Sắc lệnh hạn chế nhập cư mới tác động kinh tế Mỹ
Với sắc lệnh tạm thời này, những người thất nghiệp ở mọi tầng lớp xã hội sẽ được nhận ưu tiên hàng đầu trong việc bố trí việc làm khi nền kinh tế tái mở cửa. Dù được ủng hộ, quyết định của ông chủ Nhà Trắng cũng đang làm dấy lên làn sóng chỉ trích từ một số thành viên đảng Dân chủ, với cáo buộc rằng ông đang khiến mọi người xao nhãng khỏi cái mà họ cho là cách phản ứng chậm chạp và sai lầm trước đại dịch COVID-19, thậm chí còn gọi đây là quyết định sai lầm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhập cư kéo dài 60 ngày. |
Đằng sau quyết định tạm thời
Tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng hôm 22-4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rằng: “Tôi đã ký sắc lệnh hành pháp tạm ngưng nhập cư trong vòng 60 ngày, áp dụng với cả người xin thẻ xanh, là để bảo vệ những người lao động Mỹ vĩ đại của chúng ta”.
Ngoài việc đảm bảo rằng những người Mỹ thất nghiệp thuộc mọi hoàn cảnh sẽ là những người đầu tiên tìm được việc làm khi nền kinh tế của chúng ta mở cửa trở lại, sắc lệnh này cũng đảm bảo các nguồn lực chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân Mỹ chịu tác động của đại dịch.
Trên trang mạng xã hội Twitter trước khi ký sắc lệnh trên, ông Trump cũng viết rằng động thái của ông trên thực tế sẽ giúp đạt được mục tiêu chính sách dài hạn đó là kiềm chế người nhập cư, qua việc tận dụng cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế trên toàn nước Mỹ do đại dịch COVID-19 gây ra.
Ngay lập tức, tuyên bố trên của ông Trump đã vấp phải hàng loạt chỉ trích từ một số thành viên đảng Dân chủ, với cáo buộc rằng Tổng thống đang khiến mọi người xao nhãng khỏi cái mà họ cho là cách phản ứng chậm chạp và sai lầm trước đại dịch COVID-19.
Còn nhớ, năm 2016, ông Trump đắc cử tổng thống cũng một phần nhờ hứa hẹn hạn chế người nhập cư qua việc xây dựng một bức tường ở biên giới của Mỹ với Mexico. Ông Trump và các cố vấn đã dành 3 năm đầu trong nhiệm kỳ tổng thống của mình để trấn áp những người nhập cư hợp pháp và trái phép. Bằng chứng là tại các cuộc tập hợp chính trị của ông, những người ủng hộ thường xuyên hô vang khẩu hiệu rằng: “Hãy xây dựng bức tường!”.
Đó chính là lý do giải thích tại sao ông vẫn nhận được không ít sự hậu thuẫn của các nhân vật bên ngoài. Một trong những nhân vật ủng hộ sắc lệnh của ông Trump là Thomas Homan, người từng giữ chức quyền Giám đốc Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ.
Với tuyên bố: “Việc bảo vệ các cơ hội cho lực lượng lao động của chúng ta trong lúc đại dịch đang hoành hành là điều có thể hiểu được”, ông Homan thậm chí còn hướng mọi chuyện theo một cách hiểu khác, khi cho rằng: “ Vấn đề thực sự ở đây không phải là về người nhập cư. Nó liên quan đến đại dịch và quyết định của tổng thống là giữ cho đất nước chúng ta an toàn hơn trong khi vẫn bảo vệ các cơ hội cho những người Mỹ bị thất nghiệp”.
Một quyết định sai lầm?
Lần đầu tiên kể từ khi trở thành một quốc gia độc lập, trên thực tế là từ khi thành lập Jamestown năm 1607, Mỹ đang chuẩn bị tạm thời ngưng việc cho nhập cư vào nước họ. Sẽ không còn những lời kêu gọi “Hãy đưa cho tôi sự nghèo khó, mệt mỏi của các bạn, những mớ hỗn độn của các bạn sẽ sớm được giải phóng”.
Ông Trump đã nhận được sự ủng hộ của những nhân vật chống nhập cư kỳ cựu. Các phong trào này vốn trở nên phổ biến theo định kỳ trong các giai đoạn biến động của nền kinh tế. Trong nhiều thập kỷ, thực tế là nhiều thế kỷ, những người chống nhập cư đã tìm cách chấm dứt dòng người nhập cư với một niềm tin sai lệch rằng người nhập cư có thể cướp đi việc làm của họ.
Trên thực tế, các nhà kinh tế học đã chứng minh điều ngược lại rằng người nhập cư không chỉ tiếp nhận những việc làm mà người dân Mỹ tránh né, mà họ thực sự còn thúc đẩy Tổng sản phẩm Quốc nội (GDP) của nước Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump đã đưa ra thêm một lập luận mới bằng cách gắn tư tưởng chống nhập cư với sự hủy diệt của SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19. Như vậy, ông đã thêm những người nhập cư vào danh sách ngày càng dài gồm Trung Quốc, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu và các thủ hiến bang là những thủ phạm gây ra sự bùng phát của đại dịch trên khắp nước Mỹ, chứ không phải do sự lộn xộn hỗn loạn kết hợp với sự bất lực thảm hại trong các chính sách của Nhà Trắng.
Thực tế là Mỹ chưa bao giờ hoàn toàn ngừng nhập cư, kể cả trong những ngày đen tối nhất của những giai đoạn đỉnh điểm của phong trào ưu đãi dân bản xứ hơn dân nhập cư. Thế nhưng nếu Tổng thống Trump làm theo cách của mình, thì điều đó sẽ xảy ra trong hôm nay, ngày mai, hay ngày kia...
Bởi thật trớ trêu khi bản thân Đệ nhất Phu nhân Mỹ, người sắp được “Ủy ban Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại của Trump” tổ chức sinh nhật rầm rộ, cũng là một người nhập cư. Cha mẹ bà cũng là những người nhập cư, những người được hưởng lợi từ sự “di cư theo chuỗi” mà ông Trump luôn phản đối. Ông bà của Jared Kushner là những người sống sót sau thảm họa Diệt chủng Holocaust và đã di cư sang Mỹ sau Chiến tranh Thế giới II.
Đối với Tổng thống Donald Trump, đã quá thường xuyên, tất cả những thứ bắt đầu là những dòng tweets lại trở thành chính sách. Tuy nhiên, đôi khi xảy ra trường hợp: khi tổng thống phải đối mặt với sự phản đối quyết liệt từ công chúng, ông sẽ từ bỏ một số suy nghĩ cực đoan nhất của mình. Mỹ là một đất nước của những người nhập cư và những thế hệ con cháu của họ nhất định hẳn sẽ không thể ủng hộ quyết định này của ông Trump.