Sở Y tế Hà Nội nói gì về những tố cáo sai phạm ở BV Thanh Nhàn?
Sau khi Chuyên đề ANTG đăng bài “Xung quanh những tố cáo sai phạm ở Bệnh viện Thanh Nhàn: Lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội “câu giờ” với báo chí?”, ngày 15/10 vừa qua, ông Nguyễn Văn Yên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội đã có cuộc làm việc với chúng tôi để trình bày một số nội dung xung quanh vụ việc này.
Như chúng tôi đã phản ánh, ngày 26/4/2012, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn ký Quyết định số 511/QĐ-BVTN "về việc điều chỉnh giá thu và phân phối nguồn thu một số dịch vụ theo yêu cầu tại Bệnh viện Thanh Nhàn".
Trong quyết định này, ngoài những quy định về tỷ lệ ăn chia từ tiền thu của những bệnh nhân sử dụng các kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng cho bác sĩ khám, kỹ thuật viên, bác sĩ gửi bệnh nhân… quyết định này còn quy định mức thu cả với những dịch vụ của nhà tang lễ, như bãi xe nhà tang lễ phải nộp cho bệnh viện 15 triệu đồng/tháng; quầy bán hoa nhà tang lễ: nộp 5 triệu đồng/tháng và đặc biệt là "quầy bán hàng hóa, quan tài trích tỷ lệ 30% doanh thu của quầy"…
Theo ông Nguyễn Văn Yên, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì trao tự chủ tài chính thì bệnh viện được phép làm. Tuy nhiên, qua thanh tra phát hiện trong việc liên doanh, liên kết các dịch vụ thì tỷ lệ phân chia giữa đối tác và bệnh viện cần xem xét lại để bệnh viện không thiệt hại.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng có nên ăn chia cả từ tiền bán quan tài hay không thì ông Yên cho biết ông đã yêu cầu việc thu, chi của bệnh viện phải tính đúng, tính đủ "nhưng cũng đừng ăn của người chết".
Theo ông Yên, qua công tác thanh tra đã phát hiện tại Bệnh viện Thanh Nhàn tồn tại 2 hệ thống hóa đơn, đó là hóa đơn do ngành tài chính ban hành và hóa đơn do bệnh viện tự... ban hành!
"Bệnh viện báo cáo rằng tiền thu qua hóa đơn tự ban hành cuối tháng vẫn hạch toán và nộp thuế đầy đủ. Lẽ ra để làm việc này, bệnh viện phải có báo cáo bằng văn bản và được đồng ý bằng văn bản. Nhưng bệnh viện trình bày rằng đã báo cáo miệng với cơ quan quản lý và được cho phép và vẫn nộp thuế. Tôi đã chỉ đạo phải dừng ngay việc sử dụng hóa đơn tự in này, tất cả các dịch vụ từ nay phải sử dụng hóa đơn đỏ; đồng thời bộ phận kế toán phải báo cáo xem một tháng tiền thu bằng hóa đơn đỏ là bao nhiêu, thu bằng hóa đơn tự in là bao nhiêu tiền, nộp thuế là bao nhiêu. Trao quyền tự chủ nhưng cố ý làm sai là không được".
Về việc dự trù thuốc không sát thực tế dẫn đến thuốc thì thiếu, thuốc thì thừa rất nhiều, ông Yên khẳng định có tình trạng này. Do việc dự trù thuốc không sát thực tế nên tại bệnh viện, năm 2009 phải bổ sung 7 đợt; năm 2010 bổ sung 5 đợt, 6 tháng của năm 2011 bổ sung 2 đợt. Việc dự trù không sát thực tế là điều khó tránh khỏi nhưng để một số mặt hàng thừa nhiều, có mặt hàng tồn từ năm 2010 đến năm 2012 cần phải chấn chỉnh để dự trù thuốc sát thực tế.
Về tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc không hợp lý, an toàn cho bệnh nhân, ông Yên cho biết xảy ra từ năm 2012. Mỗi năm ở Thanh Nhàn có mấy trăm ngàn bệnh nhân, vì vậy việc lấy toàn bộ hồ sơ bệnh án kiểm tra thì rất cần thời gian.
Ông Yên cho biết khi có thông tin này, ông đã xuống bệnh viện chấn chỉnh ngay lập tức để an toàn, hợp lý. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã yêu cầu cắt thi đua năm 2013 với những người liên quan. Hiện, Sở Y tế yêu cầu Thanh tra tiếp tục làm rõ để có số liệu chính thức. Sở đã có công văn hỏi Trung tâm quốc gia về thông tin thuốc và theo dõi tác dụng không mong muốn, thì trung tâm có ý kiến là tại Công văn số 68 ngày 10/9/2013 là "các tương tác trong báo cáo này xếp ở mức độ trung bình, cần thận trọng và theo dõi khi sử dụng".
Về việc thủ kho bệnh viện làm mất 390 ống Golvaska, sau đó tự ý mua thuốc của công ty không có hợp đồng với bệnh viện, hàng không rõ nguồn gốc để đưa vào bệnh viện là có. Sở Y tế yêu cầu kiểm điểm trách nhiệm những người liên quan.
Về phản ánh không tuân thủ các quy định về đấu thầu thuốc. Theo ông Yên, ông đang yêu cầu Thanh tra làm rõ toàn bộ quy trình đấu thầu thuốc có thực hiện đúng quy định không. Trong quá trình đấu thầu có gì vi phạm không.
Theo ông Yên, việc đấu thầu thuốc là lĩnh vực nhạy cảm. Từ năm 2007 tới nay đã 5 lần thay đổi các quy định. Do đó việc đấu thầu thuốc ở Bệnh viện Thanh Nhàn chưa thật chuẩn, như sau khi mở thầu xong, theo nguyên tắc nhà thầu không được bổ sung hồ sơ dự thầu, trừ trường hợp theo yêu cầu của chủ đầu tư. Luật cho phép chủ đầu tư hỏi thêm những vấn đề liên quan nhưng không ảnh hưởng tới bản chất việc đấu thầu. Nhưng khi bổ sung thì phải lập biên bản. Cái sai của bệnh viện là không lập biên bản. Trách nhiệm thuộc về tổ chuyên gia đấu thầu và giám đốc bệnh viện.
Ông Yên cho biết đang cho kiểm tra lại để làm rõ nội dung tố cáo cùng một mặt hàng Cefuroxim 0,75g, nhưng Công ty cổ phần Thương mại M.D trúng thầu số lượng 5.000 lọ với giá 25.200đ/lọ, trị giá 126 triệu đồng. Nhưng cũng mặt hàng này, một công ty khác là Công ty TNH TM Dược phẩm D.T cũng trúng thầu với số lượng 17.500 lọ nhưng giá 39.500đ/lọ. Điều đáng nói là trong thời gian chờ làm thủ tục phê duyệt kết quả trúng thầu, Bệnh viện Thanh Nhàn có văn bản vay tạm thời thuốc Cefuroxim của Công ty M.D đúng bằng số lượng mà M.D trúng thầu là 5.000 lọ.
Một mặt hàng khác là Ceftriaxon* 1g, Công ty TNHH Dược phẩm T.Đ trúng thầu 19.000 lọ với giá 25.000đ/lọ. Trong khi cũng mặt hàng này, Công ty Phabaco cũng trúng thầu số lượng 5.000 lọ nhưng giá là 23.000đ/lọ. Số lượng mà Phabaco trúng thầu cũng đúng bằng số lượng mà Bệnh viện Thanh Nhàn vay của Phabaco…
Theo ông Yên, ông không "câu giờ" với báo chí, nhưng sau khi Thanh tra Sở đã có báo cáo kết quả thanh tra, ông đã xem xét và đang yêu cầu làm rõ thêm một số nội dung. Vì vậy khi có kết luận chính thức ông sẽ công bố với báo chí