Sân khấu công lập chuyển sang cơ chế xã hội hóa: Chông chênh… tự chủ?
- Hồng Vân, Hoài Linh, Xuân Bắc, Tự Long chung sức vì nghệ sĩ sân khấu Việt Nam
- Sân khấu ca nhạc thời những ngôi sao không lấp lánh
Theo quy định chung về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, năm 2020, các đơn vị có điều kiện hoạt động hiệu quả theo cơ chế thị trường sẽ chuyển sang cơ chế hạch toán như doanh nghiệp. Những đơn vị thuộc nhóm tiếp tục có sự hỗ trợ chi thường xuyên của Nhà nước cũng sẽ chuyển sang cơ chế đặt hàng, đấu thầu, giao nhiệm vụ, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước.
Cơ chế quản lý mới được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sân khấu Việt Nam thoát khỏi sự đình trệ nhiều năm trở lại đây nhưng cũng như con dao 2 lưỡi, càng sắc càng dễ… đứt tay.
NSND Lan Hương. |
Nổi tiếng là người giỏi xoay sở làm kinh tế bằng chính nghề nghiệp của mình nhưng sau một đời gắn bó với sân khấu, NSND Lan Hương không ngần ngại chia sẻ rằng, theo kinh nghiệm của chị thì sở dĩ bây giờ sân khấu vẫn xa rời khán giả, phát triển chậm so với các loại hình nghệ thuật khác, một phần lỗi lớn là do thiếu sự chủ động, đặc biệt là khâu truyền thông.
Nữ nghệ sĩ khẳng định: "Tôi biết có nhiều doanh nghiệp, tiền quảng cáo chiếm hơn 50%, có khi cao hơn cả tiền sản xuất ra sản phẩm. Những người làm công tác quản lý văn hóa, những người làm công tác nghệ thuật chưa hiểu được điều đó và như tôi nghĩ là chưa quan tâm đúng mức đến công tác truyền thông. Các đơn vị xã hội hóa sống chết vì sản phẩm họ đầu tư nên họ rất quan tâm đến công tác truyền thông và mảng truyền thông của họ rất hiệu quả. Tại sao những người làm quản lý sân khấu công lập không biết đến điều đó và làm truyền thông một cách bài bản, đúng nghĩa?
Sân khấu không thu hút khán giả không thể đổ lỗi cho chất lượng diễn viên, đội ngũ người làm nghề chuyên môn vì thực tế đã chứng minh, các diễn viên sân khấu khi "lấn sân" sang các lĩnh vực khác đều tồn tại rất tốt. Có khi, chính công việc đóng phim, làm người dẫn chương trình, tham gia gameshow lại mới chính là nguồn thu để các nghệ sĩ theo đuổi nghề nghiệp, đam mê của mình. Về hưu rồi nhưng tôi vẫn mong muốn làm sao để sân khấu được Nhà nước, cơ quan quản lý nhìn nhận, đánh giá đúng giá trị của nó. Bởi, sân khấu là thánh đường, là nơi nghệ thuật đích thực để thăng hoa chứ không chỉ dừng ở những chương trình nhỏ mang tính giải trí, như các tiết mục nhỏ trong gameshow…".
Nữ nghệ sĩ cũng cho biết, nhìn lại chặng đường đã đi của bản thân mà thương cho lớp nghệ sĩ trẻ. Với chị và có lẽ là với rất nhiều đồng nghiệp cùng thời cũng như rất nhiều nghệ sĩ trẻ hiện nay, sân khấu vẫn là nơi có những giá trị mà người ta cần đến như khi muốn tìm kiếm những món ngon để bồi đắp đời sống tâm hồn. Thực tế, khi đi ra nước ngoài, chị đã từng ngạc nhiên đến ngẩn ngơ khi được đến tham quan một số sân khấu của họ.
Chị ngẩn ngơ khi biết rằng có những sân khấu, khán giả muốn xem phải đợi cả tháng trời mới mua được vé. Ngẩn ngơ vì suất diễn nào của họ cũng chật kín khán phòng trong khi dưới con mắt của những người làm nghề thì các vở diễn này không có gì mới mẻ ghê gớm. Thậm chí, đó chỉ là những vở diễn cũ, đã được biểu diễn từ thế hệ nghệ sĩ này đến thế hệ nghệ sĩ khác. Những khi ấy, nhớ lại thực trạng sân khấu ảm đạm ở quê nhà, chị lại chạnh lòng, thương mình một phần thì thương các nghệ sĩ trẻ mười phần.
Thực ra, để có một NSND Lan Hương như hôm nay, để thực sự sống được bằng nghề, chị phải trải qua một hành trình mà ít người kiên nhẫn theo đuổi nổi. Nói theo cách của chính chị là nó đòi hỏi "một sự kiên nhẫn, sức lao động rất là khó có thể miêu tả được. Các bạn có thể làm việc ngày 8 tiếng, có khi là từ sáng đến chiều thôi nhưng với nghệ sĩ đôi khi là từ sáng đến đêm.
Nghệ sĩ sân khấu lấy chương trình giải trí để trầy trật tồn tại với nghề. |
Có những ngày như dịp Tết, tôi phải chạy 1 lúc 3, 4 đài, thu hết câu chuyện truyền thanh này đến câu chuyện truyền thanh khác, sau đó lại chạy về đài truyền hình, qua trung tâm sản xuất phim, sang một số hãng phim khác lồng tiếng. Những khoảng thời gian cao điểm như thế vẫn phải cố gắng duy trì, vì uy tín, vì công việc, vì thu nhập. Mọi chuyện cơm nước, lo cho gia đình đều nhờ cả vào gia đình.
So với các bạn trẻ hiện nay, mình may mắn hơn vì có gia đình, bố mẹ, có chồng yêu thương, rất hiểu về nghề nghiệp nên không ngại chia sẻ, gánh vác việc nhà. Có đôi khi, cả hai vợ chồng còn phải nhờ nhiều người khác như cô dì chú bác, nhờ họ đón con đi học, chăm nom gia đình thì mới tập trung dồn sức, toàn tâm toàn ý cho công việc".
Bày tỏ sự đồng cảm với các nghệ sĩ sân khấu trẻ, nữ nghệ sĩ cũng nhận định rằng, với phần lớn các bạn trẻ hiện nay, họ khó có thể làm được như chị. Lý do là họ vẫn phải đi ở nhà thuê, không có bố mẹ ở bên cạnh, càng khó tập trung mà bươn chải, "sống chết" với nghề. Đi ra ngoài, nhìn lại sân khấu mà chị và các nghệ sĩ trẻ gắn bó mới thấy sân khấu của mình lạc hậu đến thương.
"Thế kỷ 21 rồi mà sân khấu vẫn là hình hộp, không đóng, không mở, không nâng lên, hạ xuống. Dàn đèn, ánh sáng cũng không còn phù hợp. Chỉ yêu cầu đầu tư cho một cái màn hình led thôi đã là chuyện xa xỉ. Trong khi đó, khoa học công nghệ phát triển liên tục. Những thành tựu đó rất cần thiết cho những người làm sân khấu, vừa hỗ trợ nghệ sĩ về mặt thẩm mĩ, vừa tạo điều thuận lợi cho họ thỏa sức sáng tạo, vẫy vùng trong thế giới của mình. Khán giả đến sân khấu cũng thỏa mãn hơn. Họ mua vé vào rạp không chỉ nghe mà còn nhìn nên càng cần một sân khấu chuẩn, đẹp cả về trang trí lẫn ánh sáng. Không đáp ứng được điều này, khó trách vì sao khán giả thờ ơ".
Phim truyền hình - nơi để nghệ sĩ sân khấu trẻ thể hiện mình. |
Trước NSND Lan Hương, sau một vòng "chu du" học hỏi nước bạn Nhật Bản trở về, NSND Lê Khanh cũng từng tâm sự rất thật là khi đi ra nước ngoài, chia sẻ về mô hình hoạt động của sân khấu công lập Việt Nam, nhiều đồng nghiệp đều bày tỏ sự ngưỡng mộ Việt Nam vì đến tận bây giờ, nghệ sĩ Việt vẫn còn được bao cấp hoạt động nghệ thuật. Nữ nghệ sĩ cũng nhận định rằng nếu còn có nơi để bấu víu, dù chỉ là chiếc phao thôi thì nhiều người sẽ vẫn chưa chịu bơi.
Phải đến khi họ xác định không còn cái phao nào nữa, không bơi sẽ chết đuối thì sẽ phải tìm mọi cách bơi vào bờ. Tất nhiên, cơ chế nào cũng có mặt này hay mặt khác và người nghệ sĩ phải chấp nhận. Như Nhà hát Tuổi trẻ nơi chị làm việc nhiều năm trở lại đây, để nghệ sĩ gắn bó với đơn vị có thu nhập ổn định, tạm sống được bằng nghề, họ phải đánh đổi bằng nhiều thứ, thậm chí không còn thời gian chăm lo chu đáo cho gia đình và luôn cần những hậu phương vững chắc, thấu hiểu và thông cảm.
Không hoàn toàn đồng ý với ý kiến như NSND Lan Hương và NSND Lê Khanh nhưng NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cũng thừa nhận: Không phải đợi đến hôm nay mà tình trạng sân khấu không có khán giả đã được cảnh báo từ rất lâu. Bên cạnh lý do khách quan của xã hội thì một phần rất lớn thuộc về ý chí chủ quan của người quản lý và người làm nghề.
Trong khi thị trường nghệ thuật phát triển ào ạt thì sân khấu vẫn chưa có tác phẩm nói được suy nghĩ của con người hôm nay, vấn đề của xã hội hôm nay. Thậm chí có tác phẩm thì tác phẩm lại không có điều kiện để quảng bá, không có kinh phí để quảng bá. Lâu nay, tác phẩm nghệ thuật vẫn chưa được xác định là sản phẩm hàng hóa và cần phải được tiếp thị một cách chuyên nghiệp. Chúng ta chưa nỗ lực tiếp thị để khán giả cảm nhận được rằng tác phẩm này hay tác phẩm kia hay quá, hấp dẫn quá, cần tìm đến xem.
Từng làm công tác quản lý, cụ thể là Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nên ông biết rất rõ, khâu quảng bá tác phẩm, quảng bá cho sân khấu gần như bỏ ngỏ. Nhà nước chỉ đầu tư sản xuất, không hề có khoản nào dành cho công tác truyền thông. Vì thế, có khi chỉ là một tờ giới thiệu chương trình cũng làm không ra.
NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. |
Cũng theo NSND Lê Tiến Thọ, thực ra không phải các đơn vị sân khấu công lập đều không vận động được kinh phí để dựng vở mới. Quyền quyết định đã được trao cho giám đốc các nhà hát. Lẽ ra họ phải tích cực thực hiện nhưng có những cái phiền phức trong quá trình hoạt động, thậm chí có khi họ vận động tài trợ thêm cho vở diễn lại bị ý kiến này ý kiến khác nghi ngờ họ lấy tiền bỏ túi riêng. Có vận động thêm, họ cũng không được gì, có khi còn bị tai tiếng. Những điều đó làm triệt tiêu sự năng động của nhà quản lý các đơn vị công lập.
Khắc phục bất cập này, nhiều năm trở lại đây Nhà nước đã có nhiều chính sách điều chỉnh. Đặc biệt, với Nghị định 16 của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập được ban hành, các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có các đơn vị sân khấu buộc phải dần dần cổ phần hóa, xã hội hóa.
Tất cả sẽ tự chủ kinh phí và tự chủ hoạt động. Lãnh đạo đơn vị sẽ không còn đều đều nhận mỗi tháng một cục tiền lương, chỉ việc phân phát cho nhân viên như trước mà phải trở thành các ông chủ thực sự. Họ phải tự chủ từ số lượng lao động cho đến chăm chút chất lượng nghệ thuật tác phẩm, quảng bá, phát hành. Cơ chế tự chủ là lợi thế để thúc đẩy sự năng động của từng người, từ lãnh đạo đơn vị đến đội ngũ cán bộ nhân viên.
Tuy nhiên, để sân khấu nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung phát triển thành ngành công nghiệp văn hóa thực thụ thì ngoài cơ chế tự chủ cho các đơn vị, chúng ta phải có hành lang pháp lý hoàn thiện hơn. Đầu tiên và cơ bản nhất là Luật về bảo vệ, phát triển văn hóa. "Phải quy định rõ ràng trách nhiệm với phát triển văn hóa, từ cơ quan chính quyền đến cá nhân phải có trách nhiệm như thế nào với phát triển văn hóa.
Hiện nay chúng ta mới có các nghị quyết, một số văn bản hướng dẫn. Tính pháp lý không cao. Không có Luật sẽ không có điểm tựa cho phát triển văn hóa. Nếu không có điểm tựa, văn hóa nói chung, nghệ thuật sân khấu nói riêng đang rất chơi vơi. Nếu có cơ chế tự chủ mà thiếu Luật, thiếu hành lang pháp lý hoàn thiện và cơ chế hỗ trợ hợp lý, sân khấu khó phát triển như kỳ vọng". - NSND Lê Tiến Thọ khẳng định.