Sự “cải chính” thú vị về những giai thoại văn chương độc đáo

Thứ Năm, 15/06/2017, 13:34
Đây là cuốn sách thứ 22 của nhà thơ, nhà báo Phạm Khải. Đọc cuốn sách, chúng ta không chỉ được thưởng thức một lối viết "tung tẩy, rất hoạt bút" (như nhận xét của nhà văn Ma Văn Kháng) mà còn được sống lại đời sống văn chương phong phú, nhiều màu sắc thông qua những câu chuyện rất đỗi thú vị, từng được lưu truyền rộng rãi trong giới văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà.

Không chỉ đơn thuần là việc cất công tuyển lựa, biên soạn các giai thoại văn học tản mát đây đó thành một bộ "hợp tuyển" đặc sắc, ở cuốn sách này, nhà thơ Phạm Khải còn cất công tìm gặp, hỏi chuyện - hoặc chính các nhân vật được nêu trong giai thoại, hoặc người thân của họ (trong trường hợp các nhân vật nói trên đã mất), hoặc những người biết chuyện và có "liên quan", cốt để tìm ra "đáp án chính xác" nhằm khẳng định tính xác thực của những giai thoại nói trên. Từ đâu Phạm Khải lại tự đặt ra cho mình một cách làm chưa có tiền lệ như vậy?

Nhà thơ, nhà báo Phạm Khải.

Phạm Khải tâm sự, với vốn văn học sử được "thu nạp" từ mấy chục năm nay của một nhà văn, cộng với cách lập luận, suy xét vấn đề chặt chẽ, logic của người làm báo, ngay từ lần đầu "tiếp xúc" với những giai thoại kể trên, anh đã thấy "ngờ ngợ" về độ xác thực. Và khi bắt tay "vào việc", anh giật mình được biết, hầu như tất cả các giai thoại mà mình cất công tìm hiểu đều ít nhiều sai lệch. Thậm chí, có nhiều giai thoại, sự sai lệch là rất nghiêm trọng, từng nhận sự phản ứng dữ dội của nhân vật.

Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa - theo Phạm Khải chia sẻ: "Dù sai lệch vậy, song lạ thay những giai thoại ấy vẫn công nhiên được lưu truyền, được in đi in lại ở hết cuốn sách này tới cuốn sách khác. Điều này cho thấy, nhu cầu thưởng thức chuyện vui của độc giả là rất lớn. Và vì "hấp dẫn" nên dù có hạn chế này khác, các giai thoại trên vẫn có đời sống riêng. Chính từ suy nghĩ đó mà tôi tìm hướng đi mới trong việc giải quyết vấn đề này. Tôi kể lại, hoặc cho in lại nội dung cốt lõi của giai thoại như nó đang được lưu truyền, kèm nội dung có tính cải chính (hoặc bổ sung) bên cạnh. Như vậy, đến với cuốn sách, bạn đọc vừa được thưởng thức giai thoại như nó vốn có, đồng thời lại có thể điều chỉnh nhận thức của mình về giai thoại từng bị thêu dệt".

Quan điểm nói trên của nhà thơ Phạm Khải đã thể hiện rõ ở tên gọi của cuốn sách. Nghĩa là, sau khi tiếp xúc với phần "giai thoại", bạn đọc sẽ được đưa dẫn tới phần "đời thực", mà ở phần này, có thể họ còn được tiếp xúc với những sự thật không chỉ "rất khác" với giai thoại mà lắm khi còn vui và thú vị hơn giai thoại nữa.

Trả lời câu hỏi, trong số 29 giai thoại được đề cập, giai thoại nào tác giả cảm thấy thú vị nhất khi đi tìm "đời thực" cho nó, Phạm Khải cho biết: Chuyện thú vị thì nhiều, song anh ấn tượng nhất là khi thực hiện chùm bài viết liên quan tới các nhà văn: Tô Hoài, Nguyễn Công Hoan, Huy Cận, Kim Lân, Vũ Bão...

Không phải chỉ vì đây là những "cây đa cây đề" trong văn giới (cuốn sách có nhiều cây đa cây đề như thế) mà cái chính là các nhân chứng anh tìm gặp đều đã có tuổi, hoặc có hoàn cảnh đặc biệt, nếu không "nhanh chân", lỡ họ ra người thiên cổ thì khó có cơ hội tìm được "đáp số". Sự thật thì các nhà văn nói trên đều đã mất. Nhắc tới điều này để càng thấy ý nghĩa của cuốn sách.

Trở lại với bài viết "cải chính" những điều không chính xác về nhà văn Nguyễn Công Hoan. Đọc mẩu giai thoại về ông (in trong cuốn sách do NXB Văn hóa dân tộc ấn hành), Phạm Khải thắc mắc: Không hiểu tại sao một nhà văn cỡ như Nguyễn Công Hoan (từng là Chủ tịch Hội Nhà văn) chết rồi mà vẫn còn... khổ đến vậy. Thành viên ban tang lễ phải nói gần như "dọa", ban quản lý nghĩa trang Văn Điển mới chịu điều xe lên chở thi hài nhà văn đi an táng.

Chưa hết, khi thi hài nhà văn được đưa đến trước huyệt mộ, họ lại giở giói vặn hỏi mức lương của ông và giãy nảy như đỉa phải vôi khi phát hiện ra mức lương ấy "còn thiếu năm đồng mới được chôn ở khu A".

Cực chẳng đã, "Hội Nhà văn phải cho người về làm quyết định tăng cho Nguyễn Công Hoan một bậc lương mới đúng thủ tục". Vì cụ Hoan mất đã lâu, Phạm Khải quyết định tìm gặp, hỏi chuyện ông Nguyễn Tài, con trai nhà văn (ông Tài đã mất năm 2016). Ông Nguyễn Tài nguyên là Thứ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an).

Đúng như Phạm Khải dự đoán, đọc xong mẩu giai thoại mà Phạm Khải cung cấp, ông Nguyễn Tài phản ứng ngay bằng một khẩu khí rất hợp với phong cách "nhà binh": "Tôi đề nghị người viết phải cải chính và xin lỗi gia đình công khai trên báo". Về việc thoạt đầu ban quản lý nghĩa trang Văn Điển không chịu điều xe đến "đón" thi hài cụ Hoan, ông Nguyễn Tài khẳng định "Người viết rất dốt về lịch sử", vì rằng "Từ khi thành lập, nghĩa trang này chưa bao giờ có dịch vụ xe tang".

Bìa cuốn “Giai thoại và đời thực”.

Chuyện cán bộ Hội Nhà văn phải chạy về ký tăng lương cho nhà văn quá cố để ông được chôn khu A, theo ông Nguyễn Tài là rất không chính xác: "Ông Hoan từng làm Chủ tịch Hội Nhà văn, làm sao không đủ tiêu chuẩn? Cha tôi mất ở Bệnh viện Việt - Xô (nay là Bệnh viện Hữu nghị). Bấy giờ chưa có điều hòa, bệnh viện phải bảo quản xác cha tôi bằng đá cây; tới ba, bốn hôm mới đưa đám. Như vậy, Hội Nhà văn phải liên hệ với nghĩa trang từ trước khi chôn chứ... Làm gì có chuyện đến đó còn tranh cãi có được chôn hay không. Rồi chuyện cán bộ Hội chạy về ký tăng lương. Hội Nhà văn không làm chuyện trẻ con đó đâu".

Không chỉ "đính chính" lại những chi tiết chưa chính xác, thông qua bài viết, nhà thơ Phạm Khải còn giúp bạn đọc biết thêm một số thông tin mới về nhà văn quá cố (như chi tiết thi hài ông được bảo quản bằng đá cây - điều mà các bạn trẻ thời nay rất khó hình dung), rồi chuyện hiện di cốt nhà văn đã được chuyển từ nghĩa trang Văn Điển về nghĩa trang quê nhà; nằm bên người thân "một dãy bên nhau rất tình cảm".

Về giai thoại nhà văn Tô Hoài "cậy" mình giữ vị trí Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn, đã "giành giật" được cho mình 105 suất đi nước ngoài, trong khi cả Hội Nhà văn bấy giờ "hằng năm chỉ có dăm, bảy suất...", trong buổi tiếp chuyện Phạm Khải, nhà văn Tô Hoài đã phản bác lại thông tin trên một cách rất... điềm tĩnh, rằng việc ông xuất ngoại "nhiều thì nhiều thật chứ còn xa mới tới...105 lần", và việc "đi đứng" này không phải ông muốn đi là được.

Tô Hoài cho biết, sở dĩ ông được đi nhiều là vì thời bấy giờ, ông giữ cương vị lãnh đạo của nhiều tổ chức đoàn thể. Việc ông "xuất ngoại" đa phần đều liên quan đến những chức danh này, và ông không đi thì cũng "không ai có thể đi thay" được. Còn việc ông xuất ngoại theo suất của Hội Nhà văn thật ra không nhiều.

Về cái ý mà tác giả mẩu giai thoại đưa ra, rằng thì "trong những năm Mỹ đánh Hà Nội, Tô Hoài thường tìm cách... chuồn lên rừng", Tô Hoài cũng phản bác lại một cách... ôn tồn: "Cũng chẳng hiểu sao "nó" lại viết như vậy. Năm 1972, Mỹ đánh bom Hà Nội, tôi còn đèo chai câu liên (bình chữa cháy) cùng dân phòng xuống Khâm Thiên để dập lửa kia mà". Cách bình luận của ông về thông tin ác ý trên cũng nhẹ nhàng, dí dỏm: "Mỹ nó đánh bom nhiều nơi. May sống, rủi chết, ai biết được thế nào mà tránh. Như cái đợt tôi lên Hà Giang, dọc đường Mỹ ném bom, hút chết".

"Giai thoại và đời thực" đã giúp chúng ta bớt "định kiến" và cảm thương hơn với một số nhân vật mà vì sự vui đùa dễ dãi của người đời, chân dung của họ đã bị bóp méo đến "dị dạng". Đó là trường hợp nhà thơ Huy Cận, người bị quy là "rất ki kiệt" trong giai thoại dưới đây: "Sau một chuyến đi công tác nước ngoài, Huy Cận cho gọi người lái xe của mình tới để tặng... quà. Ông hỏi một cách hồ hởi: "Cậu có bật lửa chưa?". Bác "tài" mặc dù cũng chẳng hào hứng lắm với món quà "mọn" này, song lại nghĩ "có còn hơn không" nên đành tặc lưỡi trả lời là "chưa". Tức thì Huy Cận phẩy tay: Ồ, tưởng cậu có bật lửa rồi thì tớ cho cậu mấy... viên đá lửa. Không có thì thôi vậy".

Tôi tin, với bạn đọc ngày nay, đọc mẩu giai thoại trên, ngoài việc bật cười một cách cơ học, hẳn ai nấy đều khó chịu với cách hành xử... ki kiệt của tác giả "Lửa thiêng".

Song, đọc bài viết của Phạm Khải, chắc chắn nhiều người sẽ phải thay đổi định kiến của mình. Trước tiên, hãy nghe người con trai của nhà thơ nói về việc này: "Bố tôi khi đi nước ngoài thường hay mua những thứ quà con con, như kim băng, đá lửa, hoặc cao hơn một chút là cái bấm móng tay. Khi mua, ông mua cả tá, để gặp ai mà ông quý là ông tặng, ông cho. Thời ấy, ở nông thôn sơ tán, ai đó có bật lửa, được ông cho viên đá lửa mà không quý à?".

Theo cách nhìn nhận của anh này, bố anh không phải người keo kiệt: "Như ở câu chuyện quà cáp nói trên, suy cho cùng, ông chẳng có nghĩa vụ gì phải cho ai cả. Ông thích thì ông cho, thế thôi. Sao lại đặt vấn đề keo kiệt ở đây".

Trước lý lẽ trên, có thể có người chia sẻ, hoặc không. Song câu chuyện dưới đây (cũng do anh con trai nhà thơ kể) hẳn ai nấy đều phải suy nghĩ lại và không thể không trân trọng một nhân cách nhà văn: "Bố tôi là một cán bộ có thể nói là rất liêm khiết, trước sau có nào sống thế. Nếu trước đây cụ còn sống, anh đến nhà tôi sẽ thấy đồ đạc chẳng có gì đáng giá đâu. Ở cụ, không hề có khái niệm sắm sanh. Đi họp Hội đồng UNESCO, cụ được hai quý bà người châu Âu mua tặng một chiếc áo lông thú rất đẹp. Cụ không nhận. Về nhà, cụ lấy áo của người bạn quá cố Xuân Diệu ra mặc, dù chiếc áo này đã bợt bả vai".

Tương tự trường hợp Huy Cận là trường hợp nhà văn Phan Tứ. Sinh thời, ông từng bị xem là người rất "chi li". Tuy nhiên, "chi li"  thì chi li vậy, song theo lời kể của ông Trần Thế Tuấn (người biên tập cuốn tiểu thuyết "Mẫn và tôi" của Phan Tứ ở NXB Thanh niên) thì đợt đi dự Hội nghị Nhà văn Á - Phi, Phan Tứ là trưởng đoàn.

Tiền phía bạn phát cho, ông cất trong túi ngực và khâu lại, không chiêu đãi ai trong đoàn. Nhưng về nước thì ông ủng hộ toàn bộ số tiền cho Hội Nhà văn. Kết thúc câu chuyện, ông Trần Thế Tuấn bình luận: "Cá tính con người nhiều khi có những điểm trái khoáy vậy, không phải ai cũng hiểu hết được".

Không chỉ là chuyện vui, "Giai thoại và đời thực" còn có nhiều chi tiết xúc động, mang tới cho người đọc nhiều suy ngẫm về cách ứng xử, về tình đời, tình người. Xoay quanh mẩu giai thoại liên quan tới "lão Am" (nhân vật trong tiểu thuyết "Cái sân gạch" của nhà văn Đào Vũ; trích đoạn "Con trâu nhà lão Am" từng được đưa vào sách giáo khoa một thời nhằm minh họa cho đầu óc thủ cựu, nặng về tư hữu của người nông dân), Phạm Khải đã cất công tìm gặp, hỏi chuyện con trai của "lão Am" (có nguyên mẫu thật ngoài đời).

Qua lời kể của con trai "lão Am", bạn đọc xúc động biết được rằng: "Lão Am" (ngoài đời) không phải là người tự tư tự lợi như sách đã viết.

Việc "lão" không muốn đem trâu của mình tập trung vào hợp tác xã không phải vì "lão" so đo hơn thiệt mà vì "lão" thương trâu, sợ trâu của mình không được "người ta" chăm sóc đúng kiểu: "Sự thật thì sau này, khi con trâu nhà tôi được đưa vào công hữu hóa, người ta đã sử dụng nó một cách vô tội vạ. Ngoài việc đi cày, nó còn phải kéo xe chở nguyên vật liệu xây dựng, kéo máy ép mía. Rốt cục nó đã gục chết vì kiệt sức. May mà khi ấy cụ tôi đã mất, chứ nếu cụ tôi mà biết, hẳn cụ đau lòng lắm...".

Nhà thơ Phạm Khải chia sẻ, khi thực hiện các cuộc phỏng vấn, anh không chỉ chú ý tới cái cốt của câu chuyện, mà còn cố gắng giữ được sắc thái ngôn ngữ của người đối thoại. Vì thế, chuyện đã thú vị càng thêm thú vị. Một điều nữa không thể không nói, là cái tâm của người viết. Cái tâm ấy thể hiện rõ ở cách nhìn nhận, đánh giá vấn đề, con người, sự việc. 

Ngay cả khi viết về những ứng xử có phần "lập dị"; lối sinh hoạt có vẻ "nhếch nhác" của một số văn nhân thi sĩ thì xuyên suốt vẫn là cái nhìn ấm áp, hồn hậu của tác giả. Rất nhiều nhân vật đã hiện lên trong cuốn sách của Phạm Khải, từ Xuân Diệu, Hoài Thanh, Nguyễn Tuân, Huy Cận, Nguyễn Công Hoan, Tô Hoài, Kim Lân, Hoàng Trung Thông, Trinh Đường, Vũ Bão, Phan Tứ, Đào Vũ, Bàng Sỹ Nguyên... đến Xuân Quỳnh, Lê Lựu, Vũ Quần Phương, Bằng Việt, Quang Huy, Tô Hà, Thạch Quỳ, Trần Đăng Khoa, Lê Thị Mây ...vv và vv... Và dù những câu chuyện được khai thác từ góc độ nào thì kết cục nó vẫn khiến bạn đọc thêm yêu mến, cảm thông và chia sẻ với nhân vật.

Đây cũng là một thành công nữa của tác phẩm.

Thu Phương
.
.