọt nước mắt và những cánh quạt nhỏ được bảo vệ bởi thanh carbon dẻo. AirBurr dễ dàng hạ cánh rồi bay lên tức thì như côn trùng thật