Sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” và tham vọng của Mỹ

Thứ Năm, 09/08/2018, 14:59
Trong bối cảnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” ở khu vực, Mỹ cũng vừa tuyên bố về sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” với tham vọng vừa củng cố chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của mình ở khía canh kinh tế vừa gia tăng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này.

Ngày 30-7 vừa qua, phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Ấn Độ - Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đưa ra tuyên bố về sáng kiến mang tên “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”, cam kết đầu tư 113 triệu USD để hỗ trợ các sáng kiến trong nền kinh tế kỹ thuật số, năng lượng và cơ sở hạ tầng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương và tăng cường hỗ trợ tài chính cho các nước trong khu vực.

Theo sáng kiến này, trước mắt Mỹ sẽ đầu tư 25 triệu USD để cải thiện khả năng kết nối kỹ thuật số ở các nước đối tác và mở rộng cơ hội xuất khẩu công nghệ của Mỹ, trong năm nay Mỹ sẽ dành 50 triệu USD để hỗ trợ các đối tác Ấn Độ - Thái Bình Dương nhập khẩu, sản xuất, di chuyển, lưu trữ và triển khai các nguồn năng lượng của họ. Đồng thời, Mỹ cũng sẽ khởi động một mạng lưới để phát triển cơ sở hạ tầng ở các đối tác trong khu vực.

Ngoài ra, một sáng kiến mới với số tiền 30 triệu USD đang được lên  kế hoạch để cung cấp cho các đối tác sự hỗ trợ kỹ thuật cũng như tiếp cận các dịch vụ tư vấn pháp lý và tài chính tư nhân.

Ngoài 113 triệu USD đầu tư trực tiếp từ Chính phủ Mỹ, sáng kiến mới của Washington sẽ tăng gấp đôi mức chi tiêu toàn cầu cho sự phát triển của các công ty tài chính, đạt khoảng 60 tỷ USD. Số tiền này có thể được sử dụng để cung cấp vốn vay cho dự án nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân.

Bề ngoài, Washington muốn thông qua sáng kiến của mình để định hình khía cạnh kinh tế trong chiến lược “Ấn Độ - Thái Bình Dương” - một chiến lược nhằm khẳng định vai trò của Mỹ là một đối tác đáng tin cậy trong khu vực cũng như muốn một khu vực châu Á “tự do và cởi mở”, không bị thống trị bởi bất kỳ quốc gia nào.

Thế nhưng, cũng không loại trừ khả năng Mỹ thúc đẩy cho ra đời sớm sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” nhằm lấp đầy khoảng trống đã xuất hiện sau khi Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, sáng kiến mới đây của Mỹ cũng chứa đựng nhiều thông điệp trong đó. Một mặt, Mỹ muốn xua tan những lo ngại của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về ý định chiến lược của Washington khi nhấn mạnh nguyên tắc giữ gìn trật tự, việc bảo vệ các giá trị đạo đức được tuyên bố là ưu tiên cao nhất. Trên thực tế, các nước trong khu vực lo ngại rằng, một số cường quốc đang tăng trưởng nhanh có thể làm suy yếu trật tự hiện tại để đẩy Mỹ khỏi khu vực.

Mặt khác, theo các phân tích, sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” là lời cảnh báo nhằm vào Trung Quốc, là khởi đầu cho sự cạnh tranh của Washington với sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) của Bắc Kinh.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Theo giới quan sát, sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ chưa thấm thía gì khi so sánh với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc cả về nội dung và quy mô. Ông James Crabtree, phó giáo sư tại Đại học Quốc gia Singapore cho rằng “Vành đai và Con đường” bao gồm nhiều dự án đầu tư trị giá hàng tỷ USD trong khi “lời hồi đáp” của Mỹ xem ra rất yếu ớt khi chỉ dừng ở mức 113 triệu USD. Rõ ràng, Mỹ không thể chơi nổi trò chơi tiền bạc với Trung Quốc và sáng kiến về định hình kinh tế ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương sẽ khó mà khiến Trung Quốc lo ngại.

Sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ được đưa ra trong thời điểm được coi là chín muồi khi mà sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc đang chịu nhiều chỉ trích với những vụ bê bối tham nhũng, quan ngại về tài chính không minh bạch, sự chậm trễ và vấn đề liên quan đến các khoản vay của Bắc Kinh cho các đối tác.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo tại châu Á cũng không mong Mỹ rút khỏi khu vực và hy vọng Mỹ sẽ hành động như một đối trọng cân bằng với sự trỗi dậy không thể tránh khỏi của Trung Quốc.

Mặc dù có những lợi thế về thời điểm khi Mỹ đưa ra sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương”, song kế hoạch cụ thể của sáng kiến này đang là một dấu hỏi. Ấn Độ, một “đỉnh” của “tứ giác kim cương”, sự hợp tác được trông đợi sẽ chống đỡ cho “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”, được nhắc đến rất ít.

Vai trò, vị trí của các đối tác của Mỹ trong “tứ giác kim cương” gồm Nhật Bản, Australia và Ấn Độ chưa được làm rõ trong sáng kiến và nhiều người vẫn hoài nghi về thực chất sự hợp tác này sẽ diễn ra như thế nào.

Các chuyên gia về quan hệ quốc tế nhận định, sáng kiến “Tầm nhìn Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương” của Mỹ khó lòng đạt kết quả tốt nếu cứ triển khai theo như nội dung mà Mỹ đã tuyên bố và đưa ra gợi ý về cách tiếp cận theo hướng mềm mỏng hơn cho Washington.

Theo phó giáo sư James Crabtree, Mỹ có thể tăng cường ảnh hưởng bằng những cách tiếp cận mềm mỏng hơn thông qua sức mạnh kinh tế và văn hóa của họ, bên cạnh tranh thủ sự ủng hộ từ mạng lưới đồng minh trong khu vực.

Có thể thấy rằng, dù Mỹ có muốn hay không, sáng kiến của họ cũng không thể sánh được với Trung Quốc. Một “Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở” sẽ phải trở nên thực chất hơn rất nhiều nếu Washington muốn thách thức sự bành trướng của Bắc Kinh và củng cố vị thế siêu cường thống lĩnh tại châu Á.

Kông Anh
.
.