TP HCM: Gian nan an toàn giao thông thủy

Thứ Ba, 08/12/2015, 18:20
Đã có nhiều vụ chìm tàu, phà do cháy nổ xuất phát từ sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông cộng với thiếu tinh thần trách nhiệm của người điều khiển phương tiện gây ra. Chúng tôi đã có một ngày trên các tuyến phà trọng điểm của TP HCM để cảm nhận những nguy hiểm đang rình rập nơi đây.

1. Còn nhớ sự việc hồi cuối năm ngoái, do trời mưa to kèm giông gió lớn, một nhịp cầu dẫn xuống phà phía bờ Nhơn Trạch, Đồng Nai của phà Cát Lái bị sóng đánh bung khỏi gối trụ cầu hơn 1m. Cầu dẫn này là lối đi duy nhất để hành khách lên xuống phà nên mọi hoạt động của bến phà Cát Lái phải tạm ngưng để khắc phục sự cố.

Việc ngưng hoạt động của phà vào đúng giờ cao điểm khiến hàng ngàn người bị kẹt cứng. Xe ôtô phải di chuyển lên đường cao tốc Long Thành - Dầu Dây ra Quốc lộ 51 để sang Nhơn Trạch, còn xe máy phải vòng ra Quốc lộ 1 xuôi ngã tư Vũng Tàu vào Quốc lộ 51. Khoảng 1 tiếng sau, Ban quản lý đã khắc phục tạm thời bằng cách phối hợp với Công an ở hai bên đầu phà giữ xe qua đêm và chuyên chở hành khách miễn phí nếu có nhu cầu…

Nhiều hành khách không chấp hành quy định phải ra khỏi xe khi lên phà.

Một ngày phà Cát Lái chuyên chở 30 ngàn lượt hành khách, ngày Chủ nhật lên tới 35 - 40 ngàn lượt người. Còn với phà Bình Khánh, tuyến giao thông duy nhất của người dân huyện đảo Cần Giờ qua phía huyện Nhà Bè và các quận nội thành TP HCM, nếu có gì bất trắc xảy ra sinh hoạt của người dân trên huyện đảo chắc sẽ bị đảo lộn. Nói vậy để thấy việc đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến phà trên quan trọng nhường nào.

2. Việc đảm bảo an toàn giao thông trên phà cho hành khách phải được đặt lên hàng đầu. Chỉ cần một sơ sẩy nhỏ gây ra cháy nổ, chìm phà thì hậu quả khó lường. Những tấm biển nội quy như: Cấm hút thuốc; Cấm tụ tập buôn bán… trên những chiếc phà của hai tuyến Cát Lái - Nhơn Trạch, Nhà Bè - Cần Giờ chẳng phải là quá khó để nhận biết. Nhưng cấm thì cứ cấm, dưới biển cấm đổ rác thì rác chất đống, dưới biển cấm tiểu tiện thì nhiều người vẫn vô tư…

Trên phà Cát Lái, chúng tôi chứng kiến nhiều người vẫn hút thuốc ở khu vực không cho phép, kể cả nhân viên trên phà, mặc dù biển cấm được gắn khắp nơi. Nội quy của phà còn yêu cầu hành khách trên xe ôtô khi lên phà phải xuống xe, trừ tài xế, người già và người tàn tật, nhưng rất nhiều người không chấp hành.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc phà Cát Lái.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc phà Cát Lái cho biết, với hành khách đi phà hay các phương tiện giao thông công cộng hiện nay thì việc thực hiện chế tài rất khó? Mặc dù được nhắc nhở liên tục, nhất là trong những giờ cao điểm, nhưng nhiều hành khách không chấp hành, họ viện ra đủ lý do để biện minh cho hành vi vi phạm nội quy của mình. Nhiều khi nhân viên điều hành nhắc nhở trực tiếp, họ còn sửng cồ, gây sự, đe dọa…

Để tránh rắc rối, đảm bảo an toàn cho các hành khách khác khi đang lênh đênh giữa dòng, nhân viên của phà chỉ còn biết nín nhịn để phà cập bến… rồi sẽ tính?! Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại. Có trường hợp nhắc nhở khách thì quay sang lại thấy nhân viên phà hút thuốc. Mình ra quy định cấm mà mình còn vi phạm thì cấm được ai? Ông Nguyễn Thanh Tuấn thừa nhận quả thực cũng có một vài nhân viên hút thuốc khi đang điều hành phà và cho biết cũng có các biện pháp chế tài xử phạt bằng cách phạt tiền nếu vi phạm lần đầu, nếu còn tái diễn sẽ có biện pháp kỷ luật nặng hơn?

Phà Cát Lái một năm chuyên chở khoảng 18 triệu lượt hành khách. Một nhân viên làm việc ở đây được 5 năm cho biết, hành khách thì đông nhân viên lại ít, việc xảy ra chen lấn là không tránh khỏi. Nhiều người vì muốn qua nhanh cho kịp giờ làm, giờ học nên bất chấp cảnh báo của nhân viên điều hành nên có trường hợp đã lao xe thẳng xuống… sông.

Còn như ở phà Bình Khánh, từ đầu năm đến nay cũng đã  xảy ra 2 trường hợp rớt xuống sông. Một trường hợp do bế tắc trong cuộc sống nên chọn lên phà để… quyên sinh. Trường hợp còn lại khi lên phà vô tình làm rơi đồ, tiếc của nên đã… nhảy theo. Rất may cả hai trường hợp đều được cứu hộ kịp thời.

3.Cứu hộ cứu nạn là vấn đề đặc biệt quan tâm của đội ngũ Ban quản lý phà Cát Lái và Bình Khánh. Việc Ban quản lý phà thường xuyên phối hợp với lực lượng phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn của các quận, huyện hai bên bờ, mở các lớp tập huấn bơi lội, cứu hộ cho nhân viên đã đảm bảo an toàn nhất định cho những chuyến hành trình.

Bến phà Cát Lái nằm kề Tân Cảng, còn có nhiều phương tiện giao thông thủy khác. An toàn của các chuyến phà không chỉ là đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cháy nổ… mà còn phải thông luồng cho các chuyến tàu bè qua lại trên sông và các chuyến tàu chở hàng vào ra Tân Cảng. Lực lượng Cảnh sát đường thủy đã phối hợp tốt với lực lượng điều hành phà, cảng để đảm bảo giao thông thông suốt trên tuyến giao thông thủy phức tạp này. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông hai bên bờ phà, lực lượng phòng cháy chữa cháy, thanh tra giao thông cũng thường xuyên kiểm tra, hỗ trợ, vì vậy những vụ việc đáng tiếc đã được giảm thiểu.

Phòng chống tai nạn, an toàn cháy nổ  trên các phương tiện giao thông công cộng không bao giờ thừa. Mỗi người tham gia giao thông nên có ý thức, tinh thần trách nhiệm với chính mình và với cộng đồng để hạn chế thiệt hại không mong muốn xảy ra.

Bùi Đức Hà
.
.