Siêu mẫu Ngọc Thúy khởi kiện mẹ ruột: Lỗi đạo làm con

Thứ Ba, 07/10/2014, 14:40

Tôi hoàn toàn không có ý định can thiệp hay phân tích về nội dung vụ kiện của người phụ nữ có tên Phạm Thị Ngọc Thúy (Sinh năm 1980, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) thường được dư luận biết đến với danh xưng siêu mẫu Ngọc Thúy, đối với bà Trương Thị Bê (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM). Vốn dĩ, hộ khẩu thường trú của cô siêu mẫu Ngọc Thúy và bà Trương Thị Bê cùng địa chỉ đăng ký, bởi đơn giản bà Bê là mẹ ruột của siêu mẫu này.

Tất nhiên, nhắc đến siêu mẫu Ngọc Thúy người ta lập tức nhớ đến vụ tranh nhau khối tài sản vài trăm tỉ của cô và chồng cũ.

Và lần kiện mẹ này của cô, cũng không nằm ngoài chuyện tranh chấp tài sản.

1. Theo khởi kiện của siêu mẫu Ngọc Thúy thì trong thời gian 2 năm từ năm 2007 đến năm 2009, cô có mua của Công ty CP Rạng Đông 5 căn biệt thự thuộc Khu Sea View nằm tại sân golf Sea Link (Phan Thiết, Bình Thuận). Việc thanh toán tiền mua các căn biệt thự này là do cô trực tiếp thực hiện với tổng số tiền hơn 17,5 tỉ đồng.

Do thường xuyên lưu trú ở hai quốc gia khác nhau là Mỹ và Việt Nam, nên Ngọc Thúy đã nhờ mẹ ruột là bà Trương Thị Bê đứng tên tài sản nhằm thuận tiện cho việc quản lý. Và bà Bê đã đồng ý. Việc đứng tên giúp Ngọc Thúy khối tài sản này đã được xác tín bằng các chứng cứ pháp lý. Trong vụ kiện tranh chấp tài sản giữa Ngọc Thúy và chồng cũ là ông Nguyễn Đức An, bà Bê đã thừa nhận hoàn toàn việc đứng tên để giữ tài sản giúp con bà là cô Phạm Thị Ngọc Thúy.

Siêu mẫu Ngọc Thúy.

Tháng 9/2012, Ngọc Thúy yêu cầu bà Trương Thị Bê sang tên lại cho cô khối tài sản này thì bà Bê từ chối với lý do "đã khai báo khối tài sản này trong vụ việc tranh chấp giữa Ngọc Thúy và ông Nguyễn Đức An. Bà chỉ thực hiện quyền trao trả tài sản theo phán quyết cuối cùng của Tòa án".

Tháng 12/2013, ông Nguyễn Đức An có đơn gửi Tòa án nhân dân (TAND) TP HCM để xin rút lại khối tài sản trên ra khỏi danh mục tài sản tranh chấp với cô vợ cũ là siêu mẫu Ngọc Thúy. Lý do ông An đưa ra để rút khối tài sản này ra khỏi vụ tranh chấp là "nhận thấy việc đưa các tài sản trên vào danh mục tranh chấp là không cần thiết".

Thế nhưng, theo Ngọc Thúy thì từ tháng 1 cho đến tháng 5/2014, có nhiều dấu hiệu cho thấy bà Bê sẽ chuyển 5 căn biệt thự này lại cho ông Nguyễn Đức An hoặc bên thứ 3. Ngọc Thúy cho rằng, việc làm của bà Bê gây tổn thất quyền lợi cho cô, nên cô quyết định kiện bà Bê ra tòa để đảm bảo quyền lợi của mình không bị xâm phạm.

Theo đó, siêu mẫu Ngọc Thúy yêu cầu tòa buộc bà Bê phải trả lại cho cô 5 căn biệt thự này. TAND TP HCM đã có văn bản trả lời đồng ý tiếp nhận đơn của Ngọc Thúy. Phía luật sư của cô cũng cho biết, cô đã đóng án phí và thực hiện các thủ tục pháp lý  cần thiết để đảm bảo quyền lợi của cô tại tòa.

Căn nguyên của vụ việc đưa mẹ ruột ra tòa này bắt nguồn từ việc tranh chấp khối tài sản với chồng cũ của Ngọc Thúy. Thế nên, tôi cần phải trích dẫn một vài chi tiết để bạn đọc dễ hình dung.

Siêu mẫu Ngọc Thúy cùng chồng và các con ở thời điểm hiện tại.

Năm 2006, Ngọc Thúy sang Mỹ cùng một siêu mẫu khác để chụp ảnh cho cuốn tạp chí của hàng không. Nhiều tuần sau, Thúy gọi điện thoại về Việt Nam thông báo cho bà Bê: "Mẹ ơi, con lấy chồng rồi. Có gì cuối năm con đưa ảnh về ra mắt ba mẹ". Cuối năm 2006, Ngọc Thúy và ông Nguyễn Đức An về Việt Nam tổ chức lễ cưới.

Giữa năm 2007, Ngọc Thúy sinh cho ông An cô con gái đầu lòng. Lúc này, đời sống vợ chồng của họ đã cơm không lành canh không ngọt. Cuối cùng, họ quyết định ly dị. Tuy nhiên, vào năm 2008, Ngọc Thúy lại tiếp tục sinh cho ông An con cô con gái thứ hai.

Nghĩa là, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn làm vợ ông Nguyễn Đức An, siêu mẫu Ngọc Thúy phút chốc trở thành triệu phú với khối tài sản có giá trị tính bằng triệu USD từ Việt Nam cho đến Mỹ. Cuối năm 2006 cưới, cuối năm 2007 ly dị. Tính ra, khoản "tình phí" mà ông Nguyễn Đức An phải chi trả cho cuộc hôn nhân này là siêu đắt đỏ.

Tuy nhiên, đó là chuyện riêng của họ...

Trong cuộc tranh chấp với ông Nguyễn Đức An, ban đầu gia đình của siêu mẫu Ngọc Thúy đều đứng về phía cô. Thế nhưng, sau đó họ lại quay ngược lại để phản ứng về cách sống của cô trên truyền thông (Chuyên đề ANTG đã có loạt bài  "Gia đình siêu mẫu Ngọc Thúy lên tiếng về con gái" nói về chuyện này). Và có vẻ như, họ đã ngả hẳn về phía ông Nguyễn Đức An, vì lý do mà theo họ thì "nhằm đảm bảo cho hai cô cháu gái của họ một cuộc sống vật chất đầy đủ về sau".

Chính từ đây, giữa họ và Ngọc Thúy có một khoảng cách sâu như vực thẳm không gì có thể hàn gắn được.

Trước khi quyết định đưa mẹ ruột ra Tòa, siêu mẫu Ngọc Thúy cũng liên tiếp "tấn công" mẹ ruột của cô trên facebook cá nhân. Gần đây nhất là tâm thư gửi mẹ của cô, một vài tờ báo mạng dẫn lại với cái tít "Ngọc Thúy viết tâm thư xót xa cho mẹ ruột đã “giết hại” mình", trong đó có đoạn: “Nếu như mẹ không nhìn thấy rõ tính nghiêm trọng của những hành động mẹ đang làm, thì con xin nhắc mẹ rằng hãy tránh xa những bạn bè, nhân viên, người giúp đỡ con. Xin hãy giữ tự trọng, tính quân tử trong chính "cuộc thánh chiến" mà mẹ đã tạo ra và đang cố chứng minh với dư luận rằng mẹ giết con là vì chính nghĩa. Chính nghĩa thì không nên đi kèm với chiêu trò. Cũng chính vì điều đó mà con viết thư này để ngăn chặn những thông tin sai lệch có thể được dàn dựng với dư luận sắp tới đây”.

Đơn khởi kiện mẹ ruột của siêu mẫu Ngọc Thúy.

Cô cũng đã từng mắng mẹ ruột đối xử với cô tàn nhẫn trong một bài trả lời phỏng vấn: "…Mẹ là người tôi yêu thương nhất, tin tưởng nhất hơn ai hết trong cuộc đời này. Cuộc sống có còn ý nghĩa gì khi bị chính người sinh thành ra mình "hủy diệt"!!! Tôi đã cảm thấy bản thân trở nên vô nghĩa, không đáng sống trên đời này. Dù rằng, những bài báo vô lương tâm ấy tôi đã đoán được nó sẽ xuất hiện từ trước đó một năm. Đã biết trước, đã chuẩn bị tinh thần cho điều tồi tệ, ấy vậy mà tôi vẫn điên loạn và đau đến quặn lòng khi nó xảy ra. Tôi nhận được tin của bạn mình báo khi đang ngồi với một cô bạn hàn huyên. Một cảm giác lạnh người, toàn thân run rẩy khi nhìn thấy cái tựa đề bài báo. Tôi bật khóc và ngã quị vì nỗi đau quá lớn, quá sức tưởng tượng và quá tàn nhẫn với một đứa con gái đã hy sinh cả quãng đời thanh xuân vì gia đình mình”.

2. Tôi đọc một vài tài liệu cũ, thấy có đoạn này hay hay, xin trích dẫn hầu bạn đọc: "Trong lịch sử, từ thời Lê Sơ, đạo hiếu được quy định rõ trong Bộ luật Hồng Đức nổi tiếng. Bộ luật này phân định rõ ràng những hành vi được coi là tội ác gồm có 10 loại, gọi là "Thập ác". Điều 7 trong Thập ác quy định về tội bất hiếu: "Bất hiếu là các tội tố cáo hoặc dùng lời lẽ để chửi mắng, bỏ đói, bỏ rét ông bà, cha mẹ, hoặc khi có tang ông bà cha mẹ lại không để tang mà nhởn nhơ vui chơi".

Tôi không nghĩ rằng, đến một lúc nào đó những cá nhân vốn dĩ đã từng có danh vọng lại đưa mẹ ruột của mình ra tòa một cách đầy cương quyết như vậy. Đọc đơn khởi kiện của Ngọc Thúy, với những cụm từ như "bà Trương Thị Bê, bà Bê" mới thấy sự rờn rợn của huyết thống đang bị lạnh dần bởi hiện kim.

Trong buổi trao đổi cách đây khá lâu, bà Trương Thị Bê có kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm với cô con gái của bà, tức siêu mẫu Ngọc Thúy. "Ngay từ năm Thúy 18 tuổi và có ý định trở thành người mẫu, bà đã lo lắng rất nhiều. Bằng linh cảm của một người mẹ, bà biết thế giới xa lạ ấy không dành cho cô con gái duy nhất của gia đình. Nhưng, lo lắng là một chuyện còn chiều theo ý con lại là chuyện khác. Mà vốn dĩ, bà làm nghề thợ may cứ ở trong nhà suốt, hai mẹ con thủ thỉ với nhau mãi nên Thúy muốn gì bà cũng xiêu lòng.

"Thúy nó đòi đi thi người mẫu, tui lấy tiền dành dụm mua cho nó bộ áo đầm đi thi cho có với người ta. Còn phần thi áo dài thì lấy áo dài hồi phổ thông mặc vào là được. Tui nhớ hoài cái thuở mình đạp xe đạp chở Thúy đi giao đồ cho khách đặt may. Tuy có khó nhọc một chút, mà bình yên ghê lắm chú", bà Bê vừa kể vừa khóc".

Làm sao người ta có thể đưa mẹ của mình ra tòa vì lý do gì đó mà theo người ta là để "bảo đảm quyền lợi không bị xâm phạm". Trước đây, tôi có làm một vài vụ việc liên quan đến ngược đãi cha mẹ hay kiện cha mẹ ra tòa để tranh đất, để tranh quyền sở hữu nhà. Tận mắt chứng kiến cái bản mặt của một vài cá nhân đó, tôi vẫn không tài nào hiểu nổi vì sao loại con cái hỗn láo, bất hiếu, vô đạo ấy vẫn có thể sống được trên cõi đời này. Còn đâu là thiên đạo nữa(!).

Tôi hiểu cảm giác của Ngọc Thúy khi thấy cả gia đình mình đứng về phía người chồng cũ. Thế nhưng, tiên trách kỷ hậu trách nhân. Tôi vẫn không tin chuyện bà Bê đứng về phía ông An chỉ vì tiền. Bởi nếu cần tiền, Ngọc Thúy có thể cho bà nhiều hơn, và đơn giản hơn nếu bà đứng về phía cô ấy.

3. "Con cái không xét cha mẹ", bởi nếu không có cha mẹ, làm sao chúng ta có mặt trên cõi đời này. Ơn cha mẹ trọn kiếp trả không cạn, thì làm sao có chuyện xét nét cha mẹ thế này hay thế khác. Tất nhiên, chuyện không có lửa thì làm sao có khói. Ngay cả chuyện mẹ và con gái tố nhau chan chát trên truyền thông vốn dĩ là chuyện chẳng hay ho gì rồi. Thế nhưng, phận làm con thì không có quyền hỗn hào với mẹ cha theo kiểu vô cùng vô trí vô tri là lôi cha mẹ ra tòa.

Như trong câu chuyện chiếc xe gỗ vậy. Một người đàn ông quyết định đóng xe gỗ để chở mẹ quẳng vào rừng do bả bị lú lẫn. Đi cùng người đàn ông này trên hành trình đưa mẹ vào rừng chính là cậu con trai nhỏ. Sau khi đẩy mẹ vào sâu trong rừng, để chắc chắn rằng bà không thể tìm được đường trở lại nhà người đàn ông cùng con trai bỏ đi. Bất chợt, cậu con trai nói: "Bố nhớ mang cái xe gỗ về cho con". "Chi vậy?", người đàn ông ngạc nhiên. "Để sau này bố già, con khỏi mất công đóng xe gỗ để đưa bố vào rừng"...

Vậy thôi, nhân quả là điều tưởng không có thực nhưng chắc chắn rằng, nhân quả luôn hiện hữu chỉ là sớm hay muộn mà thôi

Ngô Nguyệt Hữu
.
.