Sáng tạo để đưa sân khấu đến với khán giả
- Xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật trên sân khấu: Nỗ lực đổi mới để "hút" khán giả
- Cần đầu tư nhiều hơn cho… khán giả sân khấu
- Sân khấu nhạc kịch "nóng" trở lại
Năm 2020 đánh dấu một năm chưa từng có đối với lịch sử sân khấu, nghệ thuật. Gần nửa đầu năm trôi qua không có chương trình biểu diễn nghệ thuật, sân khấu nào được tổ chức bởi lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Trong bối cảnh nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống và hàn lâm đã và đang khó khăn trong tiếp cận, thu hút khán giả thì dịch bệnh được xem như giọt nước tràn ly, càng đẩy sân khấu nghệ thuật vào thế khó. Nhưng, quả là cái “khó ló cái khôn”, nhiều sáng tạo độc đáo, chưa từng có của nghệ thuật hàn lâm, nghệ thuật truyền thống đã đưa sân khấu trở lại với những đêm diễn chật kín khán giả.
Cú hích khởi động sân khấu, nghệ thuật sau dịch
Còn nhớ, ngay sau thời gian giãn cách xã hội bởi làn sóng COVID-19 lần thứ nhất, ngay cuối tháng 4, đầu tháng 5, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có chiến dịch gỡ khó cho các nhà hát. Thời điểm ấy, sau nhiều tháng đóng cửa, hầu hết các nhà hát đều rất khó khăn. Nhiều nhà hát cho biết, không có nguồn thu nên không có kinh phí để chi trả lương cho các hợp đồng lao động.
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Hồ Thiên Nga” do Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dàn dựng. |
Các nghệ sĩ, diễn viên chấp nhận việc giảm lương. Ví dụ như Nhà hát Nghệ thuật đương đại, Ban Giám đốc tình nguyện không nhận lương và chỉ duy trì được cho nhân viên nhận 30% lương tháng so với trước đó. Là một nhà hát được đánh giá là “ăn nên làm ra”, lại có vị trí ngay trung tâm Thủ đô nhưng lãnh đạo Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam cho biết, nếu tiếp tục đóng cửa, Nhà hát sẽ không trụ nổi vì không thể chi trả cho 147 nghệ sĩ với đủ các khoản bảo hiểm xã hội, lương, thuế thu nhập...
Các nhà hát truyền thống như Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam thì đứng trước lo lắng không giữ nổi nghệ sĩ trẻ vì thu nhập quá thấp nếu tình hình không chuyển biến.
Thời điểm đó, các nhà hát đều bày tỏ, ngay cả khi xã hội hết cách ly, dịch bệnh chấm dứt thì cũng phải mất một khoảng thời gian rất dài mới có thể kéo khán giả trở lại thói quen vào xem trực tiếp tại rạp. Các đơn vị sân khấu phục vụ cho thiếu nhi sẽ càng khó khăn hơn khi mà lịch học bù, thi cử của học sinh sẽ khiến phụ huynh không còn tâm trí để cho con em đi xem giải trí nghệ thuật nữa... Ảnh hưởng của dịch COVID-19 sẽ khiến ngành nghệ thuật biểu diễn thất thu hết cả năm 2020 theo dự đoán của một số lãnh đạo nhà hát.
Tuy nhiên, trong khó khăn của mùa dịch COVID-19 cũng là cơ hội để các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sĩ có một “khoảng lặng” cần thiết để nhìn lại chính mình. Tháng 5-2020, giảm bớt giãn cách xã hội, nhiều hoạt động đã trở lại bình thường nhưng với nghệ thuật biểu diễn thì đây là lúc cần phải có sự thay đổi tư duy về làm nghệ thuật, theo đó mới kỳ vọng đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của khán giả.
Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có một chiến dịch hỗ trợ các nhà hát đỏ đèn với việc cho phép các nhà hát trung ương đưa các tác phẩm tiêu biểu nhất biểu diễn tại Nhà hát Lớn. “Nếu cứ dựng và diễn theo lối mòn thì xin đừng kêu ca là vì sao khán giả không tới rạp, nhà hát. Các đơn vị nghệ thuật của Bộ phải là những đơn vị nghệ thuật đi đầu trong việc thay đổi tư duy để làm nên những tác phẩm hay, có chất lượng và chạm được tới trái tim khán giả. Để đạt được như vậy thì cần phải đầu tư, nâng cấp ngay từ khâu kịch bản, dàn dựng, thiết kế sân khấu sao cho đẹp hơn, hấp dẫn và hiện đại hơn" - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện lưu ý.
Những sáng tạo được ghi nhận
Ngay sau đó, các đơn vị nghệ thuật trực đã bắt tay ngay vào tổ chức biểu diễn bằng những tác phẩm chất lượng, hấp dẫn, nhằm tạo lập thói quen quay trở lại sân khấu thưởng thức nghệ thuật của khán giả. Trong đó, "Anh cả đỏ" - Nhà hát Kịch Việt Nam là đơn vị mở đầu với tác phẩm “Bệnh sĩ” của cố tác giả Lưu Quang Vũ. Vở diễn từng đạt kỷ lục 300 suất diễn trong và ngoài nước, nhận được nhiều phản hồi tích cực của công chúng. Và quả là tình yêu của khán giả đối với Lưu Quang Vũ chưa bao giờ vơi cạn. Ngay sau đó, 2 đêm diễn “Bệnh sĩ”, khán phòng Nhà hát Lớn chật kín khán giả. Đặc biệt, NSƯT Xuân Bắc cho biết, tất cả đều là vé bán, không có suất biếu, tặng.
Cảnh trong vở nhạc kịch “Những người khốn khổ”. |
Sau Nhà hát Kịch Việt Nam, đồng loạt các đơn vị nghệ thuật cũng lên lịch trở lại phục vụ khán giả. Có thể kể đến Liên đoàn Xiếc Việt Nam với chương trình "Sự trở lại của cướp biển 2020" vào dịp Quốc tế Thiếu nhi. Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến công chúng vở "Thân phận nàng Kiều"; Nhà hát Cải lương Việt Nam diễn vở "Chuyện tình Khau Vai" vào ngày 11-7; Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam diễn vở "Hồ thiên nga"...
Nhưng, ấn tượng nhất có lẽ là 4 đêm diễn của vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam (VNOB). Sau "Hồ thiên nga" năm 2019, đây là vở nhạc kịch kinh điển được VNOB dàn dựng và tiếp tục ghi dấu ấn với 4 đêm cháy vé và khán giả phải đặt vé trước cả tháng trời.
Kết thúc đêm công diễn, những tràng pháo tay nổi lên khắp 3 tầng khán đài Nhà Hát Lớn. Hầu hết khán giả đều cảm thấy hài lòng và choáng ngợp với những gì vừa được chứng kiến. "Quá tuyệt vời. Bọn em đã chờ đợi đêm diễn này lâu lắm rồi. Đặt vé từ cách đây 1 tháng và đã đi từ Hạ Long lên đây chỉ để xem vở nhạc kịch này" - một nữ khán giả trẻ không giấu được cảm xúc.
Có thể nói, thành công lớn nhất của “Những người khốn khổ” phiên bản Việt Nam là phần âm nhạc do hơn 50 nhạc công VNOB trình diễn dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Đồng Quang Vinh. Những bản nhạc kinh điển như “Look down”, "Do You Hear The People Sing?" hay "One Day More", "I Dreamed A Dream"... được trình diễn với sự chính xác tuyệt đối. Với nền tảng là những nhạc cụ bộ dây, bộ hơi, bộ gõ, thỉnh thoảng điểm xuyết chút âm thanh của accordion, đàn hạc... vở nhạc kịch đã đem lại cảm xúc thăng hoa cho người nghe.
“Chúng tôi đã tập vở này 6 tháng trời. Từ chép những nốt nhạc đầu tiên, phân phổ, tổng phổ đến bè bối, nhân lực vật lực của Việt Nam không thể đáp ứng được. Nhưng, tôi nghĩ vở diễn ra mắt lúc này có điểm rơi tuyệt vời. Trong bối cảnh dịch COVID-19, những giá trị nhân văn, thấu hiểu, sẻ chia sẽ dễ tìm được sự đồng cảm từ khán giả” - NSƯT Trần Ly Ly, Giám đốc VNOB, tổng đạo diễn vở nhạc kịch "Những người khốn khổ" chia sẻ.
Một vở diễn cũng để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả sau thời gian trầm lắng của sân khấu hậu COVID-19 là chương trình kết hợp giữa nghệ thuật cải lương với xiếc: “Cây gậy thần”. Đây là một sự kết hợp khá đặc biệt bởi vốn dĩ, hai loại hình nghệ thuật là cải lương và xiếc gần như chẳng có gì liên quan đến nhau. Nếu cải lương thì nặng yếu tố ủy mị, tiết tấu chậm, thì xiếc thì lại mang tiết tấu nhanh, trực diện, đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác về kỹ thuật hình thể đến tuyệt đối.
Nhưng, đáng ngạc nhiên, sự kết hợp giữa hai loại hình sân khấu trong “Cây gậy thần” đã phát huy được ưu thế nổi trội của từng loại hình và được xem là xu hướng dàn dựng hiện đại rất đáng khích lệ. Vẫn tiết mục dây lụa của xiếc nhưng đứng riêng lẻ thì hiệu quả không thể tuyệt vời khi đưa vào nội dung và có sự kết hợp của cải lương. Sẽ dễ dàng cảm nhận sự thành công khi chứng kiến những tràng pháo tay vang dội từ người xem cho những khoảnh khắc kết hợp đầy thăng hoa trong nghệ thuật khi hai cặp nghệ sĩ cải lương và xiếc cùng hình tượng Chử Đồng Tử - Tiên Dung và thực hiện động tác đu dây lụa".
Giải mã thành công
Trong xã hội phát triển, khán giả có nhiều lựa chọn về hình thức giải trí, thưởng thức nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh, hơn lúc nào hết, sân khấu phải đối mặt với việc vắng khán giả. Đổi mới, hấp dẫn để kéo khán giả đến rạp là nhiệm vụ sống còn của bất kỳ loại hình nghệ thuật nào.
Thật mừng là các nghệ sĩ đã nhanh chóng nắm bắt được điều đó, sáng tạo, đổi mới để hấp dẫn khán giả.
NSƯT Trần Ly Ly - Giám đốc VNOB chia sẻ: “Đối với nghệ thuật hàn lâm, để thú hút khán giả, chúng tôi buộc phải sáng tạo. Hiện nay sáng tạo là làm ra những sản phẩm thu hút được khán giả nhưng vẫn giữ được nét kinh điển của nghệ thuật hàn lâm. Nếu khán giả chưa đến với mình, thì mình chủ động đến với khán giả. Làm sao phải tiếp cận dần nhưng không biến chất về nghệ thuật”.
Để làm được điều này, NSƯT Trần Ly Ly cho biết: “Chúng tôi biến một tác phẩm kinh điển thành những phần nhỏ. Vẫn là aria, vẫn là ballet của vở này nhưng chỉ một chút thôi, đủ để người ta hiểu được một phần của nghệ thuật, chứ không kéo dài cả vở khiến khán giả bị quá tải và nhàm chán. Cũng như đọc một cuốn sách khó vào và rất dài thì mỗi hôm chỉ đọc được 10 trang, 20 trang, hôm sau lại tiếp tục chứ không thể đọc từ đầu đến cuối. Điều này sẽ tạo nên thói quen và sự tò mò trong thưởng thức của họ. Từ đó nghiên cứu thêm cách đưa ra sản phẩm mới, phù hợp với thị hiếu đám đông”.
Còn NSND Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam thì cho biết: “Mục đích tối cao của mỗi vở diễn là có chất lượng và tính giải trí cao, hấp dẫn, lôi kéo được khán giả đến rạp. Đây là nỗi niềm của rất nhiều nhà hát khi khán giả đang thờ ơ với sân khấu. Bởi vậy, chúng tôi buộc phải đổi mới với việc kết hợp giữa cải lương và xiếc. Và thật may mắn, bằng chủ quan khi khán giả đến xem kín rạp trong nhiều xuất diễn vừa qua và phản ứng của khán giả sau mỗi đêm diễn thì hình như tác phẩm đã chinh phục họ và chúng tôi có thêm niềm tin để sáng tạo, đổi mới, hấp dẫn khán giả hơn nữa”.
Nhận định về sự đổi mới của sân khấu để thu hút khán giả, NSND Lưu Phúc cho rằng, đó là việc sống còn. Ông lý giải: “Sân khấu truyền thống Việt Nam vốn có tính ước lệ, trong khi đời sống hiện nay, con người muốn tiếp nhận trực diện, hiện thực. Bởi vậy, cần tăng hiệu quả cho sân khấu, khiến khán giả dễ tiếp nhận khi được xem trực diện, tạo nên một sân khấu có tính hiện thực cao. Đây cũng là xu hướng của sân khấu thế giới khi tạo cảm giác mạnh bằng các hiệu quả dàn dựng mang tính hiện thực. Các nghệ sĩ Việt Nam đã bước đầu bắt nhịp của những người làm nghệ thuật sân khấu hiện đại khi đi tìm những hình thức mới mẻ, đa dạng cho sân khấu, làm thay đổi lối dàn dựng nghèo nàn quen thuộc của nghệ thuật lâu nay”.
Trong bối cảnh giao lưu và hội nhập mạnh mẽ, rõ ràng, nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam cần có những sáng tạo, những người tiên phong xây dựng những chương trình chất lượng, có tính đương đại nhưng vẫn giữ được đặc trưng bản sắc của từng loại hình nghệ thuật.