Sân khấu truyền thống lại hấp dẫn người trẻ

Thứ Sáu, 01/11/2019, 09:59
Trong thời buổi sân khấu nhận được ít sự quan tâm của người trẻ thì một tín hiệu đáng mừng là nhiều biên kịch, đạo diễn sân khấu trẻ đang trở lại và mang đến một hơi thở mới cho sân khấu truyền thống.

Đầu tháng 10 vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ công diễn vở "Ngược chiều gió" (đạo diễn: NSƯT Sĩ Tiến, biên kịch: tác giả trẻ Huệ Ninh). Khán phòng của Nhà hát Tuổi trẻ chật chỗ ngồi với rất nhiều cảm xúc khác nhau, từ vui vẻ, tấm tắc và rơi nước mắt bởi tình huống, bi kịch của một gia đình trong đời sống hiện đại, đủ thấy rằng, vở diễn mang lại được sự đồng cảm với hầu hết người xem. 

Điều đáng quan tâm là vở kịch này của một nữ tác giả trẻ sinh năm 1982. Trong thời buổi sân khấu nhận được ít sự quan tâm của người trẻ thì một tín hiệu đáng mừng là nhiều biên kịch, đạo diễn sân khấu trẻ đang trở lại và mang đến một hơi thở mới cho sân khấu truyền thống.

Đau đáu với nghề...

"Ngược chiều gió" là một câu chuyện kể về cô gái 18 tuổi, sẵn sàng từ bỏ mọi giá trị mà cô coi là giả tạo để được sống là chính mình với những hiện thực khắc nghiệt xung quanh, kể cả những người thân yêu nhất. Cô muốn tự lập để sống, làm việc mà không phải theo khuôn khổ của gia đình có bố là một ông giám đốc và mẹ là một nữ tiến sĩ với sự bận bộn công việc thường ngày. 

Từ trong sự bận rộn của cha mẹ là những người có địa vị xã hội và chỉ chăm chắm lo cho cái gọi là vỏ bọc của một gia đình trí thức, cô và người em trai (bị đồng tính) luôn nỗ lực để được sống là chính mình. Cuối cùng, gia đình cô lụn bại, đổ vỡ, người mẹ bị giảm biên chế, người bố đứng trên bờ vực phá sản thì tình cảm gia đình được gắn chặt hơn. Trong mất mát, đau thương, họ lại nỗ lực để bên nhau và dựa vào nhau để tiếp tục cuộc sống và bắt đầu lại.

Tác giả Huệ Ninh.

Mô típ câu chuyện không phải là mới, tuy nhiên, có thể nhận ra điều mới mẻ từ một người biên kịch trẻ là lời thoại hay, phong phú, đời thường, đa dạng khiến khán giả cảm thấy tâm đắc và ấn tượng. Vở kịch không cần quá nhiều nhân vật nhưng có đủ lứa tuổi trong một gia đình viên chức căn bản, một mô hình tương đối phổ biến tại các đô thị lớn. 

Đây là một thuận lợi vì khán giả sẽ được chiêm nghiệm và thấy mình trong đó. Về hình thức thì đây là một vở chính kịch tương đối khốc liệt và bộc lộ nhiều mặt của đời sống xã hội.

Vở kịch của tác giả trẻ Huệ Ninh cũng đề cập đến một vấn đề cấp thiết và đang là vấn nạn trong xã hội hiện đại là giáo dục. Lấy theo ý tưởng của ông Nelson Mandela (cựu Tổng thống Nam Phi) đại ý rằng, để phá hủy bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng đến bom nguyên tử hoặc tên lửa tầm xa. 

Chỉ cần hạ thấp chất lượng giáo dục và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên. Hiện thực này được thể hiện trong vai nữ chính là cô con gái khi cô bé được chứng kiến những “hiện thực” và không chấp nhận, muốn được là mình, cô muốn được tự do làm những việc mình thích và cô tin là đúng vì cô không muốn bị ràng buộc bởi những điều không thuộc về mình. 

Cảnh trong vở "Ngược chiều gió".

Ở chiều ngược lại, bố mẹ cô cũng tin là những việc họ đã và đang làm là đúng nhưng quy chuẩn đó đã bị lạc hậu mất rồi. Vậy cô cần phải làm gì cho những quy chuẩn ấy giúp con người thực hiện được ước mơ của mình mà không phải nói dối, không phải chạy theo những ảo vọng một cách vô nghĩa và đánh mất bản ngã của chính mình như: tiền, bằng cấp, vị trí xã hội... Cô là hình mẫu cho một thế hệ mới, đang lớn lên.

Tác giả Huệ Ninh chia sẻ, chị học Khoa Biên kịch Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và đã viết kịch bản nhóm khá nhiều cho các bộ phim truyền hình. Tuy nhiên, cho đến năm 2016 thì chị mới bắt đầu đến với một kịch bản sân khấu trọn vẹn do Công ty Nghe nhìn Hà Nội đặt hàng, kịch bản "Táo cười đón xuân" (cái này là Táo hài, khác Táo truyền thống của VTV). 

Đơn vị này kết hợp với Nhà hát Tuổi trẻ dàn dựng. Nghệ sĩ Chí Trung và tập thể diễn viên ấn tượng với vở diễn. Sau một thời gian "vắng bóng", chị đã âm thầm viết "Ngược chiều gió". 

Gửi kịch bản cho Nhà hát, các đạo diễn đã mừng rỡ vì đây là một kịch bản phù hợp và đúng với vai trò "nhà hát tuổi trẻ" vì nó đi sâu vào đời sống của giới trẻ. Điều quan trọng hơn, là khi một tác giả trẻ viết về giới trẻ thì gặp được sự đồng cảm của những người trẻ đến rạp. Và có thể thấy, thời gian gần đây, dù không phải là thời kỳ hoàng kim, song các rạp hát, các sân khấu truyền thống thực sự đã thu hút được lượng khán giả mua vé đến rạp để xem biểu diễn.

Nhà biên kịch Huệ Ninh cho biết, thực sự những người được học hành bài bản như chị có một tình yêu sân khấu rất lớn. Mỗi ngày chị đều trăn trở, đau đáu cho việc tìm ra một ý tưởng và một cốt truyện để thể hiện với trang giấy. 

Một trong những tác giả kịch bản chị yêu quý là nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, chị cho biết, trước khi đặt bút thì thường chị sẽ đọc lại hàng loạt kịch bản thành danh như của Lưu Quang Vũ để lấy cảm xúc và tìm ra phương pháp.

NSND Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ, anh là một người nghiêm túc trong công việc và mỗi khi nhận được một kịch bản sân khấu hay, anh thực sự như "vớ được vàng". Kịch bản của Huệ Ninh đã được đánh giá khá cao về mặt chuyên môn cũng như hiệu ứng khán giả. Tác giả có niềm đam mê thực sự.

Đạo diễn Sĩ Tiến cũng khẳng định: "Tôi sướng điên lên khi nhận kịch bản này". Diễn viên chính Quang Ánh, nhân vật chính của kịch thì viết: "Lâu rồi mới được "sống", được "cháy" như vậy...” và nhắn tin cho tác giả: "Anh yêu nhân vật này, anh yêu từng lời thoại của kịch bản"...

Không chỉ riêng tác giả Huệ Ninh mà có nhiều tác giả trẻ yêu sân khấu đang có nhiều dự án và dành thời gian để viết kịch bản sân khấu. Vân Anh, một tác giả trẻ kịch bản phim nhóm và cũng đã thử sức trong lĩnh vực kịch bản sân khấu chia sẻ rằng, cái quan trọng là các nhà hát, các đoàn kịch chịu đón nhận người trẻ, còn niềm đam mê với sân khấu thì lúc nào cũng được nuôi dưỡng. 

Riêng với Huệ Ninh, chị đang bắt tay vào viết những kịch bản mới sau "Ngược chiều gió", bởi chị bảo, mỗi khi kịch bản được dàn dựng, chị thấy hạnh phúc vô bờ bến bởi vì những ý tưởng của chị hòa được vào số đông khán giả. Chị cho biết, đây là một hướng đi mới mà chị nghĩ mình muốn gắn bó.

Đạo diễn trẻ mừng vì những vở kịch... cháy vé

Đợt cao điểm bán vé vở diễn "Nàng Kiều" trung tuần tháng 10 vừa qua (giá 150-200 nghìn đồng/vé), khán giả gọi điện thoại đến phòng vé của Nhà hát Tuổi Trẻ thì... hết vé. Đây quả thật là một tín hiệu vô cùng đáng mừng đối với sân khấu truyền thống.

Đạo diễn trẻ, NSƯT Bùi Như Lai, một trong 4 đạo diễn tham gia dự án về kịch "Nàng Kiều" chia sẻ, xuất phát từ sáng kiến của Viện Goethe Việt Nam trong cách tiếp cận mới về di sản văn hóa “Truyện Kiều”, Nhà hát Tuổi trẻ đã phối hợp cùng Viện Goethe Việt Nam triển khai dự án “Nàng Kiều” gồm nhiều hoạt động phong phú, trong đó hai bên cùng hợp tác dàn dựng và trình diễn các trích đoạn đặc sắc trong tác phẩm “Truyện Kiều” với sự tham gia của các đạo diễn Việt Nam và nước ngoài. 

Đạo diễn trẻ Bùi Như Lai.

Bởi vì "Truyện Kiều” của đại văn hào Nguyễn Du là tác phẩm văn chương lớn của nền văn học Việt Nam. Từ thế kỉ 19, tác phẩm đã được đưa vào giảng dạy tại các cấp học và cho đến nay vẫn được xem như một kho tàng chứa đầy kinh nghiệm sống, đồng thời là nguồn cảm hứng vô tận cho giới mỹ thuật, sân khấu và điện ảnh khai thác thể hiện. Vẻ đẹp ngôn ngữ cùng vô vàn tình huống éo le của cuộc đời, những niềm hi vọng ẩn chứa trong câu chuyện, cuộc giải cứu thần kì và sự phục hồi phẩm giá của Kiều là một phần của di sản văn hóa Việt. 

Dự án hướng đến việc thử nghiệm những góc nhìn mới về thân phận và vai trò của người phụ nữ được thể hiện trong “Truyện Kiều”, đồng thời đi tìm lời giải cho câu hỏi: “Những chất liệu kinh điển nào của tác phẩm có thể đưa lên sân khấu đương đại?”.

Đêm diễn có 4 tiết mục về nàng Kiều do 4 đạo diễn dàn dựng: đạo diễn người Đức Amélie Niermeyer, đạo diễn - NSƯT Bùi Như Lai (Nhà hát Tuổi trẻ), đạo diễn - NSƯT Trần Lực (LucTeam) và NSND Hồng Vân (sân khấu kịch Hồng Vân). 

Mỗi tiết mục kéo dài khoảng 20-25 phút đã thực sự thu hút được khán giả Thủ đô cũng như được đón nhận những lời nhận xét thực sự đầy tâm huyết cho sân khấu kịch nói chung cũng như "Nàng Kiều" nói riêng. Vở diễn tạo được hiệu ứng vì bản thân nó cuốn hút khán giả. Và thực sự, khán giả sẽ không quay lưng lại với sân khấu truyền thống nếu luôn có những vở diễn hấp dẫn như vậy.

Cảnh trong vở "Nàng Kiều".

NSƯT Bùi Như Lai tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh và được tuyển về Nhà hát Tuổi trẻ năm 2001. Ngay sau đó, anh đã giành được giải thưởng Tài năng trẻ sân khấu năm 2003, qua vai chính Vua Edip, trong vở kịch cùng tên. 

Sau đó, Bùi Như Lai theo học Khoa Đạo diễn sân khấu (2005-2009) và bảo vệ luận văn thạc sĩ Nghệ thuật sân khấu (2010-2012). Bùi Như Lai được coi là một trong những người khai phá một loại hình kịch đương đại nhưng lại có nét khác biệt, bởi anh dùng chính những câu chuyện của người trong cuộc để khám phá và đi đến tận cùng vấn đề. Tính tương tác được đề cao làm chất liệu nghệ thuật hết sức chân thực và độc đáo.

Anh được nhận xét “một đạo diễn trẻ muốn truyền đạt sự khát khao được giải phóng khỏi những kìm kẹp, bất công, bạo lực và định kiến xã hội, đối với những người khiếm khuyết, thiệt thòi hay bệnh tật”. Một số tác phẩm nổi bật: Kịch hình thể “Stereo Man và nơi đến của những mảnh đời”, “Stereo man và hành trình cảm xúc”; kịch tương tác “Đừng đợi đến ngày mai”; kịch đương đại “Được là chính mình”...

Trong một lần gần nhất đến rạp xem kịch, tôi hỏi một khán giả trẻ đã mua vé vào rạp, cô đã chia sẻ rằng, cô từng đi xem kịch và có vở khiến cô rất chán, rất bi quan về sân khấu truyền thống nước nhà nhưng vì đam mê, cô vẫn thường mua vé đến xem và khi gặp được một vở kịch hay thì cảm giác mình đang được sống trong không khí thực sự tuyệt vời. 

Riêng với những nhà biên kịch, đạo diễn trẻ thì đây có thể gọi là một sự động viên vô cùng to lớn đối với họ. Nói như tác giả Huệ Ninh, những vở chính kịch của Lưu Quang Vũ hoăc các vở hài kịch... đâu đó khán giả vẫn đông nghìn nghịt, thì chị không có lý do gì không nuôi khát vọng của một người viết về những kịch bản mà chị thấy tâm đắc. 

Nếu mình đã mê mẩn, đã "cháy", đã "sống" thực sự với nó thì chắc chắn sẽ có hiệu quả cảm xúc cho khán giả. 

Bởi vì ngoài nghề nghiệp, niềm đam mê thì cái cảm giác kỳ lạ tuyệt vời để những người trẻ vẫn luôn muốn cống hiến là trong khán phòng họ được cảm nhận cảm xúc của khán giả, đôi khi là sự cuốn hút, cái rúc rích cười, rồi im phăng phắc theo dõi hay lặng đi xúc động và có những phản hồi tốt... thì đó là tất cả ý nghĩa mà những người làm nghề khao khát...

Thiên Kim
.
.