Sách online - “mảnh đất vàng” vẫn đang chờ canh tác

Thứ Sáu, 24/04/2020, 09:35
Trong khi thị trường sách truyền thống liêu xiêu bởi COVID-19, thị trường sách online, sách điện tử lại trở thành những điểm sáng hiếm hoi giữa thời điểm dịch bệnh hoành hành. Tuy nhiên, đến nay, đây vẫn là những “mảnh đất vàng” chưa thực sự được ngành xuất bản khai thác tương xứng với tiềm năng đang có.

Cứu cánh của ngành xuất bản trong mùa dịch

Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, thời gian gần đây, kênh phát hành các xuất bản phẩm qua mạng (thị trường sách online) đang tăng cao. Ghi nhận từ một số đơn vị phát hành lớn như Fahasa, Anfabook, Nhã Nam, Thái Hà Book cho thấy mức độ tăng trưởng của thị trường này đều đạt từ 20-30%.

Cá biệt, có đơn vị như Phương Nam, mức độ tăng trưởng lên đến trên 70%. Riêng Tiki, đơn vị lớn nhất trong bán sách online hiện nay, tỷ lệ tăng trưởng mặt hàng sách trong 2 tháng đầu năm đã tăng vọt lên 150% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khai mạc hội sách trực tuyến.

5 mảng sách bán chạy nhất là: Sách văn học, kỹ năng sống, thiếu nhi, kinh tế và truyện tranh. Đặc biệt, 2 loại sách có mức độ tăng trưởng đáng ghi nhận trong 2 tháng đầu năm nay so với cùng thời điểm năm 2019 là sách y học (tăng gấp 2,7 lần) và sách thường thức gia đình (tăng gấp 2 lần). Sự tăng trưởng đột biến của phát hành sách online ít nhiều bù đắp một phần doanh thu cho các đơn vị, giúp cho các đơn vị có thêm cơ hội duy trì hoạt động.

Cùng với thị trường sách online, thị trường sách điện tử cũng tăng mạnh. Cụ thể, Waka, đơn vị duy nhất trong khối phát hành sách được cấp phép phát hành sách điện tử đã có mức doanh thu tăng khoảng 20-30% trong tháng 2.

Cuối tháng 2, lượng user truy cập vượt trên 15.000, trong đó đối tượng bạn đọc VIP tăng đáng kể. Số thư viện mua account tăng. Việc huy động kinh phí để tổ chức xuất bản sách in truyền thống với sự phối hợp cùng các nhà xuất bản, nhà sách sau khi xuất bản phiên bản điện tử thuận lợi hơn.

Cục Xuất bản, In và Phát hành cũng đang có nhiều động thái tích cực nhằm đẩy mạnh phát triển thị trường sách online, sách điện tử. Đặc biệt, Cục đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm hỗ trợ quy trình quản lý và biên tập xuất bản để nếu dịch bệnh kéo dài, có nguy cơ lan rộng, các hoạt động xuất bản vẫn tiếp tục được thực hiện trên nền tảng công nghệ đã có.

Lần đầu tiên, một hội sách online do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Nhà xuất bản Thông tin và truyền thông, Cục Tin học hóa, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức với quy mô hoành tráng từ ngày 21/4.

Dự kiến diễn ra trên sàn Book365.vn trong hơn 1 tháng, hội sách có nội dung hoạt động phong phú không kém các hội sách lớn ngoài đời thực như các gian hàng giới thiệu sách trực tuyến, bán sách online, giới thiệu sách mới, giao lưu tọa đàm của các nhà xuất bản, công ty phát hành... Ban tổ chức còn đặt mục tiêu thu hút từ 5 triệu đến 10 triệu lượt người tham gia.

Mặc dù phát hành sách online và sách điện tử có nhiều tín hiệu vui nhưng đến nay, Việt Nam chưa thực sự có nhiều nhà xuất bản, công ty sách, đơn vị phát hành chủ động chuyển đổi mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh, tăng cường, mở rộng thị trường bán sách online và sách điện tử. Hiện nay, doanh thu từ thị trường bán sách online Việt chỉ chiếm khoảng 20% tổng doanh thu.

Ông Vũ Trọng Đại, Giám đốc Công ty Sách Omega Việt Nam từng nhận định rằng sự chuyển dịch của nền xuất bản Việt Nam trong kỉ nguyên công nghệ là vô cùng chậm chạp. Có nhiều lí do khiến cho doanh nghiệp công nghệ triển vọng nhất hiện nay của Việt Nam rời khỏi lĩnh vực này như đầu tư lớn và dài hạn, chịu lỗ đầu tư nhưng lợi nhuận dự kiến thấp hoặc không thấy rõ tương lai.

Họ còn gặp phải nhiều rủi ro trong việc liên kết với các nhà cung cấp nội dung, gặp nhiều khó khăn khi tạo dựng sân chơi trên không gian mạng vẫn còn lạ lẫm với một xã hội tác giả, độc giả đã quen tương tác trong môi trường sách giấy truyền thống...

Ông Vũ Trọng Đại cũng chia sẻ rằng, ngành xuất bản muốn phát triển tốt hơn thì không chỉ cần cố gắng bắt kịp sự phát triển của công nghệ số mà còn phải xác định rõ và kiên trì xây dựng nội lực bằng việc huy động sự tham gia của toàn xã hội. Cần cởi mở hơn nữa đối với hoạt động xuất bản điện tử. Việc phát triển văn hóa đọc cũng không nên chỉ là trách nhiệm của ngành xuất bản.

Hành lang pháp lý cần hoàn thiện hơn

Bàn về việc phát hành, tiêu thụ xuất bản phẩm và quản lý xuất bản điện tử trong thời đại truyền thông số tại hội thảo khoa học xây dựng chiến lược sách quốc gia Việt Nam, PSG.TS Vũ Trọng Lâm và TS Nguyễn Thị Trang cho rằng, trong những năm gần đây, các nhà xuất bản, các đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm ở Việt Nam đã ý thức được tác dụng của mạng internet nên thực hiện phát hành xuất bản phẩm qua mạng ngày càng được đẩy mạnh.

Kênh phát hành sách truyền thống vẫn là lựa chọn của phần lớn đơn vị xuất bản hiện nay.

Hiện nay, có rất nhiều phương thức ứng dụng mạng internet vào khâu tiêu thụ sách như: Quảng cáo trực tuyến, quảng cáo qua thư điện tử, quảng cáo và tiêu thụ xuất bản phẩm thông qua lập website riêng, qua mạng xã hội, các diễn đàn online.

Thực tiễn cho thấy, các phương thức này không chỉ thúc đẩy tiêu thụ xuất bản phẩm còn đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy sự phát triển của ngành xuất bản trong thời đại truyền thông số. Tuy nhiên, đa số các nhà xuất bản và đơn vị kinh doanh xuất bản phẩm ở Việt Nam hiện nay mới chỉ thực hiện phương thức phát hành truyền thống, chưa chú trọng vào việc tiếp thị và phát hành xuất bản phẩm online.

PSG.TS Vũ Trọng Lâm và TS Nguyễn Thị Trang cũng nhận định, ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất bản là một xu thế tất yếu.

Sự phát triển của sách điện tử ở Việt Nam sau một quá trình tự phát và kinh doanh nhỏ lẻ đang dần hướng đến việc nâng tầm và chuyên môn hóa... Tuy nhiên, sự phát triển của loại hình xuất bản điện tử cũng đang đặt ra nhiều thách thức như: vi phạm bản quyền trên mạng internet, nội dung của các xuất bản phẩm điện tử mang tính dung tục, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục của dân tộc...

Để khắc phục tình trạng này, cần hoàn thiện pháp luật về xuất bản điện tử. Trước hết là kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn Luật Xuất bản năm 2012 về xuất bản điện tử, trong đó có quy định chi tiết về ”xuất bản phẩm điện tử”, giấy phép xuất bản, thông tin ghi trên xuất bản phẩm, điều kiện xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử. Cần kết hợp giữa cơ chế phòng ngừa với cơ chế xử phạt trong quản lý và kiểm soát hoạt động xuất bản điện tử.

Minh Hải
.
.