Song Lang – Từ ấn tượng đến giải thưởng quốc tế
- Một âm hưởng hiếm có trong phim Việt
- Cơ hội nào cho phim Việt tại “đấu trường Oscar”
- Nhìn lại lịch sử điện ảnh Việt qua “101 bộ phim Việt Nam hay nhất”
Cơn sốt hiếm hoi
Nếu ai đó vội vã kết luận đội ngũ PR của bộ phim đã góp phần tạo nên sự nổi tiếng đó cho Song Lang thì hoàn toàn sai. Bởi ngay từ đầu, cách tiếp thị về nội dung phim đã khiến nhiều người lầm tưởng về nó, và hẳn không ít người đã không xem phim vì sự lầm tưởng đó.
Bộ phim ban đầu được quảng bá như một tác phẩm điện ảnh với câu chuyện xuyên suốt kể về một “mối tình trai” giữa hai nam diễn viên chính là Linh Phụng (Isaac) và Dũng “thiên lôi” (Liên Bỉnh Phát). Chút tình manh nha có thể có giữa hai chàng trai, nhưng thực sự nếu ở “Song Lang” có một câu chuyện tình thì đó phải là câu chuyện về tình yêu đau đáu khôn nguôi của những người nghệ sĩ với bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc: cải lương.
Có một thực tế rất thú vị là “Song Lang” đã không tạo ra “cơn địa chấn” nào trong những ngày đầu sau khi chính thức ra rạp hôm 17-8. Cơn sốt phim chỉ thực sự tăng nhiệt vào những ngày cuối cùng của đợt chiếu rạp khi những người đã xem truyền tai nhau, mời gọi nhau đi xem, thậm chí có cả những bài cảm nhận chia sẻ nồng nhiệt trên mạng xã hội. Không khí yêu mến “Song Lang” tăng cao tới mức một số cụm rạp đã chủ động kéo dài thêm một tuần chiếu phim này vào cuối tháng 9 để đáp ứng nhu cầu khán giả.
Một số cảnh trong phim “Song Lang”. |
Cũng phải nói thêm là ngay trong “hiện tượng Song Lang”, một số cụm rạp như CGV cũng đã có cách hành xử rất đặc biệt. Họ sẵn sàng dành những phòng chiếu nhỏ chừng 10-15 chỗ ngồi để chiếu “Song Lang” chỉ để phục vụ số lượng “fan cuồng” của bộ phim không hề đông đảo.
Một sự kiện khác cũng có thể coi là hiện tượng chưa từng có tiền lệ trong điện ảnh Việt Nam khi một bộ phim không còn chiếu rạp nữa lại có thể tự hào “loan tin” phát hành phim trên một kênh truyền hình trả tiền và trên một trang web chuyên về hình ảnh. Nó là tín hiệu vui cho điện ảnh, cũng là tín hiệu vui cho một thói quen văn minh: không xem phim lậu nếu anh thực sự yêu mến và ủng hộ bộ phim, đoàn làm phim và lớn hơn là điện ảnh Việt.
Có thể nói đã rất lâu rồi khán giả mới lại được xem một bộ phim gợi nhiều cảm xúc và suy ngẫm đến vậy. Có thể bởi nỗi thất vọng với phim Việt từ lâu quá lớn, tới mức thành định kiến. Nhưng cũng có thể bởi “Song Lang” quá xuất sắc.
Bộ phim đã cho thấy Leon Quang Lê là một đạo diễn thực sự tài năng. Mặc dù một phần nào đó phim tạo được ấn tượng đặc biệt vì nó thực sự là sự dứt ruột của lòng anh. Leon Quang Lê yêu cải lương từ bé và khi phải rời xa quê hương để tới một xứ sở khác, cải lương là ký ức đẹp đẽ nhất, là “chiếc gối êm” để trong những năm tháng chật vật mưu sinh nơi xứ người, vào những khoảnh khắc mệt mỏi, anh có thể “úp mặt” vào đó tìm sự bình yên.
Hai diễn viên chính trong phim “Song Lang”: Isacc (trái) và Liên Bỉnh Phát. |
Đạo diễn đã kết hợp tài tình và khéo léo những kỹ thuật quay phim đặc sắc của phương Tây, song lại vận dụng được cả những ẩn dụ rất tinh tế của văn hóa Á Đông, một khả năng không dễ có ở những đạo diễn Việt kiều còn trẻ như Leon Quang Lê.
Tài năng của đạo diễn còn thể hiện ở hai phương diện rất đặc biệt của bộ phim: Thực thì rất thực, song cái thực lại cũng đầy tính ẩn dụ. Về độ chân thực, rất nhiều người sống ở Sài Gòn những năm 80 thế kỷ trước nhận ra ngay khung cảnh, vật dụng, không khí sống thời ấy qua mỗi thước phim. Đó là logo của hãng máy khâu Sinco đặt trên những tòa nhà cao tầng tập thể, là chiếc đài dò sóng thủ công, là chiếc loa phường phát không ngơi nghỉ, là những khu phố nhỏ hẹp, chằng chịt dây điện và những lối cầu thang xoắn vặn cọt kẹt cửa sắt…
Để có được cái thực ấy, đạo diễn đã chăm chút tới từng tấm áo, manh quần diễn viên, từng kiểu tóc, từng chi tiết nhỏ xuất hiện trong mỗi khuôn hình. Vì sự kỹ càng đó mà góc máy gần như không thể rộng rãi. Thậm chí không ít người còn thấy “bức bối” với những khuôn hình hẹp. Bởi những gì của Sài Gòn xưa đó giờ không còn nhiều. Cảnh đường phố nếu có quay ở góc rộng hơn, cũng chỉ có thể xuất hiện ban đêm.
Nhưng ngay trong những điều rất chân thực ấy là sự ẩn dụ thật sự tinh tế. Cảnh cơn mưa trút xuống rửa sạch những dòng máu chảy ra từ tấm thân đổ gục của Dũng “thiên lôi” là một hình ảnh ẩn dụ sẽ không thể có trong một bộ phim như vậy nếu đạo diễn không phải người thấm rất nhuần văn hóa Á Đông.
Chờ đợi cái không còn là “dứt ruột”
Cũng phải nói thêm là “Song Lang” đã chọn được một câu chuyện kịch bản rất phù hợp để đan lồng với vở cải lương “Mỵ Châu - Trọng Thủy”. Chuyện đời nhân vật và tích tuồng đã hòa quyện, đan xen nhau rất vừa, rất nhuyễn. Sẽ không dễ để đan lồng như vậy với một tích tuồng khác.
Đúng như những gì đạo diễn Leon Quang Lê từng chia sẻ với truyền thông. Bộ phim có một phần câu chuyện của đời anh, của niềm đam mê với cải lương từ bé. Leon Quang Lê viết kịch bản, anh còn soạn cả lời cho một số bài bản cải lương trong phim. Riêng với việc này, có thể khẳng định anh sẽ là đạo diễn “có một không hai” của Việt Nam cho tới nay, và có lẽ cả về sau này, có thể làm điều đó.
Soạn lời đúng (chưa nói chuyện hay) cho các bài bản không đơn giản, anh phải rất nhuyễn các bài bản cổ của đờn ca tài tử, ví như các bản xuất hiện trong phim là “Trường tương tư”, “Lý bông dừa”, “Nặng tình xưa”, “Nam ai” (lớp mái)... Chính đạo diễn tài tử này đã từng chia sẻ trên tài khoản facebook của anh đoạn video ghi lại bài “Trường tương tư” trong “Song Lang” do chính anh thể hiện cùng nhịp song lang gõ rất chuẩn.
Rất nhiều nghệ sĩ cải lương gạo cội, như Hữu Châu, đã bày tỏ lòng cảm kích với đạo diễn vì cái tình quá lớn với cải lương trong “Song Lang”. Có lẽ những năm tháng xa quê hương đã dồn nén tình cảm đo,á chắt lọc và sâu lắng trong anh, trở nên giản dị và chân thành, lan tỏa trong cách kể chuyện phim. Với nhiều người xem, họ không chịu được một cái kết quá bi kịch của “Song Lang”. Họ cũng như Dũng “thiên lôi”, hồ hởi với một chút hy vọng lóe lên “cuối đường hầm”, nhưng rồi lại chưa kịp tìm tới đó.
Cải lương hầu như không có tích, tuồng vui. Và thường thì bi kịch luôn mang ý nghĩa thanh lọc tâm hồn. Với “Song Lang” cũng vậy. Cái chết của Dũng “thiên lôi” là một bi kịch. Nó gần như sự nhức nhối ta từng có ở chi tiết cuối cùng khi Chí Phèo của Nam Cao đau đớn hỏi: “Ai cho tao lương thiện?”. Dũng “thiên lôi” phải trả giá cho những lầm lỗi cuộc đời đã gây ra, ngay cả khi anh đã nhận ra sự tàn bạo, thất đức trong những việc phải làm để sống.
Thêm một chuyện có thể coi là bên lề, là người dịch sách, thi thoảng tôi lại bật cười khi đọc phần phụ đề bằng tiếng Anh. Không phải vì chất lượng chuyển ngữ, mà vì sự bất lực của ngôn ngữ dịch không sao chuyển tải được. Khi “Trọng lang” dịch thành “husband”, khi “Phụ vương” dịch thành “father”, tất cả cảm xúc cổ kính và mỹ miều của cải lương đã “mất sạch”. Nghĩa cốt lõi thì vẫn là vậy, nhưng rõ ràng chẳng thể nào chuyển được vẻ đẹp cảm xúc tuyệt vời của ngôn ngữ nữa. Chuyện này biết từ lâu, nhưng khi “kiểm chứng” từ phim thì thực sự tiếc nuối cho cái “dịch là phản” đó.
“Song Lang” đã thành công, cả trong lòng khán giả lẫn trên đấu trường quốc tế, nhưng nghệ thuật thứ bảy sẽ còn tiếp tục thử thách tài năng của đạo diễn trẻ Leon Quang Lê ở những gì không còn là “dứt ruột” với anh. Dĩ nhiên Leon Quang Lê cũng sẽ phải vượt qua chính mình sau bộ phim này.
Nhưng với một đạo diễn mà khi “Song Lang” chưa xong, anh đã nghiêm cấm mọi thành viên trong ê-kip không tiết lộ, khoe khoang thông tin về phim trên mạng xã hội với lý do “mình chưa làm xong thì có gì mà khoe”, khán giả có lý do để kỳ vọng ở anh trong những bộ phim khác.
Diễn viên Liên Bỉnh Phát được trao giải cá nhân tại LHP Quốc tế Tokyo 2018 với vai Dũng “thiên lôi” trong phim “Song Lang” Ngày 2-11, Liên hoan phim quốc tế Tokyo (TIFF 2018) đã tổ chức lễ trao giải thưởng tôn vinh những bộ phim và diễn viên xuất sắc tham dự LHP lần này. Theo trang web của BTC TIFF 2018, trong lễ trao giải diễn ra tại nhà hát EX Theater Roppongi ở Tokyo, Nhật Bản, phần công bố đầu tiên là xướng tên các diễn viên xuất sắc đoạt giải Tokyo Gemstone Award (Viên ngọc quý Tokyo). Đây là giải thưởng được mở ra từ năm ngoái (2017) để tôn vinh từ 3-5 nam/nữ diễn viên mới xuất hiện và hứa hẹn tài năng mới của điện ảnh Nhật và thế giới. Ban tổ chức LHP đã chọn lựa từ tất cả các diễn viên có phim tham dự TIFF mỗi năm để tìm ra các gương mặt xứng đáng nhất. Đúng như tên gọi, giải thưởng nhằm mục tiêu trao cho các diễn viên “mới nổi” có một cơ hội xuất phát tốt hơn nữa khi ra tới sân chơi lớn hơn, ở tầm châu lục và thế giới. Năm nay, lần đầu tiên dự TIFF, nhưng diễn viên Liên Bỉnh Phát đã vinh dự nhận được giải thưởng này với vai diễn Dũng “thiên lôi” trong phim “Song Lang”, cùng với các diễn viên khác là Mai Kiryu (trong các phim Lying to Mom, The Chrysanthemum and the Guillotine), Karelle Tremblay (trong phim The Fireflies Are Gone) và Nijiro Murakami (trong phim The Gun). Trên sân khấu trao giải, Liên Bỉnh Phát xúc động nói: “Nhờ có “Song Lang” mà tôi được ở trên sân khấu này… Từ đáy lòng mình, tôi biết ơn bộ phim”. |