Sự “sụp đổ” của làng báo Anh ngạo nghễ một thời

Thứ Bảy, 08/07/2017, 10:20
Phố Hạm đội (Fleet Street) tọa lạc giữa kinh thành London hoa lệ, từ lâu đã không còn vinh hạnh như là "căn cứ địa" của làng báo Anh ngạo nghễ một thời nữa. Hơn 3 thập niên qua, con phố chính của khu trung tâm London City này đã "rơi rụng và mai một dần" các ấn phẩm hàng đầu - từng góp phần đặt nền móng cho sự ra đời và phát triển của kỹ nghệ báo viết và in ấn toàn cầu.

Fleet Street từng được mệnh danh là "Đường phố của mực in và giấy báo" với hương vị London đặc trưng. Phố xá luôn sôi động náo nhiệt cùng các chủ nhân ông là giới luật pháp, xuất bản, nhà băng và vượt lên trên hết là giới ký giả - với "cái mũi dài" thò vào mọi chuyện trên đời; cũng như giới lao động lem lấm mực in giữa các ông chủ hùng mạnh về tiềm lực tài chính và tín dụng làm báo… Nhưng mọi chuyện đã lui vào dĩ vãng, cho dù người ta cố níu kéo một phần để Fleet Street huyền thoại vẫn tồn tại.

John Walter III - "cha đẻ""của kỹ nghệ làm báo liên hoàn.

Tọa lạc ngay lối vào khu trung tâm London City nổi danh, tiếp nối với con phố  Strand đầy dấu ấn, Fleet Street viền quanh theo dòng Thames thơ mộng bên dưới. Nhiều trường phái kiến trúc đa dạng san sát bởi những tòa nhà rộng hẹp khác nhau, sự nhộn nhịp triền miên nơi đây khiến người ta nhớ đến những con phố lừng lẫy thời Trung cổ. Chen vai sát cánh với các tòa án và giáo đường, là các nhà xuất bản và hiệu sách liên kết tạo nên trục phố Hạm đội ngay từ dạo thế kỷ XVI. Và lẽ đương nhiên là các tòa báo, với tờ nhật báo đầu tiên Daily Courant chỉ có một trang duy nhất đã xuất phát từ đây vào năm 1702, ngay sau khi Fleet Street hình thành.

Thời hoàng kim của Fleet Strett dạo giữa thế kỷ trước.

Sự hưng thịnh thực sự bắt đầu từ cuối thế kỷ XVIII, với việc xuất hiện tờ Daily Universal Register dạo đầu năm 1785, sau đổi tên thành tờ The Times gạo cội. Rồi sự "bùng nổ" vào giữa thế kỷ sau kể từ năm 1855), khi ngành hỏa xa và giới truyền thông Anh hợp nhất lại trong việc phổ biến phân phát thông tin, thỏa mãn nhu cầu độc giả ở mọi nơi. "Lơ lửng" đâu đó giữa giới lập pháp (Hoàng gia, Giáo hội và Nghị viện) và giới thương mại (các ngân hàng và nhà buôn ở London City), số phận của Fleet Street thật ra là lịch sử quây quần của việc kiến tạo một hệ "ống thông tin".

Giới chủ các tờ báo tỉnh lẻ hàng đầu thường không thỏa mãn với cung cách làm việc của các dịch vụ thông tin, khi ấy hầu như nằm trong tay tư nhân nên họ đã tự liên kết lại trong các hiệp hội riêng, khiến người ta buộc phải hứa cung cấp đầy đủ mọi thông tin cho họ, qua "hệ ống" nối từ giới nhà băng Anh ở phía đông London, cũng là nơi đóng trụ sở của Hãng thông tấn Reuters lão luyện, đi ngang tòa nhà mới của bưu điện trung ương tới Điện Westminter (trụ sở Quốc hội) ở phía tây thủ đô.

Còn Hãng Press Association tọa lạc tại tòa nhà Win Office Corte ngay giữa Fleet Street. Tuy "hệ ống" mà người ta đề cập tới không được lắp đặt, nhưng mọi tin tức đã bắt đầu chuyển động qua trung tâm thông tấn này. Cả khu phố Hạm đội và các ngõ ngách xung quanh bắt đầu biến thành trụ sở của các cơ quan thông tin, cùng lực lượng nhân viên liên quan đến công tác truyền thông thiết yếu. Các đầu báo nổi tiếng nhất tự xây lấy trụ sở của mình, những tờ báo khác thì thuê lại một phần các tòa nhà văn phòng, rồi trưng bảng hiệu tên của báo mình lên để không bị độc giả "vô tình" bỏ qua.

Tòa nhà chuyên dụng cho việc ra báo đầu tiên là của tờ nhật báo The Times. Ngay từ năm 1870 ông John Walter III (1818-1894), viên chủ bút của ấn phẩm nổi danh này đã bắt đầu lưu tâm tới việc sản xuất các cỗ máy chuyên dụng cho việc in báo.

Ông tự thiết kế và cho xây trên phố Queen Victoria một công xưởng tọa lạc trong một cao ốc, với các tầng bên trên dành cho Ban biên tập, hoạt động quảng cáo, cũng như giới lãnh đạo tòa báo. Tòa nhà Times hoàn thành trong năm 1872 có gắn chiếc đồng hồ lớn bên ngoài, với mục đích giúp khách bộ hành biết được giờ giấc, đồng thời cũng quảng bá luôn tên báo cho ai đó mỗi khi xem giờ. Kinh nghiệm quý giá này được hầu hết các tòa báo khác noi theo.

Trong thập niên kế tiếp, vào năm 1882 tờ The Daily Telegraph đã gây được sự chú ý lớn, khi Thái tử xứ Wales và giới thượng lưu London được mời tới dự lễ khánh thành trụ sở mới. Họ cũng được nghe giới thiệu lần đầu tiên về quá trình của các công đoạn nhằm cho ra một nhật báo khép kín. Người ta cũng dành các phòng đặc biệt để cho độc giả đến đề nghị những điều cần thiết với bổn báo, cũng như trả lời các thắc mắc hay tra cứu thông tin. Đây là một sự kiện rất gây ấn tượng hồi đó, nôm na là tòa báo đã trở thành một chốn công cộng hữu ích cho mọi người.

Nhật báo 1 trang đầu tiên xuất hiện tại phố Hạm đội.

Sự kiện kế tiếp là việc xuất hiện "Đế chế thông tin và ấn loát" của Alfred Harmsworth (1865-1922), chủ sở hữu của 2 tờ nhật báo bán chạy là Daily Mail và Daily Mirror, cũng là người trong năm 1896 đã đưa ấn bản thường kỳ hàng ngày của The Daily Telegraph lên 200.000 số, mở đường cho kỹ nghệ in báo kiếm lời.

Tới giai đoạn khủng hoảng năng lượng đầu thập niên 70 thế kỷ trước, đã khiến nhiều tòa báo… lung lay. The Times là người chiếm lĩnh Fleet Street đầu tiên và cũng chính là kẻ thoái lui trước nhất. Sau những thâm thủng tài chính triền miên, tới đầu năm 1986 The Times quyết định rời trụ sở khỏi làng báo trên phố Hạm đội, để chuyển tới một khu ngoại ô phía bắc London có giá đất rẻ hơn.

Bước sang năm 1987 tới lượt The Daily Telegraph xây dựng các cơ sở mới của mình bên ngoài thủ đô Anh. Nối gót trong các thập niên kế tiếp là The Observer, The Sunday Times cùng nhiều tờ báo nổi tiếng khác… Sự "triệt thoái ồ ạt" này là một bằng chứng hiển nhiên về sự suy sụp sâu sắc nhất của làng báo Anh - từng "bá chủ thế giới" suốt 5 thế kỷ qua.

Xuân Hiếu (theo Le Monde)
.
.